Marvel: Từ khoản vay 500 triệu đô bên bờ vực phá sản đến ông hoàng của ngành điện ảnh
Không ngoa khi nói rằng MCU (Vũ trụ Điện ảnh Marvel) là kẻ thống trị của điện ảnh thế kỷ XXI với 23 phim trong 11 năm và mang về 22 tỷ USD doanh thu. Đi kèm với đó là hàng loạt trò chơi điện tử, truyện tranh, series truyền hình đình đám. Bắt đầu từ Iron Man (2008), hãng đã dần đi lên theo một cách mà khó ai có thể bắt chước được.
Khoản vay 500 triệu USD và ý tưởng táo bạo bên bờ vực phá sản
Vào những năm 1990, Marvel dần cạn tiền khi ngành công nghiệp truyện tranh xuống dốc. Khi Avi Arad còn nắm quyền Marvel Films, hãng chủ yếu làm các series hoạt hình và kiếm tiền bằng cách cho thuê bản quyền nhân vật hay bán đồ chơi. Năm tháng 08/1996, Marvel cần một sự thay đổi tài chính nên hợp nhất Marvel Films vào Marvel Studios. Tuy nhiên, điều này cũng chẳng giúp họ thoát khỏi việc nộp đơn phá sản vài tháng sau đó.
Marvel đành bán bản quyền làm phim các nhân vật để cứu vãn tình hình. Lần lượt Spider-Man, X-Men, Blade, Fantastic Four đội nón ra đi nhưng cũng chỉ cầm cự được thời gian ngắn. Bởi lẽ khi Blade (1998) thu về 70 triệu USD ở Bắc Mỹ, hãng truyện tranh chỉ nhận được 25.000 USD. Trong khi đó, X-Men (2000) "cá kiếm" được gần 300 triệu USD còn Marvel chẳng nhận được xu nào.
Và đó là khi cố vấn David Maisel đưa ra một ý tưởng kỳ lạ với Arad và CEO của Marvel là Issac Perlmutter: Tại sao Marvel không tự đầu tư và sản xuất phim của riêng mình, giữ 100% lợi nhuận? Đó là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng câu hỏi đầu tiên là tiền đâu. Túng quá hóa liều, Marvel đã vay 525 triệu USD từ ngân hàng Merrill Lynch để thực hiện tối đa 10 bộ phim.
Nếu thất bại, họ sẽ mất quyền 10 tài sản trí tuệ, bao gồm Ant-Man, Black Panther và The Avengers. Đây là thách thức của Marvel: tạo ra một bộ phim đầu tay thành công vang dội, hoặc mất tất cả. Vậy, Marvel sẽ chọn nhân vật nào để dẫn dắt họ trong thị trường phim siêu anh hùng?
Iron Man - Sự lựa chọn "tỷ đô"
May mắn mỉm cười với Marvel chỉ vài tháng sau thương vụ Merrill Lynch - bản quyền Iron Man của hãng New Line Cinema hết hạn quyền. Trên thực tế, nhiều hãng phim đã bỏ lỡ việc đưa tay tỷ phú này lên màn bạc. Kể từ những năm 1970, bản quyền Iron Man đã được lần lượt Universal, 20th Century Fox và cuối cùng là New Line Cinema truyền tay nhau.
Ngay cả khi Marvel thông báo đây sẽ là phim độc lập đầu tiên, 30 biên kịch tiếp tục từ chối cơ hội làm việc. Vậy tại sao lại sử dụng nhân vật dường như không mong muốn này để khởi động một vũ trụ điện ảnh Trước hết, thành công của Fantastic Four và X-Men chứng tỏ khán giả điện ảnh đã cởi mở với những nhân vật mới.
Với xu hướng siêu anh hùng nghiêng về những người đàn ông nghiêm túc, mặc đồ đen, Tony Stark nổi bật với bộ vest đỏ vàng và thái độ ngỗ ngược kiểu "trai thành phố lớn". Anh ấy sẽ tạo ra giai điệu cho những cuộc phiêu lưu sôi động của Marvel. Mặc dù Iron Man không phải là nhân vật nổi tiếng nhất, nhưng anh ấy sẽ thu hút những người hâm mộ truyện tranh, những người sẽ là cửa ngõ của Marvel vào thị trường chính thống.
