Elisabeth das Musical: \'Mối tình\' lạ kỳ giữa nàng Hoàng hậu và chàng Tử thần
Bạn sẽ nghĩ gì nếu 94 năm sau cái chết của Elisabeth, cả cuộc đời đầy thăng trầm và bi kịch của vị nữ hoàng kiêu hãnh này được kể lại bằng âm nhạc, và người dẫn chuyện là... kẻ đã ám sát nàng?
Năm 1992, một vở nhạc kịch tiếng Đức mang tên Elisabeth das Musical được công diễn tại nhà hát Theater an der Wien thuộc thủ đô Vienna của nước Áo. Với phần nhạc được soạn bởi Sylvester Levay và Michael Kunze - hai “lão làng” của nhạc kịch Đức - Áo, Elisabeth das Musical là câu chuyện về cuộc đời của Elisabeth xứ Bavaria từ thuở nhỏ cho tới cuộc hôn nhân với Hoàng đế Franz Joseph, trở thành Nữ hoàng Áo - Hung, và kết thúc bằng cái chết của nàng. Tất cả được kể lại qua lời của Luigi Lucheni - gã thanh niên người Ý đã ám sát nữ hoàng vào năm 1898.
https://www.youtube.com/watch?v=pazuQ--rYls
Bằng giọng dẫn chuyện mỉa mai, ráo hoảnh và hài hước, Lucheni đưa cả hoàng tộc Habsburg - lúc này đã là những người chết dưới mồ - trở lại sân khấu để minh họa cho câu chuyện của gã. Đứng trên tất cả là der Tod - Cái Chết - người được Lucheni kính cẩn gọi là “His Majesty”. Ngài nắm giữ và giật dây cho mọi chuyện, nụ hôn của ngài đưa người ta đến cái chết. Giữa der Tod và Elisabeth là một mối quan hệ yêu - ghét kì lạ. Từ ngày Sisi (tên thân mật của Elisabeth) suýt chết và gặp gỡ der Tod lần đầu, der Tod yêu Elisabeth theo một cách… không giống người thường, ngài muốn nàng tự tìm đến vòng tay của mình - tức là tìm đến cái chết.
Cái Chết vốn không có một hình dáng cụ thể, Cái Chết trong tâm thức Elisabeth do chính nàng xây dựng nên: Một người đàn ông đẹp tựa Heinrich Heine - nhà thơ người Đức nàng hằng ngưỡng mộ. Ngài xuất hiện ở lễ đường vào ngày cưới của Franz Joseph và Elisabeth, rung chuông nhà thờ rồi cất tiếng “Ta đồng ý” trong tiếng cười hả hê trước những bi kịch đang đợi Elisabeth và cả hoàng tộc Habsburg. Giữa cuộc sống trầm uất vì người mẹ chồng khắt khe nơi hoàng gia đầy quy tắc của Elisabeth, ngài cướp đi đứa con gái đầu lòng của nàng. Nhiều năm sau, đến lượt Hoàng thái tử Rudolf - người con trai duy nhất của Franz Joseph và Elisabeth, vốn chẳng mấy khi được mẹ đoái hoài - tìm đến vòng tay của Cái Chết và tự sát với một phát súng vào đầu. Suốt phần đời còn lại, Elisabeth chỉ vận đồ đen và rời xa hoàng tộc Áo. Trong một cơn ác mộng của Hoàng đế Franz Joseph, ông thấy der Tod trao cho Luigi Lucheni quyền được giết chết Nữ hoàng. Ác mộng đó trở thành sự thật và cuộc đời của Elisabeth kết thúc khi bà trở về bên vòng tay của Cái Chết.
Trong bài hát Kisch được hát với bối cảnh trước lễ lên ngôi Vua và Nữ hoàng Hungary của Franz Joseph và Elisabeth, Lucheni phá vỡ “bức tường thứ 4” để đứng giữa hàng ghế khán giả, mời chào họ mua những món đồ lưu niệm nhân dịp trọng đại này. Elisabeth vẫn là một người phụ nữ đẹp tuyệt vời và đầy kiêu hãnh, nhưng Lucheni bảo rằng câu chuyện của nàng chẳng giống như những bộ phim - ý nói bộ phim Sissi của nữ diễn viên Romy Schneider. Cuộc hôn nhân bấy lâu nay “được” lầm tưởng là toàn màu hồng cổ tích, hóa ra lại bẽ bàng và không mấy hạnh phúc, mà cái chết của Hoàng thái tử Rudolf tại Mayerling là một bi kịch lớn trong số rất nhiều những thăng trầm của cuộc đời Elisabeth. Lucheni châm biếm những quý ông, quý bà ngồi ở quán cà phê, tán dóc và bàn luận về cuộc sống trong cung điện từ năm này qua tháng nọ. Gã kích động người dân trước cuộc sống đầy bất công mà Elisabeth bị cho là một phần nguyên nhân. Gã thậm chí cười khinh bỉ Hoàng thái tử Rudolf - lúc này chỉ là một cậu bé khóc gọi mẹ trong đêm.
