M. Butterfly (1993): Bi kịch dệt nên từ những mộng ảo
Hồi đầu những năm 1980, ở Pháp xảy ra một câu chuyện chấn động mà nếu phát hiện ra sự việc, người ta chỉ biết hỏi rằng “Sao có thể?”. Bernard Boursicot - một cựu viên chức của Đại sứ quán Pháp ở Trung Quốc và người tình của ông - Shi Pei Pu, bị bắt với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc. Từ đó mọi chuyện được đưa ra ánh sáng một cách quá khó tưởng tượng.
Năm 1964, Bernard Boursicot gặp Shi Pei Pu - một ca sĩ kinh kịch mà ông tin chắc rằng đây là nữ giới, họ bắt đầu một mối quan hệ tình cảm và thậm chí là quan hệ tình dục với nhau. Bernard Boursicot khi ấy còn rất trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm về cơ thể phụ nữ, mặt khác Shi Pei Pu lại có “khả năng” đặc biệt để giấu đi bộ phận sinh dục của mình cũng như tạo cảm giác cho Bernard Boursicot rằng ông đang quan hệ tình dục với nữ giới. Shi Pei Pu còn khiến Boursicot tin vào câu chuyện tại sao “cô” phải giả làm đàn ông và dụ ông đưa cho “cô” nhiều tài liệu của chính phủ Pháp. Về sau Shi Pei Pu tuyên bố có thai rồi mua một bé trai sơ sinh về giả làm con mình và Boursicot. Mối quan hệ giữa hai người kéo dài rất lâu, Boursicot trở thành điệp viên hai mang với niềm tin rằng mình đang giữ an toàn cho người tình cùng con trai. Sau này họ mất liên lạc cho tới lúc bị bắt. Tới tận khi ra tòa, Boursicot vẫn tin rằng Shi Pei Pu là phụ nữ, cho đến lúc được xem cơ thể của người tình mình. Boursicot cố gắng tự tử nhưng không thành, còn Shi Pei Pu qua đời hồi năm 2009. Trước khi mất, Shi Pei Pu nói rằng ông vẫn yêu Boursicot.
Và Boursicot kể về “mối tình” này bằng một câu nói chua chát: “Khi tôi tin vào nó, nó là một câu chuyện tuyệt đẹp.”
Câu chuyện khó tin này là nguồn cảm hứng để David Henry Hwang viết nên vở kịch M.Butterfly cho sân khấu Broadway vào năm 1988, rồi đến năm 1993, bộ phim cùng tên được ra đời với diễn xuất của Jeremy Irons và John Lone. Tên của hai nhân vật chính được đổi thành René Gallimard và Song Liling (thay cho Bernard Boursicot và Shi Pei Pu).
Nếu không biết trước về câu chuyện kể trên, có lẽ khán giả sẽ tưởng như mình đang được xem một mối tình thời chiến đẹp và đầy khổ đau với đủ mọi cung bậc của xa cách và nhớ nhung. Chàng là một người đàn ông ngoại quốc, còn nàng là một người phụ nữ truyền thống Trung Hoa. Cái thấu hiểu tình cờ giữa những nền văn hóa vô tình đưa hai con người đó đến với nhau, rồi cố ôm chặt đối phương trong khi thời thế bên ngoài buộc họ phải buông tay. Khi những tưởng đã lạc mất nhau nhau vĩnh viễn thì nhiều năm sau lần đầu gặp gỡ, họ lại được đoàn viên.
“…Những gì tôi đã yêu chỉ là dối trá, một lời dối trá hoàn hảo….”
“Tôi là người đàn ông trót yêu một phụ nữ được tạo ra bởi người đàn ông khác.”
Đó là điều René Gallimard đã nói khi ngồi trên chiếc xe áp giải và đối mặt với Song Liling - lúc này đã trở về đúng với nhân dạng thật là một người đàn ông. Cả Bernard Boursicot của đời thật và René Gallimard của phim phải trở thành trò cười cho cả nước Pháp vì đã không thể nhận ra người kia là nam hay nữ sau chừng ấy năm yêu đương. Nhưng nếu chỉ xét trong phim, liệu có trách Gallimard được không khi mà Song Liling đẹp, một cái đẹp nền nã không gợn chút lăn tăn, đoan trang và đầm thắm. Cái đẹp mà nếu chỉ vào rồi bảo đây là đàn ông thì có khác nào trò đùa. Gallimard chẳng phải cậu thanh niên non nớt như Boursicot những ngày mới gặp Shi Pei Pu mà ngược lại, là một người đàn ông trung niên với đôi mắt trải đời vừa đủ. Giải thích cho sự nhầm lẫn kéo dài suốt chừng ấy năm của ông, đơn giản rằng Song Liling đã diễn quá đạt nhân vật người phụ nữ mà “cô” tạo ra. Song kể cho Gallimard nghe câu chuyện về một người phụ nữ Á Đông hoàn hảo, và rồi khéo léo dẫn Gallimard đi theo niềm tin rằng “cô” chính là người phụ nữ hoàn hảo mang cái tên Butterfly đó, để Gallimard gọi mình bằng cái tên Butterfly suốt phần còn lại của cuộc tình. Gallimard từ bỏ cả tên của người phụ nữ mình yêu để gọi cô theo cái tên của con người vốn chẳng có thật kia. Ông bị nhạo báng bởi đã trót tin và yêu người đã đưa ông vào cái ảo ảnh lừa dối vốn chẳng có lối thoát ngay từ đầu.
