logo-maybe-vn
Mở app
Soda Chanh
Soda Chanh2 năm trước
Reading

Chiều sâu tăm tối trong tâm hồn con người qua một số tác phẩm văn học

Đại văn hào Dostoevsky, trong Nhật Ký Nhà Văn, thừa nhận, “rằng cái ác nằm sâu trong con người hơn là những gì mà các bác sĩ-xã hội của chúng ta giả định; rằng không cấu trúc xã hội nào sẽ trừ khử được cái ác; rằng tâm hồn con người vẫn cứ luôn là vậy; rằng sự dị dạng và tội lỗi sẽ nảy sinh từ chính tâm hồn; và cuối cùng những quy luật của tâm hồn vẫn còn hầu như chưa được biết đến, quá mờ tối đối với khoa học; quá bất định và bí ẩn đến nỗi không có, và không thể có các bác sĩ hay những thẩm phán cuối cùng dành cho nó.”(*)

Vậy con người có thể độc ác đến mức nào? Và sẽ cần bao nhiêu thước đo để có thể chạm tới chiều sâu tăm tối nhất trong tâm hồn người? Ba tác phẩm văn học mà mình giới thiệu dưới đây tất nhiên không đủ để giúp bạn biết được chiều kích thật sự của sự thẳm sâu ấy, song ít nhất có thể giúp bạn nhận thức rõ hơn rằng bên cạnh ánh sáng, bóng tối vẫn luôn hiện diện.

1. Hố Đen Sâu Thẳm - Pyun Hye Young

Con người thường sợ hãi những gì mà mình không thể hiểu rõ. Khi phát biểu trước cuộc họp, có người lo lắng vì không biết ban lãnh đạo sẽ nghĩ gì về các ý kiến của mình; khi thẩm vấn phạm nhân, cảnh sát cũng luôn phải cảnh giác cao độ bởi không thể xác định ngay những lời khai ấy là thật hay giả; khi tâm sự với người khác, ta F  thường có xu hướng chỉ nói một phần và giữ lại một phần cho bản thân, bởi ta vĩnh viễn không thể biết được người đang lắng nghe mình đang suy nghĩ điều gì. Và trong Hố Đen Sâu Thẳm, Ogi cũng phải trải qua nỗi sợ ấy khi đối mặt với mẹ vợ - người mà dường như đang toan tính gì đó với cuộc sống của anh.

Hố Đen Sâu Thẳm mở đầu bằng một vụ tai nạn thảm khốc. Trong chuyến đi nghỉ dưỡng, hai vợ chồng Ogi gặp tai nạn, người vợ không qua khỏi còn Ogi may mắn sống sót, nhưng cơ thể bị liệt. Điều này khiến cuộc sống của Ogi bị đảo lộn hoàn toàn: anh không thể tự mình làm bất cứ việc gì, kể cả vệ sinh cá nhân, tuyệt vọng hơn nữa là Ogi không có người thân nào khác ngoài mối quan hệ bên đằng vợ mà vốn dĩ trước nay vô cùng xa cách. Trong hoàn cảnh đó, mẹ vợ bước vào cuộc đời Ogi và dần dần chiếm quyền kiểm soát toàn bộ cuộc sống của anh. Bà khiến Ogi khiếp sợ với suy nghĩ rằng một ngày nào đó, bà sẽ thay vụ tai nạn kia xóa sổ anh khỏi thế giới này.

Xây dựng bầu không khí u ám và bí ẩn trong một câu chuyện đời thường chẳng hề có yếu tố ma quỷ, Pyun Hye Young vẫn khiến người đọc phải rùng mình hoảng sợ vì những điều kì lạ không thể nắm bắt, cụ thể là mục đích và tâm lý của người mẹ vợ. Theo những quan sát của Ogi khi bất lực nằm trên giường bệnh, mình cảm thấy sự tồn tại của người mẹ vợ như một cái bóng vậy, lặng lẽ và khó lường. Bà thường xuyên đứng trong bóng tối, yên lặng quan sát Ogi. Bà thường lẩm bẩm một mình như cầu cứu. Bà cũng có những giây phút khiến người ta phải toát mồ hôi vì sự kiên quyết đầy tàn khốc của mình. Bà là một người khó nắm bắt, và không ai biết bà thực sự đang nghĩ gì.

