logo-maybe-vn
Mở app
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Đại Dương Cuối Đường Làng - Một câu chuyện để lại những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Warning: Có spoil nhẹ và hầu hết đều là ý kiến cá nhân của người viết. 

Chỉ cần đã từng đọc hoặc xem Coraline, thì cho dù che đi tên tác giả mình nghĩ người đọc cũng sẽ biết Đại Dương Cuối Đường Làng là tác phẩm của Neil Gaiman. Cá nhân mình khi đọc xong thì thấy hai quyển này có khá nhiều điểm tương tự, nhưng tất nhiên là mỗi quyển đều có những cái hay riêng. Khi nhắc về Neil mình thấy khá ít người nhắc đến Đại Dương Cuối Đường Làng, có vẻ đây là một quyển không nổi lắm với độc giả Việt nên lần này mình muốn chia sẻ thêm về nó.

Neil luôn làm mình ấn tượng với những câu chuyện kịch tính mang màu huyền bí, ông luôn tìm được cách đan xen hợp lý giữa thực tế và những thế giới ma thuật tồn tại đâu đó trong trí tưởng tượng. Các tình tiết lạ kỳ khơi gợi óc tò mò của người đọc và đôi khi làm mình tự hỏi rằng liệu thế giới này có bao nhiêu phần là thật? Thay vì tin vào thế giới ma thuật của Neil, lần này mình đã thử suy diễn theo lối “thực tế” hơn với Đại Dương Cuối Đường Làng và với mình nó làm cho câu chuyện trở nên thú vị hơn.  

Sơ lược một chút về bối cảnh: Nhân vật chính “tôi” là một người đàn ông trung niên đang trên đường đến nhà em gái ở vùng Sussex – nơi anh ta đã từng ở những ngày còn bé. Trong lúc vẩn vơ suy nghĩ thì anh ta đã chạy đến cuối đường làng, nơi có trang trại của gia đình Hempstock, kí ức phủ bụi sau hàng chục năm lại ùa về khi anh ta đứng trước cái ao – “đại dương” của Lettie Hempstock.

Nếu trong Coraline là thế giới song song thì trong Đại Dương Cuối Đường Làng chúng ta có một vùng đất ma thuật sâu trong rừng, nơi giam giữ mụ phù thủy ác độc. Năm nhân vật “tôi” bảy tuổi thì gia đình cậu chuyển đến ngôi nhà ở đầu làng, nhờ một sự kiện kì lạ mà làm quen với cô bé Lettie Hempstock mười một tuổi. Do bất cẩn mà “tôi” bị mụ phù thủy bám theo về tận nhà, tiếp theo là chuỗi ngày đáng sợ khi mụ phù thủy tìm cách chia rẽ các thành viên trong gia đình với “tôi”.

“Tôi ngờ rằng một câu chuyện chỉ quan trọng chừng nào nhân vật trong chuyện thay đổi. Nhưng khi những chuyện này xảy ra thì tôi mới bảy tuổi, và tôi ở cuối chuyện cũng vẫn y hệt như tôi ở đầu câu chuyện, đúng không? Tất cả những người khác cũng vậy. Họ hẳn phải như vậy. Con người không thay đổi.”

Phần ấn tượng nhất với mình có lẽ là đêm mà “tôi” đã phải tìm cách trốn chạy khỏi ngôi nhà của chính mình. Một cậu bé bảy tuổi chạy vào màn trời dông giữa đêm, bằng đôi chân trần trên con đường làng phủ đầy đá dăm. Mình nghĩ nếu được chuyển thể làm phim hoạt hình thì đây cũng sẽ là một bộ phim hấp dẫn, vì chỉ đọc thôi mà mình đã cảm nhận được nỗi sợ len vào trong tâm hồn cậu bé đêm hôm ấy.

“Tôi phát hiện ra một bục bằng gỗ nên trèo qua rồi cứ thế chạy băng qua đồng cỏ, tim đập thình thịch như cái trống to nhất, ồn nhất đang hay đã từng tồn tại, chân thì để trần, đồ ngủ cùng áo choàng ngủ ướt nhẹp bên dưới đầu gối và dính bết vào người. Tôi chạy mà chẳng để ý gì đến mấy bãi phân bò. Đồng cỏ khiến bàn chân tôi dễ chịu hơn là đường làng đầy đá dăm lúc nãy. Tôi tươi tỉnh lên và cảm thấy mình có thực hơn khi chạy trên cỏ. Sấm ầm ầm đằng sau dù tôi không thấy có ánh chớp.”

