Các thiết bị gián điệp của CIA thời Chiến tranh lạnh \'ngầu\' như trên phim
Không chỉ có trên phim ảnh, một điệp viên thực thụ cũng phải có sự trợ giúp của "bảo bối" mới hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Khi James Bond cần đến mấy món "hàng" gián điệp tiện lợi, như một cái cưa đội lốt đồng hồ Rolex, hoặc miếng dán lấy dấu vân tay, Bond có thể tìm chúng ở chi nhánh Q của Văn phòng bí mật Anh. Còn khi các nhân viên điều tra Mỹ cần chụp ảnh lén từ trên không hoặc giải một đoạn mã bí mật, họ có Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) để được trang bị các món "hàng" công nghệ cao cấp. Bảo tàng chi nhánh Langley (không mở cửa cho mọi người đến xem nhưng một tài khoản Flickr vẫn đăng thông tin), trưng bày phần lớn các mô hình sản phẩm gián điệp cũ trong thời kì chiến tranh lạnh.
Dưới đây là một vài món "hàng" điển hình mà Lost Bird thu thập được từ Cục tình báo Mỹ. Đọc xong giấu ngay kẻo bị bắt nhé!
Insectothopter (1974)
Được ghép từ "insect" - "côn trùng" và "tothopher" - "kẻ trộm", đây là một cỗ máy biết bay có kích thước côn trùng, kết hợp từ hình ảnh chú chuồn chuồn và chức năng của máy bay điều khiển từ xa. Nó là một bước tiến chứng minh rằng micro UAVs (thiết bị không người lái siêu nhỏ) có thể hoàn toàn tự hoạt động được. Một động cơ chạy bằng ga tí hon dùng để lái đôi cánh, phần nhiên liệu dư dùng làm lực đẩy, con côn trùng giả này hoàn toàn bay được. Nó là một món "hàng" thu nhỏ tiện lợi, nhưng lại không kiểm soát được khi có gió ngược và cũng thật khó tìm được cái máy ảnh đủ nhỏ để chú chuồn chuồn không bị rơi vào lúc bấy giờ, thế nên thực chất đây vẫn là một món "hàng" bị... bỏ xó.
Đầu Dead-drop (Thời kì Chiến tranh lạnh)
"Dead-drop" là thuật ngữ được sử dụng trong tình báo, ám chỉ một vật bí mật để 2 người gởi tài liệu cho nhau mà không cần phải gặp mặt. Tuy nhiên ngày nay, "dead-drop" lại là một mạng lưới chia sẻ dữ liệu nặc danh với những chiếc USB công cộng được đúc thẳng vào tường. Quay lại với đầu "dead-drop" thì tất cả những ai hâm mộ tiểu thuyết trinh thám đều biết, rất khó khi một đặc vụ ngầm hoạt động trong "hang cọp" phải gặp mặt người trung gian thông tin. Cách giải quyết là truyền thông điệp thông qua "dead-drop" tại địa điểm nào đó được định sẵn. Ở đây là một đầu nhọn rỗng bên trong, vật nhọn này có thể được cắm xuống đất, lưu giữ tin nhắn, tài liệu hay một thước phim bên trong.
Máy ảnh bồ câu (Thời kì Chiến tranh lạnh)
Vào thời điểm mà hầu hết máy ảnh đều rất nặng và cồng kềnh, văn phòng nghiên cứu và phát triển của CIA đã tạo ra một chiếc đủ nhỏ đủ nhẹ để gắn vào ngực một chú bồ câu. Dễ làm, khó nhận ra, những chú chim thành thị mang trọng trách vĩ đại với những món "hàng" này. Dù không mấy vui vẻ khi phải vác nặng, nhưng ít nhất chúng không "yếu gió" như Insectothopter. Được huấn luyện để bay vào vùng của địch với máy ảnh, bồ câu trở về với những bức ảnh lén có cự ly gần hơn so với máy bay hoặc vệ tinh. Máy ảnh cũng được lập trình để cách một khoảng thời gian nhất định thì chụp một bức ảnh tĩnh, sau đó tự động lên phim và mở ống kính bằng pin.
Bộ trang điểm tùy chỉnh nhỏ gọn (Thời kì Chiến tranh lạnh)
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao các mật vụ nữ trong phim lại vào nhà vệ sinh rất nhiều lần chỉ để dặm lại phấn trên mũi không? Bộ trang điểm của họ chắc chắn phải mang một bức mật mã hoặc thông tin nào đó rồi. Như trong bức hình này, đoạn mã xuất hiện bằng cách nghiêng gương đúng góc độ.
