Lời nguyền Voodoo và nạn buôn người ở Nigeria
Vào ngày mùng 9 tháng 3, Oba Ewuare II, người đứng đầu vương quốc Benin ở miền nam Nigeria đã đặt lời nguyền voodoo lên bất kì kẻ nào đang kích động việc nhập cư bất hợp pháp trong khu vực ông quản lí. Đồng thời, ông cũng phá vỡ những lời nguyền lên các nạn nhân của nạn buôn người, thứ khiến họ sợ rằng nó có thể làm hại đến người thân của mình nếu như họ báo với cảnh sát hay không trả hết các khoản nợ.
Trước khi vào châu Âu, nhiều phụ nữ ở mọi độ tuổi đã ký hợp đồng với những kẻ buôn người, kẻ đứng đằng sau chuyến đi của họ, với lời hứa họ sẽ nhận được mức lương hàng ngàn USD. Thỏa thuận được niêm phong bởi một lời nguyền voodoo, hoặc nghi thức juju, do một thầy tư tế (hay còn được biết đến nhưmột bác sĩ địa phương) thực hiện. Mảnh quần áo, móng tay hoặc tóc của họ sẽ được hòa lẫn với máu và các nạn nhân phải uống thứ chất lỏng kì dị đó.
Với quyền lực của mình đối với mọi các thầy tư tế ở vương quốc Benin (không phải quốc gia Tây Phi của Benin), Oba đã cho triệu tập họ đến cung điện vào thứ sáu để đưa ra thông báo về vấn đề này. David Edebiri, một nhà lãnh đạo cấp cao cũng đã tham dự cuộc gặp này và mô tả những gì đã xảy ra tại đó: Đầu tiên, đức vua "giải phóng tất cả những người đang bị ràng buộc bởi juju". Sau đó, ông đặt lời nguyền lên đầu các thầy tư tế đã làm “thứ nước khiến cho bất kỳ ai có thể bị đưa đến vùng đất khác nhau trên khắp thế giới một cách bất hợp pháp." Edebiri nói thêm, "lời nguyền sẽ chứng tỏ pháp lực của mình thông qua nhiều hình thức khác nhau: một số kẻ có thể chết một cách bí ẩn, một số có thể hóa điên ở trên phố."
Vương quốc Benin của người Edo có một lịch sử hào hùng từ thế kỷ 13. Nhưng gần đây, nơi này lại đang được biết đến như một trung tâm bóc lột tình dục. Theo Liên hiệp quốc, hơn 90% trong số hàng nghìn phụ nữ Nigeria bị bán đến Châu Âu làm gái mại dâm có nguồn gốc từ Edo.
Một điều mỉa mai là, Edo không phải là một trong những tiểu bang nghèo nhất của Nigeria. Nhưng theo lời của Kokunre Agbontaen-Eghafona, giáo sư tại Đại học Benin, nhà nghiên cứu của Tổ chức Di cư Quốc tế cho biết, vào đầu những năm 1980, khi phụ nữ bắt đầu đi đến Ý để kinh doanh vàng và hạt cườm, họ đã nhìn thấy “một thị trường tiềm năng cho ngành mại dâm”. Bà tin rằng đó là lý do chính khiến quốc gia bình yên này trở thành một tụ điểm quan trọng của nạn buôn bán người.
"Trong một chuyến đi công tác tại đó vào năm 2016, tôi đã nhìn thấy hàng đống quần áo mùa đông cũ để bán cho những người dự định đi đến châu Âu. Tôi cũng đã gặp nhiều cô gái đã đi hàng ngàn dặm chỉ để tìm một kẻ buôn người mà họ có thể nhờ chúng gửi áo sang bên đó."
Sự can thiệp của Oba có lẽ là nhờ có loạt bài của CNN gần đây về nạn buôn người ở Edo. Ông Edebiri nói rằng việc khắc họa triều đình như "hang ổ của các hành động bất hợp pháp" đã làm ông và các quan chức khác bị xúc phạm. Cũng trong khoảng thời gian đó, Julie Okah-Donli, Giám đốc Cơ quan quốc gia về Chống buôn bán người Nigeria đã đến thăm Oba. Bà nói với ông, rất khó để truy tố những kẻ buôn người vì các nạn nhân lo sợ về việc phá vỡ những lời thề trước đó.
Sự sợ hãi trước những lời thề này và hậu quả được cho là một lý do lớn khiến phụ nữ vẫn bị trói buộc vào các công việc tình dục và khoản nợ. Chính vì vậy, họ vẫn thường khước từ những nỗ lực giải cứu từ các nhà hoạt động.
Một bác sĩ có tên Olor Elemian đã khoe khoang: "Tôi không cần thu thập hình ảnh hoặc móng tay hay bất kỳ thứ gì của các cô gái khác như những bác sỹ khác. Tất cả những gì tôi cần là để họ tắm lộ thiên ngay trước đền thờ và viết tên đầy đủ của họ." Ngồi trên sàn đền thờ của mình giữa khu chuồng gia súc, ngổn ngang xương thú vật và vải bọc dính máu, ông Elemian, người kế thừa sự nghiệp của cha ông, cho biết: "Tôi có thể đảm bảo rằng cô ấy sẽ không bao giờ được ngủ ngon hoặc yên tâm cho đến khi cô ấy trả hết nợ. Một cái gì đó trong đầu cô ta sẽ bật ra và thúc giục, "Đi và trả nợ! Đi và trả tiền!".
Ở Edo, tôi cũng gặp một phụ nữ 25 tuổi bị trục xuất khỏi Ý nhưng họ vẫn bị ám ảnh bởi việc mình sẽ phải chịu hậu quả cho món nợ chưa trả cùa mình. Mẹ cô cuối cùng đã phải mượn thêm tiền để trả cho một bác sĩ bản địa với mong muốn có thể phá vỡ lời thề lên con gái mình trước khi bị bán.
Arinze Orakwue, một quan chức cấp cao của cơ quan chống buôn người Nigeria, nói với tôi: "Niềm tin vào juju là một trở ngại lớn trong với việc truy tố những kẻ buôn người với chúng tôi. Bạn không thể truy cứu bất ai khi không có ai muốn ra mặt để chỉ ra những điều mà người này đã làm với họ."
Cơ quan của anh mong đợi quyết định của Oba Ewuare sẽ tạo tác động đáng kể ở Edo. Quyết định của Oba "là một vũ khí rất mạnh để hỗ trợ chống buôn bán người", ông Orakwue nói, bởi vì "hệ thống tín ngưỡng của người dân Edo bắt nguồn từ việc thờ cúng truyền thống".
Lời kêu gọi của cơ quan đối với vấn đề này là một ví dụ về việc sử dụng các giải pháp sẵn có từ chính châu Phi để giải quyết các vấn đề của châu lục này. Chính phủ và các tổ chức nước ngoài có thể tiếp tục bơm hàng triệu đô la vào châu Phi để giải quyết các vấn đề của họ, nhưng những điều này sẽ hiệu quả hơn nếu người thực hiện hiểu rõ người dân và các tập tục địa phương .
Thật tốt khi tưởng tượng châu Phi giống như Wakanda (một quốc gia giả tưởng trong phim Black Panther), nơi công nghệ thống trị tất cả và mọi thứ đều hoạt động đâu vào đấy. Nhưng châu Phi không phải là Wakanda. Ít nhất là chưa. Chúng ta phải bắt đầu từ những gì mà họ đang có có lúc này để đạt được điều chúng ta muốn.
- 0
- 0Bình luận