logo-maybe-vn
Mở app
Su
Su2 năm trước
5W1H

TỪ VỎ TRẤU TRỞ THÀNH VIÊN NÉN TRẤU ĐẮT GIÁ TRÊN THỊ TRƯỜNG

Trong cuộc sống hằng ngày, trấu là nguyên liệu gần gũi, thân thuộc với mỗi người nông dân. Trấu (hay gọi là vỏ trấu) là phần vỏ cứng bao bên ngoài hạt gạo, người nông dân xem trấu như một phụ phẩm nhỏ bé của cây lúa, giá thành bán ra tương đối rẻ. Vậy mà gần đây phụ phẩm nhỏ bé này lại thu hút được sự chú ý rất lớn trên thị trường khi tạo thành viên nén trấu.

VỎ TRẤU - TỪ PHỤ PHẨM THÀNH CHÍNH PHẨM

Ở Việt Nam trồng lúa được xem như là nghề chính và lâu đời. Mỗi năm sản lượng lúa đạt khoảng 44 triệu tấn/năm và có khoảng ¼ của 44 triệu tấn là trấu. Trấu là một phụ phẩm có số lượng khá lớn. Trong dân gian, người ta thường định hình vai trò của vỏ trấu qua câu nói “Bôi tro trát trấu”, có nghĩa trấu là một thứ rẻ tiền, xấu xí, làm mất thể diện, sỉ nhục người khác khi dính vào. Tuy nhiên, đó chỉ là cách nghĩ ngày xưa còn hiện nay người ta đang đầu tư trấu với tâm trạng phấn khởi vì mang đến nhiều lợi ích. Không còn là một phụ phẩm với giá 400 đồng/ 1 ký, trấu khi được bảo quản trong kho không bị ẩm, bị hư có thể bán với 2.000 đồng/ 1 ký. Hiện nay, người ta lấy trấu làm thành những viên nén trấu với giá trị cao và có gần 300 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này. Vỏ trấu sau khi xay nhuyễn được đưa vào máy để ép dưới áp suất cao tạo thành những viên nén rắn chắc sử dụng để đun lò hoặc làm nguồn nhiên liệu. Tuy nhiên, quy trình sản xuất chưa đảm bảo làm cho chất lượng sản phẩm thấp dẫn đến giá thành không cao. Vấn đề khó này đặt ra một bài toán cho các nhà sản xuất phải nâng cao được nhiệt lượng trong viên nén. Họ cần tính toán những điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình sản xuất như độ xay nhuyễn tốt nhất trước khi đưa vào hệ thống là bao nhiêu, độ ẩm cần duy trì, độ ra tro, tỷ lệ sulfur (Lưu huỳnh) ở trong viên nén cần đạt tới bao nhiêu và khí thải ra cần nằm trong chỉ số thế nào,... Tất cả những tiêu chuẩn sản xuất đặt ra đều phải đạt được nếu như chúng ta muốn thương mại hóa trên thị trường. 

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT ĐỂ VƯƠN RA THỊ TRƯỜNG LỚN

Viên nén trấu được xuất khẩu sang ba thị trường lớn là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Đây chính là một cơ hội cho sản phẩm Việt Nam tìm được chỗ đứng trên thị trường và đạt được sự công nhân. Theo tính toán thì cứ 1kg viên nén trấu sẽ tỏa ra nhiệt lượng là 4000 kcal. Khi sản xuất một sản phẩm muốn được đánh giá cao thì người ta luôn dùng công nghệ để nâng cao hiệu quả, tính năng và giá trị của nó. Giống như cách Hàn Quốc giảm tỷ lệ chlorine trong viên nén trấu từ 0,09% xuống 0,02%, đặc biệt còn cho thêm những hóa chất hay chất keo nhằm kết dính viên nén lại để làm nhẹ hơn và tỏa ra nhiều nhiệt lượng hơn như dùng gum arabic, hydrogen peroxide, hàng the hoặc một chất rất gần gũi là bã cà phê.

Ở Việt Nam, trong công nghệ sản xuất thì người ta chưa dùng các hóa chất đó nhiều lắm bởi vì chúng ta chưa quen và cũng không có sẵn. Chính vì vậy, nhằm đảm bảo giá tốt hơn bằng cách tăng nhiệt lượng tỏa ra của viên nén trấu người ta đang chế tạo ra vật liệu composite sinh học. Một nhà khoa học cũng đồng thời là chủ tịch công ty Kova - bà Nguyễn Thị Hòe đã nghiên cứu và chế tạo ra áo chống đạn được làm từ trấu. Công ty Kova đã giới thiệu sản phẩm sơn nano được làm từ nguyên liệu trấu với tác dụng chống bụi, chống khuẩn, chống cháy và đặc biệt là chống đạn.Trong vỏ trấu sau khi kết tủa tạo thành hạt nano silica rất cứng và bền - thành phần quan trọng trong chế tạo ra áo chống đạn.

Tóm lại, từ một phụ phẩm nhỏ bé là trấu sau khi nén thành viên trấu bỏ vào lò đun đưa thêm một ít hóa chất để tăng nhiệt lượng thì giá trị của phụ phẩm đã được tăng lên đồng nghĩa với giá bán cao lên không ít. Người ta ngày càng e dè những khí phát thải mà nhiệt điện gây ra thì viên trấu lại trở thành một vật phẩm đắt giá trên thị trường. Câu chuyện về vỏ trấu cho ta thấy một triển vọng để tận dụng thứ được gọi là phế thải, không có giá trị trở thành sản phẩm của một ngành công nghiệp hùng mạnh.

  • 26
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
49
Su
Su2 năm trước
5W1H

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)