Cô gái đồng tính mời cha mẹ đi du lịch cùng để dễ dàng công khai bản thân
Vào tháng 6 vừa rồi, Yuki Hoàng đặt vé lên chiếc du thuyền nghỉ dưỡng “Rainbow Cruise” di chuyển từ Thượng Hải, Trung Quốc đến Đà Nẵng, Việt Nam.
Trên chiếc du thuyền đi cùng cô còn có hơn 1.000 vị khách khác, tất cả đều thuộc cộng đồng LGBT+ và những người thân, gia đình, bạn bè gần gũi của họ.
Đây là chuyến đi được tổ chức hằng năm bởi PFLAG Trung Quốc – tổ chức LGBT+ phi chính phủ có trụ sở tại thành phố Quảng Châu thuộc đất nước tỉ dân. Trong suốt cuộc hành trình kéo dài 5 ngày, rất nhiều các hoạt động, talkshow cùng workshop ý nghĩa được tổ chức cho cộng đồng LGBT+ và cả những người thân thích, gia đình của họ.
“Mục đích của chuyến đi là để sửa chữa các mối quan hệ và đồng thời, là cơ hội để những cá nhân LGBT được tự do bộc lộ con người thật của mình.”
Một vài khoảnh khắc cảm động đã được quay lại và gói gọn trong video tài liệu dài 15 phút, kể về câu chuyện của những cá nhân thuộc cộng đồng LGBT+. Trong đó, bao gồm cả Hoàng: “Tôi đặt chuyến đi này để công khai tính hướng bản thân và vì thế, tôi cũng đã đưa cả bố mẹ đi cùng.”
Trước khi come out với gia đình, Hoàng nhận được lời tư vấn từ Hồng Lâm - một tình nguyện viên của tổ chức. Bà khuyên cô nên nắm lấy cơ hội, đừng để nó vuột đi mất và hãy nói với ba mẹ về những khó khăn mà cô phải trải qua.
“Đừng suy nghĩ quá nhiều. Em cần phải dũng cảm lên. Nếu để cơ hội vuột đi, em sẽ không có thêm một cơ hội khác như vậy. Tốt hơn hết, hãy nói ra ngày hôm nay. Để họ biết rằng ngoài kia có rất nhiều những bà mẹ, những ông bố vẫn có thể sống hạnh phúc và tươi cười khi đã biết về giới tính của con cái họ.”
Đối với Hoàng, việc chấp nhận con người thật của mình không khiến cô gặp nhiều khó khăn và thời gian. Nhưng điều cô quan tâm và băn khoăn nhất, đó là việc sẽ đánh mất gia đình sau khi công khai bản thân.
“Kể từ khi dậy thì, tôi đã hiểu rằng sớm hay muộn thì quan hệ giữa tôi và ba mẹ sẽ trở nên bất hòa sau khi họ biết về tính hướng thật của con gái họ. Nó không phải là điều được xã hội chấp nhận. Chúng tôi sống trong một ngôi làng lạc hậu. Ba mẹ sẽ không chấp nhận tôi. Nên tôi chỉ còn cách tự đi trên con đường của bản thân một mình.”
Hoàng nghĩ rằng, việc tham gia chuyến đi sẽ giúp giảm bớt nỗi đau của cha mẹ khi họ biết về tính hướng thật của cô.
“Tôi từng nghĩ rằng tôi chỉ có thể yêu ba mẹ, hoặc là yêu lấy chính mình, chỉ một trong hai. Nên khi tôi tìm hiểu và biết mình có thể chọn yêu cả hai, tôi đã nghĩ: Tại sao lại không? Để được như thế, tôi phải công khai bản thân mình.”
Cô đã chuẩn bị cho bố mẹ tham gia vào một buổi chia sẻ, nơi những đứa con LGBT+ và các bậc cha mẹ bước lên sân khấu để nói về câu chuyện của cá nhân mỗi người. Tuy nhiên, ở điểm này, thật sự không khó để bố mẹ Hoàng bắt đầu cảm thấy sự khác thường ở chuyến đi.
Ba của cô rời khỏi chỗ ngồi ngay khi đèn tắt và một video trên màn hình bắt đầu trình chiếu. Ông sau đó quay lại để kéo vợ mình ra, nhưng bà lúc đó đã suy sụp hoàn toàn.
“Ba em ấy rời đi một cách giận dữ. Còn mẹ em thì liên tục khóc trong vòng tay em. Lúc sau, em ấy chạy đuổi theo ba mình, nên tôi đã cố gắng xoa dịu mẹ của em và giúp bà ấy bình tĩnh trở lại”. Hồng Lâm cho biết, bà cảm thấy rằng mẹ của Hoàng dường như đã biết về điều bí mật của con gái được “một thời gian dài”.
Về phần Hoàng, cô cũng chia sẻ bản thân không hề cảm thấy sợ hãi hay nhẹ nhõm sau khi ba mẹ nhận ra tình hình. Lúc đó, cô chỉ nghĩ về các giải pháp và hành động của mình.
“Quay trở lại thời gian ấy, tôi vẫn có thể cảm nhận ba mình ngồi bên cạnh thật bình tĩnh. Ông đã nói với tôi rằng sau khi ông nhận ra chuyện gì đang xảy ra, ông như bị tê liệt. Và khi chúng tôi về phòng, ba đã cố xoay chuyển tôi. Hôm đó, cả con người ông đã sụp đổ hai lần, cả thảy hai lần ông khóc.”