Elisabeth là một trong số ít những nhân vật nữ trên sân khấu nhạc kịch đứng lên bảo vệ cho nữ quyền, nói không với sự sai khiến và quy tắc với bài hát Ich gehör nur mir- Ta thuộc về chính ta. Tính hình tượng của vở nhạc kịch còn nằm ở phần sân khấu, với hoàng gia Habsburg được đặt trên một con tàu chìm mà Hoàng đế Franz Jospeh là người cầm lái trong phân đoạn ác mộng trước cái chết của Elisabeth. Hộ tống cho der Tod là những thiên thần của cái chết có ngoại hình tương tự ngài. Cái tên Elisabeth được lặp lại rất nhiều lần để nhắc nhở rằng, “ai cũng từng khiêu vũ với Cái Chết nhưng không một ai giống như Elisabeth”.
Kể từ năm 1992, đã có rất nhiều phiên bản của vở nhạc kịch Elisabeth das Musical được đưa lên sân khấu và được thể hiện bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có cả ngôn ngữ cơ thể trong một suất diễn đặc biệt dành cho khán giả khiếm thính. Vai diễn Elisabeth và der Tod đã đưa tên tuổi của Pia Douwes và Uwe Kröger lên hàng ngũ những ngôi sao nổi tiếng và tài năng bậc nhất sân khấu nhạc kịch châu Âu. Sau đó, có rất nhiều diễn viên hóa thân vào các vai diễn, làm cho hình tượng hai nhân vật chính, mà đặc biệt là der Tod, có nhiều cách thể hiện. Ban đầu, Uwe Kröger cho khán giả một der Tod lạnh lùng, có phần vô cảm và đẹp phi giới tính mà nổi bật nhất là bộ váy đóng giả Mary Vetsera - người tình của Hoàng thái tử Rudolf. Gần đây nhất, Mark Seibert thể hiện một der Tod lực lưỡng đầy nam tính và ấm áp hơn, chi tiết nhỏ về Mary Vetsera trong phân đoạn tự sát của Rudolf cũng bị lược bỏ. Nhân vật Hoàng thái tử Rudolf cũng chuyển biến từ yếu đuối, bị động trở nên tự chủ, dám đứng lên chống lại cha mình. Các đợt “tái khởi động” vở nhạc kịch, nếu chỉ trong phạm vi tiếng Đức, tiêu biểu có Essen năm 2001, Vienna Revival lần 1 năm 2004, Vienna Revival lần 2 năm 2012, các tour diễn trong phạm vi Đức và một vài nước châu Á.
Có thể nói vui rằng những bài hát trong act 2 - màn 2 chỉ là sự lặp lại có phần bi kịch và đen tối hơn những bài hát ở act 1, tuy vậy giai điệu của hầu hết tất cả bài hát đều bắt tai. Điểm hút khán giả của Elisabeth das Musical còn ở phần phục trang khi tất cả trang phục của Elisabeth được phục dựng giống các bức ảnh và tranh vẽ, trong đó có bộ váy nổi tiếng trong bức chân dung Elisabeth vẽ bởi danh họa Franz Xaver Winterhalter. Ngoài ra, những đồ vật mang tính biểu tượng của nàng cũng được đưa lên sân khấu, ví dụ như chiếc quạt mà Elisabeth thường dùng để che mặt. Tuy trong suốt những lần diễn, không tránh khỏi những lúc… thiếu kinh phí, dẫn tới sân khấu bị tối giản, mất đi sự hoành tráng và tính hình tượng vốn có, nhưng chất lượng về nội dung và diễn viên luôn được đảm bảo.
Đã hơn 20 năm kể từ ngày Luigi Lucheni lần đầu kể cho khán giả nghe câu chuyện về cuộc đời của Elisabeth. Và đến tận bây giờ, phải chăng gã thanh niên người Ý kia vẫn đợi để kể lại câu chuyện kia thêm lần nữa, để cho khán giả chiêm ngưỡng hoàng tộc Habsburg trở lại từ những ngôi mộ hoàng gia, và ngự trên cao dõi theo câu chuyện là Cái Chết đầy quyền lực?
- 0
- 0Bình luận