logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky7 năm trước
Lostbird

Đến thăm bệnh viện nơi cả nhân viên y tế và người bệnh đều là... tù nhân

Những "Thiên thần áo trắng" chốn lao tù

Trên người phủ chi chít những hình xăm từ cổ cho đến khớp ngón tay, Kevion Lyman thức dậy trên giường vào mỗi bình minh, ra khỏi phòng giam và bắt đầu công việc hằng ngày. Chàng trai 27 tuổi này đi xuống hành lang trung tâm nối các khu vực trong nhà tù, đi qua phòng ăn, khu vực biệt giam cho những các tù nhân có vấn đề về bạo lực và tâm thần. Đẩy mở cửa thép lớn, anh tiến hành báo cáo cho ca trực sáng của mình tại trại tế bần.

Có nhiều thứ đã được làm để khiến cho khu vực này khác với những phần còn lại của nhà tù: Cửa sổ với cửa chớp màu trắng, tường được trát vữa cẩn thận với những đồ trang trí lấp lánh xanh đỏ còn sót lại từ Giáng sinh trước. Tất nhiên, đây chỉ là những nỗ lực về mặt tinh thần, chứ thực tế cũng chẳng có gì thay đổi đáng kể.

20hospice slideshow slide y1kg superjumbo v4

Lyman với một bệnh nhân của mình trong trại tế bần.

Căn phòng trên thực chất là khung cảnh của một khu vực chăm sóc y tế thuộc quản lí của Cơ sở Y tế California. Đây là một trong những đơn vị y tế đầu tiên và duy nhất được cấp phép nhà nước để hoạt động phía trong một nhà tù ở California. Được xây dựng vào năm 1993 để đối phó với nạn dịch AIDS và các yêu cầu nhân đạo trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, nhà tế bần này ban đầu chủ yếu chăm sóc cho những thanh niên sắp chết do các biến chứng của căn bệnh thế kỉ.

Hiện nay, những chiếc giường tại đây luôn được lấp đầy với đủ mọi thành phần người, từ mọi chủng tộc, mọi căn bệnh khác nhau: những người đàn ông da trắng đang chống chọi lại căn bệnh ung thư giai đoạn cuối đến các bệnh nhân bị bệnh Alzheimer, chủ yếu họ dành thời gian đi lại khắp nơi, hay xem ti vi, cuộn tròn mình và ngủ trong chăn.

20hospice slideshow slide 5zva jumbo

Một nhân viên y tế tại đây trao đổi với một bệnh nhân già.

Đa số những tù nhân tại đây đều đã lớn tuổi (tầm 55 tuổi trở lên), thực sự đã trở thành một vấn đề đau đầu với các nhà quản lí trong việc kịp thời cung cấp chăm sóc sức khoẻ cho nhóm đối tượng này. Vì thế, rất nhiều tù nhân tại đây đều chết trong tù, có thể là do bệnh tật hoặc không nhận được sự chăm sóc y tế nếu như có bạo loạn xảy ra.

Tại Cơ sở Y tế California, Lyman, Murillo và một nhóm gồm khoảng hai chục người nữa được gọi là Nhân viên chăm sóc. Hầu hết trong số họ là các phạm nhân có nhiệm vụ: tiễn những người bạn tù về chốn vĩnh hằng.

20hospice slideshow slide y15v jumbo

Martinez, hay còn được gọi là Murillo là một nhân viên chăm sóc tại đây.

Tuy nhiên, không phải tù nhân nào cũng được nhận công việc đặc biệt này. Như Lyman, anh phải trải qua hàng trăm buổi phỏng vấn khác nhau và luôn phải tham gia các buổi kiểm tra ma túy ngẫu nhiên. Anh cũng phải tham gia một lớp học kéo dài 70 giờ để được dạy về những nghi thức tôn giáo, hoạt động tâm linh và cả quy trình cùng thủ tục mai táng.

20hospice slideshow slide vl1a jumbo

Công việc thường nhật của các nhân viên tại đây là hỗ trợ vệ sinh cá nhân cho người bệnh.

Trùng trùng điệp điệp thách thức

Khó khăn chỉ thực sự đến khi các tù nhân này bắt đầu công việc của mình. Bảy ngày một tuần, họ phải làm việc tầm 10-15 giờ mỗi ngày, còn chuyện tăng ca là thường tình. Đây cũng là một trong những công việc được trả lương thấp nhất, chỉ tầm 15 đến 32 xu một giờ. Công việc chính: đánh răng, xoa bóp chân tay, đọc sách, giặt nệm bẩn cho các bệnh nhân và hỗ trợ nhân viên y tế.

