\'Romeo & Juliet\' phiên bản Franco Zeffirelli: Màn ảnh là nơi cái đẹp trở thành vĩnh cửu
Có một cách nói vui để tóm tắt vở bi kịch Romeo & Juliet, đó là “câu chuyện tình diễn ra trong 3 ngày của 2 đứa trẻ vị thành niên mà kết quả là cái chết của 6 người đã bao gồm 2 nhân vật chính”. Cốt truyện của Romeo & Juliet nổi tiếng đến độ hễ cặp tình nhân trẻ nào mà vướng vào bi kịch họ hàng đôi bên xung khắc hay bị ngăn cấm đến với nhau thì người đời sẽ gán cho cụm từ “Romeo và Juliet”, mặc dù không ai muốn có người chết trong những vụ này cả. Đúng là câu chuyện tình bi kịch ấy có phần hơi vội vàng và… sến súa trong mắt nhiều cư dân thế kỉ 21, nhưng vào lúc ra đời - khoảng năm 1597, thời Elizabeth nơi mà cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, không có chuyện cãi lại một lời - thì nó là một sự chấn động.
Từ thuở con người mới biết đến phim ảnh đến nay, đã có rất nhiều phiên bản Romeo & Juliet được đưa lên màn bạc - từ phim câm, phim đen trắng, phim màu... Nhưng chỉ đến năm 1968 khi Romeo and Juliet của vị đạo diễn người Ý Franco Zeffirelli ra đời, người ta mới hiểu thế nào là cái hồn bi kịch đẹp đẽ mà Shakespeare muốn truyền tải đến khán giả. Romeo and Juliet của Franco Zeffirelli trở thành một tuyệt tác màn ảnh mà đến giờ, chưa có phiên bản nào vượt qua được. Cảnh buổi tiệc, cảnh ban công, cảnh hầm mộ,... trong phim dường như trở thành những chuẩn mực cho tất cả mọi phim Romeo & Juliet sau này, dẫu khó phiên bản nào có được cái chất thơ Shakespeare như của Franco Zeffirelli.
Thành công của Franco Zeffirelli phần lớn nhờ vào cách ông chọn hai diễn viên chính: Leonard Whiting và Olivia Hussey. Khi phim hoàn thành, cả hai chỉ mới 17 và 16 tuổi - gần sát với tuổi của Romeo và Juliet trong vở kịch của Shakespeare. Hai diễn viên đẹp như những thiên thần trong tranh vẽ thời kì Phục Hưng. Juliet với đôi mắt xanh lá ngây thơ, Romeo với đôi mắt xanh da trời mơ mộng - hai đôi mắt đó tìm nhau trong buổi dạ hội nhà Capulet. Họ như chính đôi tình nhân xưa hiện về trên màn bạc, nói với nhau như thể những lời này không phải được học từ kịch bản mà là lời từ chính con tim đang yêu. Quả thật lúc đó Leonard Whiting và Olivia Hussey cũng có thời gian hẹn hò nhau nhưng cả hai đã sớm chia tay và trở thành bạn bè đến tận bây giờ. Có lẽ đó là lí do mà hai người diễn vai đôi tình nhân “ngọt” và “mượt” đến thế.
Năm đó, đạo diễn Franco Zeffirelli đã táo bạo xin phép để được đưa một cảnh khỏa thân lên màn ảnh - “đêm tân hôn” của Romeo và Juliet trước khi Romeo bị đi đày. Thật lạ là hai diễn viên tuy ở vào độ tuổi chưa vị thành niên nhưng không hề có cuộc tranh cãi nào nổ ra, bởi lẽ vị đạo diễn người Ý đã biến cảnh quay nhạy cảm này trở nên thật hợp lí và đúng mực. Đôi trai gái trần trụi với chiếc chăn che hờ trên giường trong phòng của Juliet và bị đánh thức bởi tiếng sơn ca báo hiệu bình minh. Juliet cứ nhất mực bảo rằng đó chỉ là tiếng họa mi và trời vẫn còn tối, cho đến khi nàng nhận ra thời khắc Romeo phải đi đày đã tới rồi vội vã mặc lại y phục cho mình và người thương. Với bộ dạng và y phục xộc xệch đó, cả hai chia tay nhau nơi ban công mà chàng tỏ tình với nàng lần đầu.
