logo-maybe-vn
Mở app
Maybe Tâm Lý
Maybe Tâm Lýmột năm trước
Tâm Lý Học

VÌ SAO NHIỀU NGƯỜI LẠI PHẢN ỨNG TIÊU CỰC KHI TÌNH YÊU BÊN TRONG HỌ CHỚM NỞ? (PHẦN 2)

Đọc bài phần 1.

Chúng ta học cách yêu người khác theo cái cách mà ta hiểu rõ và quen thuộc với nó.

Trong vô thức, hầu hết tiềm thức của chúng ta tìm kiếm và tái hiện những trải nghiệm tuổi thơ của mình, và xem xét thứ tình yêu mà mình từng được cảm nhận là gì, cũng như nó đã được thể hiện như thế nào (Theo thuyết gắn bó của J.Bowlby, 1969).

Và sẽ có những người học được rằng tình yêu đi cùng với cảm xúc đau đớn và tổn thương, vì thế bên trong họ như có một hệ thống cảnh báo nguy hiểm cực kì nhạy cảm và đôi khi cũng cảnh báo sai - chỉ cần nó “quét” thấy mùi vị của nguy hiểm tương tự như xưa - nó sẽ tự phát báo động liên hồi khiến ta phải tránh xa và tránh lặp lại những nguy hiểm đó.

4. Chấp nhận được yêu thương có thể khiến một người như ngắt đi sự kết nối với những tưởng tượng mà họ đã vẽ lên trong đầu về mối quan hệ với họ và bố mẹ.

Theo Fierman (1965), trong quá trình phát triển nhận thức, trẻ em học được cách phòng vệ cảm xúc bằng việc phát triển những tượng tưởng của nó với cha mẹ nhằm mục đích giảm bớt sự thất vọng và lo lắng. Bằng cách tạo ra những cảm xúc an toàn trong tưởng tượng, đứa trẻ có thể thoả mãn được một phần nhu cầu tình cảm của chúng trong những tưởng tượng đó.

Những ý nghĩ tưởng tượng mà một đứa trẻ nghĩ về bố mẹ chúng như một sự thay thế và bù đắp cho tình yêu và sự săn sóc còn thiếu trong môi trường sống của đứa trẻ đó. Giúp chúng mang lại cảm giác an toàn và giảm bớt sự thiếu thốn tình cảm và nỗi sợ bị chối bỏ.

Theo đó, giáo sư đại học của mình từng nói: “Những đứa trẻ hay trêu đùa và dám nói về khuyết điểm của bố mẹ chúng thường là những đứa có mối quan hệ lành mạnh với bộ mẹ hơn là những đứa hay nói rằng “bố mẹ tôi là người tuyệt vời nhất”.

Nhiều trẻ em lý tưởng hoá hình ảnh người mẹ và người chăm sóc, cũng như có xu hướng phủ nhận, hoặc che đậy những hành vi ngược đãi cảm xúc và xa lánh của bố mẹ. Đối với một đứa trẻ, người mà nó yêu thương nhất và dựa dẫm là bố mẹ, cho nên việc phải chấp nhận hoặc đối diện với các lỗi lầm mà bố mẹ gây nên cho chúng thực sự đáng sợ.

Do vậy, đứa trẻ hợp nhất các thái độ tiêu cực, cũng như chấp nhận suy nghĩ rằng chúng không thể được yêu thương, chúng tồi tệ, chúng là một gánh nặng,.. như một cách đứa trẻ dùng để tấn công chính mình.

Kết quả là, những suy nghĩ ấy theo chúng lớn lên. Chúng vẫn duy trì cảm giác tự bồi đắp sự chăm sóc cho bản thân, duy trì cảm giác độc lập, mang theo suy nghĩ rằng mình có thể độc lập và không cần người khác. Họ tiếp tục quá trình vừa tự chăm sóc bản thân vừa trừng phạt bản thân họ như cái cách mà họ từng được đối xử bởi người lớn.

