logo-maybe-vn
Mở app
Tiểu Thạch
Tiểu Thạchmột năm trước
Tâm Lý Học

Người trẻ đang dần từ bỏ mạng xã hội (TikTok, Facebook, Instagram…)

Trong bảng thống kê nhân khẩu học của các mạng xã hội, độ tuổi sử dụng mạng xã hội cao nhất luôn rơi vào nhóm 18-24 tuổi. Nếu vậy thì vào những năm gần đây, thế hệ Millennial không còn chiếm số đông trên mạng xã hội nữa, họ không còn dành hàng giờ lướt feed do cuộc sống chuyển biến: Millennial giờ đã là những người có gia đình, hoặc bận rộn hơn với công việc tăng dần, hoặc sự trưởng thành khiến họ không còn dựa vào mạng xã hội để giải trí.

Tranh: Irene Rinaldi
Tranh: Irene Rinaldi

Tuy nhiên, không chỉ “hội người già” chọn rửa tay gác kiếm, làn sóng genZ phản đối và cắt đứt quan hệ với mạng xã hội cũng ngày một dâng cao. Theo một cuộc khảo sát gần đây của ngân hàng đầu tư Piper Sandler, chỉ 22% người trả lời trong độ tuổi từ 7-22 chọn Instagram là nền tảng ưa thích, giảm so với năm ngoái là 31%. Instagram đang đánh mất người dùng trẻ chăng?

“Sau khi xóa tài khoản rồi bạn sẽ nhận ra mình chẳng cần nó mấy”, sinh viên 20 tuổi chuyên ngành kinh tế Gabriella Steinerman chia sẻ với The Post. Được biết, cô bạn xóa tài khoản TikTok và Instagram từ năm 2019 và cảm thấy nhẹ nhõm hẳn.

“Khi đăng ảnh, em muốn chọn góc đẹp nhất và thành ra có 20 bức hình của cùng một sự vật. Em đang tự so sánh bản thân với chính mình và điều đó chẳng vui chút nào. Có thể nói đó là hành vi ám ảnh và độc hại, nhưng chúng quá âm thầm chúng ta không nhận ra được”, Steinerman cho biết.

Pat Hamrick, sinh viên năm cuối ở Penn State cũng có ý kiến tương tự khi xóa Instagram và Facebook vào năm 2020. “Em vô thức so sánh bản thân với người khác và điều đó ăn mòn em. Em tự hỏi liệu mình có đang làm đúng, liệu mình có đang tận hưởng thật sự?”.

Hamrick quyết định hành động thật sự vì sức khỏe tinh thần. Anh chia sẻ rằng tâm trạng đã tốt hơn hẳn và chỉ còn tập trung làm việc của mình, theo cách của mình. Hamrick hay Steinerman không phải trường hợp duy nhất. Theo khảo sát của Tallo vào tháng 12/2021, 56% genZ cảm thấy “mạng xã hội khiến bản thân họ trông lép vế so với bạn cùng trang lứa”.

Lý giải làn sóng “giãn cách mạng xã hội”

Gen Z từ lâu đã được miêu tả là thế hệ được tiếp xúc với công nghệ sớm, thậm chí người ta còn dùng những từ cực đoan hơn như “luôn dán mặt vào điện thoại” để nói về họ. Thế nhưng, một điều phải công nhận là nhờ tiếp xúc sớm và lâu với Internet, thế hệ Z có cơ hội phát hiện ra mặt trái của nó sớm hơn các tiền bối. Kết hợp với tinh thần phóng khoáng, tự tin, họ không ngần ngại từ bỏ nó và thể hiện bản thân ở nơi khác.

Một giả thuyết nữa đó là ngày nay, người ta bắt đầu quan tâm đến sức khỏe tinh thần hơn và gen Z là thế hệ tiếp thu tư tưởng này từ sớm. Đặc biệt là vào khoảng thời gian phong tỏa vì dịch bệnh, chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy của các loại hình thực hành tâm linh như xem bài Tarot, từ đó dẫn đến các khái niệm như “chữa lành”, “nhìn vào bên trong”, “dành thời gian cho bản thân”. Hơn ai hết gen Z là những người hưởng ứng và lan tỏa phong trào này rộng rãi.