Cậu tìm đến trang trại và được Lettie giúp đỡ nhưng cái giá phải trả khá lớn. Lettie bị thương và cần được trả về với “đại dương”, tức là cái ao ngay sau trang trại, để chờ ngày hồi phục. Và điều làm mình thấy khá lấn cấn là cuộc nói chuyện giữa nhân vật “tôi” lúc trưởng thành và bà của Lettie ở cuối truyện. Dường như mọi kí ức của “tôi” về Lettie đều trong trạng thái mù mờ, nó chỉ rõ ràng hơn khi anh ta quay lại làng và đến bên cái ao. Thậm chí ngay cả kí ức về bản thân mình trong suốt mấy chục năm qua cũng không hề rõ ràng trong trí nhớ anh ta.

Vậy rốt cuộc Lettie là nhân vật có thật hay không?

“Đại dương” nhìn từ ngoài chỉ là một cái ao nhỏ, nhưng gia đình Hempstock nói rằng nó là vô tận, nó chứa đụng và nuôi dưỡng tất cả mọi thứ bao gồm cả Lettie. Mình nghĩ nó là hình ảnh đại diện cho “kí ức”, từ bao nhiêu thế hệ với vô vàn câu chuyện khác nhau đã được đặt vào cái ao bé nhỏ ấy. Vì vậy mà nó được gọi là “đại dương”, có lẽ trong đó cũng có cả kí ức của “tôi” về cô bé Lettie mười một tuổi nữa. Và đến tận cuối truyện thì Lettie vẫn không quay lại, nên mình không rõ liệu Lettie là một cô bé có thật hay chỉ là một người bạn trong trí tưởng tượng của “tôi”.

Và mụ phù thủy có thực sự tồn tại hay không?

Neil Gaiman rất tài tình khi khơi ra những góc tối trong tâm hồn người lớn và phô bày nó dưới cái nhìn của một đứa trẻ. Chuyện về mụ phù thủy có thể là thật cũng có thể là giả, nhưng việc ông bố, vì một người phụ nữ xấu xa, đã gây nên những kí ức tồi tệ cho nhân vật chính vào đêm hôm đó là thật. Để khi lớn lên, anh ta tìm cách giấu bản thân lúc nhỏ vào một góc nào đó và  chỉ khi đến gần “đại dương” nó mới xuất hiện. Gán cho người phụ nữ, xen vào giữa bố và mẹ, hình ảnh một mụ phù thủy, mình đoán đó là cách nhân vật chính “trốn” khỏi thế giới tối tăm của người lớn.

Hoặc phải chăng vì thế giới ma thuật chỉ nằm trong tầm nhìn của bọn trẻ nên khi đã trở thành người lớn thì nhân vật “tôi” dần quên hết về nó? Từ cách anh ta “nuôi dưỡng một trái tim mới” (theo lời mẹ Lettie) trong quá trình trưởng thành có thể thấy anh ta đã lựa chọn quên đi những kí ức đau khổ trong quá khứ để chấp nhận thế giới xung quanh. 

“Tôi không nhớ những gì tuổi thơ của mình, nhưng tôi nhớ rằng mình vẫn lấy làm vui sướng với những điều nhỏ nhặt, ngay cả khi những thứ lớn lao hơn đã tan tành. Tôi không làm chủ được thế giới mình sống, không thể quay lưng trốn tránh những sự việc, con người hay khoảnh khắc làm mình đau lòng, nhưng tôi lấy làm vui sướng với những thứ làm mình hạnh phúc.”

Hầu hết đều là suy nghĩ cá nhân của mình, có lẽ do ảnh hưởng ít nhiều từ những thể loại mình hay đọc. Giọng văn của bác Neil khá hợp gu mình, chắc mình sẽ tìm đọc nhiều hơn và biết đâu sau này sẽ ngộ ra xem có còn gì ẩn trong câu chuyện này không. Nhìn chung thì đây là một câu chuyện mình thấy hay và khá hồi hộp, nhất là khi bạn đọc liền mạch vào một buổi đêm mưa.

Đánh giá cá nhân: 4/5

Thông tin sơ lược về tác giả: Neil Gaiman tên đầy đủ là Neil Richard MacKinnon Gaiman, sinh năm 1960, là một tiểu thuyết gia, tác gia kiêm biên kịch gốc Anh. Ông nổi tiếng với những tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết và truyện tranh thể loại khoa học giả tưởng, huyền bí. Một số tác phẩm đáng chú ý ý của ông là: loạt truyện tranh The Sandman, các tiểu thuyết như Coraline, Những Vị Thần Nước Mỹ, Bụi Sao, Câu Chuyện Nghĩa Địa,...

Hoàng Linh

  • 2682
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
903
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)