Sống lại ngày tận thế: Nỗi kinh hoàng của vụ đánh bom Hiroshima được tái tạo bằng thực tế ảo
Đoạn clip tái hiện dài 5 phút đã thể hiện toàn bộ những khoảnh khắc quân đội Mỹ ném bom hạt nhân xuống thành phố Hiroshima gây ra cái chết của 140.000 cư dân Nhật Bản.
Mei Okada, một thành viên trong dự án chia sẻ: "Không cần bất cứ ngôn từ nào, chỉ cần thấy những hình ảnh đó bạn sẽ hiểu ngay lập tức. Đây là công lao lớn của việc ứng dụng công nghệ VR vào thực tế."
Ngày 6 tháng 8 năm 1945, sự kiện đánh bom ở Hiroshima đã đánh dấu việc lần đầu tiên vũ khí hạt nhân được sử dụng nhằm vào dân thường. Ba ngày sau, quả bom thứ hai quân đội Mỹ ném xuống đã sát hại 70.000 người dân ở Nagasaki chỉ trong chớp mắt. Sáu ngày sau, Nhật Bản đầu hàng, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Người dùng có thể vào bưu điện và sân bệnh viện Shima, nơi chỉ còn lại những tàn tích khung xương của một tòa nhà hiện nay được gọi là Mái vòm Bom nguyên tử, một minh chứng cho những gì đã xảy ra.
Yuhi Nakagawa (18 tuổi) chia sẻ, ban đầu cậu không mấy quan tâm đến những gì đã xảy ra khi thành phố bị đánh bom. Có lẽ cậu đã lảng tránh không muốn đề cập đến thảm kịch này.
Những gì đã diễn ra trong 2 lần đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki?
Quả bom chứa hơn 4 tấn Uranium phát nổ ở độ cao 580m so với mặt đất đã giết chết khoảng 60.000 đến 80.000 người, một số biến mất ngay lập tức vì sức nóng của vụ nổ lớn.
Những người khác chết vì lửa xé qua thành phố và khoảng 135.000 người tổng cộng được cho là đã chết vì các căn bệnh liên quan đến bức xạ.
Vụ nổ san phẳng hoàn toàn thành phố trong phạm vi 10km vuông, với ngọn lửa cháy trong ba ngày, để lại hàng ngàn người sống sót bị bỏng nặng và vô gia cư.
Các nạn nhân không thể tìm được nhiều sự giúp đỡ vì các công trình bệnh viện bị phá hủy, và hơn 90% bác sĩ và y tá của thành phố cũng bị giết trong vụ nổ.
Mười năm sau, các tác hại của sự kiện bi thương đó đã được báo động, bao gồm sự gia tăng bệnh bạch cầu - một loại ung thư máu chưa được đưa vào nghiên cứu.
Theo báo cáo của IBT, ung thư đã ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến trẻ em, với các trường hợp biến chứng xuất hiện trong hai năm sau vụ đánh bom và đạt đỉnh điểm là khoảng thời gian từ bốn đến sáu năm sau đó.
Tổ chức nghiên cứu ảnh hưởng bức xạ ước tính 46% số ca tử vong do bệnh bạch cầu tại các khu vực bị đánh bom từ năm 1950 đến năm 2000 là do ảnh hưởng phóng xạ từ bom, trong tổng số 1.900 ca tử vong do ung thư liên quan đến bom nguyên tử.
Yuhi cho biết: "Khi tạo ra các tòa nhà trước khi quả bom nguyên tử rơi xuống rồi nhìn thấy nhiều bức ảnh của các tòa nhà biến mất, tôi đã thực sự cảm nhận được những quả bom nguyên tử đáng sợ như thế nào. Vì vậy, lúc tạo ra những khung cảnh đó, tôi chợt cảm thấy việc chia sẻ điều này với những người khác là rất cần thiết."
"Những người thấu hiểu thành phố cho chúng tôi biết các khung cảnh được tái hiện rất tốt và hoài cổ. Đôi lúc, họ bắt đầu hồi tưởng lại ký ức của mình tại thời điểm đó, và điều đó thực sự khiến tôi xúc động khi đã tạo ra điều này." Katsushi Hasegawa, một giáo viên tin học giám sát câu lạc bộ chia sẻ.
- 0
- 0Bình luận