Ba cô đã tự hỏi tại sao điều này lại xảy đến với đình ông và tại sao cô “không thể sửa được”. Khi Hoàng đáp lại lời ông rằng cô sinh ra đã như thế này và có thể nguyên do đến từ gen di truyền, người ba đã trả lời “Mẹ mày và tao không có loại gen như thế.”
Hết cách, không thể nói chuyện được với ba mẹ, Hoàng cuối cùng tìm đến một người bạn để hỏi xin sự giúp đỡ. May mắn thay, nhờ có người này mà ba mẹ cô cũng đã chịu hiểu và chấp nhận cho con người thật của cô tốt hơn. Tất nhiên, người bạn này cũng là thành viên của động đòng LGBT+, một chàng trai gay.
Cũng giống như Hoàng, ba của anh cố gắng mọi cách để thay đổi anh, nhưng anh đã rất nỗ lực để giải thích cho gia đình rằng đồng tính là điều tự nhiên, nó tự nhiên giống như bất kì loại vật chất vật lí nào mà mọi người đang thấy.
“Cha tôi rất cứng đầu, khó thay đổi và ông ấy không thể nào hiểu nổi việc đồng tính không phải là một căn bệnh. Ông nghĩ nó có thể thay đổi và rằng tôi vẫn có thể thay đổi lại tư duy của mình,” người bạn này sau đó đã nói với bố của Hoàng. “Bác không thể làm bất kì điều gì về nó. Cũng giống như nhiều người được sinh ra với tóc vàng và mắt xanh, trong khi số khác có tóc đen, mắt đen vậy. Không có sự khác biệt giữa dị tính và đồng tính. Chúng ta đều giống như nhau cả.”
Trải qua nhiều cuộc nói chuyện, cha cô cuối cũng cũng nói “Nếu con được sinh ra như vậy, ba mẹ cảm thấy điều đó dễ dàng để chấp nhận hơn. Điều này là tự nhiên của tạo hóa và ba mẹ cảm thấy đỡ hơn nhiều.”
Nhưng dẫu thế, một lời nói vẫn không thể kể hết câu chuyện, và một cái gật đầu chẳng thể đặt dấu chấm hết cho những cảm xúc còn đang nặng trĩu. Hoàng cho biết cảm giác của cô lúc này như phải “dọn dẹp đống đổ nát” sau “sự tràn qua của một cơn bão” vậy.
“Ba mẹ tôi giờ đã chấp nhận con người thật của tôi, nhưng có lẽ họ vẫn cần thời gian dài để có thể làm quen dần với điều này.”
Trước năm 1997, đồng tính luyến ái vẫn bị xem là phạm pháp ở Trung Quốc. Và chỉ sau năm 2001, nó mới thoát khỏi danh sách những bệnh rối loạn tâm thần.
Nhưng dù những sự thay đổi có to lớn đến thế nào, chúng vẫn chỉ là trên lí thuyết. Ở thực tế, giữa người với người với nhau, đồng tính luyến ái vẫn bị xa lánh ở hầu hết các xã hội Trung Quốc – những xã hội đặt nặng quan điểm Nho giáo về hôn nhân và nuôi dạy con cái. Vì thế mà hôn nhân đồng tính vẫn là thứ gì đó kì dị, bất hợp pháp ở Trung Hoa đại lục.
Chưa kể, chính sách một con của đất nước tỉ dân (có hiệu lực từ năm 1980 – 2015) cũng là yếu tố tạo ra áp lực nặng lên các cá nhân LGBT+. Khi mà tất cả họ đều là con một của gia đình, phải gánh vác trách nhiệm tiếp tục huyết thống của dòng họ. Thứ áp lực vô hình này đã làm nảy sinh ra các nhóm “tongqi” (vợ của trai gay) và “tongfu” (chồng của nữ les).
Trong câu chuyện của Hoàng, không riêng gì ba cô mà còn rất nhiều người vẫn xem đồng tính chính là một căn bệnh. Và một khi đã là bệnh, thì nó có thể chữa và cần phải được chữa. Vào đầu năm nay, một video được đăng bởi tờ The Paper đã cho thấy tại 6 thành phố của Trung Quốc có tồn tại các cơ sở cung cấp liệu pháp chuyển đổi chứng đồng tính luyến ái. Phóng viên của tờ báo đã đóng giả làm khách hàng để tìm hiểu vụ việc và cho biết liệu pháp này thực chất là những dịch vụ tư vấn kèm y tế với mục đích: “điều trị” đồng tính luyến ái.
“Những căn bệnh như thế này khá phổ biến… nếu anh sẵn sàng điều trị, anh có thể được chữa khỏi,” một bác sĩ tại bệnh viện y học cổ truyền Trung Quốc, tỉnh Hà Nam nói trong video. “Hệ thống tư duy và suy nghĩ lệch lạc của anh có thể từ từ được sửa chữa cho đúng.”
Chính vì những tình cảnh như thế, mà cộng đồng LGBT+ vẫn đang phải đấu tranh hằng ngày để đòi quyền bình đẳng và quyền được sống tự do, hạnh phúc với con người thật của chính mình. Bởi vì có thể với bạn, những điều này tưởng như rất đỗi bình thường, thì với ai khác, được sống thật, được chấp nhận, được yêu quý bởi mọi người xung quanh mà không làm tổn thương hay đánh mất ai đó, hãy còn quá xa vời.
Video đầy cảm động và truyền cảm hứng về câu chuyện của Hoàng, cũng như những người khác, dành cho cộng đồng LGBT+:
- 0
- 0Bình luận