logo-maybe-vn
Mở app

Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai: Khi tình yêu đơm hoa từ hạt giống trái cấm

“Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và Chúa trên cao cũng phải mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại…”

Chính tựa đề và lời ngỏ đầy ấn tượng này đã khiến tôi quyết định chọn mua cuốn sách và không thể ngờ rằng nó đã trở thành tác phẩm bản thân tâm đắc nhất cho tới hiện tại.

Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai không hề lãng mạn và đậm chất thơ như cảm giác gợi lên từ tên gọi và bìa sách. Cuốn tiểu thuyết kinh điển đem tôi lạc đến những miền hoang vu của nước Úc, đắm say trong câu chuyện tình yêu vừa mãnh liệt vừa đẹp đẽ của hai nhân vật chính và trầm luân trong những bi kịch kéo dài suốt cả ba thế hệ.

Cuốn tiểu thuyết do nữ nhà văn người Australia Colleen McCullough sáng tác sau bốn năm lên ý tưởng và được xuất bản năm 1977 tại nhiều quốc gia. Không giống nhiều tiểu thuyết gia khác, bà có xuất thân là một nhân viên y tế và viết lách chỉ là nghề tay trái. Nhưng sự thành công của Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai đã đưa tên tuổi bà sánh ngang với Margaret Mitchell - tác giả của Cuốn Theo Chiều Gió cũng như Mikhail Aleksandrovich Sholokhov - tác giả cuốn Sông Đông Êm Đềm.

Tại Việt Nam, tác phẩm được dịch và phát hành với nhiều phiên bản như Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai của Nhà xuất bản Văn học (2012) hay đến 2015, Nhà xuất bản Trẻ cho tái bản tác phẩm với tên gọi Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết được dịch từ Tiếng Pháp.

Mặc dù không có quá nhiều khác biệt giữa các phiên bản nhưng cá nhân tôi đánh giá cao và yêu thích cái tên Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai hơn cả vì những tầng nghĩa ẩn dụ mà nó đem lại.

Nguồn ảnh: sachdenroi
Nguồn ảnh: sachdenroi

Cuốn tiểu thuyết xoay quanh gia đình Cleary qua ba thế hệ trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ II và nổi bật là chuyện tình đầy ngang trái của Meggie Cleary và cha đạo Ralph de Bricassart.

Xuyên suốt tác phẩm là hình ảnh con người lao động đan xen với cảnh sắc thiên nhiên hoang dại đầy khắc nghiệt. Cái bóng của chiến tranh và sự phiền toái đến từ tự nhiên không làm nao núng con người nơi đây, họ vẫn sống kiên cường nhưng dường như từ sâu bên trong tâm hồn đều ẩn chứa những mảng tối không thể chia sẻ bởi những sợ hãi, những định kiến và lệ luật xã hội cũ.

Đọc đến phân nửa tác phẩm, tôi dường như mất hết cả kiên nhẫn khi thứ hấp dẫn tôi từ đầu là “tiếng chim hót” và “bụi mận gai” vẫn chưa xuất hiện. Tất cả chỉ là những câu chuyện vụn vặt hằng ngày của đại gia đình Cleary với ông bố cộc cằn kiệm lời cùng một bà mẹ dịu dàng, tần tảo.

Và rồi những manh mún cho câu chuyện tình yêu đẹp đẽ nhưng đầy tội lỗi cũng rõ dần theo sự trưởng thành của Meggie, nữ chính câu chuyện.

Cô đã đem lòng yêu cha Ralph, một vị cha đạo lớn hơn cô 19 tuổi. Tình yêu tai ác này dần dần len lỏi vào cả hai con người tự lúc nào không biết. Nhưng chỉ đến lúc Meggie 17 tuổi và xuất hiện trong bộ váy màu tro hoa hồng, cha Ralph mới nhận thức được nàng đã thực sự trở thành thiếu nữ. Tuy chưa hình dung ra được màu tro hoa hồng là gì nhưng linh cảm đã mách bảo tôi rằng chuyện tình này sẽ bi ai và tuyệt vọng đến nhường nào.

“Thời gian trôi qua mà nỗi đau vẫn không giảm bớt. Trái lại, nó càng giày vò mãnh liệt hơn, biến thành một khổ hình lạnh lùng gớm ghiếc. Trước kia sự cô đơn không có diện mạo, cha chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có lấy một người bước vào đời cha và có thể chữa lành bệnh cho cha. Bây giờ sự cô đơn có tên: Meggie, Meggie, Meggie…”

Nhưng các bạn biết đấy, ở cái xã hội bị quyền lực đồng tiền và giáo điều chi phối, con người ngay cả cuộc sống của mình cũng không thể quyết định được thì liệu tình yêu kia có được chấp nhận không?