Còn Song Liling rõ là người lừa dối và phản bội ngay từ đầu, nhưng người ta đâu thể biết liệu Song có yêu Gallimard hay không. Song đã chọn cách sống như một người phụ nữ không hẳn là để làm gián điệp, bởi những lúc không “làm nhiệm vụ” thì “cô” vẫn ăn mặc và hành xử như một phụ nữ, mặc kệ sự ghê tởm của những người trong cuộc. Song là điển hình của câu nói đâm lao thì phải theo lao. Song tạo ra ảo ảnh hoàn hảo kia và cứ dẫn René bước mãi trong mê cung đó mà không được phép dẫn ông ra. Song Liling của đoạn cuối vở kịch thật tàn nhẫn và phũ phàng: ngồi hút xì gà, nhìn Gallimard mổ bụng cố gắng tự sát bởi không chịu nổi sự nhục nhã vì dối lừa, phản bội. Song Liling của đoạn cuối phim nhìn Gallimard với đôi mắt ráo hoảnh và giọng điệu cười cợt, trần trụi đứng trước Gallimard, những mong sẽ được chấp nhận để rồi quỳ mọp xuống sàn xe lạnh ngắt, khóc rưng rức cho số phận mình, cho số phận của người tình, cho tất cả những dối trá và ảo ảnh bao năm qua.
Cho dù chỉ có đàn ông là những người hiểu rõ nhất rằng người phụ nữ phải được diễn như thế nào - theo lời của Song Liling - thì sau cùng, người phụ nữ đó vẫn chỉ là một sản phẩm của diễn xuất. Mọi vở kịch luôn luôn phải đi đến hồi kết, nhưng vở kịch mà Song Liling diễn cho René Gallimard có một cái kết quá đỗi phũ phàng và tàn nhẫn. Nó nhào nặn từ đau đớn, nhục nhã, phản bội, dối trá và có lẽ là cả chút đỉnh yêu thương còn lại dưới vực thẳm của mối tình. Bộ phim không cho khán giả quyền được nói “giá như”, bởi xin nhớ rằng câu chuyện phim được tạo ra từ nguyên liệu chính mang tên “sự thật”, và sự thật ở đây là nơi Shi Pei Pu đã không quay đầu khi còn có thể, cũng như Boursicot đã tin vào người tình của mình - một niềm tin tuyệt đối đến mức đáng thương.
Điểm sáng của phim không chỉ nằm ở diễn viên kì cựu Jeremy Irons trong vai René Gallimard mà còn nằm phần lớn ở John Lone với vai diễn Song Liling. John Lone (tên phiên âm tiếng Việt là Tôn Long) là một trong những lựa chọn cuối cùng cho vai Trình Điệp Y trong bộ phim kinh điển Bá Vương Biệt Cơ ra mắt cùng năm 1993, trước khi vai này được giao cho huyền thoại Trương Quốc Vinh. Với vai diễn Song Liling của M. Butterfly, khuôn mặt đẹp nam tính của John Lone bỗng hóa người phụ nữ có nhan sắc mặn mà, đầm thắm, duyên dáng từ bước đi cho đến đôi bàn tay thon nhỏ mà “cô” hiếm hoi để lộ ngoài lớp phục trang kín đáo. Cái đẹp của John Lone mới thật sự là cái đẹp phi giới tính, khi mà anh có thể cho người xem cả một người phụ nữ đẹp lẫn một người đàn ông tuấn tú. Giọng nói trầm đó chẳng thay đổi cho dù John Lone có là Song Liling hay không, nhưng khi nó phát ra từ miệng Song Liling thì người xem mặc định đó là giọng nữ. Dường như John Lone có khả năng khiến khán giả tin vào anh như Song Liling đã khiến René Gallimard tin vào mình. Khán gỉa chủ yếu biết đến John Lone qua bộ phim The Last Emperor (1987), và vai diễn trong M. Butterfly của anh đã chẳng thể vươn đến tầm huyền thoại như nhân vật của Trương Quốc Vinh trong Bá Vương Biệt Cơ. Nhưng một khi đã xem phim, người ta có thể bất ngờ đến lặng người trước Song Liling. Có lẽ John Lone chính là người đàn ông trong câu nói của Song, người biết rõ nhất rằng một phụ nữ phải được diễn như thế nào.
M. Butterfly không cho khán giả những tiếng cười như vở kịch gốc. Màu phim nhuốm sắc héo úa của Trung Hoa thời chiến, với tiếng súng đạn, tiếng đổ vỡ, tiếng la hét hô hào trong ánh lửa của cuộc cách mạng văn hóa tàn khốc giáng lên đầu những người nghệ sĩ. Cuối phim, khi Song Liling ngồi lặng người trên máy bay thì René Gallimard chịu cái nhục nhã ê chề để diễn một vở kịch trong chính nhà tù nơi ông bị giam - một vở kịch đúng nghĩa khi ông hóa thân thành người phụ nữ Á Đông hoàn hảo của chính mình. Cái khoảnh khắc Gallimard thấy hạnh phúc tột bậc vì cuối cùng cũng tìm được người phụ nữ đó, và ông cố gắng tự sát như chính Boursicot đã từng.
Hiện tại, Bernard Boursicot và “con trai” của ông với Shi Pei Pu vẫn sống bình lặng ở Pháp, mặc dù hai cha con rất hiếm khi liên lạc với nhau.
- 0
- 0Bình luận