logo-maybe-vn
Mở app
Tiểu Thạch
Tiểu Thạchmột năm trước
Tâm Lý Học

Top 10 phim về sức khỏe tinh thần các nhà trị liệu tâm lý gợi ý nên xem

Chắc hẳn bạn đã nghe về Cinema Therapy (trị liệu bằng điện ảnh). Đây là một dạng expressive therapy, sử dụng các phương tiện sáng tạo như âm nhạc, vẽ tranh, nhảy múa trong điều trị các vấn đề tâm thần. Bác sĩ Gary Solomon là người đầu tiên viết về Cinema Therapy và cách ứng dụng nó trong thực tế.

Cinema Therapy trong Segen's Medical Dictionary được định nghĩa là: “Một hình thức trị liệu hoặc tự lực (self-help) sử dụng phim ảnh, nhất là video để trị liệu. Trị liệu điện ảnh có thể là chất xúc tác giúp chữa lành, phát triển dành cho những người sẵn sàng tìm hiểu về cách phim ảnh tác động đến con người và chọn xem phim một cách có ý thức. Trị liệu phim ảnh giúp đối tượng dựa vào hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, câu chuyện… trong phim để giải phóng, xoa dịu cảm xúc, thay đổi tự nhiên, có cái nhìn sâu sắc và thêm cảm hứng. Trị liệu điện ảnh là phương pháp cách tân dựa trên các nguyên tắc trị liệu truyền thống”

Có nhiều loại liệu pháp điện ảnh với mức độ giải trí, trị liệu khác nhau. Ví dụ, phim giải trí (popcorn cinema) giúp đối tượng giải phóng cảm xúc, trong khi những phim nghệ thuật có sức khơi gợi (Evocative cinema therapy) thì nhằm vào giúp đối tượng liên kết với câu chuyện và nhân vật, Cathartic Cinema Therapy chọn những phim giúp đối tượng hiểu hơn về cảm xúc của mình, sử dụng trong giai đoạn đầu của liệu trình.

Thế nhưng, bệnh tâm lý xuất hiện trên phim luôn là vấn đề nhạy cảm. Những bộ phim không có tâm, thiếu nghiên cứu sẽ miêu tả vấn đề tâm lý không chính xác hoặc gây sốc cho khán giả. Thế nên Choosing Therapy, chuyên trang kết nối tư vấn tâm lý trực tuyến lẫn trực tiếp đã phỏng vấn các chuyên viên tư vấn sức khỏe tâm thần với bằng cấp và giấy phép hành nghề uy tín để xin gợi ý về những bộ phim “chữa lành” hoặc diễn đạt đúng về bệnh tâm lý, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng.

A Beautiful Mind (2001)

Nhiều chuyên gia tư vấn tâm lý đã đề xuất bộ phim do Russell Crowe thủ vai chính này.Tiến sĩ Laurie Hollman cho rằng đây là phim đáng xem và nó miêu tả đúng bệnh tâm thần.

Phim dựa trên quyển tiểu sử cùng tên của Sylvia Nasar, nói về cuộc đời của nhà toán học Josh F. Nash (Crowe), người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1994. Cuộc đời ông phải vào viện ra khám nhiều lần do mắc tâm thần phân liệt, suýt bị mất giải Nobel. Sau nhiều nỗ lực giúp đỡ của vợ và đồng nghiệp, Nash dần tỉnh táo và có thể quay trở lại với công việc.

Silver Lining Playbook (2012)

Đây cũng là phim xuất hiện nhiều trong danh sách đề xuất của các nhà tâm lý trị liệu. Tiến sĩ tâm lý học Erin Miers đánh giá đây là phim khắc họa chính xác chứng rối loạn lưỡng cực. “Bộ phim chứng minh rối loạn lưỡng cực không giống như chúng ta nghĩ, rằng người bệnh thay đổi như chong chóng cả ngày, cả những thách thức mà người mắc chứng rối loạn này trả qua. Lần đầu tiên xem phim, tôi đã ấn tượng bởi tính chính xác của nó, một điều hiếm thấy ở các phim lớn Hollywood”.

The Soloist (2009)

Tiến sĩ Tư vấn Tâm lý Matthew Welsh đề xuất bộ phim dựa trên cuộc đời của nghệ sĩ vĩ cầm Nathaniel Ayers, người được đào tạo tại nhạc viện Juilliard danh tiếng nhưng phải nghỉ giữa chừng do chứng tâm thần phân liệt. Sau khi mẹ mất, ông rơi vào cảnh vô gia cư và chơi nhạc trên phố kiếm sống. May mắn thay, Ayers được nhà báo Steve Lopez phát hiện và viết báo, sách về ông, về tình bạn của hai người.

Welsch chia sẻ cảm nghĩ về phim, “Xuyên suốt The Soloist, Steve giằng xé giữa ước muốn ‘sửa chữa’ cho Ayers và chỉ đơn giản chấp nhận và làm bạn với ông.[...] Phim giúp tôi nhận ra rằng, tình bạn là khi ta chấp nhận một người, cho dù họ mắc bệnh tâm thần và điều đó cản trở cuộc sống của họ”.