Cái chết của vợ Ogi không chỉ khiến anh mất đi một người đầu gối tay ấp, mà còn khiến bà mất đi cô con gái mà mình luôn yêu thương. Có lẽ chính vì cùng chung nỗi đau này nên bà mới quyết định sẽ chăm sóc anh chăng? Nhưng cách bà chăm lo cho cuộc sống của Ogi rất kì lạ, và phần lớn những hành động ấy đều khiến mình rợn người. Một mặt, bà vẫn thuê hộ lý, chạy chữa và trị liệu cho Ogi, nhưng mặt khác, bà cũng âm thầm ngăn cản quá trình điều trị của anh, đồng thời ngăn cách Ogi với thế giới bên ngoài. 

Hành động cô lập Ogi trong thế giới của những người sống ấy còn chỉ tới một dạng thức khác của cái chết, ấy là cái chết xã hội. Để tồn tại trong cộng đồng, ai cũng cần có một danh tính xác định, sự kết nối và các mối quan hệ với người khác. Thế nhưng người mẹ vợ lại âm thầm cắt đứt mọi liên lạc của Ogi với bạn bè, đồng nghiệp cũ, biến anh trở thành một kẻ tàn phế không còn hi vọng trở lại cuộc sống bình thường trong mắt mọi người. Và thế là sau những chuyến viếng thăm ngượng ngập đầy thương cảm, họ sẽ chỉ xót thương cho hoàn cảnh của Ogi trong vài ngày, vài tháng, rồi sau đó lãng quên anh. 

Vì thế, dù không có một vụ giết người đẫm máu nào trực tiếp xảy ra trong cuốn sách, nhưng mình lại có cảm giác như đang chứng kiến một quá trình giết người tỉ mỉ bằng cách từng bước xoá nhoà danh tính của nạn nhân. Trong quá trình đọc, mình cũng đã tự hỏi rất nhiều lần vì sao người mẹ vợ lại hành động như vậy, bởi khi dõi theo dòng suy nghĩ của Ogi từ ngày đầu gặp mẹ vợ cho đến hiện tại, dường như không có động cơ chính xác nào cho sự thù hận và tuyệt vọng này của bà. Hố Đen Sâu Thẳm, theo đó không chỉ là hình ảnh của cái ao, của nấm mồ được đào sẵn dành cho một ai đó, mà còn là vị trí của bất kì nhân vật nào trong cuốn sách này, là thứ tồn tại trong tâm thức của họ, những thứ không thể diễn giải rõ ràng bằng lời.

Ta không thể biết một cách tường tận quá khứ của một người, cũng như những cảm xúc và những ý định bị đè nén của họ, do đó, trong tâm hồn người sẽ luôn tồn tại những hố đen sâu thẳm. Nhà văn Shin Kyung-sook nhận xét, tác phẩm này đặt ra một câu hỏi: “Cuộc sống của bạn có thật sự an toàn không?”. Sự không may và những mưu toan luôn thường trực trong cuộc sống, đôi khi chúng xuất phát từ chính những người không ngờ nhất, và có thể khiến cuộc đời bạn đảo lộn hoàn toàn. 

Hố Đen Sâu Thẳm là một tác phẩm nhiều ẩn dụ, dễ đọc, nhưng không dễ hiểu. Cùng với bầu không khí bí ẩn, tiểu thuyết này có lẽ sẽ khiến bạn cảm thấy bất an khi đọc. Tuy nhiên, đồng thời nó cũng là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà hữu ích: Đừng bao giờ đánh giá một người qua vẻ ngoài của họ và cũng đừng bao giờ mất cảnh giác, bởi lẽ bạn có dám chắc rằng cuộc sống của mình là an toàn tuyệt đối hay không?