Được truyền cảm hứng cho một lối sống ít phô trương hơn mà thay vào đó khuyến khích tìm về chính mình, các Zoomers (cách gọi khác chỉ thế hệ Z) bớt tìm kiếm sự chấp nhận trên mạng xã hội mà tập trung vào hạnh phúc có được từ sức khỏe tinh thần lành mạnh.

“Đó giống như là cuộc thi xem ai hạnh phúc nhất”, Jeremiah Johnson, 18 tuổi, học sinh Anh Quốc cho biết, “Và nếu như bạn không vui mà đăng điều đó lên mạng thì sẽ thành kẻ gây sự chú ý”. Johnson đăng ký Instagram sau khi bị bạn bè “thúc giục” và đã xóa tài khoản sau 6 tháng. “Khi em có một ngày tồi tệ và lướt Instagram thấy toàn hình người ta tiệc tùng, dù đó có thể không hẳn thật sự là cuộc sống của họ như vậy nhưng em vẫn cảm thấy căng thẳng. Đó là cuộc thi xem ai hạnh phúc nhất và em không có hứng thú tham gia vào”. (Nguồn: Guardian)

Cũng trong cuộc phỏng vấn với Guardian, Emily Sharp, 17 tuổi cũng chia sẻ, mạng xã hội giống như thước đo độ nổi tiếng trong trường vậy. “Khi ai đó mới quen và xin tài khoản Instagram của bạn và kiểu, ồ chỉ có 80 người theo dõi thôi hả, bạn không nổi lắm nhỉ. Còn nếu như ta có 2,000 người theo dõi, họ sẽ kiểu trời ơi bạn là ngôi sao của trường”. Sharp đã bỏ mạng xã hội từ năm 13 tuổi, “Em thà không quan tâm người khác nghĩ gì về mình”.

Các bạn trẻ mong muốn được kết nối với nhau ngoài đời thật hơn và điều đó là động lực cho họ bỏ mạng xã hội. Nếu không bỏ hẳn thì các bạn cũng tạm nghỉ một thời gian. Nhà nghiên cứu Amanda Lenhart đã tổ chức khảo sát và nhận được kết quả là 58% thiếu niên đang tạm nghỉ một nền tảng mạng xã hội nào đó. “Lý do chủ yếu là do học hành và công việc, vốn chiếm hơn ⅓ câu trả lời. Những lý do còn lại là cảm thấy mệt mỏi với ‘drama’ diễn ra ở các hội nhóm trên mạng và bị bóp nghẹt bởi lượng thông tin dồn dập nơi đây”.

Một yếu tố nữa là thế hệ trẻ nhận thức được thời gian lãng phí trên mạng xã hội. 44% câu trả lời trong cuộc khảo sát của công ty truyền thông Hill Holliday đó là họ ngưng mạng xã hội để “dành thời gian theo cách có giá trị hơn”. Học sinh Isabelle ý kiến rằng, “Em không biết làm thế nào người ta có thể vừa học thi vừa có thời gian cho MXH. Họ lúc nào trông cũng đang học nhưng bị mạng xã hội làm xao nhãng”.

Còn nhiều lý do nữa cho bước chuyển mình này, trong đó có mối lo ngại về quyền riêng tư. Giáo dục nhà trường cùng tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông khác cũng góp công không nhỏ cho nhận thức người trẻ. Những sự cố bảo mật thông tin, các vụ án liên quan đến phát tán hình ảnh, video clip… khiến giới trẻ e ngại hơn với việc chia sẻ hình ảnh cá nhân trên mạng.

Từ bỏ hoặc tạm dừng được mạng xã hội là một việc tốt. Thế nhưng sau khi tự “ngắt kết nối” rồi, các bạn trẻ chưa chắc cảm thấy thật sự ổn và một trong những nỗi bất an ấy mang tên FOMO - Fear Of Missing Out, tức nỗi sợ không bắt kịp những gì đang diễn ra. Mời các bạn đọc tiếp bài viết này để tìm hiểu thêm.

  • 48
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
48
Tiểu Thạch
Tiểu Thạchmột năm trước
Tâm Lý Học

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)