Good Will Hunting (2001)

Tiến sĩ Laurie Hollman cũng đề xuất tựa phim kinh điển với sự tham gia của Matt Damon và Robbie William. Damon đóng vai Will, chàng trai thiên tài có ấu thơ bị cha bạo hành làm bảo vệ tại trường đại học Harvard. Cậu giải được phương trình phức tạp được đề ra trên bảng thông báo và các giáo sư phát hiện ra. Will được sắp xếp học toán dưới sự hướng dẫn của giáo sư Lambeau, đồng thời tham gia trị liệu tâm lý với bác sĩ Sean Maguire - người về sau dẫn dắt cậu hạ hàng rào phòng vệ xuống, mở lòng với cuộc đời, với tình yêu.

A Beautiful Boy (2018)

Kimberly Panganiban, chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình cho rằng A Beautiful Boy đã khắc họa chính xác hoàn cảnh một gia đình với thành viên bị nghiện. Steve Carell vào vai người cha có con trai nghiện ngập và cố gắng hỗ trợ con vượt qua, cho dù cơn nghiện của nó có gây đau đớn cho gia đình như thế nào.

Michael Damioli, nhân viên xã hội lâm sàng cũng đề xuất bộ phim bởi nó “Cho thấy nỗi đau mà nghiện ngập gây ra cho một gia đình và cách một người cha sẵn sàng tiến những bước dài để cứu con mình”.

A Star Is Born (2018)

Đa số mọi người nhớ đến phim này qua màn trình diễn ấn tượng của Lady Gaga và Bradley Cooper trong vai hai nghệ sĩ âm nhạc tài ba. Thế nhưng, tiến sĩ Dianne Grande trân trọng bộ phim ở cách nó khắc họa người nghiện rượu trong các mối quan hệ. “Thông thường, người nghiện bị coi thường, không được cảm thông và nỗ lực của họ bị xem nhẹ. Nghiện là tình trạng dẫn đến đe dọa tính mạng về sức khỏe thể chất lẫn nguy cơ tự tử”.

500 Days of Summer (2009)

Có thể bạn sẽ thấy lạ khi bộ phim hài tình cảm gây ám ảnh thanh xuân nhiều chàng trai xuất hiện trong danh sách này, nhưng cố vấn tâm lý Eric Patterson có một góc nhìn hay ho về phim, đó là nó “khám phá mối quan hệ đổ vỡ từ góc nhìn của nam chính và nhận thức sai lầm của anh đã đánh giá mối quan hệ không khách quan như thế nào.[...] Khi Tom chịu nhìn nhận vấn đề theo góc nhìn của Summer, anh hiểu vì sao chuyện tình đổ vỡ, chấp nhận và sẵn lòng cho mối quan hệ thành công hơn”.

Rain Man (1988)

Tom Cruise cùng Dustin Hoffman đóng chung trong một phim roadtrip về hai anh em xa cách cùng chuyến đi gặp luật sư giành quyền thừa kế tài sản. Raymond (Hoffman) mắc chứng tự kỷ và dễ có hành vi bộc phát nếu căng thẳng. Trong chuyến đi, Charlie (Cruise) ngày càng hiểu và thương anh mình, từ ý muốn giành gia tài, Charlie muốn giành quyền chăm sóc anh mình. Nhân viên xã hội Iris Waichler cho rằng Hoffman đã làm tốt việc khắc họa người mắc chứng tự kỷ.

Still Alice

Dựa trên cuốn sách cùng tên của Lisa Genova, Still Alice với sự tham gia của Julianna Moore trong vai một giáo sư ngôn ngữ học được chẩn đoán mắc Alzheimer do di truyền. Iris Waichler, nhân viên xã hội cho biết bộ phim này đã làm rất tốt việc khắc họa nỗi kinh hoàng của căn bệnh Alzheimer và những tác động tàn khốc mà nó có thể gây ra cho một gia đình.

Girl, Interrupted

Phim chính kịch do Winona Ryder và Angelina Jolie dựa trên quyển hồi ký cùng tên của Susanna Kaysen. Ryder vào vai Kaysen - lúc ấy phải nhập viện tâm thần sau nỗ lực tự sát không thành. Tại đây cô gặp Lisa Rowe (Jolie), một sociopath xúi giục Kaysen ngưng dùng thuốc và không trị liệu nữa. Angelina Jolie đã giành được tượng vàng Oscar hạng mục Nữ chính xuất sắc nhưng theo Iris Waichler, Wiona Ryder trong vai rối loạn nhân cách ranh giới cũng thể hiện rất chân thật.

Xem bài liên quan: 14 bộ phim khắc họa đúng về bệnh tâm lý

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
48
Tiểu Thạch
Tiểu Thạchmột năm trước
Tâm Lý Học

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)