Hành trình đi tìm \'Con ma cà rồng đầu tiên\' - Kỳ 1: Ma cà rồng trong lịch sử nhân loại
Có thể một số bạn đọc khi nhìn qua tiêu đề sẽ liên tưởng đến các phần phim Chạng Vạng với anh chàng Edward Cullen có làn da lấp lánh dưới ánh nắng được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, nhưng xin thưa là không, ma cà rồng nguyên bản trong truyền thuyết hoàn toàn không phải "bánh bèo" như vậy.
Qua chủ đề dài kỳ về ma cà rồng này Lost Bird sẽ kể cho các bạn nghe một trong những câu chuyện hay ho nhất về loài quỷ hút máu, thậm chí có thể dựng thành phim lâm li bi đát hơn Chạng Vạng rất nhiều.
Thế nhưng, trước hết chúng ta cần định nghĩa lại ma cà rồng nguyên bản là gì và chúng đã được nhắc đến ở đâu, vào thời gian nào trong lịch sử nhân loại.
Ma cà rồng có thực sự tồn tại?
Đa số chúng ta biết đến ma cà rồng (vampire - hay quỷ hút máu) thông qua phim ảnh, tiểu thuyết, trò chơi điện tử... nói chung là văn hóa đại chúng với nhiều chi tiết thêm thắt, thêu dệt để khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn với người xem. Sau khi thưởng thức những tác phẩm này xong, người hâm mộ mới bắt đầu tìm hiểu và đặt câu hỏi: "Liệu ma cà rồng có thật hay không?"
Tương tự với những nhân vật trong truyền thuyết và thần thoại khác, chúng ta chưa đủ bằng chứng khẳng định mà rồng có thật, nhưng với những gì tìm hiểu được, thông qua những dấu vết còn sót lại, cũng không thể phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của chúng. Đây quả là một vấn đề muôn thuở.
Có rất nhiều loài sinh vật tưởng chừng như không có thật, hoặc đã tuyệt chủng lại được các nhà khoa học tìm thấy. Ví dụ như truyền thuyết về thủy quái Kraken trong thần thoại Bắc Âu cứ ngỡ như là hư cấu. Thế nhưng khi phát hiện được loài mực khổng lồ với mô tả hình dạng khớp với Kraken thì chúng ta biết rõ được người xưa vốn không hề nói ngoa.
Lại nhắc đến ma cà rồng, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều phiên bản về loài quỷ dữ này trong mọi nền văn hóa khác nhau xuyên suốt lịch sử loài người, từ vùng Lưỡng Hà cho tới Romania và Hy Lạp cổ đại, kể cả khi những nền văn hóa này hoàn toàn phát triển độc lập và không có giao thoa với nhau đi chăng nữa. Chúng có thể có vài sự khác biệt tùy vào mô tả của từng tộc người khác nhau, trong các thời điểm khác nhau, thế nhưng hầu hết đều mang một điểm chung: ma cà rồng hút máu để sống.
Thế nên việc đặt câu hỏi "liệu một sinh vật tương tự như mà cà rồng đã từng tồn tại?" vốn là một câu hỏi mang tính khoa học và không hề có yếu tố mê tín dị đoan ở đây. Nhiều người có thể cho rằng câu hỏi này thật ngớ ngẩn, thực ra bản chất của nó cũng như hỏi: "Chúa có thật hay không?" vậy. Cả hai đều không có một bằng chứng xác thực tai nghe mắt thấy để có một câu trả lời chính xác 100%, nhưng lại có quá đủ chứng cứ để không thể phủ nhận.
"Không thấy" (hoặc "chưa thấy") không đồng nghĩa với "không có thật", nếu ma cà rồng không có thật, vậy tại sao lại có rất nhiều bằng chứng về những cuộc đụng độ, những ghi chép, văn tự cổ... được tìm thấy trong hàng ngàn năm qua?
Chúng ta có lý do để nghi ngờ về sự tồn tại của ma cà rồng thông qua những bằng chứng có hệ thống như vậy, rõ ràng nó không thể đơn giản chỉ là hư cấu. Bởi thế, không phải tự nhiên mà người ta lập ra những ngành học như thần học (Theology), ma quỷ học (Demonology), thiên thần học (Angelology), siêu linh động vật học (Cryptozoology).
