Bkav qua mặt Face ID: Báo ngoại tung hô, trong nước chỉ trích
Ngày 12/9, tại sự kiện ra mắt sản phẩm iPhone X, Apple đã khẳng định: Face ID trên iPhone X là bước cải tiến bảo mật, hầu như không thể hack và người dùng có thể an tâm về độ an toàn của chức năng này. Khoảng đầu tháng 11 đến nay, iPhone X tạo cơn sốt trên thị trường công nghệ khi chính thức được mở bán toàn thế giới. Theo đó là rất nhiều thử nghiệm cho thấy Face ID thật sự không thể hack bằng mặt nạ 3D hay bất cứ gì khác. Tuy nhiên, để khẳng định Face ID bảo mật 100% thì không thể, bởi nó vẫn chưa thể khắc phục các trường hợp sinh đôi.
Thế nhưng gần đây, Face ID của Apple bị đánh gục bởi một chiếc mặt nạ 3D thô sơ, và chiếc mặt nạ này đến từ Việt Nam.
Ngày 9/11, tập đoàn công nghệ Bkav tung một đoạn video kéo dài 1:34s về chiếc mặt nạ có thể lừa được Face ID của iPhone X. Sau đoạn video này, Bkav gặp không ít chỉ trích từ cộng đồng mạng trong và ngoài nước. Bkav bị cho là "làm màu" khi lừa bịp người xem và "dựa hơi" iPhone X để nổi tiếng. Tuy nhiên, vào ngày 15/11, để khẳng định kết quả nghiên cứu, Bkav chính thức mở họp báo chứng minh chiếc mặt nạ của mình thật sự đánh lừa được Face ID, điều mà Apple khẳng định sẽ không bao giờ xảy ra.
Buổi họp báo ngày 15/11 chứng minh Bkav không lừa đảo:
Bkav "lừa" Face ID như thế nào?
CEO Nguyễn Tử Quảng chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rõ AI làm việc như thế nào. Về bản chất, AI sẽ phân loại mặt thật như thế này, mặt nạ như thế kia. Nó nhận diện rất tốt gương mặt thật và mặt giả hoàn toàn. Vậy mặt nửa giả, nửa thật thì như thế nào? Tôi cảm nhận đó sẽ là điểm yếu.” Đây cũng chính là cốt lõi để Bkav nghiên cứu mặt nạ 3D. Chiếc mặt nạ của Bkav được in 3D thông thường, mũi được làm bằng silicon, mắt và miệng là ảnh thật còn lại là băng dính để mô phỏng da.
Ngày 4/11 khi Bkav nhận được chiếc điện thoại iPhone X đầu tiên, họ đã phát hiện lỗi của Face ID. 6 giờ chiều cùng ngày, họ in và dán thử mắt giả để xem Face ID có nhận diện được không. Rất ngạc nhiên là chức năng này không hề nhận ra điều đó và vẫn mở khóa bình thường, vì Face ID trên iPhone X chỉ nhận dạng từng phần chứ không phải tổng thể khuôn mặt. Từ đó, Bkav đã tìm ra lỗ hổng lớn của Apple
Tuy nhiên, không thể nói là Face ID bị hack với chiếc mặt nạ này, vì mặt nạ 3D của Bkav muốn mở khoá được iPhone X vẫn cần sự hỗ trợ của chủ nhân thật sự. Cụ thể là khi chế tạo mặt nạ, Bkav không cho máy học thuộc cấu hình mặt nạ, cứ 4 lần mở khoá sai thì người thật phải unlock máy. Sau nhiều lần tinh chỉnh mặt nạ giống với cấu hình mặt thật, Face ID mới bị đánh lừa.
Chính vì vậy, cách làm của Bkav khác hoàn toàn so với cách thế giới đang nghiên cứu. Và nếu muốn mở khóa bằng mặt nạ như trên, bạn buộc phải bắt cóc chủ nhân thật sự của điện thoại. Ông Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng tập đoàn Bkav đã khẳng định nhiều lần đây chỉ là thử nghiệm mang tính nguyên lý.
