logo-maybe-vn
Mở app
K
K2 năm trước
Reading

Tố Tâm - Hãy cứ là chân ái, dẫu duyên mình đã lỡ hẹn

Ở thời đại trước, đã từng có một mối tình kỳ lạ đến khó tin như thế này: Nàng, Tố Tâm, đem lòng yêu một chàng trai chỉ đơn thuần từ những lời văn chàng viết qua những bức tình thư. Chàng, Đạm Thủy, mến mộ nàng vì sắc nước nghiêng thành, vì tài thi phú bất tuyệt. Và chuyện tình của họ đã được nhà văn Hoàng Ngọc Phách “xuất khẩu thành văn” trong tiểu thuyết Tố Tâm.

Được khai bút từ năm 1922, in lần đầu năm 1926, Tố Tâm là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Hoàng Ngọc Phách. Tác phẩm cũng được coi là tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của nền văn học Việt Nam. Thông qua câu chuyện về mối lương duyên tương phùng kỳ ngộ đầy cảm động giữa Tố Tâm và Đạm Thủy, Hoàng Ngọc Phách đã cất lên tiếng lòng của thế hệ thanh niên thời đại mới luôn khát khao vượt khỏi vòng vây lễ giáo mà tự do yêu đương. Nhất là trong thời điểm chuyển giao thế kỷ, khi mà quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy của chế độ phong kiến hẵng còn thống trị, chuyện lứa đôi tự do đến với nhau trong tiểu thuyết như một làn gió mới, cổ vũ tinh thần sống đúng với cái tôi riêng của mình.

Không chỉ mới lạ trong tư tưởng truyền đạt, kết cấu mạch truyện của cuốn tiểu thuyết cũng là một nét độc đáo hiếm thấy. Chuyện tình trong Tố Tâm được kể dưới hình thức những lá thư trải dài xuyên suốt tác phẩm, với những câu từ đơn sơ mộc mạc, những cảm xúc được giãi bày tinh tế làm nét điểm xuyết cho câu chuyện thêm phần lãng mạn, hấp dẫn. Đọc Tố Tâm như là giải đáp cho câu hỏi: Trong quá khứ, khi mà thư từ lên ngôi, tình cảm của những cặp đôi sẽ được thể hiện thế nào? 

"Mấy lời thú tội của kẻ non gan,

Kính gửi anh Đạm Thủy

(...)

Có khi em cả gan nghĩ đến chuyện tính cách gặp anh, mà cũng nhiều lúc em muốn viết thư cho anh để tiếp chuyện với một vị khách văn chương, tri kỷ, đế gọi tỏ lòng cảm phục văn anh, nhưng nữ nhi đâu đã dám làm những lối tối tân ấy.

Em tưởng như gặp anh thì có thể đối diện mà tiếp chuyện được thế mà hôm anh đến chơi nhà, em vui mừng e lệ bối rối, phải chạy vào trong nhà. Mấy lần muốn ra chào anh một tiếng, mà hễ ra cửa lại quay vào, hình như trong mình có sức gì mạnh bảo em phải ngồi yên (...)”

"Tố Tâm em,

(...)

Anh cũng biết những nhời anh nói ra đây làm cho em đau lòng, vì em có chút thủy chung khăng khái, em muốn cùng anh suốt đời giữ lấy chữ chung tình, nhưng than ôi! Ở đời còn bao nhiêu là chuyện nó làm cho ta đau lòng mà ta vẫn phải ôm lòng mà chịu.

Anh thiết tưởng điều đau đớn của em đó cũng như bát nước sôi, thì giờ sẽ đến dần mà làm cho bớt nóng, khi hơi đã lạnh mà cái, quến đã lấy nốt những điều còn sót ớ trong lòng em, thì em có thể hưởng được cuộc đời rất êm ái, nào cửa nhà, nào con nào cái, sớm trưa sum họp cảnh gia đình, cùng ai âu yếm suốt trăm năm, như gấm, như tranh, như vườn đào mùa xuân, như hồ sen mùa hạ, có phải một đời khỏi nỗi chơ vơ không? Người đời ai cũng vậy, chim khôn đỗ nóc nhà quan,... để gây lấy một cảnh gia đình trăm năm nương tựa.

(...)

ĐẠM THỦY"

Kể ra, đôi khi được đọc những trang thư đong đầy cảm xúc như vậy, tụi trẻ thế hệ Gen Z chúng tôi vừa thấy sướng rơn mà cũng chạnh lòng lắm thay. Thời nay, thật khó để kiếm một ai viết thư và nhất là thư tình hay đến vậy. Mà đâu phải ai cũng thật tâm dành hàng giờ tâm huyết viết một lá thư gửi người mình thích, khi mà thế hệ tôi còn mắc đủ kiểu "bệnh" ngại xã giao, ngại quan hệ rộng nữa. Những lần vớ được những lá thư tay với tôi, phải nói là một cơ duyên hiếm hoi làm sao. 