Nên nhớ, với những gì chúng ta biết được về ma cà rồng thì có thể không một ai từng gặp chúng (hoặc vô tình phát hiện ra sự tồn tại của chúng) mà có thể toàn mạng để kể lại câu chuyện. Không những thích hút máu người, ma cà rồng còn là những sinh vật quyền năng, chúng có một nguyên tắc bất di bất dịch là tồn tại trong bí mật. Mọi thứ sẽ chỉ trở nên khó khăn hơn cho chúng nếu bị nhân loại phát hiện.
Ma cà rồng có thể tồn tại, có thể không, thế nhưng nếu bạn tin vào tâm linh, tin vào Chúa, tức là cũng tin vào thiên thần hoặc ác quỷ chẳng hạn. Vậy thì không có lý do gì để không tin vào ma cà rồng. Thế nhưng, cũng như khi tìm hiểu về ác quỷ trong tôn giáo, cách tốt nhất để chúng ta tiếp cận chúng là suy luận, diễn giải đưa ra câu trả lời hợp lý dựa trên những tư liệu có sẵn. Và đặc biệt cần lưu ý là không nên cố đến gần chúng dưới mọi hình thức.
Nếu bạn nghi ngờ và có bằng chứng rằng 1 ai đó là ma cà rồng, lời khuyên của Lost Bird là hãy giữ im lặng và tránh xa kẻ đó, càng xa càng tốt.
Ma cà rồng trong lịch sử nhân loại
Theo nghiên cứu và hệ thống của các giáo sư đại học Boston, khái niệm quỷ hút máu xuất hiện trong tất cả các nền văn minh trên thế giới kể từ thời cổ đại, như đã nói ở trên, chúng đều có điểm chung mặc dù không hề có sự giao thoa văn hóa diễn ra.
Truyền thuyết hay thần thoại đều dựa trên một điều gì đó có thực mà được thiêu dệt nên, có thể nhiều người cho rằng ma cà rồng là một câu chuyện giả tưởng, một trò đùa không hơn không kém. Thế nhưng, một trò đùa được kể đi kể lại, trở thành niềm tin của nhiều nên văn hóa trong hàng ngàn năm như vậy thì có lẽ cần phải nghiêm túc xem xét nó.
Những ghi nhận đầu tiên về quỷ hút máu ở vùng Lưỡng Hà cổ đại xuất hiện cách đây hơn 2000 năm trước công nguyên, tức tính đến nay, những truyền thuyết về ma cà rồng đã có hơn 4000 tuổi. Người Babylon kể về những linh hồn ma quỷ là Lilitu chuyên hút máu đàn bà và trẻ em, về sau chính câu chuyện này đã tạo cảm hứng cho nữ quỷ Lilith được nhắc tới trong Do Thái giáo và các tôn giáo thờ Chúa Trời khác, Lilith cũng được xem là mẹ của các loài ma quỷ.
Đến thời trung đại, truyền thuyết ma cà rồng chủ yếu được lưu truyền phổ biến ở Châu Âu, nhất là vùng Đông Âu, bán đảo Balkan trải từ Bulgaria đến Serbia, Romania, Hy Lạp và đến tận Anh Quốc. Đặc biệt là vào thế kỷ 15 - 17, cùng với niềm tin vào phù thủy, nỗi sợ ma cà rồng cũng trỗi dậy ở Châu Âu, đồng thời với việc treo cổ những ai bị cho là phù thủy, chính quyền cũng cho người quật mộ những kẻ bị xem là quỷ hút máu để đốt xác hoặc đóng cọc xuyên qua ngực.
Lấy cảm hứng từ những sự kiện này, nhà văn người Ireland Bram Stoker đã viết tác phẩm Bá Tước Dracula vào năm 1897, chính tiểu thuyết này đã trở nên nổi tiếng khắp toàn cầu, được in hàng triệu triệu bản và tái bản không biết bao nhiêu lần, đưa cái tên Bram Stoker lên hàng đại văn hào của thế giới.
Hầu hết những khái niệm về quỷ hút máu trong tiểu thuyết của Bram Stoker là do ông tổng hợp các truyền thuyết dân gian và tưởng tượng thêm mà thành, thế nhưng nó phổ biến đến mức về sau hình tượng ma cà rồng trong các loại hình văn hóa phẩm đều được xây dựng dựa trên những gì Stoker đã viết.
Làm sao để trở thành ma cà rồng?
Thực ra mà nói đây là mong muốn lớn nhất của một vài người, có được quyền năng của ma cà rồng là một điều vô cùng tuyệt vời, thậm chí hình tượng ma cà rồng còn được xem là quyến rũ nhờ các tác phẩm văn học nghệ thuật.