Chú cá robot Charlie (1999)
Hãy gọi chú là Pond - cái - ao, James Pond. CIA nói rằng Charlie là một chú cá gián điệp, giống như Insectothoter, thí nghiệm này dùng để khám phá khả năng của công nghệ robot dưới nước có thể phát triển đến đâu. Được điều khiển bởi một bộ radio không dây cầm tay, thiết bị không người lái dưới nước (UUV) này có hệ thống áp lực và chấn lưu, thiết bị thông tin liên lạc trên thân cùng một hệ thống đẩy ở đuôi. Nhiệm vụ của nó ư? Là thu thập các mẫu nước chưa xác định, như nằm gần lò phản ứng hạt nhân hay các khu vực nước nhạy cảm.
Máy ảnh Tessina giấu trong bao thuốc lá (Thời kì Chiến tranh lạnh)
Không như phần lớn các máy ảnh có sẵn trên thị trường, kích thước nhỏ cách vận hành nhẹ nhàng của Tessina khiến nó dễ giấu hơn. Chiếc camera cổ tối giản này dùng phim 35mm, vừa khít trong một bao thuốc lá, dễ dàng bỏ vào túi.
Những đồng đô la rỗng (Thời kì Chiến tranh lạnh)
Không đơn thuần là một vật đựng đồ, đồng đô-la này thực chất còn là thiết bị dùng để cất giấu thông điệp bí mật hay các thước phim nhỏ.
Đồng phục điệp viên (Thời kì Chiến tranh lạnh)
Để thu thập thông tin trong khi trà trộn vào quân địch, điệp viên cần phụ kiện và quần áo "xịn". Trong nhiều trường hợp, họ được cung cấp những bộ đồ bơi gắn máy ảnh tí hon, dây thu âm,... nhờ thế mà có thể thoải mái rót rượu và hút thuốc trong khi vẫn ghi lại được từng phản ứng của đối phương.
Thiết bị phát hiện kẻ xâm nhập (Thời kì Chiến tranh lạnh)
Nếu các điệp viên muốn phát hiện ai đó đang lẩn trốn bí mật xung quanh, thiết bị này chính là thứ họ cần. Chúng được ngụy trang thành đá hoặc gậy, có thể cảm biến chuyển động của con người, động vật hay vật thể xa đến 300m. Thiết bị chạy bằng pin năng lượng nhỏ, gắn ăng ten và truyền dữ liệu thông qua xung mã hóa.
Tẩu thuốc gắn máy ghi âm (Thời kì Chiến tranh lạnh)
Đừng hút thuốc bằng ống tẩu này. Bên trong nó chứa một cái máy ghi âm thu nhỏ, âm thanh được dẫn truyền qua xương hàm đến ống tai của người dùng khi họ ngậm tẩu.
Tài liệu sản xuất phim của Studio Six (1980)
6 nhà ngoại giao người Mỹ thoát được cuộc vây bắt con tin ở Iran nhưng không tài nào bước chân ra khỏi đất nước này, và nhiệm vụ giải cứu họ được giao cho CIA. Các chuyên gia kỹ thuật của CIA đã tạo nên một công ty sản xuất phim giả mang tên Studio Six Productions, cung cấp đồ ngụy trang cũng như tài liệu để tạo điều kiện cho các nhà ngoại giao trốn khỏi Iran năm 1980. Để xây dựng được uy tín của công ty, công ty giả này thuê một văn phòng cũ của Hãng Collumbia ở Hollywood. Logo của công ty cũng được thiết kế, các loại thẻ, văn phòng phẩm và vật dụng khác cũng được sản xuất. Công ty đặt tên sản phẩm mới là "Argo" theo tên con tàu Hy Lạp huyền thoại mà Jason và Argonauts đã lái để giải cứu bộ lông cừu vàng bị giam giữ bởi rồng nhiều đầu trong Thần thoại Jason và bộ lông cừu vàng.
Dự án máy bay trinh sát Lockheed A-12 OXCART (1967)
Siêu nhanh, bay cao, và nóng như lò lửa đối với các phi công - OXCART được thiết kế từ một chiếc trinh thám Lockheed để thu thập thông tin tình báo mà vẫn tránh được hệ thống phòng không của địch. Đây là một kỹ thuật kỳ diệu trong công nghệ tàng hình, chiếc máy bay trinh thám này đạt vận tốc kỷ lục 2.200 dặm một giờ, có thể bay và chụp ảnh xa đến hơn 27km. Nhưng từ khi vô số chiếc A-12 bị tạm ngưng hoạt động, thách thức về kỹ thuật và những vấn đề chính trị nhạy cảm, việc đưa OXCART vào sử dụng trở nên rất khó khăn. Mặc dù mục đích ban đầu là dùng để thám thính Cuba, nhưng những chiếc máy bay trinh sát này lại được dùng cho khu vực Đông Nam Á từ tháng 5/1967 đến tháng 5/1968 và chỉ thực hiện được tổng cộng 29 nhiệm vụ. Trong đó BLACK SHIELD là một nhiệm vụ chụp ảnh cung cấp tin tình báo quan trọng để hỗ trợ quân đội mỹ hoạt động trong suốt chiến tranh Việt Nam.
Nguồn: History
- 0
- 0Bình luận