Bây giờ, khi đọc lại chúng là bỗng chốc thấy những mảnh cảm xúc vãi vụn đang mơn trớn con tim. Thực sự đã từng có một thời như vậy, cái thời vắng bóng những thứ như Internet và điện thoại, Facebook và Zalo. Thay vào đó, người ta dùng những lá thư tay như một tín vật để gửi lời hẹn ước, như người bạn tâm giao để trút vào đó những nỗi niềm tâm sự trên từng dòng chữ nắn nót. Chẳng cần hoa mỹ, cũng chẳng cầu kỳ, những câu văn mộc mạc trong những lá thư các thế hệ trước trao gửi nhau vẫn luôn chan chứa tình yêu, dẫu cách xa muôn trùng.

Và khi chạm tới điểm dừng cuối cùng của những dòng luân lưu cảm xúc đó, tôi như bị rơi vào vòng xoáy của những cảm giác hụt hẫng và buồn bã đan xen. Thực tình, ở cuốn sách này, cái gì cũng đều ngắn quá, chóng quá, cảm giác như tác giả cố viết thật hay rồi lại bóp chết nó ngay để người đọc phải đắm mình trong nỗi tiếc thương vô tận vậy. Một mối tình ngắn ngủi, với thời gian cũng chẳng đủ để ai bày tỏ hết mọi nỗi niềm tâm sự. Một quãng đời thanh xuân khép lại nửa chừng, khi mà họ không được quyền yêu hết mình, được làm điều mình muốn làm. Những lá thư họ trao nhau đầy tình cảm, đầy luyến lưu, ấy vậy mà sự đời cứ vô tình mà ngó lơ nó. 

“- Em điên.

- Vâng, điên với anh.”

Nỗi buồn tình yêu của Tố Tâm phải chăng cũng ứng với nỗi buồn thời đại lúc bấy giờ? Một thời đại có quá nhiều đổi thay, với những cuộc đấu tranh liên miên, không khoan nhượng giữa hai khuynh hướng tân tiến và bảo thủ. Lối sống của lớp trí thức trẻ vì thế ngày càng được Tây hoá. Họ trở nên tự do, phóng khoáng trong tư tưởng, tình yêu và hôn nhân. Giờ đây, họ đã không còn muốn chịu ràng buộc bởi những quy ước cứng nhắc mà tiền nhân áp đặt nữa. Nhưng ngặt một nỗi, họ chưa tìm ra một con đường để hiện thực hóa điều đó. Mặc dù luôn cổ vũ tinh thần tự do, nhưng chính họ cũng bị lễ giáo ghì chặt trong chuyện hôn nhân của mình, đôi khi họ còn phó mặc số phận để dẫn đến những kết cục không mong muốn. 

Tuy vậy, cái kết buồn lại phần nào thuyên giảm giá trị nhân văn mà tác phẩm hướng tới. Đạm Thủy theo lời đính ước của gia đình mà phải giã biệt Tố Tâm, và Tố Tâm cũng vậy. Họ mang theo những kỉ niệm tình đầu đẹp đẽ mà phó mặc cho dòng đời cuốn trôi. Và rồi, nỗi đau sâu kín cuối cùng cũng đạt đỉnh điểm khi Tố Tâm ra đi vì bạo bệnh, để lại mối tình dở dang nay đã âm dương cách biệt. Khỏi phải nói, cái kết này khiến tôi nghĩ ngay tới motif chuyện tình kiểu Ngưu Lang Chức Nữ và Romeo & Juliet, khi tất cả mọi diễn biến tình cảm từ đầu đến cuối đều kết hợp ăn ý để làm nền cho một cú “drama” chốt hạ lấy nước mắt.

Là một hậu bối, dĩ nhiên Tố Tâm cũng kế thừa motif quen thuộc đó. Nhưng đáng tiếc là tổng thể câu chuyện, ngoại trừ những lá thư đầy cảm xúc của hai nhân vật, thì mối liên kết giữa họ từ đầu đến cuối vẫn còn khá mơ hồ, mù mờ chưa rõ ràng. Có cảm giác như tác giả vẫn vẫn bị lậm văn chương cổ điển, chỉ lấy vài nét điểm xuyết nhẹ nhàng trong nội tâm hoặc trong những cử chỉ nhỏ của nhân vật, mà thiếu hụt những hành động, những đoạn cao trào giữa chừng để làm bật lên quan hệ của họ. Bởi vậy, không khó hiểu sao trong lời bình của độc giả cuối sách cũng cho rằng câu chuyện tuy kết thúc bằng bi kịch nhưng tính bi lại chưa thực sự tới. 

Đã gần 100 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên tiểu thuyết Tố Tâm ra đời, chuyện người khen kẻ chê âu cũng là lẽ thường tình. Dẫu vậy, Tố Tâm vẫn là một cái tên sáng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Là viên đá lót đường cho một thế hệ văn nhân mới, cuốn tiểu thuyết đã thành công kết hợp những ý niệm về tình yêu và những giá trị hiện thực mà sau này lịch sử vẫn còn ghi dấu.

ĐÁNH GIÁ: 3/5 

24/7/2022 

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
2
K
K2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)