Xa xứ - Sướng, khổ và nỗi lòng của những người nơi đất khách
Không phải ai đang xa xứ cũng là để tận hưởng kỳ nghỉ dài hạn. Họ tới đó để làm việc và suy cho cùng, bôn ba nơi đất khách mang tính thử thách hơn mọi sự tưởng tượng của bạn, ẩn sau những tấm hình đăng Instagram với khay bánh macaron tại Marais, hay dàn xe hai tầng trước đồng hồ Big Ben.
Có những người chưa bao giờ đặt chân lên máy bay cho đến khi 21 tuổi, và việc di chuyển qua các quốc gia dần trở thành cơn nghiện trong chuyến hành trình đi tìm những điều lớn lao, tốt đẹp hơn. Để rồi nhận ra, nơi tuyệt vời nhất lại là nơi họ gọi là nhà.
Chưa dừng lại ở đó, họ tiếp tục phải vật lộn với câu hỏi: “Nhà là gì?”. Chắc chắn việc di chuyển đã giúp những người xa xứ mở rộng tầm nhìn nhưng chuyện gì cũng có cái giá của nó. Liệu họ có hối hận? Có lẽ là không.
Trong một phút giây nào đó, phải chăng họ chỉ ước mình có được những suy nghĩ cẩn trọng hơn về mặt tốt mặt xấu ở xứ người, trước khi quyết tâm rời bỏ ngôi nhà thoải mái để sống như một kẻ tha hương?
Được và mất
Gặp gỡ những người mới và kết bạn là một trong vô số lợi ích to lớn nhất của việc di chuyển giữa các quốc gia. Suốt nhiều năm, những người xa quê đã học được nhiều thứ từ mối quan hệ với nhiều loại người, từ người nổi tiếng cho đến kẻ lạ mặt ngẫu nhiên va phải trên phố.
Họ được mở rộng tâm trí và cũng chấp nhận nhiều cách nhìn nhận, cách suy nghĩ và lối sống khác nhau. Môi trường sống thay đổi giúp "những chú chim xa đàn" xây dựng mối quan hệ toàn cầu, điều này rất có ích khi di chuyển qua các quốc gia.
Tuy nhiên, người thân của họ lại là những người phải chịu đựng nhiều nhất từ chuyến đi xa đó. Trong khi họ ở đất khách, bận rộn làm quen bạn mới và điều chỉnh để thích nghi với cuộc sống mới, những người họ yêu nhất lại bị bỏ lại sau lưng.
Mối quan hệ với gia đình và bạn bè cũng thay đổi, một vài mối quan hệ đã thật sự đổ vỡ. Không phải đùa đâu, nhưng khi chuyển đến một quốc gia khác để sinh sống, bạn dường như trở nên ích kỷ hơn.
Nếu có thể tồn tại ở xứ người thì bạn sẽ tồn tại được ở bất cứ đâu
Đôi khi cảm thấy cô đơn mà chẳng biết bắt đầu từ đâu. Đó có thể là lúc mà một người tha hương đang tập vật lộn với việc gặp gỡ những gương mặt mới, điều này là hoàn toàn bình thường và hiển nhiên.
Nhưng ngay khi họ gạt bỏ sự ủ rũ và làm quen được với đồng nghiệp, hàng xóm hay những người hoàn toàn xa lạ, họ sẽ cảm thấy độc lập hơn bao giờ hết.
Làm việc với chính quyền địa phương và ngân hàng hay thậm chí là làm sao để cắt tóc cho vừa ý vốn dĩ đã đủ khó khăn dù là giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ.
Hãy tưởng tượng việc điền phiếu hoàn thuế, giải thích cho bác sĩ biết bạn không khỏe ở đâu hoặc phân trần với cảnh sát về việc có ai đó đã lẻn vào căn hộ của bạn - bằng một ngôn ngữ khác thì sẽ ra sao?! Lúc đầu mệt mỏi nhưng làm riết rồi cũng quen thôi.
Bữa tiệc sẽ vẫn còn vui, cho đến khi có người bật khóc
Việc được sống ở Paris, London và New York đã dẫn các "chú chim xa đàn" đến những bữa tiệc cực kỳ xa hoa, những cuộc triển lãm nghệ thuật đầy hứng khởi, hay những buổi trình diễn thời trang đầy màu sắc. Tuy nhiên, có biết bao nhiêu người lại không thể quay về nhà kịp để dự buổi tang lễ của thân nhân.
Ngày nghỉ lễ hoặc giây phút lương về chắc chắn sẽ định nghĩa cuộc sống của bạn hoàn hảo như thế nào khi làm một expat (người nước ngoài làm việc tại một quốc gia). Bạn sẽ phải ra những quyết định mà phần lớn là làm tổn thương một ai đó.
Đó có thể là đám cưới của đứa bạn thân nhất của bạn, hoặc sinh nhật lần thứ 50 của cha bạn. Liệu bạn có muốn dành cả kỳ nghỉ của mình để quay trở về nhà bên gia đình, hay sẽ dùng nó để nằm tắm nắng trên bãi biển?
Những người xa xứ luôn muốn kết hợp cả hai. Họ sẽ trở về thăm gia đình mình vào ngày lễ Giáng Sinh và có một kỳ nghỉ cực kỳ hoành tráng trên bãi biển vào mùa hè cùng bạn bè.
Như một thói quen
Chuyển đến sống tại một đất nước khác là một nỗ lực to lớn. Nhưng điều đó không chỉ dừng lại ở việc điền đơn xin visa và mua vé máy bay. Liệu bạn có định thử và cố gắng thích nghi với một nền văn hóa mới hay chịu đựng được việc phải sống với những người bạn khác trong một căn nhà thuê chung?
Thói quen hình thành ở đất nước trước đó không dễ bỏ. Việc làm quen với một quốc gia mới cần thời gian. Thông thường, những người quyết định xa xứ sẽ tránh những cú sốc văn hóa bằng cách nghiên cứu tường tận hoặc đến thăm quốc gia đó trước khi quyết định dọn đến sống.
Một căn nhà chưa hẳn là tổ ấm
Dẫu cho đã quen với văn hóa mới, thậm chí là còn học được một ngôn ngữ mới, kết bạn được tá người, nhưng cái cảm giác “nhà” thì lại không hề tồn tại. Việc di chuyển nhiều quốc gia khác nhau trong nhiều năm chẳng để lại cho người tha hương thời gian đủ để cảm thấy đâu mới là ngôi nhà mới của mình.
Theo từ điển Merriam-Webster, nhà được định nghĩa đơn giản là nơi con người sống. Tuy nhiên, một căn nhà chưa hẳn đã là tổ ấm. Trong khi những định nghĩa khác đều bao gồm các từ như "gia đình" khi định nghĩa về nhà, thì có một thực tế là con người ngày càng sống độc thân nhiều hơn, nhất là trong những thành phố lớn, chẳng phải sao?
Một điều chắc chắn là nơi mà người xa xứ thường gọi là nhà, nơi họ đã lớn lên và sống cho đến khi rời khỏi, đã không còn là nhà của họ nữa. Bất cứ khi nào trở về nơi chốn ấy, dù chỉ là vài ngày, họ đều cảm thấy như không còn hòa hợp được với nơi này nữa.
Có lẽ, việc khó khăn nhất không phải rời đi, mà là quay lại nơi bắt đầu. Có thể, đó chính là lý do duy nhất khiến những con người xa xứ vẫn hoài trốn tránh việc trở về.
- 0
- 0Bình luận