logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky7 năm trước
Lostbird

The Song of Achilles: Khi bài ca của chiến binh chẳng toàn màu máu lửa

Cả những người chưa từng đọc Thần thoại Hy Lạp hay Trường Ca Iliad của Homer cũng có thể biết đến cái tên Achilles – một dũng tướng, một chiến binh lừng lẫy bậc nhất trong Cuộc chiến thành Troy huyền thoại.

Với hình tượng nhân vật Achilles thần thoại vốn gần như đóng đinh trong suy nghĩ của bao thế hệ, nhà văn Madeline Miller đã thật can đảm khi tạo nên một Achilles khác biệt trong bài ca về chính người chiến binh. Bài ca đó chẳng được ai ngân nga, cũng chẳng do ai sáng tác, nó là câu chuyện kể về Hy Lạp thuở xa xưa trong thời đại của những anh hùng, về một Achilles từ ngày nhỏ đến lúc bước qua thế giới bên kia và mãi tận khi được gặp lại tri kỉ đời chàng – Patroclus.

achilles

Bìa sách The Song of Achilles của tác giả Madeline Miller. Nguồn ảnh: popclassicsjg.blogspot.com

Patroclus có thể là bất cứ ai hoặc có bất cứ mối quan hệ gì với Achilles trong các tác phẩm nghệ thuật khác, nhưng trong The Song of Achilles, Patroclus còn hơn cả một người tình, một tri kỉ - cậu là cả thế giới của Achilles. Ở bên Achilles từ thuở ấu thơ, cùng nhau lao vào chiến trận, và dõi theo Achilles cả khi bản thân chỉ còn là một linh hồn vất vưởng lang thang trên cõi đời. Bài ca của Achilles được Patroclus kể lại bằng những câu chữ nhẹ nhàng và tự nhiên, như thể được dõi theo một dáng hình dấu yêu ngày qua ngày rồi lại qua năm tháng, chứ chẳng phải lời kể của một kẻ ngoài lề.

cover

Một bìa khác của quyển tiểu thuyết với hình ảnh Achilles và Patroclus bên nhau thuở thơ ấu. Nguồn ảnh: www.abebooks.com

The Song of Achilles vốn là một câu chuyện mà đọc giả hẳn đã biết rõ kết thúc, nhưng Madeline Miller – với 10 năm bỏ ra để phát triển quyển sách này – lại khiến người đọc nghiền ngẫm từng trang giấy như sợ lỡ mất điều gì đó. Văn phong của quyển sách đậm chất Hy Lạp cổ, không gợn chút lăn tăn của nhiều tác phẩm tiểu thuyết hiện đại, nhưng đồng thời chẳng quá xa vời như những bản trường ca nổi danh quen thuộc. Mọi nhân vật của bài ca về Achilles, kể cả người kể chuyện là Patroclus, đều nằm ở vị trí cân bằng hoàn hảo giữa thần thoại cổ xưa, tiểu thuyết và thực tế. Achilles kia chẳng còn là chiến binh mình đồng da sắt, kiêu ngạo quá mức và ỷ lại vào mẹ mình – nữ thần Thetis, mà như một con người biết yêu, biết ghét, biết đến khổ đau, biết nhìn thế gian qua đôi mắt của kẻ phàm trần.

akhilleus patroklos antikensammlung berlin f2278

Một hình vẽ trên chiếc bình cổ mô tả cảnh Achilles băng bó vết thương cho Patroclus. Bức vẽ này cũng được sử dụng trong quyển Thần thoại Hy Lạp của NXB Phụ nữ. Nguồn ảnh: Wikipedia

Patroclus của quyển tiểu thuyết tuy là một hoàng tử, nhưng lại “được nuôi lớn ở một cung điện mà dễ dàng biết được khi nào thì người ta có ý định tống cổ mình”. Patroclus nhún nhường mà lớn lên, là một con người bình thường giữa những bậc chiến binh và anh hùng mang nhiều hoài bão và tham vọng thời bấy giờ. Còn Achilles là đứa trẻ của thánh thần, đẹp đẽ hoàn mỹ và hội đủ yếu tố để được gọi là “Bậc nhất Hy Lạp”. Và trong mắt nữ thần Thetis, con trai bà và đứa trẻ Patroclus kia đáng lẽ ra không nên gặp nhau, không thể là bạn, tri kỉ và hơn thế nữa thì lại càng không. Nhưng quyền lực và phép thuật của nữ thần không thể ngăn cản những sự sắp đặt vô hình khiến Achilles và Patroclus bên nhau như hiển nhiên là thế, như thần thoại đã kể rằng như thế. Gần gũi hơn cả cành cây, ngọn cỏ nơi cả hai được dạy dỗ bởi Nhân mã Chiron, thương mến và nhẹ nhàng như tiếng đàn lia trong góc cung điện vắng, hai chàng trai dần trải qua những năm tháng và biến cố đã được định sẵn cho số phận mỗi người, dưới ánh nhìn dõi theo của chính đọc giả - những người có lẽ đã biết kết thúc sẽ tang thương như thế nào.

