6 đôi giày huyền thoại khiến bao thế hệ đàn ông mê mẩn
Người ta hay nói rằng, với phụ nữ, một đôi giày tốt có thể đưa họ đi tới mọi nơi. Tuy nhiên đó là với phái đẹp, còn về cánh đàn ông mà rằng, tôi có thể nói nhiều cậu trai sẵn sàng đi tới mọi nơi chỉ vì một đôi giày.
Nghề chơi nào cũng lắm công phu, và việc sưu tầm những đôi giày cũng vậy, khi mà đã mua được một đôi, hai đôi giày đẹp, không ít chàng trai sẽ có mong ước được mua thêm, sở hữu thêm nhiều những mẫu giày nữa.
Ở Việt Nam, giờ đây khái niệm "sneakerhead" đã không còn là cái gì quá xa lạ. Người ta sẵn sàng bỏ tiền bỏ của ra mua hàng đống những đôi giày hàng hiệu, dành thời gian nghiên cứu và nghiền ngẫm chúng như ngày xưa nho sinh đọc sách thánh hiền. Vậy nên, nếu bạn mới tham gia vào shoegame trong khoảng thời gian vài năm gần đây, khi mà Air Jordan và Nike đang có chiều hướng bão hòa và adidas cùng Yeezy thì đang loay hay trên đỉnh cao của mình thì hãy để tôi tóm lược lại những đôi giày nổi tiếng nhất trong lịch sử nền văn hóa "sát đất" nhé.
Air Force 1
Cha đẻ của đôi giày huyền thoại này là nhà thiết kế Bruce Kilgore. Cũng giống như Tinker Hatfield – người đỡ đầu cho nhiều thiết kế huyền thoại tới từ Nike và nhánh con Air Jordan, ông đến với Nike không phải với tư cách của một nhà thiết kế thời trang thể thao. Vốn là một nghệ sĩ tạo hình và nhà điêu khắc nổi tiếng, Bruce đã đem tình yêu với đá cẩm thạch trắng của mình thổi hồn vào một thành tựu công nghệ thời bấy giờ của Nike – ‘’Air bag’’. Nói nôm na, đó là một túi khí được đặt ở đế giày giúp đem lại cảm giác êm ái cho người sử dụng. Công nghệ này đã trở thành con át chủ bài cho Nike trong một thời gian rất dài và không chỉ gói gọn trong dòng Air Force 1, nó còn được ứng dụng vào các mẫu Air Jordan.
Ra mắt lần đầu vào năm 1982, Air Force 1 có mức giá retail được coi là không tưởng – 89,95 USD. Vào năm 1982. Thế nhưng kiểu dáng đơn giản và trang nhã cộng thêm công nghệ hiện đại bậc nhất thời bấy giờ đã khiến Air Force 1 nhanh chóng được ưa chuộng và trở thành biểu tượng văn hóa cho công ty mẹ Nike suốt hàng chục năm liền. Tới nay, đã có trên 1.700 phối màu của AF1 được ra đời, đem lại cho Nike lợi tức trên 800 triệu USD mỗi năm.
adidas "Super Star"
Dressed in all your fancy clothesSneakers looking fresh to death, I'm loving those Shell Toes…
Như vậy là đủ hiểu sức hút tới từ những đôi giày mõm sò rồi, phải không? adidas Super Star ra đời vào những năm 70, và trước khi gã hậu bối AF1 tới tranh ngôi vương thì trên sân bóng rổ, với kiểu dáng thời trang khỏi bàn cùng sự lăng xê tới từ ngôi sao bóng rổ nhà nghề Karren Abdul-Jabbar, adidas Super Star đã trở thành một biểu tượng. Chà, có vẻ như các siêu sao bóng rổ ngày ấy chẳng ai có ý thức bảo vệ cổ chân thì phải, họ toàn chọn những mẫu giày thấp cổ để ra sân thôi.
Và sẽ chỉ là vấn đề thời gian cho một mẫu giày bóng rổ đẹp như vậy vượt khỏi đường biên để tiến ra đường phố. Kẻ góp công lớn nhất khiến adidas Super Star ngập tràn những con phố bụi bặm của thành phố New York trong những năm 1980 chính là nhóm Run-DMC. Ăn mặc lôi thôi như những gã tù, họ mang những đôi Super Star mà không buộc dây giày, kéo lưỡi gà ra ngoài và nghêu ngao ca khúc My adidas trên sóng Solid soul. Cùng với Run-DMC, không ít ngôi sao hip-hop đã "lọt hố" với biểu tượng thời trang này, để rồi biến biểu tượng ba sọc trở thành ông vua đường phố.
