Những nhà làm phim xuất sắc thế kỉ 21 từng được Cannes vinh danh
Dạo bước trên thảm đỏ Cannes với sự “bùng nổ” của những ánh đèn flash và sự chào đón nồng nhiệt từ mọi người chính là “ham muốn” của bất cứ đạo diễn nào. Mặc dù lễ hội điện ảnh “quyến rũ” nhất thế giới này khá kín đáo, nhưng chúng ta đều biết, mỗi năm các nhà làm phim đều cố gắng cạnh tranh để giành được “Cành cọ vàng” cho các bộ phim của mình. Hãy cùng Lost Bird tìm hiểu về các nhà làm phim “bậc thầy” này nhé.
1. Joel và Ethan Coen
Joel và Ethan Coen từng là những “con người đầy quyền lực” của Cannes vào đầu thế kỷ XXI. Barton Fink giúp cả hai giành được danh hiệu “Cành cọ vàng” và “Đạo diễn xuất sắc nhất” lần đầu vào năm 1991. Trong khi đó Fargo lại mang về cho hai anh em họ giải thưởng đạo diễn lần thứ hai vào năm 1996. Joel và Coen tiếp tục thống trị Cannes vào thế kỷ XXI khi đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất lần thứ ba trong lịch sử với The Man Who Wasn't There vào năm 2001.
2. David Cronenberg
Nhiều người tự hỏi, phải chăng đỉnh cao của Cronenberg là thập niên 70, 80 hay 90 khi mà ông có khá nhiều tác phẩm nổi tiếng như The Brood (1979), The Fly (1986), Videodrome (1983) và Naked Lunch (1991). Tuy nhiên, vị đạo diễn tài hoa này đã được Cannes chú ý khi ông trở thành "lão làng" của các thể loại phim cùng với sự thay đổi nhịp điệu trong các bộ phim của ông. Sau khi Crash (1996) giành được “Giải đặc biệt của Ban giám khảo”, Cronenberg được coi là “trụ cột” ở Croisette.
3. Pedro Almodóvar
Pedro Almodóvar đã bỏ qua nhiều cơ hội để làm phim của mình bằng tiếng Anh vì ông muốn thể hiện mình ở Tây Ban Nha – nơi ông có thể tự do khám phá cuộc sống và đi theo những con đường uốn lượn. Almodóvar giành giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” cho lần đầu tiên tham gia Cannes với All About My Mother (1999). Không chỉ vậy, ông còn mang về giải “Kịch bản xuất sắc nhất” cho Volver và giúp nữ diễn viên Penelope Cruz giành được đề cử Oscar đầu tiên. Các bộ phim của ông đặc trưng với những lời thoại phức tạp, sử dụng lời văn của kịch nói và các yếu tố của nền văn hóa nhạc pop. Ham muốn, đam mê, gia đình và bản sắc là một trong những chủ đề phổ biến nhất của Almodóvar.
4. Sofia Coppola
Sofia Coppola được biết đến là một biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất và cựu diễn viên người Mỹ. Cô từng xuất hiện trong các bộ phim như The Godfather (1972) hay Peggy Sue Got Married (1986). Tuy nhiên do nhận được sự phản ứng dữ dội từ khán giả nên cô đã kết thúc sự nghiệp diễn xuất và chuyển sang làm phim. Năm 2003, cô nhận được giải Oscar cho “Kịch bản xuất sắc nhất” với bộ phim hài Lost in Translation và trở thành nữ đạo diễn thứ ba được đề cử giải Oscar cho giải “Đạo diễn xuất sắc nhất”. Những đóng góp của cô cho cả các sự kiện và điện ảnh đã được tán thưởng một cách thích đáng ở Cannes - nơi danh tiếng của cô được lan truyền với câu chuyện một phụ nữ đã liên tục phá vỡ một đội hình rất nam tính. Với The Beguiled, năm ngoái Coppola đã trở thành nữ đạo diễn thứ hai giành giải thưởng “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại Cannes.
5. Hou Hsiao-hsien
Hou Hsiao-Hsien và nhà quay phim Mark Lee Ping-Bing đã giúp các rạp chiếu phim Đài Loan “chuyển mình” và mở ra một làn sóng mới cho điện ảnh Đài Loan. Phim của Hou thường là những bộ phim lịch sử có vẻ đẹp hoa mỹ và đóng vai trò như người phê bình về nền chính trị hiện đại của nước ông. Tác phẩm nghệ thuật của ông lần đầu tiên được công nhận bởi Cannes vào năm 1993 khi ông nhận lời mời tham gia với bộ phim Puppetmaster. Kể từ đó, Hou đã có thêm 6 danh hiệu được công bố tại Cannes.
6. Andrea Arnold
Giống như Sofia Coppola, Andrea Arnold là một nhà làm phim và là cựu diễn viên người Anh. Cô đã giành được giải Oscar cho bộ phim ngắn Wasp của mình vào năm 2005 và đó được coi là bước nhảy vọt để giới thiệu tới khán giả những bộ phim và chương trình truyền hình khác. Red Road, Fish Tank và American Honey đều là những tác phẩm giành được “Giải đặc biệt của Ban giám khảo” tại Liên hoan phim Cannes.
7. Asghar Farhadi
Là nhà làm phim người Iran đầu tiên đoạt giải Oscar cho giải “Phim tiếng nước ngoài hay nhất”, Asghar Farhadi là người kế thừa tự nhiên cho “di sản vĩ đại” của điện ảnh Iran. Trong A Separation, Farhadi dệt nên một câu chuyện phức tạp về một cuộc hôn nhân tan rã. Hai bộ phim tiếp theo của ông là The Past và The Salesman đều có mặt tại “cuộc đua” Cannes và The Salesman đã chiến thắng với giải “Kịch bản xuất sắc nhất”.
