Từ scandal \'công chúa hư\' Korean Air nhìn lại Hàn Quốc: Một xã hội khiếm khuyết với mối quan hệ \'chủ - tớ\' trong doanh nghiệp
Hãng hàng không hàng đầu Hàn Quốc Korean Air gần đây đã trở thành mục tiêu chỉ trích của công chúng Hàn Quốc bởi lùm xùm hất nước vào mặt nhân viên từ Phó chủ tịch cấp cao Cho Hyun Min. Vụ việc không chỉ gây phẫn nộ trong công chúng mà còn phản ánh mặt trái của xã hội Hàn Quốc, cụ thể là những "mối quan hệ bên A bên B" bất thành văn trong doanh nghiệp.
Từ thói điều của một tiểu thư được sinh ra trong giới Chaebol
The The New York Times, Chaebol có thể hiểu nôm na là giới tài phiệt của Hàn Quốc, là từ để chỉ những nhân vật giàu có xuất thân từ các gia tộc bề thế. Hoặc dùng để nói về các tập đoàn có mạng lưới công ty rộng lớn được sáng lập và điều hành bởi những gia đình giàu có.
Xã hội Hàn Quốc có khá nhiều Chaebol nhưng nổi tiếng toàn cầu chính là Hyundai, LG, Samsung, Hanjin, Kumho, Lotte và SK Group. Trong đó, Hanjin Group với 5 công ty con gồm Korean Air, Hanjin Kal, Jin Air, Hanjin và Korean Airport Service đang phải đứng trước "đầu sóng ngọn gió" bởi scandal của chính Cho Hyun Min - con gái út chủ tịch Cho Yang Ho.
Cho Hyun Min đã hất nước vào mặt nhân viên vì không hài lòng với báo cáo kinh doanh của người này. Sự ra oai lố lăng của nhà lãnh đạo 35 tuổi bị chính công đoàn Korean Air phản đối kịch liệt. Scandal nhanh chóng xuất hiện trên báo chí trong nước và nước ngoài như Reuters, BBC, các tờ báo lớn của xứ tỷ dân Trung Quốc. Truyền thông Hàn gọi đây là "sự xấu hổ quốc tế".
Quay trở lại năm 2013, Cho Hyun Min đang nắm giữ vị trí giám đốc điều hành Korean Air thì được thăng chức thành phó chủ tịch cấp cao cũng hãng. Ở độ tuổi 30, "tiểu thư giới Chaebol" trở thành nữ doanh nhân quyền lực trẻ nhất Hàn Quốc.
Tờ Yonhap News trước đó đưa tin, Cho Hyun Min vốn đã ý thức được vị thế trong tương lai của mình và anh chị từ năm...10 tuổi. Cụ thể, cơ phó máy bay mang mã hiệu B-774 từng làm việc cho Korean Air kể lại rằng, ông đã đón cô bé họ Cho cùng anh trai và chị gái trong một chuyến bay từ New York về Seoul. Sau khi kết thúc bữa ăn, cô bé đã cùng anh chị của mình tiến thẳng vào buồng lái rồi tuyên bố: "Anh trai à, nơi này thật đẹp, sau này nó sẽ trở thành công ty của anh". Cơ phó B-774 lúc bấy giờ không tin vào mắt mình một cô bé 10 tuổi có thể nói như thế.
Cho Hyun Min ở tuổi 35 lại gây sóng gió với scandal hất nước vào mặt nhân viên khiến hình ảnh cá nhân cô và hình ảnh công ty trở nên xấu đi. Cô viết lời xin lỗi trên Facebook rồi trốn sang Việt Nam tránh bão dư luận, sau đó lại khoe chuyến du lịch vui vẻ trên Instagram. Hành động thiếu thành ý này càng khiến công chúng nổi giận đệ đơn kêu gọi Nhà Xanh trừng phạt Cho Hyun Min. Họ yêu cầu tước bỏ chữ “Korean” của hãng Korean Air, không cho phép hãng này sử dụng biểu tượng “taegeuk” (Thái cực) của Hàn Quốc làm logo đại diện.
Đến mối quan hệ "chủ - tớ" trong văn hoá doanh nghiệp Hàn Quốc
Báo The New York Times từng phân tích cách các Chaebol nắm quyền kiểm soát kinh tế và tạo ra ảnh hưởng trong giới chính trị. Theo đó, Chaebol nổi lên từ đống tro tàn của Chiến tranh Triều Tiên. Cuộc xung đột kết thúc là lúc họ đưa ra lời hứa xây dựng lại đất nước, tuy nhiên mọi thứ cần nhờ vào các quỹ cứu trợ và các khoản vay giá rẻ của chính phủ.
Chính phủ Hàn cũng bảo vệ ngành công nghiệp tự trị khỏi sự cạnh tranh nước ngoài nên hết sức hỗ trợ giúp họ phát triển. Đó là nguồn gốc sự ra đời của Chaebol, những "người khổng lồ" trong sự trỗi dậy của Hàn Quốc.
Dù vậy, theo lập luận của một số nhà kinh tế, cách Chaebol ra đời cũng dẫn đến sự mất cân bằng giàu nghèo trong xã hội. Tiền được mong đợi sẽ đến với người dân thường rơi vào tay của các gia đình giàu có, tạo ra mối quan hệ đầy mâu thuẫn và xung đột giữa hai bên cho đến ngày nay.
Nếu tình từ thời hậu chiến tranh Triều Tiên, Chaebol đã trải qua 3 đời cha truyền con nối. Truyền thông chỉ ra rằng, việc "phú tam đại" - thế hệ tài phiệt thứ 3, những người chỉ thừa kế mà không phải tốn công gây dựng như cha ông của họ - được hưởng nhiều đặc quyền từ kinh tế xã hội, đã tạo ra sự bất mãn trong lòng công chúng. Đặc biệt là sự bất mãn trong mối quan hệ A - B bất thành văn trong văn hoá doanh nghiệp nước này.