Giáo phái thờ ma cà rồng hoặc các câu lạc bộ hóa trang và thực hành tập quán của loài quỷ hút máu này vốn đã tồn tại từ lâu, họ ăn mặc như Dracula với áo choàng thùng thình, tránh ra ánh nắng mặt trời, không thể giết người để hút máu nên họ có thể chọn uống máu động vật. Đó đã là những cách tốt nhất để các fan hâm mộ của Dracula có thể làm để cảm thấy được giống với thần tượng của họ.
Tuy nhiên, để trở thành một ma cà rồng thực sự thì bạn phải tìm được một ma cà rồng đã. Theo hầu hết các truyền thuyết được tham khảo, cách để một người trở thành ma cà rồng toàn năng là được một ma cà rồng khác cho họ uống máu.
Trong Dracula của Bram Stoker, một người bị hút máu sẽ trở thành ma cà rồng sau một thời gian, tuy nhiên chỉ ở dạng tay sai, nô lệ cho kẻ đã cắn họ, không hoàn toàn có được sức mạnh như thực thể ma cà rồng nguyên bản. Ví dụ như cách mà cô gái xinh đẹp tên Lucy đã bị Dracula cắn trong truyện vậy.
Giết ma cà rồng bằng cách nào?
1. Ánh nắng mặt trời
Đây cũng là một trong những câu hỏi được tìm kiếm nhiều nhất trên Google, thực sự là như vậy, và cũng được khai thác rất nhiều trong phim ảnh lẫn trò chơi máy tính. Cho đến thời điểm này thì cách dễ dàng nhất để giết chết một con quỷ hút máu là khiến chúng bị phơi ra trước ánh nắng trực tiếp của mặt trời. Tia nắng sẽ nhanh chóng thiêu đốt cơ thể của con quỷ.
Trong một vài tiểu thuyết ngôn tình ướt át mà giới trẻ ưa thích ngày nay, trong đó có Chạng Vạng, tia nắng sẽ khiến làn da của ma cà rồng trở nên lấp lánh, thế nhưng các fan chân chính của ma cà rồng sẽ không chấp nhận điều đó, một ma cà rồng nguyên bản sẽ luôn bị thiêu cháy dưới ánh nắng.
Điều khó khăn là phải làm sao để lừa được một con quỷ hút máu ra ngoài nắng đây? Nếu bạn làm được điều đó thì quả là có trí tuệ siêu phàm rồi. Bởi vì theo những gì được ghi nhận thì ma cà rồng vừa thông minh, vừa mạnh mẽ lại cực kỳ nhanh nhẹn.
2. Cọc gỗ xuyên tim
Các thứ hai để giết một ma cà rồng là đóng cọc xuyên tim. Hầu hết ma cà rồng đều có thể bị tổn thương bởi tác nhân vật lý, vấn đề là nó sẽ phục hồi lại ngay lập tức, chỉ riêng có vết thương từ một cái cọc gỗ xuyên qua tim là hoàn toàn đánh bại được nó.
Tất nhiên muốn đâm xuyên tim con quái vật thì bạn phải tấn công nó trước, trước khi nó giết bạn. Trong truyện của Bram Stoker, các nhân vật chính có thể đóng cọc vào tim của Dracula là tranh thủ lúc trời còn sáng, quan tài của Dracula đang được di chuyển ngoài trời và họ tấn công vào thời điểm con quái vật yếu nhất trong ngày.
Tương tự, chặt rời đầu của ma cà rồng cũng sẽ kết liễu nó vĩnh viễn.
3. Bạc
Tương tự như truyền thuyết về ma cà rồng, truyền thuyết về việc kim loại bạc có thể làm suy yếu hoặc tiêu diệt các thực thể ma quỷ được lan truyền trên khắp thế giới và được khai thác trong các văn hóa phẩm như tiểu thuyết, phim ảnh...
Từ xa xưa bạc được xem là nguyên tố của sự thuần khiết, có tác dụng giải độc và sở hữu những đặc tính thần thánh khác. Một viên đạn bạc sẽ giết chết người sói, tương tự, nó cũng có thể giết chết hoặc ít nhất làm suy yếu một thực thể ma cà rồng.
Cùng với tỏi và nước thánh, bạc là một trong những thứ có thể khiến ma cà rồng (và rất nhiều giống loài ma quỷ khác) phải tránh xa. Thêm một lý do để chúng ta sở hữu trang sức bạc đúng không? Hay tuyệt vời hơn, hãy sở hữu một con dao bằng bạc.
(Hết kỳ 1 - Mời đón xem kỳ 2)
- 0
- 0Bình luận