Bởi lẽ Thetis chỉ muốn con mình trở thành bậc anh hùng bất khả chiến bại, một chiến binh lạnh lùng không khoan nhượng. Nhưng rồi Patroclus xuất hiện, giữ những tình cảm con người cơ bản và đẹp đẽ nhất lại trong con người Achilles, và cũng vô tình nhen nhóm một tình yêu không lời mà Achilles lẽ ra đã chẳng thể nào có được, dành cho người tri kỉ.

achilles and patroclus by crowzep dackodx

Tranh vẽ minh họa tuổi thiếu niên bên nhau của Achilles và Patroclus. Nguồn ảnh: crowzep.deviantart.com

“Ta biết đó là người chỉ bằng mùi hương và cái chạm, ta nhận ra người cả trong tăm tối đui mù, khi nghe thấy hơi thở người và đôi chân kia bước trên thế gian. Ta nhận ra người cả trong cái chết, khi đã đến nơi tận cùng thế giới” - Patroclus

Cái chết của Patroclus bởi bàn tay Hector và cơn thịnh nộ cùng nỗi đau của Achilles chính là hai biến cố lớn tạo nên bước chuyển trong sự kiện cuộc chiến thành Troy kéo dài đằng đẵng. Nhắc đến cuộc chiến này, phải kể đến bộ phim Troy sản xuất năm 2004, mà có thể xem đây là một bộ phim thể hiện rõ sự hèn nhát của Hollywood khi không dám gọi Achilles – Patroclus là tình nhân, tri kỉ mà phải núp dưới cái danh xưng “anh em họ” đáng cười. Đến cả Alexander Đại Đế cũng được lịch sử ghi chép lại rằng ông tôn sùng Achilles cùng mối tình của Achilles và Patroclus, đến mức lắm khi tự coi mình và người tình Hephaestion là cặp chiến binh nổi danh khi xưa. Và theo đúng thần thoại, Patroclus là người phải chết trước tiên, để lại một Achilles cùng nỗi đau đớn khôn nguôi, chờ một ngày được đoàn tụ cùng nhau.

“Sau cùng, có lẽ đó là cái buồn khổ nhất trần đời: bị bỏ lại nhân gian khi nửa kia đã không còn”

tumblr p09issmnxb1wsnl4yo1 540

Hình ảnh bức tượng Dying Achilles ở cung điện Achilleion của nữ hoàng Áo Hung Elisabeth tại Corfu (bên trái) và diễn viên Niels Schneider (bên phải), người được cho là có ngoại hình rất phù hợp với hình tượng Achilles của quyển tiểu thuyết. Trên ảnh là câu nói của Achilles trong quyển tiểu thuyết khi tâm sự cùng Patroclus, “Hãy kể tớ nghe tên một vị anh hùng từng có được hạnh phúc. Cậu chẳng thể kể được đâu.” Nguồn ảnh: literaturesandmovies.com

Tính đến lúc này, vẫn chưa có một bản dịch hoàn thiện nào của The Song of Achilles trên những kệ sách ở Việt Nam. Đó là một điều khá đáng tiếc bởi các tác phẩm về Hy Lạp cổ như Trường ca Iliad, Trường ca Odyssey của Homer hay Thần thoại Hy Lạp đều mang giọng văn cổ khá khó tiếp cận với phần đông đọc giả, trong khi The Song of Achilles có lẽ dễ đọc và dễ “thấm” hơn. Madeline Miller đã chọn lọc và giữ lại rất nhiều chi tiết lớn nhỏ trong Thần thoại Hy Lạp, đồng thời thêm thắt khéo léo những tình tiết tạo nên tính chân thật và gần gũi hơn đối với một cốt truyện thần thoại đã có sẵn. Bởi thế, một lộ trình đọc hoàn hảo với những ai mong muốn tìm hiểu về Hy Lạp cổ thông qua văn học sẽ lần lượt là Thần thoại Hy Lạp, Trường ca Iliad và The Song of Achilles.

“Trong đêm đen, bỗng có hai dáng hình tìm nhau giữa nhá nhem tuyệt vọng. Tay chạm tay, và ánh sáng ngập tràn tựa những tro vàng đổ xuống từ ánh mặt trời.”

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky7 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)