logo-maybe-vn
Mở app

Bản Chất Của Người: Ta biết gì về từ "Người"?

Bản Chất Của Người là một tác phẩm mà chính Han Kang đã thừa nhận: “Tác phẩm mà tôi không thể trốn tránh, không thể không viết. Nếu không viết, không vượt qua, có lẽ tôi sẽ không thể đi tiếp đến bất cứ đâu.”

Han Kang sinh năm 1970 tại Gwangju, Hàn Quốc. Cô tốt nghiệp Khoa văn trường đại học Yosei, bắt đầu hoạt động văn chương từ năm 1994, sau khi truyện ngắn Mỏ Neo Đỏ ra mắt và giành được giải sáng tác cho tác giả trẻ của báo Seoul Shinmun. Trong suốt gần ba mươi năm cầm bút, Han Kang đã đạt được nhiều giải thưởng lớn nhỏ, trở thành một trong những nhà văn mang dấu ấn nổi bật trên văn đàn Hàn Quốc đương đại. Năm 2016, cô đoạt giải thưởng văn học Man Booker International với tác phẩm Người Ăn Chay.

Bản Chất Của Người được đánh giá là “một trong những tiểu thuyết xuất sắc và giàu sức lay động nhất của Han Kang”. Đây là cuốn sách chứa đựng quá nhiều sự đau đớn, dã man và tàn bạo. Mỗi khi nghĩ đến Bản Chất Của Người, mình đều tự hỏi bản thân nên bắt đầu viết từ đâu đây, với tất cả những gì khủng khiếp đã diễn ra bên trong nó. Với những xáo trộn, lẫn lộn người tốt kẻ xấu, đấu tranh và đàn áp, những chờ đợi và hi vọng đã tắt, những người sống ở thời đại mới và những người đã mất đi linh hồn mình, trở thành những xác thịt khô héo…

Tác phẩm lấy bối cảnh từ sự kiện lịch sử Phong trào dân chủ Gwangju năm 1980. Người chết rất nhiều. Họ chết vì bị quân lính đàn áp. Chết trong những cuộc biểu tình sục sôi ngoài phố. Chết vì cố thủ giữ lại Ủy ban tỉnh. Chết vì bị tra tấn. Mà cũng có người chẳng làm gì cả, ấy thế mà vẫn bị giết chết. Và những người còn sống qua sự kiện ấy, họ ra sao? Họ trở thành những thanh niên có tương lai mịt mù, với ám ảnh tinh thần không thể nào quên. Họ trở thành một người phụ nữ không thể cận kề đàn ông nữa, kể cả khi chồng họ có van xin: “Xin em đừng nhìn anh với ánh mắt ấy.” Họ trở thành một người mẹ lẩn thẩn kiên quyết muốn sống những năm cuối đời nơi quê nhà, để nhớ đến người con đã mất. Hay, họ đã trở thành một linh hồn không còn cảm xúc sợ hãi, căm ghét, chỉ muốn đi tìm người quan trọng nhất của mình.

Bản Chất Của Người là một tác phẩm với những mảnh ghép đa sắc. Bởi chẳng nỗi đau nào tồn tại ở trạng thái giống nhau. Bởi trải nghiệm của mỗi người là khác nhau, dẫu họ có cùng trong một hoàn cảnh. Han Kang đã viết nhiều câu chuyện với những nỗi đau rất riêng.

Câu chuyện bắt đầu với Dong Ho - khi ấy lạc mất bạn mình trong một cuộc biểu tình. Cậu đến Nhà thi đấu - nơi đã trở thành địa điểm lưu giữ những xác người thiệt mạng chưa có ai đến nhận, với mong muốn tìm thấy bạn, với mong muốn cứu chuộc sự day dứt trong lòng. Và cậu trở thành tình nguyện viên ở đó, mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm xác chết, cần mẫn đánh số, ghi lại mô tả thi thể để chờ người thân của họ đến nhận về.

Giống như cậu, cũng có rất nhiều thanh thiếu niên đang tuổi đi học trở thành tình nguyện viên, ngày ngày đối diện với những thân xác chẳng còn hơi thở, thậm chí xấu xí, ghê người với những dấu vết bị chém, bị đánh chẳng ra hình hài người nữa - đó là những hình ảnh mà mãi tận sau này, ta vẫn có thể thấy nó trong kí ức của những người còn sống.