Và khi một mối quan hệ yêu đương trở nên sâu sắc và dần có ý nghĩa, nó dường như mang lại cảm giác bị đe doạ đến người đó, và họ lại có xu hướng dùng lại cơ chế phòng vệ lúc xưa. Họ có thể trở nên xa cách và mang suy nghĩ rằng họ có khả năng tự chăm sóc mình khiến họ cực kì miễn cưỡng để có cơ hội tiếp cận tình yêu thực sự, cũng như mở lòng để tiếp nhận cảm giác được yêu thương.

5. Chấp nhận được yêu thương làm khơi dậy những vấn đề nhức nhối về sự tồn tại - về sự sống và sự kết thúc.

Tác giả Robert W. Firestone từng viết trong cuốn sách “ Fear of intimacy” [Nỗi sợ thân mật] rằng: “trở nên quá gần gũi với ai đó trong một mối quan hệ yêu đương khiến một người nhận thức rằng cuộc sống này rất quý giá, nhưng cuối cùng con người vẫn phải đối diện với sự kết thúc - vẫn phải đầu hàng định mệnh.” Chúng ta chấp nhận rằng có cuộc sống và có tình yêu, cũng có nghĩa rằng sẽ đến lúc ta đối diện với sự kết thúc sinh mệnh.

Tranh: vjeranski
Tranh: vjeranski

Cụ thể hơn, khi ta yêu thương một ai đó ta bắt đầu đặt giá trị của họ quan trọng hơn trong cuộc sống, vì vậy việc phải dự đoán về cái kết của mối quan hệ khiến họ cảm thấy thật khó khăn.

Nhiều người tạo ra thế giới quan mà họ đang sống và duy trì một trạng thái tâm lý cân bằng và an toàn trong thế giới đó. Việc được yêu thương hay được đối xử với cảm xúc tích cực dường như làm gián đoạn trạng thái cân bằng bên trong thế giới của họ, và để duy trì cảm giác an toàn như cũ, họ lựa chọn các cơ chế phòng vệ như xuyên tạc, khiêu khích và chọn lựa trong các mối quan hệ.

Người ta có xu hướng lựa chọn những người bạn đời giống với những người đã từng xuất hiện trong cuộc đời mà họ hiểu rõ. Những hình mẫu mà họ thấy thoải mái và phù hợp với các cơ chế phòng vệ của họ. Hoặc như thay vì xem đối tác hiện tại như con người thật của người đó - họ dùng cách bóp méo hình ảnh của đối tác cho giống với người trong quá khứ mà họ biết hơn là nhìn nhận thực tế. Tiếp nữa, họ có thể gợi ra những tình huống khiến đối tác phản ứng giống với những tương tác mà họ từng có trong quá khứ.

Và kết quả cuối cùng khiến họ hành xử ngược lại với việc chấp nhận tình yêu và duy trì mối quan hệ lành mạnh.

Cuối cùng thì, nhiều người không nhận thức được những phản ứng và nhận thức tiêu cực của họ khi được yêu thương; cũng như không biết được lí do đằng sau của nó (những lí do miêu tả ở trên) có ảnh hưởng đến bản thân và người khác.

6. Người có xu hướng “vô ái” - AROMANTIC

/người không có hứng thú, không mong muốn và không có cảm giác lãng mạn với bất kì ai/

Số người thực sự mang xu hướng vô ái không hề cao, có một nghiên cứu cho rằng có 1% trong số những người làm nghiên cứu mang xu hướng “vô tính” (không bị hấp dẫn tính dụ.c) và 25% trong số những người này thường vô ái (Antonsen và các đồng sự,2020). Những dấu hiệu của người vô ái thường như sau: họ không trải nghiệm đc cảm giác hấp dẫn lạng mạn; họ cảm thấy không cần một mối quan hệ thu hút giới tính để cảm thấy trọn vẹn và viên mãn; họ không phải lòng hoặc yêu một ai đó; họ cũng gặp khó khăn trong chuyện tình cảm. Tuy nhiên, người vô ái vẫn trải nghiệm các giác yêu thương người khác với gia đình, bạn bè,.. chỉ là không có thu hút giới tính theo kiểu lãng mạn.

