logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Sự phân hoá đẳng cấp dẫn đến bi kịch cuộc đời trong "Đức Phật, Nữ Chúa và Điệp Viên"

Không biết đã bao lâu mình mới đọc được một cuốn văn học Việt Nam đương đại có cách viết gọn gàng như thế này. Tuy Đức Phật, Nữ Chúa và Điệp Viên viết nhiều về vấn đề địa vị và tôn giáo tại Ấn Độ nhưng tác giả viết rất ngắn gọn và rõ nghĩa, nên trong quá trình đọc mình không bị lấn cấn nhiều về các thông tin. Một điểm mình rất thích khi đọc sách Hồ Anh Thái là những câu văn của ông rất đủ - tức là không thừa không thiếu. Ông chặt câu và chia đoạn rất gọn ghẽ, dùng từ chuẩn và sắc. Hồ Anh Thái cũng không lạm dụng quá nhiều diễn giải nội tâm mà để ra rất nhiều khoảng hở, nên mình đánh giá đây là một tiểu thuyết dễ đọc mà vẫn để lại gợi mở. 

Trong tiểu thuyết này, Hồ Anh Thái tập trung khai thác chủ đề tôn giáo và vấn đề địa vị trong xã hội Ấn Độ - một xã hội mà từ khi sinh ra, con người đã được phân tầng đẳng cấp và đẳng cấp ấy chi phối mọi quyền lợi của họ. 

Vấn đề đẳng cấp luôn là yếu tố được chú ý trong tiểu thuyết. Có thể thấy điều này qua ba nhân vật với ba tên gọi tưởng chừng không hề liên quan đến nhau, vậy mà Hồ Anh Thái đã liên kết họ lại bằng sự phân hoá ấy. Đức Phật đại diện cho một tôn giáo bình đẳng, công bằng, trái ngược với đạo Bà La Môn vốn có sự phân hoá đẳng cấp xã hội vô cùng kinh khủng. Nữ Chúa là người đã mất niềm tin vào sự phân chia giai cấp này, đồng thời luôn hướng tới sự công bằng cho tất cả mọi người. Điệp viên là một nhân vật đội lốt nhà sư rất thích ăn cá. Ban đầu, anh còn được gọi với tên chàng Ekanga, vốn là bạn thân của công chúa Samavati. Hai người từng cùng nhau chơi đùa, cùng nhau nướng cá ăn, nhưng rồi địa vị xã hội đã chia cắt họ. Công chúa bị gả sang nước láng giềng và trở thành Hoàng Hậu, còn chàng thì trở thành điệp viên ẩn mình trong bóng tối. Mình thương cảm cho chàng Ekanga và cả khâm phục chàng nữa. Chàng trở thành điệp viên, rồi thành một điệp viên đội lốt nhà sư chỉ với mong muốn được nhìn thấy và bảo vệ nàng. Không có chút nào suy nghĩ muốn thực hiện những hành vi dối gian lừa gạt. Chàng chỉ muốn được thấy nàng mà thôi. 

Các góc kể trong Đức Phật, Nữ Chúa và Điệp Viên được đảo đi đảo lại liên tục. Khi thì là Đức Phật với những băn khoăn về giáo hội, khi là Điệp Viên và những tâm sự canh cánh về nàng hoàng hậu Samavati, khi là Nữ Chúa với dòng thác ký ức đau đớn thời thiếu nữ, cũng có khi là quý phi với sự thâm độc, tính toán trong cung… Tuy các câu chuyện có vẻ bị phân tán, nhưng Hồ Anh Thái - quả không hổ danh lão làng, đã gắn kết chúng lại với nhau một cách tự nhiên và hữu duyên không thể ngờ. Từ hình ảnh suy tư của Đức Phật đến tình yêu thầm lặng mang màu sắc buồn bã của chàng điệp viên, rồi đến những nhiễu nhương trong cung cấm hay sự hèn kém của nhà vua trong việc lo sợ sự bình đẳng của một thứ tôn giáo mới (tiểu thuyết lấy bối cảnh khi đạo Phật mới xuất hiện) sẽ làm lung lay địa vị của ông. Chính sự hèn kém của nhà vua đã kéo theo bi kịch của rất nhiều nhân vật sau này. 