Quá trình sản xuất Iron Man kéo theo nhiều rủi ro. Jon Favreau chưa từng làm phim siêu anh hùng và đã gây xôn xao với các giám đốc điều hành của Marvel khi chọn Robert Downey Jr. vào vai chính. Tuy nhiên, anh vẫn kiên quyết rằng Downey Jr. là một lựa chọn hoàn hảo. Marvel đã cho vị đạo diễn này rất nhiều quyền tự do trong cách tiếp cận định hướng. Thậm chí, Jeff Bridges sau đó đã mô tả tác phẩm này như một “bộ phim sinh viên 200 triệu đô la”. Nhưng cuối cùng nó đã thành công.
Sự xuất hiện của Kevin Feige
Thành công của Iron Man giúp con đường của Marvel rộng mở. May mắn thay, họ lại gặp đúng người vào đúng thời điểm. Vào những năm 1990, Kevin Feige còn là trợ lý cho Lauren Donner, nhà sản xuất phim You’ve Got Mail (1998) có sự góp mặt của Tom Hanks và Meg Ryan. Nhận thấy niềm đam mê truyện tranh Marvel của anh, Donner tiếp tục mời anh làm cộng sự trong X-Men.
Tại đây, Feige đã gây ấn tượng và trở thành "cánh tay phải" của Avi Arad nhờ kiến thức khủng về Marvel. Từ đây, Feige đã giám sát tất cả các bộ phim liên quan đến Marvel, bao gồm cả loạt phim Fantastic Four và bộ ba Spider-Man của Sam Raimi. Feige đã đồng ý với đề xuất của Maisel rằng Marvel Studios nên tạo phim của riêng họ. Vào năm 2018, Feige kể về Iron Man:
"Chúng tôi không có gì để mất vào thời điểm đó, vì vậy điều đó cho phép chúng tôi làm theo bản năng của mình."
Feige không chỉ là một người biết kiếm tiền cho công ty đơn thuần mà còn đặc biệt hiểu biết về thế giới và các nhân vật của Marvel. Tuy từng tuyên bố không có ý định xây dựng một Vũ trụ Điện ảnh, kiến thức chuyên môn buộc Feige phải đi đến ý tưởng này. Khi Avi Arad từ chức, Feige đã trở thành Chủ tịch của Marvel Studios, và kể từ đó, thực hiện mọi phim mới trong MCU.
Năm 2013, anh đã giành được giải Motion Picture Showman of the Year Award và hiện là Giám đốc Sáng tạo cho Truyện tranh, Truyền hình và Hoạt hình Marvel. Tầm nhìn sáng tạo của Feige đã giúp MCU đi đúng hướng bằng cách đan xen các nhân vật, câu chuyện và các nút thắt quan trọng như Viên đá Vô cực. Sự hiểu biết sâu sắc của Feige về Marvel là xương sống của MCU. Như Jonathan Kuntz, một giảng viên điện ảnh, nói với TheWrap:
“Kevin Feige đang làm điều tương tự như Stan Lee từng làm cho ngành truyện tranh những năm 60; anh ấy hướng mọi người đến cùng một đích đến."
Thương vụ thế kỷ của Disney
Dù thích hay ghét thì Disney vẫn là những nhà kinh doanh cực giỏi. Sau thành công của Iron Man, Disney đã mua lại Marvel Entertainment với giá 4 tỷ USD. Đây là một thương vụ hời khi họ đã thu về hơn gấp 5 lần số tiền trên. Việc về "nhà Chuột" đã mở ra nhiều cánh cửa mới cho Marvel, đặc biệt là trong việc duy trì quyền kiểm soát các tài sản trí tuệ của họ.