Những kí ức khiến họ khổ sở, nhưng cũng là những kí ức giúp họ lấy can đảm sống, sống mạnh mẽ. Những kí ức là một trải nghiệm, và trải nghiệm từ sự kiện lịch sử này đặt ra một câu hỏi mà mình cứ suy nghĩ mãi:

“Có những kí ức chẳng bao giờ lành. Có những kí ức sẽ không phai mờ theo năm tháng mà trái lại, mãi ở lại, còn tất cả sẽ từ từ bị bào mòn. Như thể từng bóng đèn màu vụt tắt, thế giới dần trở nên tăm tối. Tôi biết bản thân mình cũng đang rất mong manh.

Bây giờ, tôi xin được hỏi anh.

Như vậy, có phải con người là một sinh vật tàn nhẫn từ trong bản chất? Hay đó chỉ là những trải nghiệm phổ biến của chúng ta?”

Mình đã bật khóc khi linh hồn của Jeong Dae - người bạn Dong Ho vẫn mãi tìm kiếm, chỉ muốn vươn tới bên cậu. Nhưng vào lúc Jeong Dae được tự do, ấy cũng là lúc cậu cảm nhận được Dong Ho đã không còn nữa. Biển lửa và âm thanh súng đạn từ đằng xa đã đem Dong Ho của cậu đi mất.

Tim mình thắt lại khi nghe Young Jae kể về buổi sáng cuối cùng khi anh trai em chết, còn em bị bắt vào tù mà không rơi nước mắt. Nhưng khi được hỏi muốn ăn gì, em lại đưa nắm tay lên dụi mắt mà trả lời: “Em… em muốn ă… ăn nhất là bánh ga tô mật ong. Với… với cả nước… Sprite nữa.”

Mình xót xa biết bao khi mẹ Dong Ho gia nhập Hội gia quyến, góp sức làm băng rôn khẩu hiệu biểu tình, “Nghe nói lão Tổng thống xuất thân quân đội kia đã đến, kẻ giết người đó đã đến đây… Mà máu của con mẹ đâu nào đã khô”. Và cả tiếng kêu xé ruột của chàng thanh niên: “Các mẹ ơi, sao các mẹ lại ở đây thế này? Các mẹ đã làm gì nên tội chứ?”

Mình cũng đã lặng người vì phẫn nộ, vì quá sợ hãi, khi được biết bức ảnh chụp bọn trẻ năm ấy nằm thành hàng không phải vì người ta đã xếp lại chúng, mà vì chúng đã nghe lời người lớn: “Các em phải đầu hàng. Nếu các em thấy tất cả đều sắp chết đến nơi thì cứ vứt súng đầu hàng ngay lập tức. Phải tìm đường sống sót.” Vậy tại sao bức ảnh đó lại ra đời?

Tại sao lũ trẻ đã nghe lời người lớn, ấy vậy mà chúng vẫn chết? Có phải đó là sai sót trong suy nghĩ những tình nguyện viên, rằng bản chất đám đông của quân lính cũng giống như họ hay không?

Những điều Han Kang viết không phải là sự lặp lại một giai đoạn lịch sử khủng khiếp bằng văn chương. Ấy là nỗi đau của những xác thịt người. Là nỗi đau tinh thần còn sót lại mãi theo thời gian. Và Bản Chất Của Người - với mình - còn là một nỗ lực phi thường trong việc lí giải hành động của đám đông. Những người cố thủ tại Ủy ban tỉnh đã không nổ súng, vì họ biết nếu nổ súng thì sẽ có người chết. Nhưng còn quân lính vào thành phố đêm đó thì được cấp số đạn đủ bắn vào toàn bộ người dân mỗi người hai lần.

Bản Chất Của Người là một tác phẩm đem lại cho mình quá nhiều day dứt, ám ảnh, và cả những giọt nước mắt vỡ oà vì đau đớn, vì xót thương, khâm phục và thấm thía. Đồng thời, với tác phẩm này, Han Kang đã nêu ra câu hỏi mang tinh thần thời đại về bản chất của người:

“Chúng ta vẫn chưa rõ đâu là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến tính đạo đức của đám đông…

Nếu vậy, câu hỏi còn lại đối với chúng ta chính là: Con người là gì? Và để con người không trở thành thứ gì đó khác, chúng ta phải làm gì?”

Đánh giá cá nhân: 5/5

Nguyen Nguyen

  • 3012
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1232

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)