logo-maybe-vn
Mở app
Maybe Tâm Lý
Maybe Tâm Lýmột năm trước
Tâm Lý Học

VÌ SAO NHIỀU NGƯỜI LẠI PHẢN ỨNG TIÊU CỰC KHI ĐƯỢC AI ĐÓ YÊU THƯƠNG (HOẶC KHI MỘT TÌNH YÊU BÊN TRONG HỌ CHỚM NỞ)? (PHẦN 1)

Tình yêu - lòng tốt, sự quan tâm trìu mến, sự nhạy cảm, cảm giác được ai đó đồng hành và tôn trọng - những cảm xúc ấy thực sự không những khó để tìm kiếm mà còn là một thách thức cực lớn đối với nhiều người. Đặc biệt là những người gặp khó khăn trong việc chấp nhận tình yêu thương và không thể bao dung, tha thứ một cách dễ dàng. Thậm chí nhiều người còn có phản ứng giận dữ và khó chịu khi nhận được tình yêu từ ai đó hướng về phía họ.

Tranh @podkoscielny
Tranh @podkoscielny

Phản ứng có vẻ như nghịch lý này phần lớn xảy ra từ sâu trong tiềm thức, ngay cả khi cảm giác ban đầu khi 1 người nhận được lời khen khiến họ thích thú, thì sau đó ngay lập tức nó có thể gợi dậy cảm giác không tin tưởng đối với người đưa ra lời khen ấy. Và sự quan tâm ấy thậm chí có thể gây nên thái độ tiêu cực và cảm giác chỉ trích đối với bản thân người nhận được tình yêu thương.

Một người đàn ông bỗng dưng cảm thấy tức giận với vợ mình khi cô ấy lo lắng rằng việc anh đạp xe trong khu phố sầm uất là không an toàn. Mặc dù anh ta biết rằng cô không có ý kiểm soát hay phán xét. Dù anh ta nhận thức được rằng sự e ngại của cô ấy xuất phát từ sự yêu quý, quan tâm nhưng anh ta vẫn thấy tức giận.

Một cô gái bỗng dưng trở mặt và hoàn toàn khó chịu khi người bạn trai nói với cô rằng anh ấy ước rằng họ có thể sinh con. Cô ấy chưa bao giờ tỏ thái độ gắt gỏng và khác biệt như thế trước đây, và người đàn ông cũng không hề có ý gây áp lực gì về vấn đề đó, anh ta chỉ là có một cảm giác ngọt ngào và anh ta muốn chia sẻ cùng cô ấy.

Thậm chí một người đàn ông đến trị liệu tâm lý còn tâm sự rằng: anh ta thấy tức giận khi mọi người có ý khen ngợi mình.

VẬY TẠI SAO TÌNH YÊU, SỰ THỪA NHẬN TÍCH CỰC VÀ NHỮNG LỜI KHEN NGỢI LẠI KHƠI DẬY SỰ CHÁN GHÉT BÊN TRONG MỘT NGƯỜI NHƯ VẬY?

Một số nguyên nhân chính sẽ được bàn luận dưới bài viết này bởi nhà tâm lý học lâm sàng Robert W. Firestone, Ph.D (nguồn dưới bài viết).

1. Được yêu thương khơi dậy nỗi buồn và cảm giác đau đớn của một người về những gì họ đã trải qua, và khiến họ nhớ lại trải nghiệm từng bị tổn thương trong quá khứ.

Khi một người đã từng trải qua những kí ức thơ ấu đầy thống khổ, nỗi sợ bị bỏ rơi dày vò và cảm giác cô đơn từng quấn lấy họ trong những ngày tháng xưa cũ. Thì khi họ bỗng được đối xử bằng một tình yêu thuần khiết, sự dịu dàng từ ai đó trớ trêu thay lại có thể kích hoạt những ký ức cũ, khiến những trải nghiệm đau khổ ấy hiện lên rõ nét.

Chúng ta sợ bị tổn thương theo những cách mà ta từng cảm nhận từ khi còn nhỏ.

Một số người làm tổn thương người khác, để trừng phạt là làm đau chính mình. Xu hướng này dựa trên niềm tin bên trong (core beliefs) được họ hình thành từ lúc nhỏ qua cái cách đối xử lạnh nhạt và thiếu tình yêu từ người lớn, họ nghĩ rằng: bản thân họ không đủ tốt, họ tin rằng họ không xứng đáng với tình yêu, họ không xứng có được hạnh phúc (Rajshree & Glenn, 2000).

Hoặc thậm chí họ nghĩ rằng họ không thể yêu thương được. Nếu họ chấp nhận tình yêu - họ có thể sẽ phá hỏng, sẽ huỷ hoại sự thuần khiết đó và sợ ảnh hưởng lây người mang đến sự ấm áp cho họ. Sự tự trừng phạt cảm xúc lên bản thân khiến một người cảm thấy họ đang giữ được quyền kiểm soát tình huống.

Theo đó, khi chúng ta làm tổn thương người mà ta yêu thương ta cũng đồng thời làm tổn thương chính mình.