8. Apichatpong Weerasethakul
Không có nhà làm phim nào khác giống như đạo diễn người Thái - Apichatpong Weerasethakul, chủ nhân của kiệt tác mơ ước Lung Bunmi Raluek Chat hay còn được biết đến với tên Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives. Bộ phim này của ông đã giành được giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Cannes năm 2010 - giải “Cành cọ vàng”. Trước đó Apichatpong cùng giành được giải "Un Certain Regard" (tạm dịch là ‘một góc nhìn đặc biệt’ - là một hạng mục trong danh sách tuyển chọn chính thức của Liên hoan phim Cannes) cho Blissfully Yours vào năm 2002 và “Giải đặc biệt của Ban giám khảo” với Tropical Malady vào 2 năm sau.
9. Michael Haneke
Michael Haneke là một đạo diễn và biên kịch điện ảnh người Áo, người có hai lần giành được giải “Cành cọ vàng” với hai bộ phim là The White Ribbon vào năm 2009 và Amour năm 2012. Ông hoạt động trong lĩnh vực truyền hình, sân khấu, điện ảnh và được biết đến với việc nêu lên những vấn đề xã hội trong tác phẩm của mình.
10. Park Chan Wook
Nhà làm phim, biên kịch và là nhà sản xuất điện ảnh người Hàn Quốc, Park Chan Wook là đạo diễn nổi tiếng và được đánh giá cao nhất ở “xứ sở kim chi”. Tại Liên hoan phim năm 2004, lần đầu tiên cả thế giới được thưởng thức “hương vị nghệ thuật độc đáo của ông Park khi ban giám khảo của Quentin Tarantino trao giải Grand Prix cho Oldboy - một bộ phim điện ảnh tâm lý - kinh dị vô cùng nổi tiếng của ông.
11. Jia Zhangke
Là một trong những nhà làm phim hàng đầu của Trung Quốc, Jia đã phải vật lộn với sự kiểm duyệt trong nhiều năm ngay cả khi ông đã nổi lên và thường được coi là một nhân vật hàng đầu của phong trào "Thế hệ thứ sáu" của điện ảnh Trung Hoa. Unknown Pleasures là bộ phim đầu tiên, đánh dấu sự ra mắt của ông tại Cannes vào năm 2002. Mỗi lần Jia trở lại, ông lại cho khán giả một cái nhìn khác về sự tương tác giữa bản sắc cá nhân và dân tộc của Trung Quốc thông qua những câu chuyện phức tạp. Các bộ phim của Jia đã nhận được những lời khen ngợi và công nhận trên toàn thế giới. Đặc biệt, với Still Life ông đã giành được giải “Sư tử vàng” trong Liên hoan phim Venice.
12. Xavier Dolan
Dù chỉ mới 29 tuổi, nhưng Xavier Dolan đã dễ dàng trở thành một trong những nhà làm phim Cannes “chăm chỉ” nhất trong thập kỷ qua. Trước khi được đề cử cho “Cành cọ vàng”, I Killed My Mother của Dolan đã giành được ba giải thưởng tại Directors’ Fortnight (một hạng mục nằm trong khuôn khổ của Liên hoan phim Cannes). Trong khi đó, cả Heartbeats và Laurence Anyways cũng đều nhận được giải thưởng "Un Certain Regards". Dolan được đề cử lần đầu với Mommy vào năm 2014 và đã giành được giải thưởng Ban giám khảo. Ngoài ra, chàng đạo diễn trẻ còn giành giải "Grand Prix" vào năm 2016 với It’s Only the End of the World. Rất ít nhà làm phim thế kỷ này có thể đạt được nhiều thành tựu ở Cannes như Dolan đã có trong vài năm qua.
13. Wong Kar-wai
Là đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất phim nghệ thuật hàng đầu Hồng Kông từ đầu thập niên 1990, Wong Kar-wai được xem là một trong những đạo diễn châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại. Ông là đạo diễn người Hoa đầu tiên chiến thắng giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Cannes năm 1997 với bộ phim Xuân quang xạ tiết (Happy Together). Ông cũng 3 lần chiến thắng giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông vào các năm 1991, 1994 và 2014.
14. Cristian Mungiu
Nhà làm phim người Rumani - Cristian Mungiu đã cố gắng không ngừng nghỉ để đoạt được giải “Cành cọ vàng” trong Liên hoan phim Cannes vào năm 2007 với 4 Months, 3 Weeks, 2 Days. Bộ phim đã được đón nhận nồng nhiệt, giành được những lời khen ngợi và cũng đánh dấu lần đầu tiên giải thưởng được trao cho một nhà làm phim người Rumani. Bộ phim Beyond the Hills của Mungiu đã được công chiếu trong cuộc thi tại Liên hoan phim Cannes 2012 và giành giải cho “Kịch bản xuất sắc nhất”. Bộ phim này cũng được chọn là “Bộ phim tiếng nước ngoài hay nhất” bằng tiếng Rumani tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 85.
15. Lee Chang Dong
Lee Chang Dong được biết đến với các bộ phim như Peppermint Candy, Oasis, Secret Sunshine, và Poetry. Đạo diễn người Hàn Quốc này đã giành được giải thưởng của “Đạo diễn đặc biệt” tại Liên hoan phim Venice 2002 và giải “Kịch bản xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Cannes 2010. Đồng thời, ông Lee cũng từng được đề cử cho giải “Sư tử vàng” và “Cành cọ vàng”.
- 0
- 0Bình luận