Giải thích chi tiết cách mà Bkav đã thực hiện:
Báo ngoại đánh giá cao
Thông tin này lập tức được cập nhật, các trang báo công nghệ ở nước ngoài cũng lên tiếng về thành quả nổi bật này của Bkav. Tiêu biểu như Reuters và Apple Insider, liên tục thể hiện sự ngạc nhiên khi các nhà an ninh tại Việt Nam đã tìm được lỗ hổng của Face ID. Đây cũng là lần đầu tiên một nghiên cứu rõ ràng về việc Face ID có thể bị đánh lừa bởi mặt nạ.
Đa số các trang báo và cộng đồng nước ngoài bày tỏ rất ngạc nhiên khi một tập đoàn từ Việt Nam có thể đánh bại phần mềm bảo mật đỉnh cao của Apple. Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng đây chỉ là "ăn may" và "lừa bịp".
Người Việt cho rằng Bkav làm "trò mèo"
Ngược lại với những phản ứng tích cực từ phía nước ngoài, cộng đồng mạng Việt lại có nhiều lời chỉ trích dành cho Bkav. Ngay khi video đầu tiên về mặt nạ 3D đánh lừa Face ID, dân Việt đã cảm thấy Bkav đang làm "trò mèo" để nâng sản phẩm Bphone của mình lên, và một tập đoàn ở Việt Nam lại dám "thách đấu" với Apple. Một số cho rằng Bkav nghiên cứu ra mặt nạ để bọn trộm cướp sử dụng mở khóa iPhone X, cùng vô số những lời bình luận ác ý khác.
Có phải dân Việt vẫn khó chấp nhận về những thành tựu người Việt đạt được? Việc Bkav vượt mặt Apple không phải là lần đầu công nghệ được nghiên cứu ở Việt Nam có thành tựu trên thế giới, và cũng không phải lần duy nhất họ bị chỉ trích ngay ở sân nhà. Tương tự, Nguyễn Hà Đông - tác giả của trò chơi nổi tiếng Flappy Bird, cũng từng ngậm ngùi đưa đứa con tinh thần của mình vào hồi kết vì sự đố kỵ của người Việt. "Gạch đá" và những lời bình luận "lừa bịp", "đạo nhái", "làm màu" của cộng đồng mạng chính là con dao giết chết sự nỗ lực nghiên cứu để đưa Việt Nam tiến xa hơn.
Nếu bạn không tự hào về những nỗ lực của họ, cũng đừng chỉ trích và quá cay nghiệt. Nếu trước giờ, báo chí Việt Nam chỉ biết tung hô, theo dõi các công nghệ nước ngoài, thì trường hợp như Bkav hay Flappy Bird là những lần ít ỏi báo nước ngoài phải theo dõi từng biến động của công nghệ nước ta. Dù vậy vẫn không thể làm cộng đồng mạng dễ chịu hay tự hào.
Bkav chứng minh Face ID vẫn có lỗ hổng có thật sự là "làm màu"?
Tiền thân của Bkav là một công ty nghiên cứu về an ninh, chính vì vậy, việc chứng minh một sản phẩm vẫn chưa đủ an toàn với người dùng là trách nhiệm của họ. Bkav không làm gì sai, họ chứng minh Face ID vẫn dễ dàng bị đánh lừa, và Apple phải nâng cấp tính năng này trong tương lai. Trong buổi họp báo hay video, Bkav đều không chỉ rõ quy trình tạo mặt nạ, hay đây là cách hack iPhone X, nên không thể nói Bkav đang muốn "chơi khăm" Apple, gợi ý cho hacker. Họ chỉ muốn chỉ ra Face ID chưa phải là bảo mật tối ưu cho người dùng. Nếu bạn không quan tâm và vẫn yêu thích iPhone X, điều đó cũng không ảnh hưởng đến Bkav.
Việc tạo ra một chiếc mặt nạ 3D như Bkav sẽ tốn rất nhiều trí tuệ của người thực hiện, nếu không tin, bạn có thể thử làm ở nhà. Họ thành công chỉ sau hơn 10 ngày iPhone X mở bán, Bkav nên được ngưỡng mộ hơn là những lời chỉ trích, chê bai.
- 0
- 0Bình luận