Ở bất cứ một ngã tư tồi tàn, bụi bặm với tường xi măng phủ đầy grafitto nào đó, nếu có tiếng nhạc xập xình của Wu-tang Clan và dăm ba gã mọi đang lắc lư theo điệu nhạc, ở đó sẽ có adidas Super star.
"Run, Forest, run!"
Lẽ ra mỗi đầu mục sẽ phải là tên của một đôi giày, thế nhưng ở đầu mục số ba này cho phép tôi trích một thoại phim nổi tiếng từ bộ phim Forest Gump của đạo diễn Robert Zemeckis. Nếu những đôi sneaker nổi tiếng thường gắn liền với sân bóng rổ và những ngôi sao hip-hop thì Nike Cortez lại nổi tiếng với di sản đồ sộ về những đường chạy bất tận và hơi thở dốc của Tom Hanks với đôi nẹp sắt trên chân trong bộ phim về chàng Gump có IQ 75.
Nhắc tới thế vận hội mùa hè năm 1972, chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ về vụ thảm sát Munich hơn là những tấm huy chương, thế nhưng một số người khác lại ấn tượng về màn ra mắt sau 4 năm thai nghén của mẫu giày Cortez. Cha đẻ của mẫu giày chạy huyền thoại này là Bill Bowerman và Phill Knight đã ấp ủ tới bốn năm để cho ra đời những mẫu Cortez đầu tiên, và thương hiệu thể thao Blue Rubber Sport đã gom về tới 800.000 USD từ sản phẩm này.
Một điều thú vị nho nhỏ khác mà bạn có thể đang thắc mắc, tại sao những đôi Cortez đều có dấu swoosh đặc trưng của Nike nhưng ở những dòng trên đây lại được lưu ý là tới từ nhãn hiệu thể thao Blue Rubber Sport. không? Câu trả lời là, với 800.000 USD nền móng đó, Cortez đã biến cái tên dài dòng "Dải Băng Xanh" thành vỏn vẹn một chữ "Nike" quyền lực. Đúng vậy đấy, Cortez chính là mẫu giày đã khởi tạo nên đế chế sẩn xuất đồ thể thao mang trong mình quyền lực tuyệt đối mang tên Nike.
Rick Owens Geobasket
Ngày nay thì Darkwear (phong cách ăn mặc tối giản theo lối Grunge - chúng tôi sẽ có bài viết phân tích sâu hơn về trường phái này) đã không còn là thứ gì quá xa lạ, thậm chí đôi lúc còn trở thành meme quốc dân dùng cho những anh chàng chân mang đôi giày 1.500 USD mà quần áo mua ở... chợ sinh viên. Thế nhưng với tư duy dị biệt và những mẫu thiết kế phóng khoáng được tạo nên từ những chất liệu cao cấp nhất nước Ý, Rick Owens vẫn cứ là cái tên mà cả thế giới phải nghiêng mình thán phục.
Dark God, hay Chúa tể bóng đêm – là cái cách mà tín đồ mộ điệu darkwear cung kính sử dụng khi nói về Richard Saturnino Owens. Chật vật đi lên với tuổi thơ là đối tượng của những kẻ bắt nạt suốt thời niên thiếu tại thị trấn tỉnh lẻ ở Porterville, bang California, Ricky có được những định hướng đầu đời tới từ người mẹ làm nghề thợ may và những bản nhạc cổ điển cùng sách văn học tới từ ông bố nghiêm khắc.
Mà thật ra là bố Rick cấm ông xem TV nên ông phải giải trí bằng những thứ đó thôi.
Đến giữa những năm 90, thương hiệu do Rick lập nên vẫn là một cái tên chìm nghỉm cho tới khi Kate Moss khoác một chiếc áo da do ông làm ra trên tạp chí Vogue. Show diễn đầu tiên của Rick tại tuần lễ thời trang New York Xuân - Hè 2002 với sự hỗ trợ của Anna Wintour và tạp chí Vogue đã giành được sự quan tâm lớn của công chúng.
Với những người không thực sự quan tâm tới thời trang, quần áo mà Rick làm ra có lẽ rất khó hiểu, mẫu nào cũng na ná mẫu nào. Thế nhưng bất cứ ai cũng phải nhận ra một đôi Rick Owens Geobasket.
Với chất liệu cao cấp và tàn nhẫn (thường là da thuộc cao cấp) cùng thiết kế dị biệt, phải nói thẳng là cực kỳ, cực kỳ khó mặc, những đôi Geobasket của Ricky đã nhanh chóng thách thức giới mộ điệu thời trang trên toàn thế giới, đồng thời nhanh chóng phân loại tầng lớp ăn Vogue ngủ Elle thành hai loại người, đó là loại biết mặc Rick Owens và loại có nhiều tiền.