Chỉ nói riêng nàng Juliet của Olivia Hussey, đẹp đến độ cứ đạo diễn nào rục rịch bấm máy một bản chuyển thể của vở bi kịch thì ngay lập tức người ta sẽ so sánh nữ diễn viên chính với nàng, và thường thì kết luận sẽ là: Không đẹp bằng, diễn chắc cũng chẳng bằng. Hailee Steinfeld là một ví dụ. Cô không phải một diễn viên tay ngang gì cho cam mà đã từng được đề cử Oscar khi mới 14 tuổi, còn nhan sắc thì cũng rất đẹp và sắc sảo. Vậy nhưng nàng Juliet của cô trong bộ phim năm 2013 do Carlo Carlei đạo diễn lại bị chê tơi tả - về ngoại hình cũng có và về diễn xuất thì quá nhiều. Olivia Hussey có thân hình đầy đặn đúng chuẩn mực của phụ nữ thời Phục Hưng, mái tóc đen dài chẳng mấy khi thay đổi kiểu, và một khuôn mặt đẹp tự nhiên hoàn hảo không cần phấn son.
Còn Leonard Whiting, ở tuổi 17 lúc ấy, có lẽ là chàng Romeo trẻ nhất trên màn ảnh. Ở vào độ tuổi người lớn chưa đến mà thiếu niên chưa xong, Leonard Whiting cho người xem một Romeo mơ mộng và đôi lúc thật tinh nghịch, hài hước trẻ con. Nhiều người cho rằng Zac Efron trông giống hệt Leonard Whiting thời điểm đó, nhưng ý kiến chủ quan, Zac Efron thiếu hẳn cái đẹp cổ điển và chất thơ của Leonard Whiting. Một chàng Romeo lòng tràn hạnh phúc chạy như bay giữa rừng để đến báo với tu sĩ Lawrence về mối tình mới chớm, tinh nghịch với người nhũ mẫu Juliet phái tới để nhận tin, đùa cợt với hai người bạn thân là Mercutio và Benvolio,… Và hơn tất cả là một chàng Romeo lãng mạn nấp giữa vườn đêm, ánh mắt mơ màng ngước nhìn nàng Juliet trên ban công phía xa, hay với khuôn mặt đẫm nước mắt hôn tay Juliet lần cuối trước khi ngã xuống lìa đời. Leonard Whiting dường như chính là Romeo duy nhất mà Shakespeare đã khai sinh: “Một chàng quý tộc trung thực, hào hiệp, lịch sự, tuấn tú, có đạo đức tốt…” - trích lời nhũ mẫu của Juliet sau khi được nàng phái đến nhận tin Romeo và bị bạn bè của chàng đùa nghịch cho một phen nhức hết cả xương cốt.
Rất nhiều người lầm tưởng bài hát A Time For Us là nhạc phim, nhưng thật ra What Is A Youth của nhạc sĩ Nino Rota mới là ca khúc chủ đề của Romeo & Juliet 1968. What Is A Youth được hát bởi một anh chàng hát rong trong buổi vũ hội nhà Capulet - ở đây chính là ca sĩ Glen Weston. A Time For Us sau này được Henry Mancini sáng tác thêm phần điệp khúc khác hẳn với bài gốc. Có thể nói chất Ý cổ xưa trong Romeo & Juliet của Franco Zeffirelli không chỉ nằm ở khung cảnh mà còn ở âm nhạc, khi mà chỉ cần nghe những nốt hòa tấu đầy bi tráng của What Is A Youth chen lẫn giọng dẫn truyện từ tốn theo văn phong Shakespeare, rồi máy quay lia dần từ những bức tường tĩnh mịch đến phiên chợ huyên náo, người xem như được trở về thành Verona thời xa xưa kia chỉ trong một cái chớp mắt.
Phân đoạn vũ hội nhà Capulet, đôi trai gái tìm nhau trên nền nhạc What Is A Youth
Sau khi phim ra rạp, ngoại hình của hai diễn viên chính nhanh chóng được khán giả ái mộ. Ở các nước phương Tây và cả Việt Nam, các thanh niên đua nhau để kiểu tóc giống “chàng Romeo” Leonard Whiting, trong khi các cô gái trẻ lại thích đeo sợi dây chuyền thánh giá và nuôi mái tóc đen dài giống “nàng Juliet” Olivia Hussey. Cả Leonard Whiting và Olivia Hussey lúc này đều đã ở ngoài độ tuổi 60, đôi tình nhân màn ảnh đẹp như mộng ngày đó đã già đi như cái lẽ thường tình phũ phàng của thời gian. Nhưng màn ảnh là nơi mà mọi thứ trên nên vĩnh cửu và con người ta được phép bất tử, bởi thế Romeo và Juliet ngày đó vẫn cứ đẹp ngây thơ và mơ mộng, vẫn lãng mạn và nồng nhiệt trong tình yêu. Thành Verona vẫn tĩnh mịch và cổ xưa, còn khán giả vẫn tiếp tục đợi chờ đôi tình nhân trẻ tìm nhau trong bữa tiệc nhà Capulet.
- 0
- 0Bình luận