Đánh giá: 4/5

2. 28 - Jeong You-Jeong

Mình đọc 28 khi đại dịch Covid-19 đã xảy ra được một thời gian và chúng ta chừng như đã có đủ thì giờ để nhìn lại những ngày đã qua. Dù 28 được viết trước khi Covid-19 xuất hiện, nhưng những sự kiện trong tác phẩm lại có một độ trùng thực tế thật đáng ngạc nhiên. Đây cũng chính là lý do khiến mình cảm thấy rất nặng nề khi đọc cuốn sách này.

Mọi chuyện bắt đầu từ cái chết của một người đàn ông làm nghề phối giống chó. Ông ta bị chó cắn, sau đó xuất hiện các triệu chứng kì lạ và qua đời. Chưa hết, những người vào nhà ông ta ngày hôm đó cũng có những triệu chứng tương tự. Thế rồi như một phép nhân, ngày càng có nhiều người bị như vậy hơn, các bệnh viện bắt đầu trở nên quá tải vì số bệnh nhân cứ không ngừng gia tăng. Người ta đặt tên cho căn bệnh lạ này là bệnh Mắt Đỏ.

Bệnh Mắt Đỏ là một căn bệnh có sức lây lan khủng khiếp. Nó có thể lây từ chó sang chó, từ chó sang người, từ người sang chó, khiến tròng mắt của người/vật nhiễm bệnh bị sưng đỏ, tụ máu toàn thân và sau cùng qua đời trong đau đớn. Căn bệnh này khiến Hwa Yang bị phong tỏa và hàng loạt những cuộc săn lùng, tiêu diệt chó diễn ra - bởi chính phủ đã đưa ra thông báo rằng nguyên nhân gây bệnh là từ loài chó. Tuy nhiên những chuyện khủng khiếp phía sau vẫn còn kéo dài, bởi trong 28 ngày bị phong tỏa, thành phố Hwa Yang vẫn bị căn bệnh dày vò, đẩy người dân vào cảnh hoảng loạn, phải giành giật mọi thứ để cứu lấy chính mình. Mắt Đỏ như một khảo nghiệm mà Jeong You-Jeong đặt ra để đo lường chiều kích tối tăm trong tâm hồn người: Khi đứng trước vấn đề sống còn, đạo đức sẽ thắng hay bản năng thú vật sẽ lên ngôi? 

Đây là một cuốn sách tăm tối, tàn nhẫn, và đôi khi là quá sức chịu đựng của người đọc. Mình đã rùng mình khi đọc những phân cảnh tiêu huỷ chó, vì chúng quá tàn nhẫn và cực đoan. Một trong những đoạn mình nhớ nhất trong 28 là cảnh một đội cảnh sát lao vào trại nuôi dưỡng chó mà không một lời giải thích hay xin phép, thẳng tay hành hung chủ của trại chó khi anh cố ngăn họ lại. Quân đội lạnh lùng chĩa họng súng vào những chú chó tội nghiệp đang cố gắng chạy trốn và sau khi họ đi, mười tám thi thể chó nằm la liệt.

“Cuộc nổ súng kết thúc. Sự tĩnh mịch đột ngột trở lại với Dreamland. Mười tám thi thể nằm la liệt trên nền tuyết, cùng với cả đám chó trong phòng điều trị, đám quân lính đã quét hết vào trong lồng sắt trên chiếc xe ben và rời khỏi Dreamland. [...] Ai là kẻ đã cho con người cái quyền được càn quét hết những sinh mạng khoẻ mạnh thế kia vào một thùng xe mà đem đi chôn sống như vậy chứ?”

Nhưng sự tàn nhẫn không chỉ xảy ra trong cách con người đối xử với những chú chó, mà nằm ngay cả trong cách người đối xử với người nữa. Trong bầu không khí ngột ngạt của bệnh dịch, con người cũng dần trở nên mất kiểm soát. Các bệnh viện trở nên quá tải, vật tư cạn kiệt, “không có dầu, hệ thống sưởi cũng bị cắt. Chỉ có hệ thống điện nước là vẫn còn hoạt động. Như thể người ta đang nói rằng chúng mày tự đi mà lo liệu với nhau. Sống chết mặc bay.” Người ta ngày càng trở nên hoảng loạn và bất an, cùng với đó, các giá trị đạo đức cũng trên bờ vực sụp đổ. Chuyện cưỡng hiếp, cướp bóc có thể xảy ra ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Mình đã rùng mình khi đọc những biến chuyển trong Hwa Yang, việc mà người ta có thể làm với nhau, cách chính phủ và quân đội đối xử với người dân thành phố này, cũng như những con chó bị chôn sống. Ngòi bút của Jeong You-Jeong gắn liền với việc tìm hiểu và đào sâu vào “tính ác của con người”, do vậy 28 không phải là một câu chuyện được viết với mục đích chủ yếu là ngợi ca cái đẹp, mà là một chất vấn về đạo đức và bản năng khi phải đối mặt với hiểm cảnh. 

