Sự tương đồng khó hiểu giữa tranh vẽ của Sundae Kids (Thái Lan) và Những kẻ mộng mơ (Việt Nam)
Trong những ngày gần đây, trên một số trang mạng và diễn đàn thiết kế mỹ thuật Việt Nam bắt đầu xuất hiện những lùm xùm có liên quan đến một fanpage Việt đã có hành vi "copy phong cách" từ trang facebook Sundae Kids nổi tiếng.
Sundae Kids là trang fanpage đăng tải các tác phẩm truyện tranh của nữ hoạ sĩ Pratchaya Mahapauraya (Thái Lan) ra đời năm 2014. Các mẩu truyện của cô được vẽ bằng các nét đơn giản, màu sắc tươi sáng, nội dung đáng yêu, lãng mạn. Còn trang facebook Những kẻ mộng mơ mới được thành lập đầu năm 2017 bởi một nam hoạ sĩ trẻ người Việt.
Tuy nhiên, nếu thoạt nhìn ắt hẳn nhiều người sẽ lầm tưởng tác giả của hai trang là 1 người.
Có thể thấy rõ qua những hình ảnh chứng tỏ sự tương đồng trong phong cách vẽ và đi nét của trang Những kẻ mộng mơ này với Sundae Kids.
Khi bị một số độc giả phát hiện ra sự trùng hợp này và tò mò hỏi về chính những bức tranh và ý tưởng của mình, chủ nhân của trang facebook Những kẻ mộng mơ cũng thẳng thừng thừa nhận hành vi "sao chép" phong cách bằng những câu nói đầy xúc phạm, thách thức.
Tuy việc trùng lặp ý tưởng - thậm chí là học tập phong cách vẽ - trong cộng đồng sáng tạo là chuyện quá đỗi bình thường, nhưng thông qua những bức vẽ so sánh, chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra sự tương đồng quá lớn trong cách thể hiện, bố cục, nét vẽ và font chữ giữa hai trang Những kẻ mộng mơ và Sundae Kids.
Hay những "sự trùng lặp" đầy bất ngờ như thế này...
Nếu không chú ý kĩ, chắc chắn sẽ có nhiều người lầm tưởng hai page đều là do một người vẽ...
Dù rằng Sundae Kids và Những kẻ mộng mơ có cách phối màu khác nhau, nhưng điều đó vẫn chưa đủ để khiến giá trị riêng của Những kẻ mộng mơ được khẳng định khi mà ý tưởng của truyện cũng có thể là góp nhặt đâu đó trên internet. Sau khi bị nhiều người phản hồi, chủ nhân của trang facebook Những kẻ mộng mơ vẫn tiếp tục mạt sát, xúc phạm, và cho rằng hành động của mình chỉ là "mượn" ý tưởng lúc ban đầu, "làm free", "không ăn quảng cáo" và thừa nhận đã copy của Sundae Kids.
Nhưng, Những kẻ mộng mơ đã quên mất một điều rằng, trường học chỉ là nơi để đào tạo những điều căn bản trong mỹ thuật. Giống như một tờ giấy trắng, chúng ta tiếp xúc với mỹ thuật luôn cần phải có những khuôn mẫu, bài mẫu để hướng theo thẩm mỹ đúng đắn, từ đó phát triển lên cái tôi mỹ học, cá tính mỹ thuật của riêng bản thân chứ không phải chỉ biết copy lại một cách máy móc rồi "sáng tạo thành ý tưởng riêng" hay thậm chí là lấy ý tưởng của người khác rồi mang về "xào nấu" lại. "Thế những gì học trên trường không phải là copy lại của người khác rồi sáng tạo lên à?" không bao giờ có thể là lời biện hộ thỏa đáng nhất cho hành động "đứng trên vai người khổng lồ"!
Khi một số bạn đọc nhắn tin báo cáo hành động này của Những kẻ mộng mơ với Sundae Kids, chủ nhân của fanpage trên chỉ có thể bất lực mà đáp lại rằng "chúng tôi vẫn chưa thể có bất kì hành động nào để xử lý việc này và vẫn đang có những hành động khiếu nại với chủ fanpage Những kẻ mộng mơ cũng như là facebook".
Trên phần chia sẻ của bài viết, một bạn đọc giấu tên cũng cho biết:
Cách đây tầm 2 năm thì follow bạn này vì hai truyện ngắn "8 ngày của Nene" và truyện con heo. Các kể truyện cực kì gây mê, nói đến những thứ cực kì sâu sắc, và ý nghĩa của cuộc sống, giống như là mental trip diary vậy. Thật sự là đột phá lúc đó. Phần nội dung có thể làm liên tưởng đến nhiều cái như mấy cái nhật kí của mấy ông dùng LSD, nấm,... hay kiểu chồng các lớp biểu thị trừu tượng như Nhà giả kim hoặc Suối nguồn. Ý tưởng không phải hoàn toàn original, nhưng tổng thể thì bạn ý vẫn có một câu truyện được kể của riêng mình và mang ý nghĩa hoàn chỉnh.
Bây giờ thì bạn ý bị dính vào vụ câu lại ý tưởng của nghệ sĩ khác để vẽ như thế này. Hmmm mình đã nghĩ là người như bạn ý sẽ chí ít là mô đi phê lại một cách tinh tế hơn cơ. Thế mà bây giờ lại chán đến mức copycat tranh xong bị hỏi thì trả lời tin nhắn với cái giọng thế kia thì quả là thất vọng. Mình không thất vọng vì những cáo buộc bản quyền (biến cái của người khác thành của mình và đạo là 2 khái niệm tưởng giống mà khác nhau, sẽ bàn đến khi khác), mà vì làm như thế này chứng tỏ khả năng thụt lùi đi, và còn ngang nhiên với sự không tiến bộ của bản thân.
Chuyện này có lẽ sẽ không thành scandal như mấy vụ lùm xùm đạo tranh của vài illustrator Việt mấy năm gần đây, và rồi có thể sẽ mau rơi vào quên lãng. Nhưng cũng là cái để nhắc nhở phải luôn tiến lên chứ đừng vì chút thành công rồi dừng bước, bằng lòng, và biến thái nhân cách thành chày cối như thế này.
Đồng thời, trang fanpage A Good Day (thành lập cuối năm 2017) của chàng vlogger đình đám một thời He Always Smiles cũng bị đặt dấu hỏi vì phong cách vẽ tương tự Sundae Kids.
Đây cũng chính là một bài học nhãn tiền cho giới sáng tạo trẻ Việt Nam. Sáng tạo chứ không phải là lấy cắp rồi biện hộ là học hỏi. Bị ảnh hưởng chứ không phải là mượn ý tưởng. Và suy cho cùng, liệu có bao nhiêu bạn trẻ hiểu được điều tưởng chừng như đơn giản như vậy?
- 0
- 0Bình luận