Ngoài Rick Owens ra thì rất nhiều người cũng làm Darkwear. Nhưng khi nhắc tới Darkwear, người ta sẽ nhắc tới Rick Owens và những đôi Geobasket của ông.
Yeezy
Năm 2015, trước thềm những cuộc vận động tranh cử vào Nhà Trắng 2016, ngài Kanye West đã tuyên bố rằng, nếu mình lên làm tổng thống Mỹ vào năm 2020 thì cả nước Mỹ sẽ có giày Yeezy để đi. Bây giờ thì mới 2016 thôi, và dù vẫn còn chưa giải quyết xong các vấn đề tài chính của bản thân thì toàn nước Mỹ cũng như thế giới, những đôi Yeezy của Kanye West đã tràn ngập
Tuy nhiên trong mục 5 của bài viết này, tôi không muốn nhắc tới những đôi adidas Yeezy đang tràn ngập đường phố, chẳng biết con nào là thật con nào là fake. Tôi cũng không muốn nhắc tới Kanye West x Louis Vuitton quá xa xỉ chẳng mấy người từng được cầm trên tay. Đôi Yeezy huyền thoại nhất mà Kanye West đã từng làm ra là Nike Air Yeezy II.
Để có Air Yeezy II, ta sẽ nói qua một chút về Yeezy I. Phiên bản đầu tiên của thiết kế này được phát triển và hoàn thiện trong ba năm (2007-2009) và xuất hiện trước công chúng lần đầu trên chân ngài Tây ở Lễ trao giải Grammy 2009. Ngay lập tức một dấu chấm hỏi cực lớn được đặt ra "Kanye mang gì vậy?". Đã có vài mẫu sample được leak trên mạng cùng những lời đồn thổi, nhưng mãi đến tháng 4 năm 2009, thiết kế “Nike Air Yeezy 1” mới được phát hành với phối màu đầu tiên là “Zen Grey”. Ngày 2/5/2009, Kanye cho ra mắt tiếp phối màu “Blink” và một tháng sau đó (1/6/2009) phối màu “Net” lên kệ và đặt dấu chấm hết cho thiết kế “Yeezy 1”. Cả ba mẫu giày có giá bán lẻ rơi vào khoảng 215 USD được sản xuất với số lượng ít như muối bỏ biển đã sold out trong một nốt nhạc ngay lúc xuất hiện.
Tiếp đà thành công, ngày 29/5/2012, Nike chính thức xác nhận sự xuất hiện của “Air Yeezy II”. Ngày 9/6 cùng năm, hai phối màu của Yeezy II được ra mắt, là "Pure Platinum’’ và "Solar Red’’. Với những họa tiết gợi nhớ tới văn hóa Ai Cập cổ đại và màn ra mắt kiểu ‘’khai mộ Pharaoh’’, Air Yeezy II đã giáng một đòn tuyệt luân xuống lịch ra mắt giày năm 2012, củng cố thêm chiến thắng áp đảo đương thời với tất cả các sport brand khác. Giá bán lẻ của Air Yeezy II là 245 USD mỗi đôi, nhưng với số lượng ít ỏi chỉ 5000 đôi mỗi phối màu, Air Yeezy II cũng như tất cả các mẫu giày khác của ngày West đã bị đẩy lên chợ đen với cái giá gấp ít nhất là 8 đến 10 lần giá bán lẻ ban đầu.
Giờ đây, khi Kanye West đã về với adidas thì Nike cũng chẳng còn mặn mà với tình lang, tất cả các mẫu Nike Air Yeezy đã dần trôi vào dĩ vãng chưa rõ ngày ra mắt trở lại. Thế nên, độ hiếm của Nike Yeezy thậm chí còn tăng lên theo thời gian, nghiễm nhiên khiến nó trở thành một trong những đôi giày được khát khao nhất lịch sử nền văn hóa sát mặt đất.
Kết
Trên đây là năm mẫu giày mà người viết đánh giá là nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng nhất tới nền văn hóa sát mặt đất đương đại. Lẽ dĩ nhiên, tôi đã thiếu sót khi không kể đến Air Jordan 1 Banned - đôi giày của quỷ; vụ bạo động năm 2011 khi người ta bắn nhau để tranh giành Air Jordan 11 Concord; những đôi Reebok Pump hay đôi Nike Mag - Back to the future. Vậy hãy cùng hoàn thiện bài viết này bằng cách để lại phản hồi bên dưới, bạn nhé!
- 0
- 0Bình luận