Câu trả lời là không, chắc chắn không. Colleen McCullough không gieo vào lòng người đọc những huyễn tưởng về tình yêu vượt lên định kiến bằng một cái kết đẹp cho hai nhân vật chính. Nhưng chí ít bà cũng cho nhân vật của mình cơ hội để phản kháng.

Meggie xinh đẹp đã đánh đổi tất cả, vượt lên trên định kiến và giáo điều để giành lấy tình yêu, giành lấy hạnh phúc, điều mà mẹ cô hay những người phụ nữ cùng thời chưa làm được và cũng không dám mơ tới. Và cuộc tình sai trái ngay từ lúc bắt đầu này đã kết thúc bằng những chuỗi bi kịch kéo dài cả ba thế hệ.

Tôi đã thấy qua một nước Úc xinh đẹp đầy hoang dại và khắc nghiệt, tôi đắm chìm trong thế giới nội tâm phức tạp của từng nhân vật và tôi cũng đã thấy những con người vượt lên những mất mát, hy sinh do chiến tranh và thiên tai để tạo dựng cuộc sống mới. Nhưng điều làm tôi xúc động và nhớ về tác phẩm nhất là hình ảnh “tiếng chim hót” trong “bụi mận gai”.

Con chim ấy chính là Meggie, cô sẵn sàng đánh đổi danh dự, cuộc sống, vượt mặt cả Chúa Trời để được ở bên người mình yêu dầu chỉ là phút chốc. Đoạn tình yêu đẹp và ngang trái này được ví như bài ca độc nhất của con chim lao mình vào gai nhọn kia. “Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại…”

Không hề xuất hiện kỳ tích nhưng liên tục có những cú “plot twist” ở phần cuối câu chuyện khiến tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần để chắc chắn mình không bỏ sót chi tiết nào.

Khép lại cuốn sách với nhiều suy ngẫm về cuộc sống, về tình yêu và những “mất mát” bất ngờ, tôi không tránh được những ám ảnh về nó suốt nhiều tuần hay đến bây giờ nghĩ lại, trái tim tôi vẫn quặn đau vì mối tình ngang trái này. Nếu như Fiona mềm yếu không giữ được tình yêu của mình và chôn chân cả đời với trách nhiệm gia đình thì Meggie lại dũng cảm tranh đấu cho hạnh phúc bản thân. Mặc dù hạnh phúc chỉ đến như đốm lửa nhỏ trong đêm đông, nhưng lúc nó tỏa sáng lại đẹp đẽ đến kinh người, làm vạn vật phải ngước nhìn. Nếu có một tình yêu, tôi sẽ nắm lấy nó như cách Meggie đã làm.

Đây không phải là câu chuyện tình yêu có kết thúc mỹ mãn nhưng nếu bạn đang chần chừ hay ở vị trí chông chênh trong mối quan hệ của mình, hãy đọc nó để có thêm động lực.

“Trong mỗi chúng ta đều có một cái gì mà dù có gào khóc thế nào đi nữa ta cũng không vượt qua được nó. Chúng ta là như thế, và không làm thế nào được. Mình ạ, như con chim nọ trong một truyền thuyết cổ của dân tộc Xentơ: lao ngực vào chiếc gai của bụi mận, và khi trái tim bị xuyên thủng thì cất tiếng hót và chết dần. Nó không thể làm khác được, số phận nó là như thế. Cho dù chính ta biết rằng ta sảy chân, thậm chí biết trước khi ta đi bước đầu tiên thì điều đó cũng không ngăn giữ được gì, không thể thay đổi được gì, phải không nào? Mỗi người hát bài ca của mình và tin chắc rằng chưa bao giờ thế gian nghe thấy bài nào hay hơn. Chẳng lẽ mình không hiểu sao? Chính chúng ta tự tạo ra cho mình những chiếc gai nhọn và thậm chí không nghĩ đến việc ta sẽ phải trả một giá như thế nào. Rồi sau chỉ còn có việc chịu đựng và tự nhủ rằng ta đau khổ không phải là vô ích.”

Đánh giá cá nhân: 9/10

Trần Ái Vi

  • 2228
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1945

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)