Đau lòng cảnh đấu sĩ nhí Muay Thái đổ máu mỗi đêm trên võ đài để kiếm tiền nuôi gia đình
Nằm mọp trên tấm chiếu tre, Supattra Inthirat nhắm nghiền đôi mắt và thở dốc, mặc cho người cha của mình đang ở bên cạnh để xoa bóp cánh tay và xức dầu bạc hà lên trán. Cô bé với dáng người nhỏ bé nhưng săn chắc, đang chuẩn bị cho ván đấu thứ 15 của mình.
Sau khi người cha vừa dứt lời động viên bên tai, cô bé 12 tuổi đứng bật dậy và sẵn sàng trực diện với đối thủ của mình trên võ đài. Vậy xung quanh khán đài nơi hai đấu sĩ nhí đang so kè, là ước chừng 400 người đang theo dõi trong bầu không khí nóng hừng hực dưới ánh đèn halogen sáng chóa.
“Con phải chiến thắng vì con là nhà vô địch” - người cha cổ vũ nhiệt tình. Và cô bé phải chiến thắng, vì chỉ có như vậy em mới nhận được món tiền 60 USD để trang trải kinh tế cho gia đình. Số tiền này bằng một nửa tháng lương ở các gia đình bình dân tại miền quê Thái Lan.
Trên khắp đất nước Thái Lan, Muay Thái là môn võ thuật được đông đảo mọi người đón nhận, bất kể là giới thượng lưu hay dân lao động. Với người nghèo, đây là cứu cánh giúp họ thoát khỏi kiếp túng thiếu và vươn lên tầng lớp trung lưu. Còn đối với dân giàu có, đó là những canh bạc thắng thua, nơi họ có thể kiếm được hàng vạn bath sau mỗi trận đấu trong đêm.
Tháng 11 vừa qua, hai thế giới giàu nghèo đã cùng gặp nhau tại sàn đấu ở phía Nam thủ đô Bangkok, nơi họ đắm chìm vào những cú đấm đá và cùng chứng kiến tấn bi kịch. Anucha Tasako, đấu sĩ nhí chỉ 13 tuổi, đã gục ngã ngay trên đấu trường sau một cú knock-out dứt khoát.
Cậu bé được đưa ngay đến bệnh viện nhưng không qua khỏi và đã tử vong hai ngày sau đó. Tasako đã nhận cú đá hiểm hóc thẳng vào vùng nhạy cảm trong hộp sọ, khiến em bị xuất huyết não trầm trọng. Trọng tài đã cố ngăn cản ván đấu nhưng bất thành vì hai cậu bé mãi say cơn men bạo lực.
Tasako thượng đài từ năm 8 tuổi, tính đến thời điểm qua đời, em đã thi đấu 174 trận. Sự cố dấy lên những tranh luận và vô số câu hỏi được đặt ra, liệu ngành công nghiệp dùng trẻ em thực thi bạo lực đã tồn tại ở vương quốc này suốt hàng chục năm qua có nên bị cấm cản?
Sau cái chết của võ sĩ nhí 13 tuổi, dư luận Thái Lan rộ lên một làn sóng tranh cãi dữ dội, gây áp lực lên các nhà lập pháp phải ban hành những điều luật nhằm quy chuẩn môn thể thao này, cũng như cấm trẻ dưới 12 tuổi thi đấu cùng nhiều hạn chế khác để bảo vệ các em.
Nhà nghiên cứu Jiraporn Laothamatas đã thực hiện một khảo sát kéo dài 7 năm về tác hại của Muay Thái lên trẻ em. Kết quả cho thấy những đứa trẻ võ sĩ bị suy giảm ổn định IQ và mất một phần chức năng não.
“Đây không khác gì hành vi sử dụng lao động trẻ em hay thậm chí là lạm dụng trẻ nhỏ. Các em đem tiền thưởng về nuôi sống cả gia đình, các bậc cha mẹ sử dụng con cái mình như một công cụ kiếm tiền và hủy hoại tương lai của các em cho môn thể thao này,” nhà nghiên cứu cho biết.
