logo-maybe-vn
Mở app
Nickname
Nickname2 năm trước
Reading

Thiên táng - khi tình yêu vượt qua mọi giới hạn của con người

Thiên táng (Điểu táng) một tục lệ mai táng người chết đặc biệt ở Tây Tạng. Tại đây, thi thể người chết sẽ được đem lên núi cao để làm mồi cho kền kền đói. Người Tây Tạng quan niệm rằng khi chết đi nên để linh hồn hoá kiếp, cái xác chỉ là vật chứa tạm thời, nếu không mai táng sẽ khiến linh hồn người đã khuất lưu luyến hoặc thu hút ngạ quỷ.

Tôi biết tác giả Hân Nhiên qua lời giới thiệu của bạn. Vì tính tò mò của bản thân, tôi đã mua hai cuốn Hảo nữ Trung HoaThiên táng vào khoảng thời gian giáp Tết. Mùng 2 Tết năm Nhâm Dần, tôi đã đọc trọn Thiên táng

Nếu Hảo nữ Trung Hoa là một sợi xích gông vào cổ phụ nữ trong cuộc Cách mạng Văn hoá (1966-1976), thì Thiên táng chính là nấc thang mới về khát khao hy vọng, tình yêu trong những năm tái thiết đất nước sau cuộc nội chiến đẫm máu. 

Chuyện bắt đầu khi Hân Nhiên nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông, ông ta kể về người phụ nữ Tây Tạng bí ẩn với ngoại hình, vóc dáng trông như người Trung Quốc. Vỏn vẹn hai ngày gặp gỡ và nói chuyện, Hân Nhiên đã viết lại câu chuyện của người phụ nữ ấy. Thiên táng có thể được coi là một cuốn hồi ký được viết hộ, kể về người phụ nữ vượt hàng vạn cây số để tìm chồng. 

Thư Văn là tên của người phụ nữ. Bà có một tình yêu mãnh liệt với chồng, Khả Quân, một bác sĩ Giải phóng quân nhân dân thời điểm bấy giờ. Sau hai năm yêu xa vì Khả Quân bị điều đi công tác, hai người chính thức về chung một nhà. Cứ tưởng rằng tình yêu đơm hoa kết trái ngọt nhưng chỉ sau một trăm ngày kết hôn, Khả Quân nhận lệnh lên đường đi Tây Tạng. Vì khu vực này đang xảy ra chiến tranh giữa quân đội Trung Quốc và người dân Tây Tạng nên đã có rất nhiều binh lính, bác sĩ, sĩ quan được đưa đến đây để hỗ trợ. Thư Văn dặn lòng là Khả Quân sẽ sớm trở về với cô dù rằng cô biết tình hình chính trị ở nơi đấy khắc nghiệt nhường nào. Một tuần, hai tuần rồi lại ba, Thư Văn nhận được giấy báo tử của Khả Quân. 

“Lúc ấy, tôi là một thiếu phụ đang yêu. Tôi không nghĩ đến chuyện tôi sẽ đối mặt với cái gì. Tôi chỉ muốn đi tìm chồng… 

Tôi không thể để anh ấy ở Tây Tạng, trơ trọi một mình.”

Chờ đợi tin chồng từ chiến trận, nhưng Thư Văn chỉ nhận lại vỏn vẹn giấy báo tử. Không một lời giải thích, không một ghi chép về sự hy sinh hay cái chết của Khả Quân. Thư Văn điên cuồng đi tìm đáp án. Khi ấy cô chỉ vừa lấy chồng gần một trăm ngày. 

Vì tình yêu cao cả dành cho Khả Quân và hy vọng rằng anh còn sống, Thư Văn quyết định lên đường đến Tây Tạng để tìm tin tức về chồng. Đọc tới đây, lòng tôi trào dâng một cảm xúc lạ kì. Tình yêu là như thế này sao? Nó to lớn đến nỗi khiến cho một người phụ nữ trẻ quyết định rời bỏ Tô Châu, một nơi tráng lệ để tìm đến vùng đất Tây Tạng, nơi còn chất chứa quá nhiều sự bí ẩn. 

Kể từ ngày rời đi đến Tây Tạng, sau ba mươi năm, Thư Văn mới trở về Tô Châu. Khoảng thời gian dài đằng đẵng ấy, bà đã làm gì? Bà đã tìm được Khả Quân, yêu dấu đời bà? Sau ngần ấy thời gian liệu rằng bà còn nhớ về hình dáng Tô Châu, người thân, nơi bà đã bỏ lại phía sau ba mươi năm trước? 

Tác phẩm là một bài ca hùng tráng  giữa Tây Tạng dù lạnh lẽo, khắc nghiệt đến đâu cũng không ngăn được những trái tim rực cháy, dũng cảm luôn tiến về phía trước. Tây Tạng nuôi dưỡng ý chí Thư Văn ngày một mạnh mẽ. Cả linh hồn và ngoại hình của bà đã thấm nhuần hơi thở của Tây Tạng. Từ một người con gái trẻ trung, khát khao tình yêu bà đã trở thành “một bà lão mặc trang phục Tây Tạng, mùi da thuộc cũ kỹ, mùi sữa ôi và phân thú bốc lên nồng nặc. Mái tóc bạc của bà tết thành hai bím rối bù, làn da nhăn nheo trông dạn dày nắng gió.”

Dù bốn mùa trôi qua như chớp mắt, dù Thư Văn chứng kiến bao nhiêu cái chết trước mắt, thì xuyên suốt cả câu chuyện, “tình yêu" của bà dành cho chồng là bất biến. Nó tiếp cho bà sức mạnh, nó tạo niềm tin, nó bảo vệ bà qua những chông gai thử thách. Để khi bà đã thành người Tây Tạng, dù mang đức tin của vùng đất ấy thì bà vẫn luôn là Thư Văn của Khả Quân, một cô gái hay sợ sệt ở trường y nhưng luôn đáng yêu, tươi sáng. 

Bút pháp của Hân Nhiên tự nhiên đến nao lòng. Nhờ bà tôi đã hình dung ra viễn cảnh những dãy núi trùng trùng điệp điệp nơi cao nguyên lạnh giá này. Dưới ngòi bút của tác giả, chúng ta sẽ cảm nhận được sự thiêng liêng qua từng hơi thở, nơi mà con người gửi gắm ước nguyện cho các vị thần Phật trên cao. Đến cuối cùng, khi con người ngã xuống, chúng ta sẽ trở về với tự nhiên, nhưng để đến được lúc đó, chúng ta ở hiện tại phải đi hết cuộc hành trình của đời người làm sao cho thật ý nghĩa. 

  • Tác phẩm: Thiên táng
  • Tác giả: Hân Nhiên sinh năm 1958 tại Bắc Kinh. Năm 1997, Hân Nhiên rời Trung Quốc và đến London cùng con trai. Năm 2004, Thiên táng xuất bản lần đầu. Đây cũng là tác phẩm đánh dấu tên tuổi cũng như phong cách của bà. 
  • Đánh giả: 9/10

  • 2352
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1255
Nickname
Nickname2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)