"Chuyện sống còn, ấy không phải là vấn đề có thể lựa chọn. Đó là bản năng. Bản năng của tất cả mọi tạo vật có sinh mệnh. Đó chính là đặc tính nghiệt ngã và cũng là nỗi buồn của sự sống." 

Có phải lúc nào cái thiện cũng sẽ chiến thắng cái ác? Hãy đọc 28 để có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này.

Đánh giá: 4/5

3. Trả Giá - Ioka Shun

Nếu như Hố Đen Sâu Thẳm khai thác về chiều sâu tăm tối không thể hiểu được của con người, 28 là khảo nghiệm khiến con người phải lựa chọn giữa việc kiên định hướng thiện với việc khuất phục cái ác, thì Trả Giá lại là câu chuyện của “nhân chi sơ, tính bản ác”, tức nghĩa, tác giả đã xây dựng một nhân vật khiến người ta buộc phải đặt ra câu hỏi, ngay từ khi còn thơ trẻ, con người đã có thể độc ác đến nhường ấy ư?

Trả Giá được kể lại theo lời của nhân vật “tôi”, từng là một đứa trẻ bình thường, có gia đình đủ đầy và êm ấm, song lại mất trắng tất cả sau một trận hỏa hoạn. Do chưa đủ tuổi trưởng thành, “tôi” không được quyền quyết định số tài sản còn lại của cha mẹ mà phải đến sống nhờ nhà họ hàng, chịu sự giám hộ của mẹ con Tatsuya và trải qua quãng thời gian tăm tối nhất cuộc đời mình.

Nhưng người đáng sợ nhất trong cuộc đời “tôi” không phải những người trực tiếp bạo hành anh trong ngôi nhà đó, mà chính là đứa em họ Tatsuya bé bỏng. Sự nham hiểm của Tatsuya đã bộc lộ ngay từ khi mới là một đứa trẻ. Tatsuya không có sự hồn nhiên và trong sáng mà ở tuổi mười một, mười hai người ta nên có. Nó có thể thản nhiên bình luận một cách khiếm nhã về cơ thể phụ nữ (đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi), không thèm che giấu ánh mắt thèm thuồng của mình khi nhìn họ. Mình cảm thấy vô cùng kinh tởm khi Tatsuya thậm chí còn cố ý reo rắc vào đầu “tôi” ý nghĩ rằng nó sẽ làm tình với mẹ “tôi” nếu có cơ hội. Chưa hết, Tatsuya còn thao túng và dụ dỗ bọn học sinh ở lớp lớn hơn cưỡng hiếp những nữ sinh khác. Điều đáng nói là các hành vi của Tatsuya xảy ra rất thường xuyên, không có sự giảm nhẹ hay ăn năn nào, khiến mình có cảm giác rằng nó có thể sống cả đời như thế mà không hề hối lỗi.

“Tatsuya liền kể: “Có lần bọn tao còn dụ một đứa con gái xấc láo vào năm cứ địa rồi năm thằng bạn tao bắt nó lột hết quần áo nó ra đấy.” Song Tatsuya chỉ đứng ngoài nhìn, nó cười bảo: “Tao đã can bọn nó là đừng làm thế nữa.”

Tatsuya còn kể về chuột nữa. Chả là nó dùng bẫy bắt chuột rồi cho chuột uống thuốc độc, khiến con chuột lồng lên và chết trong đau đớn.”