Vương quốc chùa vàng có quy định chỉ cho trẻ em trên 15 tuổi đăng ký tham gia thi đấu quyền Thái, nhưng trong thực tế điều luật này được nhắm mắt cho qua. Những cô cậu bé ở lứa tuổi tiểu học đã phải thượng đài, gia đình không cung cấp gì cho các em ngoài sự ủng hộ sáo rỗng và sự thiếu kiến thức về an toàn.
Mỗi đêm, ở Thái Lan có vô số trận đấu Muay Thái trẻ em được diễn ra và hầu hết chúng đều là thi đấu ngoài luồng. Một cơ quan điều tra độc lập công bố số liệu có khoảng 10.373 “chiến binh” dưới tuổi đăng ký thi đấu từ năm 2010 đến năm 2017.
Chia sẻ một góc nhìn khác, nhà nghiên cứu Sudhichai Chokekijchai cho biết: “Muay Thái đã ăn sâu vào máu, chúng ta không thể cấm đoán và khuyên nhủ bọn trẻ tìm đến một môn thể thao khác. Luật đặt ra chỉ khiến người ta lách luật, chi bằng chính phủ hãy nhìn nhận thực tế và có những chính sách hỗ trợ, đặt những điều luật bảo hộ trẻ em.”
Từ một trò chơi dân gian, Muay Thái đã phát triển thành môn thể thao toàn cầu trong suốt 400 năm qua. Các trận đấu diễn ra trong 5 hiệp, kéo dài 3 phút mỗi hiệp. Đấu sĩ được sử dụng đầy đủ chân tay và pha trộn mọi hình thức đánh, đấm, đá, thượng cẳng chân hạ cẳng tay,... nhưng không được dùng mũ bảo hộ.
Ở các thành phố lớn tại Thái Lan, trẻ em được đăng ký tham gia chính thức, được trả tiền theo đúng hợp đồng lao động. Nhưng tại các miền quê, đây là những hoạt động ngoài vòng pháp luật, đi cùng với nó là những sòng bạc ngàn đô.
Một người lao động quần quật cả ngày trên đồng ruộng có thể kiếm được 200 USD mỗi tháng, nhưng những “chiến binh” nhỏ tuổi có thể thu về cho gia đình cao nhất là đến 600 USD sau mỗi đêm thi đấu, thậm chí còn cao hơn vậy nữa đối với những vòng đấu loại trực tiếp.
Những cô cậu bé được định hướng theo võ thuật từ nhỏ sẽ phải sống trong khuôn khổ kỷ luật, các em phải dậy sớm để tập luyện. Những võ sĩ nổi bật ở các tỉnh sẽ được tập trung về thành phố, tại đây các em sẽ sinh hoạt và tập luyện cùng nhau trong khu nội trú, phải tạm rời xa gia đình. Một ngày của các em bắt đầu từ 4 giờ rưỡi sáng, khi Mặt Trời vẫn chưa mọc, rồi kết thúc sau 7 giờ tối, lúc Mặt Trời đã khuất ở chân trời.
Tại sân vận động Rajadamnern ở Bangkok, những trận đấu nảy lửa được tổ chức bốn lần mỗi tuần. Những người đàn ông trung niên và du khách nước ngoài tập trung rất đông tại đây, uống bia rồi giơ cao cánh tay để ra hiệu cho nhà cái về món cược của mình. Mức cược của mỗi trận vào khoảng từ 50 USD đến 500 USD và họ nhận tiền lập tức sau khi màn đấu ngã ngũ.
Ước mơ của những đứa trẻ ở sân tập này đều là mong muốn đạt được trình độ chuyên nghiệp. Các em hăng say tập luyện và thi đấu vì chảy cuồn cuộn trong người các em chính là dòng máu võ sĩ. Dư luận vẫn đang chia rẽ vì nhiều luồng ý kiến, nhưng rõ ràng rất khó có thể bắt ép các em phải từ bỏ đam mê của mình mà tìm đến một môn thể thao khác.
- 0
- 0Bình luận