Với mình, cốt truyện của cuốn này không quá xuất sắc, nhưng lại hấp dẫn ở các chi tiết văn hoá, về các vị thần trong truyền thuyết Ấn Độ hay sự tin tưởng mãnh liệt với cách phân chia đẳng cấp của đạo Bà La Môn trong xã hội Ấn. Ở đất nước này, người ta đã được định đẳng cấp từ khi được sinh ra. Đó là một địa vị xã hội vững chắc, có thể cho họ những quyền lợi mà rất nhiều người không bao giờ có thể với tới. Thậm chí là đánh chết một con người.

Mình đã thấy lòng đau và xúc động biết bao nhiêu khi đọc những dòng chữ của Hồ Anh Thái viết về đám cưới của Nữ Chúa: “Chú rể không chịu xuống ngựa đã bị gậy gộc đập vào mặt. Chàng ta đã kiên cường ngồi chắc trên ngựa chứ nhất định không chịu khuất phục. Cuối cùng gậy gộc tàn bạo đã thắng. Chú rể đổ xuống đường.” Một người đàn ông bị đánh chết vì dám ngồi ngựa trong ngày cưới của mình. Lũ đẳng cấp cao cho mình quyền giết một người đàn ông trong ngày cưới của anh ta chỉ bởi anh ta ngồi trên lưng ngựa. Chuyện xảy ra mới hoang đường làm sao.  

Không những đánh chết chú rể, chúng còn làm nhục cả cô dâu - tức Nữ Chúa thuở thiếu nữ. Một việc làm không bằng súc vật, ấy thế mà chúng vẫn nhởn nhơ và hành động giữa ban ngày. Sự phân hoá đẳng cấp đã khiến cuộc đời của rất nhiều người vụt tắt như thế, và chỉ khi nào người ta có ý thức dám đứng lên, tự tạo cho mình một thân phận, một vị trí, thì cuộc đời mới thực sự bừng sáng được. 

Nhưng đồng thời, Hồ Anh Thái cũng chỉ ra rằng đẳng cấp là một thứ mong manh đến nỗi chỉ cần bị vấy bẩn và nhét xương bò vào miệng, một người thuộc đẳng cấp cao vẫn có thể bị đày xuống tầng lớp thấp kém tận cùng.  Đây cũng là các Nữ Chúa trừng trị những gã nhà giàu chuyên bức hại con gái nhà lành. Chi tiết văn hoá thú vị này càng làm nổi bật niềm tin sâu sắc mang tính tập thể của con người Ấn Độ.

Cá nhân mình thấy khá khó để giới thiệu một cách toàn diện về nội dung của Đức Phật, Nữ Chúa và Điệp Viên bởi sự phân mảnh từ góc độ kể chuyện của các nhân vật. Mỗi nhân vật là một câu chuyện khác nhau. Tiểu thuyết này mang màu sắc như những chuyện xưa, tích cũ. Rất dễ đọc và cũng đủ độ đa dạng sắc thái khiến người đọc không cảm thấy nhàm chán. Hồ Anh Thái viết nhiều về hành động và các cuộc đối thoại, song ông vẫn giữ được sự điềm tĩnh nhịp nhàng trong từng câu văn. Nhiều đối thoại được đặt ra trong Đức Phật, Nữ Chúa và Điệp Viên khiến mình phải suy nghĩ. Đó là những đối thoại về tôn giáo, về căn tính con người được hình thành trên cơ sở xã hội,... Tất cả vẽ nên một diện mạo của xã hội Ấn Độ hãy còn nhiều vấn đề nhiễu nhương vì sự phân chia đẳng cấp.  

Đánh giá cá nhân: 3.5/5.

  • 3301
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1951
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)