Vốn dĩ, A - B là mối quan hệ bên A và bên B trong ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, dưới 1 số tình huống, A - B là được hiểu như mối quan hệ chủ - tớ, tức bên A sẽ cao hơn bên B. Văn hoá này trở thành một khiếm khuyết sâu sắc trong xã hội Hàn Quốc mà quá trình tăng trưởng kinh tế cao đã để lại.
Trong quá trình ấy, do sự mất cân đối trong cơ cấu kinh tế nên các doanh nghiệp lớn thường uỷ thác trách nhiệm cho chính phủ, còn các doanh nghiệp nhỏ lại bám víu vào doanh nghiệp lớn để sinh tồn. Từ đó, quyền lên tiếng sẽ nằm trong tay một số công ty lớn, hình thành nên mối quan hệ mạnh - yếu. Mối quan hệ này không đơn giản chỉ tồn tại trong doanh nghiệp còn tồn tại trong các mối quan hệ xã hội khác. Các chính trị gia, cán bộ cao cấp, các chaebol được coi là đại diện của Bên A. Họ chú trọng qúa mức vào kết quả, lấy thành công là mục đích cuối cùng mà đôi khi không màng đến lợi ích và tâm thế của những người dân.
Các nhà nghiên cứu điều tra cho rằng đây là một xu hướng ngầm cố hữu đã ăn sâu bén rễ trong xã hội Hàn.
90% "cổ cồn trắng" Hàn Quốc bị "truy sát" bởi cấp trên
Cho Hyun Min là một điển hình của bên A, coi quyền lợi và vị trí của mình là trên hết, đến nỗi Sina News gọi cô là "thiên kim bá đạo". Tuy nhiên, trước Cho Hyun Min, anh chị của cô là Cho Hyun Ah và Cho Won Tae cũng bị lên án vì cách cư xử hống hách.
Năm 2005, Cho Won Tae từng tấn công một phụ nữ lớn tuổi trên đường sau khi bà phàn nàn anh về cách anh lái xe thiếu an toàn. Đại tiểu thư Cho Hyun Ah cũng ngồi tù 10 tháng và 2 năm quản chế vì scandal lạm quyền năm 2014. Cô đã yêu cầu chuyến bay của hãng Korean Air trở lại New York (Mỹ) để đuổi tiếp viên trưởng sau khi một nhân viên trong đoàn phục vụ cô món hạt mắc ca trong túi nylon thay vì để trên đĩa như quy định.
Hơn 3 năm kể từ sau vụ việc, Cho Huyn Ah vẫn "cao cao tại thượng" ngồi trên ngôi vị quyền lực của gia tộc, còn tiếp viên trưởng năm đó lại bị công ty giáng chức, đồng nghiệp cô lập. Từ những áp lực phải chịu đựng hằng ngày, vị tiếp viên trưởng phải đối mặt với vấn đề sức khoẻ, một khối u lớn đã hình thành sau đầu buộc anh phải tiến hành phẫu thuật gấp.
Từ vụ việc của Cho Hyun Ah và Cho Hyun Min, tờ Yonhap News ngày 18/4 cho hay: Có 97% "cổ cồn trắng" bị cấp trên gây khó dễ. Khảo sát được trang Incruit tiến hành với 898 người và tất cả đều có câu trả lời chung: "Tôi từng làm việc với cấp trên, những người đã được hưởng đặc quyền để thể hiện sức mạnh của bên A".
Không những thế, họ còn miêu tả cấp trên là "những con cá chạch da trơn trốn tránh trách nhiệm của mình", "những người theo trường phái thích thì đổi, tuỳ tâm trạng", "tắc kè hoa nói chuyện lật lọng thất thường", "loại hay trách mắng, thích giám sát bất kể chuyện to chuyện nhỏ",...
Tuy nhiên khi hỏi về cách đối phố, có đến 46% trở lời "cố gắng hết sức không để ý", số khác cho hay "lúc làm việc thì xã giao, sau lưng thì nói xấu", "chọn nghỉ việc". Một số người còn lại thì chia sẻ họ chọn cách "đôi co trực tiếp", "báo cáo cấp trên cao hơn", tuy nhiên số này rất ít.
Kết
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Chaebol đã trở thành những doanh nghiệp thịnh vượng, chiếm gần 2/3 thị phần trong sản xuất của Hàn Quốc vào cuối những năm 1990. Đến nay, sức mạnh chính trị và kinh tế của Chaebol vẫn không ngừng được củng cố. Họ trở thành đế chế bất khả xâm phạm tại Hàn Quốc nhờ vào quyền lực và tiền bạc của mình.
Cho Min Hyun Ah vẫn vui vẻ xuất hiện tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 dù còn đang trong thời gian quản chế. Cho Won Tae vẫn yên ổn thoát khỏi scandal nhớ sự bưng bít của gia tộc sau lùm xùm tấn công người già. Cho Hyun Min vẫn có thể phủ nhận hành vi hất nước vào mặt nhân viên của mình chỉ là hành động đẩy ly nước.
Chaebol và những cuộc chiến ngầm xung quanh Chaebol đã trở thành câu chuyện muôn thuở lặp đi lặp lại trong xã hội Hàn Quốc. Điều đáng buồn là chính phủ nước này vẫn chưa đưa ra bất kì biện pháp nghiêm khắc nào để trừng trị lề thói của Chaebol cũng như "thay áo mới" cho văn hoá doanh nghiệp Hàn Quốc.
- 0
- 0Bình luận