logo-maybe-vn
Mở app
Nickname
Nickname2 năm trước
Reading

Thiện, Ác Và Smartphone: Khi mặt trái của mạng xã hội và luồng sóng dư luận được phơi bày

Mình biết đến tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và quyển sách Thiện, Ác Và Smartphone là một cơ duyên hết sức tình cờ. Vốn là một đứa quan tâm đến các vấn đề như trầm cảm và bạo lực, tựa sách và chủ đề về bạo lực mạng của cuốn sách này đã thu hút mình vô cùng mạnh mẽ.

Trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc, kéo theo sự mở rộng của các mạng xã hội, chưa bao giờ nhân phẩm và danh dự của con người dễ dàng bị hạ thấp đến thế! Xuyên suốt hành hành trình của cuốn sách, không ít lần mình phải rùng mình vì sự xấu xí của mạng Internet và sức phá hủy của nó đối với một con người bằng xương bằng thịt.

Mình hoàn toàn bị thuyết phục bởi những điều mà bác Đặng Hoàng Giang viết nên. Cuốn sách không chỉ có lý thuyết sáo rỗng, mà đi kèm với đó là những câu chuyện thời sự, những vấn đề thực tế đã xảy ra trên mạng xã hội.

Với tiêu đề chương đầu tiên “Nhân danh công lý, hãy làm nhục chúng”, tác giả đã nêu lên một thực trạng đáng buồn của mạng xã hội mang tên làm nhục. Đây không phải là một từ mới xuất hiện gần đây. Nó tồn tại qua nhiều thời đại, xuất hiện ở mọi quốc gia và mọi nền văn minh. Mà nói theo cách của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang chính là “Làm nhục công cộng: Một lịch sử nghìn năm”.

“Có đúng luật hay không, chúng tôi không quan tâm. Chúng tôi chỉ biết rằng để chống lại một con rồng thì bạn không thể dùng một con hổ móm. Bạn phải có một con rồng tầm cỡ tương đương, bất kể con rồng đó có tuân thủ pháp luật của đất nước hay không. Đôi khi, ác quỷ dọn đường cho một cái thiện lớn hơn.”

Dường như bởi lối suy nghĩ này mà rất nhiều người đã tự cho mình quyền thực thi công lý, quyền khẳng định đúng sai trên mạng xã hội. Ta buông lời xúc phạm một ai đó trên mạng xã hội bởi ta nghĩ đó là quyền tự do ngôn luận và thế giới ảo thì chẳng ảnh hưởng gì đến thực tế.

Nhưng rõ ràng, đã có biết bao câu chuyện đáng buồn xảy ra khi một người nào đó trở thành nạn nhân của cộng đồng mạng. Họ phải chịu sự chỉ trích, soi mói của dư luận. Họ không thể lên tiếng giải thích, càng không có khả năng biện minh cho chính mình. Bởi trong cuộc chơi của dư luận, đa số luôn thắng thiểu số.

Mình đã từng đọc ở đâu đó rằng: “99 bình luận người ta không chết. Nhưng người ta sẽ chết ở cái bình luận thứ 100…”. Song không có mấy người hiểu được quy luật đáng buồn ấy. Họ vẫn vô tư bình luận mạt sát người khác, vẫn hùa theo số đông để hủy hoại cuộc sống của một con người.

Tất cả những gì mà bác Đặng Hoàng Giang đã viết, cuối cùng đều hướng đến một vấn đề mang tên văn hóa làm nhục trong thời đại mà mạng xã hội chiếm lĩnh đời sống con người. Và thứ gọi là văn hóa làm nhục ấy đã có lịch sử hình thành từ lâu đời, từ Tây sang ta cùng với nhiều “nghi thức hạ nhục” khác nhau. Điều này đã khiến mình trong phút chốc chợt cảm thấy lạnh người.

Không chỉ lên án cái xấu xa, tác giả còn chỉ ra một con đường giải thoát khỏi thói xấu làm nhục của xã hội. Dù mình hay bạn, có lẽ cũng đã từng đôi lần xúc phạm người khác, vô tình biến lời nói thành mũi dao nhọn sẵn sàng làm đau bất cứ ai. Và sức mạnh mà tiến sĩ Đặng Hoàng Giang nhắc tới là sự điềm tĩnh và vững vàng của lòng trắc ẩn trong mỗi người.

Thiện, Ác Và Smartphone là cuốn sách mình cực kì hi vọng mọi người đều sẽ tìm đọc. Bởi một khi đã cầm quyển sách này lên, mình mong bạn sẽ bỏ smartphone xuống và đọc thật chậm để có thể nhìn, hiểu và đối diện với những xấu xí của chính mình, cũng như của cuộc đời này.

Đánh giá: 10/10

  • 3301
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
210
Nickname
Nickname2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)