logo-maybe-vn
Mở app
Tiểu Thạch
Tiểu Thạchmột năm trước
Tâm Lý Học

Vì sao chúng ta nên “cứ buồn đi” và tầm quan trọng của chấp nhận cảm xúc

GenZ có câu nói vui “chầm kảm lên, đừng tích cực quá”, thế nhưng ở mức độ nào đó, lời tếu táo ấy đúng. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng việc chấp nhận cảm xúc tiêu cực thật ra lại giúp chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn và sống vui vẻ hơn về lâu về dài. Trong một buổi nói chuyện TEDTalks, nhà tâm lý học Susan David lý giải cho chúng ta biết vì sao mọi hình thái cảm xúc đều có giá trị.

Đa phần chúng ta đều đã từng nghe từ gia đình và bạn bè những câu như “Vui lên đi” hoặc “Nhìn về mặt tích cực”. Đôi khi chỉ là trông bạn có vẻ buồn, giận, lo lắng, suy sụp…v.v., nhưng đôi khi chỉ là bạn đang suy tư hoặc ở bất cứ trạng thái nào ngoài vui vẻ. Chung quy họ có ý tốt, nhưng có vài điều mà họ lẫn bạn cần hiểu.

Theo Susan David, “Sống tích cực ngày nay đã trở thành một kiểu đạo lý mới, kìm nén hay lơ đi những cảm xúc khó ở không phải cách đối mặt lành mạnh. Nó làm suy yếu khả năng chống chọi với thế giới như nó vốn là, không phải với thế giới mà ta muốn nó như thế”, cô tiếp tục, “Rồi từ đây, mức độ phục hồi của bạn sẽ thấp hơn, ít hạnh phúc mà trầm cảm, lo lắng nhiều hơn. Nó cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ và khả năng đạt được mục tiêu của bạn”.

Càng cố đẩy cảm xúc tiêu cực đi xa, bạn càng khó bỏ qua được nó. Tâm lý học gọi đây là sự cộng hưởng. Càng cố lờ đi, bạn càng khó cưỡng lại. Bạn nghĩ rằng mình đang kiểm soát cảm xúc, nhưng thật ra chính cảm xúc đang kiểm soát bạn. Về lâu dài, điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống từ công việc đến mối quan hệ, đến đàn em, con cái - thế hệ mai sau.

Vậy chúng ta cần làm gì?

“Thay vì đẩy chúng sang một bên, chúng ta nên học cách dán những chiếc nhãn đúng cho cảm xúc. Trong các phiên làm việc của tôi, đa phần mọi người thường có thái độ trắng hoặc đen khi miêu tả cảm xúc của họ”, David chia sẻ. “Người ta rất hay dùng từ ‘căng thẳng’ (stressed). Nhưng có cả một thế giới rất khác biệt giữa căng thẳng vì quá tải thật sự, căng thẳng vì thất vọng, hay căng thẳng khi biết mình làm hỏng công việc/mối quan hệ. Bằng cách dán nhãn cảm xúc chính xác, sẽ dễ dàng hơn để chúng ta xác định nguồn cơn của chúng và kích hoạt thứ gọi là ‘tiềm năng sẵn sàng’, kể cả khả năng xác lập mục tiêu và thay đổi cụ thể nơi bạn”.

Tiếp theo, khi xác định cảm xúc, hãy “nhận thức bằng lòng vị tha. Mọi người thường cho rằng vị tha là biểu hiện của yếu đuối, lười biếng hoặc tự lừa bản thân. Nhưng thật ra, lòng vị tha giúp ta tạo không gian an toàn trong bản thân mình, nơi đó ta sẽ mạo hiểm hơn. Bạn sẽ có thể khám phá thế giới và làm việc hiệu quả bởi bạn biết, dù có bất trắc xảy ra, bạn vẫn sẽ yêu thương bản thân mình, tử tế với chính mình”. 

Và cuối cùng, “hãy đánh giá khách quan câu chuyện cảm xúc của bạn”, David cho biết. Hãy tạo một không gian giữa bạn và câu chuyện của mình, đóng vai trò người quan sát và chỉ mặt đặt tên mọi khía cạnh cảm xúc. Thay vì chỉ nói “Tôi buồn” thì hãy cụ thể hơn, như “Tôi nhận ra là mình buồn. Tôi biết bản thân đang hao mòn. Tôi muốn rời khỏi phòng”. Cách này giúp bạn đưa giá trị và ý định lên hàng đầu, đặt bản thân vào trách nhiệm hơn là cảm xúc đơn thuần. “Điều quan trọng không phải là bạn có suy nghĩ hay cảm xúc tiêu cực, mà là bạn có bị cuốn theo nó không, có để chúng kiểm soát hành vi và tương tác của bạn hay không”.

Các bạn có thể xem đầy đủ bài nói chuyện của Susan David tại đây.

Nguồn: ted.com

  • 2
  • 1Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1
Tiểu Thạch
Tiểu Thạchmột năm trước
Tâm Lý Học

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)