Và một nghiên cứu từ Antonsen (2020) cho thấy rằng những người mang xu hướng vô ái vẫn có nhu cầu và mong muốn chuyện tì.nh dụ.c.

Tranh: Andy Virgil
Tranh: Andy Virgil

Những người vô ái thực ra vẫn có những mối quan hệ thân mật giới tính, họ vẫn sống cùng người yêu, vẫn thể hiện tình cảm và có quan h.ệ nam nữ thậm chí kết hôn, sinh con và nuôi dạy gia đình. Tuy nhiên, cách họ nhìn mối quan hệ không giống với người khác. Có lẽ động lực của họ trong việc rơi vào một mối quan hệ là vì mong muốn khác như: sinh con hoặc có 1 gia đình, hoặc những mục đích khác khiến họ muốn ở lại 1 mối quan hệ.

Người có xu hướng “vô ái” không có nghĩa họ không cần sự quan tâm hay gàna gũi từ người khác hay sự cam kết lâu dài, họ vẫn mong nhận được những điều đó, chỉ là không phải kiểu cảm xúc lãng mạn thường thấy ở tình yêu giới tính. Họ có thể vẫn phát triển mối quan hệ dựa trên sở thích chung, sự tôn trọng lẫn nhau hoặc sự gần gũi trong cảm xúc. Tuy nhiên, những mối quan hệ như vậy thường dựa trên cảm giác thân mật gần gũi, quen thuộc hơn là tình cảm lãng mạn nồng nhiệt của tình yêu.

Và kết lại thì, nhiều người cảm thấy mâu thuẫn khi được yêu, khi họ được người kia nhìn nhận một cách tốt đẹp và giá trị, nó như đi ngược lại với cách mà họ luôn nhìn nhận về bản thân mình. Và họ cứ giứ thái độ tiêu cực của bản thân và từ chối tiếp nhận cách nhìn nhận mới của người khác dành cho mình. Họ không cho phép bản thân được yêu vì nó sẽ ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận bản thân, những ý nghĩ mà họ xây lên phản kháng lại cảm giác được yêu thương, quan tâm.

NẾU BẠN YÊU MỘT NGƯỜI CÓ PHẢN ỨNG TIÊU CỰC HOẶC PHÒNG VỆ KHI ĐƯỢC YÊU..

Hãy giữ các cuộc trò chuyện với người đó một cách gần gũi và cởi mở. Hãy cho họ biết rằng có một người (hoặc nhiều người thân,bạn bè) sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và ở bên cạnh họ. Nhưng đừng thúc ép hay bắt buộc, đe doạ khiến họ phải tiết lộ nguồn gốc của nỗi sợ hãi. Vì việc này có thể sẽ gây ra đau đớn cảm xúc.

Hãy hỗ trợ trong việc tìm kiếm các giải pháp, cũng như hỏi xem rằng bạn có thể làm gì thì sẽ khiến họ cảm thấy an toàn (tuy nhiên, đừng vì ai đó mà phải phản bội bản thân nếu như những việc làm vì người khác gây ra đau khổ cho bạn).

Hãy kiên nhẫn, vì đối phó với những vấn đề tâm lý và những cơ chế phòng vệ mà người khác đã dựng lên trong một khoảng thời gian quá lâu - họ cần thời gian.

Và cuối cùng hãy nhớ rằng: những nỗi sợ của họ, những hành vi và phản ứng của họ không xuất phát từ bạn. Đó là vấn đề ở họ, và không bao giờ là lỗi do bạn, không phải vì bạn không đủ tốt, không phải vì bạn không giỏi thấu hiểu,.. mà chỉ là vấn đề của họ thôi!

Nguồn: Psychological facts - Tâm lý học và xã hội học Việt Nam. Bài viết được đăng dưới sự cho phép của tác giả NGUYỄN LÊ HOÀI THƯƠNG.

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1
Maybe Tâm Lý
Maybe Tâm Lýmột năm trước
Tâm Lý Học

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)