Năm 2010, Disney đã bảo đảm quyền phát hành The Avengers (2012) và Iron Man 3 (2013) từ Paramount Pictures, đồng thời có toàn quyền phát hành Iron Man, Iron Man 2 (2010), Thor (2011) và Captain America: The First Avenger (2011) vào năm 2013. Gần đây nhất, họ nắm bản quyền Fantastic Four, X-Men và Deadpool từ 20th Century Fox, điều này có thể định hình phần lớn tương lai của MCU khi bước vào Kỷ nguyên thứ 4.
Với sự hậu thuẫn của Disney, MCU có thể chấp nhận rủi ro nhiều hơn với các bộ phim trong tương lai và cũng có thể truyền bá câu chuyện của mình ra ngoài rạp chiếu phim, ví dụ như loạt nhân vật Marvel trên Netflix và Agents of S.H.I.E.L.D. Việc có những series dành cho các đối tượng khác nhau, như Daredevil và Jessica Jones có sắc màu đen tối, đã khiến Marvel càng trở nên lớn mạnh hơn.
Trước khi Captain America: Civil War (2016) ra rạp, Kevin Feige đã có bất đồng với Giám đốc điều hành Marvel Ike Perlmutter về ngân sách. Feige gần như bỏ dự án khi Perlmutter đe dọa sẽ loại Robert Downey Jr. Tuy nhiên, Disney đã nhanh chóng thay đổi tình thế bằng cách để Feige báo cáo trực tiếp với Alan Horn tại Walt Disney Studios, thay vì Perlmutter.
Giới thiệu nhóm Avengers
Feige lớn lên cùng Marvel Comics, và muốn thể hiện lại cảm giác rằng bất kỳ nhân vật nào cũng có thể bất ngờ xuất hiện trong các bộ phim của Marvel giống như khi lật mỗi trang truyện tranh. Anh đã có cơ hội thực hiện ước mơ đó, khi Marvel đã đòi lại tất cả bản quyền của The Avengers. Black Widow được Lionsgate trả lại ngay sau thương vụ Merrill Lynch, Hulk trở lại Marvel sau The Incredible Hulk (2003) của Universal. Bước tiếp theo thì quá rõ ràng: xây dựng một bộ phim Avengers.
Ngoài việc giới thiệu các nhân vật, 5 bộ phim đầu tiên đã xây dựng thế giới để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao thoa giữa các Avengers. Trên lý thuyết, Thor (Chris Hemsworth) mang sức mạnh phép thuật còn Iron Man lại là khoa học kỹ thuật. Vì vậy, phần Thor đầu tiên đã giới thiệu người Asgard là một chủng tộc ngoài hành tinh, mô tả "phép thuật" của họ như một công nghệ tiên tiến hơn.
Các hợp đồng khổng lồ của Marvel đã ký kết các diễn viên với số lần xuất hiện trong phim chưa từng có tiền lệ để củng cố đội ngũ trong tương lai. Chris Evans, Mark Ruffalo và Chris Hemsworth đã ký hợp đồng tiêu chuẩn 6 phim. Samuel L Jackson đã ký 9 bộ phim với vai Nick Fury. Không chỉ các ngôi sao mà nhân viên Marvel cũng có việc làm liên tục. Tờ Harvard Business Report đã tóm tắt trung bình 25% nhóm sáng tạo cốt lõi của Marvel bị chồng chéo từ phim này sang phim khác, còn với cả đoàn phim là 14%.
Mời những đạo diễn ít tên tuổi
Mọi thứ giảm sút sau thành công của The Avengers, đặc biệt là với Thor: Dark World (2013). Đạo diễn Patty Jenkins rời ghế đạo diễn còn Alan Taylor thì gọi trải nghiệm của mình là "đặc biệt khó khăn". Joss Whedon trở lại với Avengers: Age of Ultron (2015) nhưng không gây được tiếng vang như trước. Lúc này, Marvel buộc phải thay đổi.
James Gunn là một đạo diễn tương đối ít tên tuổi. Anh chỉ mới thực hiện hai phim truyện ngắn và viết kịch bản cho phim Scooby-Doo (2017). Bất chấp sự thiếu kinh nghiệm này, Gunn đã được mời về viết và chỉ đạo Guardians of the Galaxy (2014) trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Joss Whedon nói về quyết định này:
"Anh ấy quá xuất sắc, và quá điên rồ, nhưng quá thông minh, anh ấy là một nghệ nhân xây dựng mọi thứ từ trái tim của mình."