Niềm tin là một thứ rất hiếm thấy trong tù, và một số bệnh nhân rỉ tai nhau về việc các bác sĩ và y tá nhà tế bần đề cao lợi ích của hệ thống tư pháp hình sự hơn là sự khỏe mạnh của họ. Chính vì thế, các điều dưỡng đặc biệt này đóng vai trò trung gian đáng tin cậy giữa các bệnh nhân và nhân viên y tế. Khi bệnh nhân đang ở trong giờ khắc cuối cùng của cuộc đời mình, những điều dưỡng này sẽ ngồi cạnh giường, canh đồng hồ suốt ngày đêm, cùng lúc tuân thủ phương châm hoạt động: Không có tù nhân nào ở đây phải chết một mình.

20hospice slideshow slide rb12 jumbo

Kevion Lyman, một người đàn ông có nhiều câu chuyện chưa được kể.

Dù là trong hay ngoài nhà tù, là người được chăm sóc hoặc người chăm sóc cho người khác, cái chết là luôn không thể đoán trước. Có những người “đi” chỉ trong vài giờ, như một bệnh nhân 70 tuổi trước kia mới chỉ nhập trại vào buổi sáng và chết ngay chiều hôm đó. Còn những người khác thì may mắn hơn, quen dần với đội chăm sóc y tế tại đây. Một bệnh nhân có tên Lamerrill Dawson đã ở đây được hơn 5 tháng. Ông này được biết đến với việc thường xuyên đối xử với người khác một cách giận dữ và coi các nhân viên tại đây như quản gia cá nhân của mình. Riêng với Lyman, ông luôn tìm cách hành hạ làm anh với một danh sách các yêu cầu không bao giờ kết thúc. "Thay tã cho tao, #@*!","Thức ăn này là #@*"...

Cái khó nằm ở việc, các nhân viên của trại tế bần không nên cố gắng tìm hiểu những gì các bệnh nhân đã làm trong quá khứ, bởi sự lo lắng quá mức đôi khi cũng có thể ảnh hưởng đến công việc. Chỉ chút suy nghĩ thoáng qua về những điều xấu xa mà các bệnh nhân này đã làm cũng sẽ khiến cho những nhân viên làm việc này thấy bị ám ảnh và dao động. Giữa một kẻ giết người hàng loạt và một bệnh nhân ốm yếu, thậm chí còn nửa tỉnh nửa mê, nhiều khi không phải lúc nào ta cũng phân định rạch ròi. Kể cả vậy, họ cũng không thể không tránh khỏi việc phán xét người ta. "Cái chết đâu có chừa bất kì ai", Lyman nói. Thời gian thì vẫn cứ thế trôi đi, còn cơ thể người thì cũng sẽ về với cát bụi.

Các nhân viên của trại tế bần, hay thực chất là những tù nhân đã trải qua những bài kiểm tra thử việc cũng có những góc khuất, mong ước rất riêng mà không phải ai cũng được họ chia sẻ. Dưới đây là một số câu chuyện của một vài nhân viên đã được đề cập từ đầu bài viết, Lyman và Murillo.

20hospice slideshow slide enkc jumbo

Murillo trước khi được cạo đầu, theo yêu cầu về vệ sinh hàng tháng.

Có nhiều câu chuyện chưa bao giờ được kể

Cũng như đồng nghiệp của mình, Murillo làm công việc này cũng là vì tự nguyện. Khi chia sẻ với tờ The New York Times, người đàn ông 38 tuổi này đã khóc không ít lần khi kể về cuộc đời của mình. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó, anh đã phải ăn cắp đồ ăn tại các cửa hàng và trường tiểu học để có thể tự xoay sở cho bản thân. Không chỉ vậy anh cũng là nạn nhân của bạo lực học đường và phản kháng dường như cũng là lựa chọn duy nhất. “Tốt hơn khi được người khác nhìn như một kẻ côn đồ, chứ không phải là một đứa trẻ đói khổ, một thằng trộm vặt hay một cái bao cát ở nhà, nơi mà nó không bao giờ muốn quay lại. Việc giao du với những người chấp nhận bản thân mình vì bản tính bạo lực cũng dễ chịu hơn nhiều. “

Nhưng Lyman lại là một trường hợp đặc biệt. Anh thường tỏ ra xấu hổ, mắt gắn chặt xuống sàn, gồng mình và chỉ trả lời nhát gừng mỗi khi được hỏi. Giải thích cho việc tại sao mình lại chọn công việc này, anh chỉ lí nhí trả lời: “Trước kia, tôi cũng từng mắc bệnh ung thư, nên tôi muốn được làm việc với ai cũng có chung trải nghiệm này với mình.”