Tatsuya không trực tiếp giết người, nhưng điều nó làm còn kinh khủng hơn thế. Nó có thể thao túng tâm trí người khác, kể cả những người lớn tuổi hơn để biến họ thành công cụ nhằm phục vụ cho mục đích của mình. Khi đọc Trả Giá, mình đã phải ngừng lại vài lần trong quá trình đọc vì sự độc ác của Tatsuya khiến mình bị sốc. Dường như tác giả đã cất công tìm hết những gì biến thái và kinh tởm nhất, ghi chúng ra một trang giấy và cân nhắc trong từng lựa chọn để xây dựng tính cách của nhân vật Tatsuya. 

Không chỉ nhân vật “tôi”, mà cuộc đời của rất nhiều người khác cũng đã bị đảo lộn vì Tatsuya. Có một độc giả nói rằng sau khi đọc Trả Giá, bạn ấy đã rùng mình với suy nghĩ, nếu như thật sự có một người giống như Tatsuya tồn tại trên đời thì… thật là khủng khiếp. Phải nói thật là chưa từng có một nhân vật nào khiến mình căm tức và ghê tởm như hắn, đó cũng là lý do mà khi đọc Trả Giá, mình cảm thấy vô cùng nặng nề. Vì sao Tatsuya lại liên tục gây ra những tội ác như vậy? Câu trả lời đơn giản chỉ là: vì để vui, vì để thoả mãn nhu cầu cá nhân. Với bộ óc thông minh, Tatsuya tin rằng mình sẽ không phải trả bất kì một cái giá nào. Không chỉ gia đình “tôi”, mà còn rất nhiều người vô tội khác mất gia đình, mất cuộc đời, mất tương lai vì mục đích “để vui” ấy của hắn ta. Sau khi trưởng thành và có đủ năng lực, điều đầu tiên “tôi” muốn làm là tránh xa gia đình Tatsuya, bắt đầu một cuộc sống mới. Thế nhưng Tatsuya không dễ dàng bỏ qua cho những con mồi của mình, và dù hắn không nói thẳng ra, mình có cảm giác rằng những người đã bị Tatsuya để ý sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi hắn ta. Cứ tưởng tượng luôn có một kẻ biến thái không từ thủ đoạn xông vào cuộc đời bạn bất cứ lúc nào, xáo tung nó lên và khiến bạn mất tất cả, điều đó thực sự rất đáng sợ. Tatsuya chính là kiểu người như thế đấy. Và mình nghĩ, không có thước đo nào có thể đo hết chiều sâu tăm tối của sự ác độc trong tâm hồn Tatsuya. Nếu tâm hồn có thể được tô bằng những mảng màu, vậy hẳn Tatsuya sẽ có một tâm hồn đen đúa và bốc mùi kinh khủng.

Tuy Trả Giá hay được giới thiệu như một tác phẩm trinh thám nhưng với mình, điều ấn tượng nhất ở tác phẩm này không nằm ở phần phá án mà nằm ở cách tác giả xây dựng nhân vật Tatsuya (ác một cách khó hiểu và khó chấp nhận). Dù trong hình hài một đứa trẻ hay khi đã trưởng thành và có thêm nhận thức về xã hội, Tatsuya vẫn khiến dạ dày mình cuộn lên vì ghê tởm và căm phẫn vì những hành vi suy đồi và vô cùng phi đạo đức không thể chấp nhận nổi. May là đến cuối Tatsuya đã phải trả giá cho những gì mình gây ra (dù theo mình, sự trả giá ấy vẫn quá là nhẹ nhàng, Tatsuya tự tìm đến cái chết). Bản thân mình là một người rất tin và muốn tin vào những gì tốt đẹp trên đời, đặc biệt là cách con người đối xử với nhau, vì thế có thể nói Trả Giá là một cú sốc với mình. Mình hi vọng Tatsuya chỉ là nhân vật trên trang giấy và không có ai giống như hắn xuất hiện ở đời thực. 

Đánh giá: 4/5

__

(*) Trích từ “Khoái cảm hủy hoại của chúng ta” - Costica Bradatan, Hải Ngọc dịch.

  • 3012
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1112
Soda Chanh
Soda Chanh2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)