Guardians of the Galaxy là một cuộc đại tu hoàn chỉnh về tông màu và chủ đề so với những gì trước đó. The Avengers là một màn kết hợp siêu anh hùng hoành tráng, nhưng Guardians of the Galaxy đã thử nghiệm với các nhân vật ít tên tuổi với sự hài hước nhẹ nhàng. Nó nhanh chóng trở thành bộ phim yêu thích của người hâm mộ.
Việc đưa những đạo diễn chưa được kiểm chứng vào một thương hiệu lớn như MCU là điều rủi ro. Tuy nhiên, họ đã mang lại những ý tưởng và tiếng nói mới. Hãng đã trao cho các đạo diễn quyền hoàn toàn tự do sáng tạo và ngân sách khủng để sản xuất những tác phẩm siêu anh hùng giống như các thể loại phim khác. Captain America: The Winter Soldier (2014) mang màu sắc chính trị giật gân, trong khi Black Panther (2018) là sự tôn vinh nền văn hóa và ủng hộ người da màu.
Theo một nghĩa nào đó, MCU đã quay trở như những ngày đầu. Jon Favreau từng đạo diễn các bộ phim độc lập và gia đình trước Iron Man. Taika Waititi xuất sắc trong các bộ phim hài kỳ quặc, và anh em nhà Russo đã làm việc với dàn diễn viên đa dạng trên truyền hình. Trên thực tế, những bộ phim Marvel chủ động loại bỏ thể loại siêu anh hùng đều được giới phê bình và khán giả đánh giá cao nhất. Việc để các đạo diễn phát huy hết thế mạnh của họ không chỉ mang lại những bộ phim xuất sắc mà còn giữ cho MCU luôn tươi mới.
Chiến lược mang tên Avengers: Endgame
Trường ca Vô cực (Infinity Saga) đã kết thúc còn Spider-Man: Far From Home (2019) mang đến sự hứa hẹn mới cho Kỷ nguyên thứ 4.Trong bối cảnh ngành điện ảnh đang trải qua vô vàn khó khăn, kế hoạch của MCU vẫn tiếp tục. Avengers: Infinity War (2018) và Avengers: Endgame (2019) đã kết thúc câu chuyện của nhiều nhân vật một cách mỹ mãn.
Trong thời đại giải trí không giới hạn và các chương trình trực tuyến vô tận, những nhà làm phim buộc phải cạnh tranh khốc liệt để giành lấy sự chú ý của khán giả. Các bộ phim truyền hình kéo dài liên tục còn các thương hiệu điện ảnh liên tiếp được tái khởi động sau hàng chục năm khiến chúng ta có cảm giác mọi thứ sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Nhưng với MCU thì khác.
Marvel đã chuẩn bị cho thời điểm này trong nhiều năm. Feige, Marvel và Disney đã đặt nền móng cho sự kết thúc của Infinity Saga, với mỗi cảnh end-credit xuất hiện một Viên đá Vô cực khác, những nhân vật mới và Thanos (Josh Brolin) ngày càng tiến gần hơn đến Trái Đất. MCU đã xuất sắc khi thực hiện "chiến lược Endgame" này từ sớm.
Bộ phim gói gọn nội dung có giá trị mười năm. Với việc Feige đối xử với MCU như một bộ truyện tranh, anh ấy biết rằng mọi câu chuyện đều phải kết thúc. Trong khi Marvel Studios tôn thờ các nhân vật của mình, với 23 bộ phim đã qua cho thấy sự phát triển nhân vật đáng kinh ngạc, họ biết khi nào nên để siêu anh hùng ra đi. Tony Stark đã có câu tóm gọn khá hay:
"Một phần của cuộc hành trình là kết thúc."
Trong năm nay, người xem sẽ có dịp được tiếp tục một trang sử mới của Marvel với Black Widow ngoài rạp và The Falcon and the Winter Soldier trên Disney+.
- 0
- 0Bình luận