Không ít người biết rằng, nếu không bị đưa vào trại và có quyền được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí cho tù nhân, chắc chắn Lyman cũng không thể sống nổi. Và khi đã khỏe mạnh trở lại, anh cũng chẳng biết phải làm gì với cuộc đời mình sau đó. “Tôi đã lạc lối. Tôi quá ngu ngốc để biết mình thực sự muốn trở thành cái gì.”

“Trước kia, tôi vô cảm với mọi thứ. Cái chết cũng không thể làm tôi sợ.” Công việc hiện tại của anh đã dạy cho người đàn ông này sự kinh sợ về cái chết. “Có không ít kẻ trên đời này sợ chết, nhưng riêng tôi lại có cơ hội được gặp những người đã cho giúp tôi hiểu thêm về họ, để qua đó, họ cũng hiểu thêm về tôi.”Lyman nói "Đó là lí do mà tôi sống."

Tại nhà tế bần này, bệnh nhân nào cũng cần được chăm sóc, hay nói như một nhân viên tại đây, đó là “thêm cơ hội cho những tù nhân được Chúa cứu rỗi”. Khi Lamerrill Dawson, một bệnh nhân giai đoạn cuối ở trại lâm vào tình trạng nguy kịch (nói lảm nhảm, mất nhận thức,…), cũng là lúc các nhân viên phải nỗ lực hết sức để giúp ông ấy.

20hospice slideshow slide 4du6 jumbo v3

Những giờ khắc cuối cùng của Dawson, tù nhân già đang trong giai đoạn nguy kịch.

Vào buổi sáng hôm sau, Lyman lại đến thăm Dawson. Nhưng trái với vẻ hung hăng ngày dạo trước, người tù nhân già này đã về cõi vĩnh hằng trong cô đơn, không ai ở bên. Ngồi cạnh cái xác lạnh cóng, vô hồn của Dawson, Lyman không khỏi tự trách mình. Đáng ra anh nên ở bên cạnh ông lâu hơn, giúp đỡ ông ấy nhiều hơn, vậy mà, anh lại im lặng và tìm cách xa lánh ông.

20hospice slideshow slide pijr jumbo

Không chỉ có những tù nhân, nhiều nhân viên y tế tại đây cũng tìm đến Chúa như một sự cứu rỗi.

Nhưng vài tháng sau khi Dawson qua đời, cuộc sống của Lyman lại dễ chịu hơn rất nhiều. Mặc dù không tránh khỏi một số dằn vặt trong tâm trí, anh cũng không còn phải nghe sự sai khiến của ông già lẩm cẩm này nữa. Anh có thêm nhiều thời gian cho bản thân hơn, và có thể thoải mái liên lạc với người thân qua điện thoại mà không phải lo về những phiên tăng ca đột xuất.

Phút thanh thản hiếm hoi của các người tù

Tại phòng gặp người thân, Lyman ngồi trên một chiếc ghế nhỏ, nhấc ống nghe điện thoại và bắt đầu bấm số. Phía bên kia đầu dây là con trai anh, cậu bé mới chỉ 3 tuổi vào thời điểm đó.

“Bố làm gì thế?”

“Bố đi làm.”

“Bố làm gì có việc. Bố đang ở trong tù mà.” Con trai anh đáp, đầy hồn nhiên, vô tư. Điều đó làm cho anh cau mày, đau khổ. Rồi anh nói lại với con trai mình rằng, anh vô cùng yêu cậu ấy, hứa sẽ sớm gọi lại cho cậu bé và đặt lại ống nghe vào chỗ cũ.

Cứ như thế, một ngày làm việc nữa với các nhân viên trại tế bần thuộc Cơ sở Y tế California tiếp tục. Họ sẽ lại tiếp tục lau dọn phòng bệnh, giúp những bệnh nhân già yếu đi vệ sinh cá nhân, cho đến ngày cuối cùng, khi họ trở lại thành những người tự do, ra khỏi chốn ngục tù và bệnh viện héo mòn này.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky7 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)