Những cảm giác tội lỗi, hối hận và xấu hổ có thể hành hạ chúng ta rất dai dẳng sau khi ta thực hiện những lời nói, hành vi lên người khác.

2. Việc được ai đó yêu thương sẽ làm dấy lên lo lắng bên trong một người, vì nó đe doạ cơ chế phòng vệ tâm lý lâu dài được một người dựng lên từ nhỏ. Cơ chế ấy được hình thành để giúp một người đỡ cảm thấy tổn thương hơn khi đối mặt với những tình huống trong cuộc sống liên quan đến nỗi đau và bị từ chối cảm xúc.

Tranh: Holly Warburton
Tranh: Holly Warburton

Mặc dù cảm giác được ai đó chọn lựa và coi trọng rất thú vị và có thể mang lại hạnh phúc, viên mãn. Nhưng đồng thời, nó có thể khiến một người cảm thấy sợ hãi và nỗi sợ hãi đó có khả năng chuyển thành sự tức giận và thù địch. Về căn bản, TÌNH YÊU ĐÁNG SỢ KHI NÓ LÀ MỘT TRẢI NGHIỆM HOÀN TOÀN TRÁI NGƯỢC VỚI NHỮNG TỔN THƯƠNG THỜI THƠ ẤU.

Những cơ chế phòng thủ mà 1 người tạo ra bảo vệ họ khỏi những điều ng đó nghĩ rằng sẽ mang đến nguy hiểm cho cảm xúc.

Những phản ứng tiêu cực xảy ra nhưng thiếu đi sự nhận biết rõ ràng về tình huống đó, khiến 1 cá nhân không hiểu tại sao họ lại phản ứng như vậy với người kia.

Từ đó họ tìm cách hợp lý hoá tình huống và cảm xúc mông lung đó bằng cách tìm lỗi hoặc đổ lỗi cho người kia, đặc biệt nghiên cứu tâm lý tìm ra rằng ta thường dễ trở nên hung hăng và làm tổn thương những người thân thiết nhất với mình (Richardson, 2014).

Trong tình huống đó, người được yêu cảm thấy họ phải thực hiện những hành vi, lối cư xử làm tổn thương người yêu theo một cách trừng phạt, khiến bản thân họ tránh xa và đẩy tình yêu thương đó ra khỏi họ - như một cách để bảo vệ bản thân khỏi những cảm xúc trái ngược với những gì họ biết.

3. Được yêu thương mang đến một cuộc khủng hoảng danh tính đau đớn cho người đó.

Với nhiều người đã từng trải qua cuộc sống với nhiều tổn thương, thì khi được yêu thương, họ cảm thấy rằng nếu họ chấp nhận và mở lòng với tình yêu đó - cả thế giới mà họ từng biết đến từ trước đến nay dường như sẽ thay đổi và có lẽ sẽ đối mặt với sự tan biến hoàn toàn. Và từ đó họ sẽ không còn biết mình là ai nữa.

Tranh: Thomas Houseago
Tranh: Thomas Houseago

Một người đã quen với cuộc sống nhiều cảm xúc tiêu cực và những lời kiểm soát thiếu lành mạnh, họ không biết thế giới với tình yêu và sự quan tâm vô điều kiện như thế nào, cũng như không biết phải phản ứng với nó ra sao. Thế giới tồn tại tình yêu - đối với họ thật xa lạ và bắt buộc họ phải học lại mọi thứ từ đầu.

Việc được ai đó tôn trọng, đánh giá cao cũng như công nhận giá trị đối với họ là một điều khó hiểu và khó giải thích. Vì những ý nghĩ đó dường như mâu thuẫn với những quan niệm tiêu cực mà họ từng có về bản thân. Những những hình mẫu tiêu cực đã được hình thành từ những người thân xung quanh họ, từ gốc rễ trong môi trường gia đình mà họ lớn lên.

Trong quá trình phát triển, đứa trẻ thường có suy nghĩ lý tưởng hoá bố mẹ mình như một phần của cơ chế sinh tồn. Quá trình lý tưởng hoá trong suy nghĩ này gắn liền với hình ảnh của bản thân họ (hình ảnh đó có thể là tích cực hoặc tiêu cực tuỳ vào trải nghiệm của mối liên hệ giữa họ và bố mẹ).

Dù những cảm xúc hay ý nghĩ về bản thân mình có đau đớn thế nào, con người vẫn sẵn sàng chấp nhận sự chối bỏ và thất bại vì những cảm xúc tiêu cực này có vẻ rất tương đồng và hài hoà với cách mà họ nhìn nhận bản thân.

Cho nên, việc được ai đó yêu thương khiến trạng thái tinh thần cân bằng của họ như phá vỡ.

(Xem tiếp phần 2)

Nguồn: Psychological facts - Tâm lý học và xã hội học Việt Nam. Bài viết được đăng dưới sự cho phép của tác giả NGUYỄN LÊ HOÀI THƯƠNG.

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
2
Maybe Tâm Lý
Maybe Tâm Lýmột năm trước
Tâm Lý Học

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)