Người chuyển giới tại Iran vật lộn giữa cái nhìn kì thị và khắc nghiệt của xã hội
Trên miệng vẫn còn nguyên một điếu thuốc lá hút dở, Nahal đưa mắt nhìn quanh thành phố Tehran từ trên ban công ngôi nhà của mẹ mình. Đây một trong số ít những điểm trú ẩn yên bình của cô gái 19 tuổi này ở Iran, khi mà tại đây, luôn có rất nhiều người hiếu kì, đánh giá cô hay thậm chí là quấy rối cô trên đường. Đơn giản vì cô hiện tại là một người đồng tính.
Nahal nhớ lại việc mình đã chật vật thế nào ở trường trung học đến trước khi bị đuổi học do cô không chịu mặc đồ của đàn ông, như nhiều bạn cùng lớp đòi hỏi. Dùng tay vuốt nhẹ mái tóc nâu dài của mình, cô thoáng nhìn những tấm ảnh thuở thơ ấu của mình, rồi chợt nghĩ về bao khó khăn trong gia đình đã trải qua.
“Lâu lắm rồi, tôi không gặp một người họ hàng nào của mình nữa,” cô nói. "Có lẽ tôi là minh chứng cho việc, nếu con cái của bạn sẽ có một vấn đề tương tự, bạn cũng sẽ phải chấp nhận nó.".
Đáng ra Nahal không đáng phải chịu những chuyện như thế. Ở nước Cộng hòa Hồi giáo này, nhiều người nước ngoài sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, những người Trung Đông ở đây thực chất lại có tư tưởng tương đối phóng khoáng đối với người chuyển giới. Nhà sáng lập nền dân chủ Shiite, Ayatollah Ruhollah Khomeini, đã ban hành một sắc lệnh tôn giáo, hay fatwa, cách đây 30 năm nhằm kêu gọi tôn trọng người chuyển giới, mở đường cho việc hỗ trợ phẫu thuật xác định lại giới tính.
Ấy vậy mà, những người chuyển giới tại đây vẫn luôn bị người khác quấy rối và đánh đập, còn gia đình thì lại xa lánh họ. Nạn phân biệt đối xử tại nơi làm việc đã buộc một số người phải đi bán dâm, hay tệ hơn, tự tử.
"Người trên đường gọi tôi là "đồ đàn bà”; "nhiều người hỏi tôi," Cô ta là đàn ông hay phụ nữ?", Nahal nói. Điều này khiến cô rất tủi thân, bởi người ta chỉ nhìn con người thực trong cô qua tên của mình trên giấy tờ. Gia đình cũng luôn khó chịu với Nahal. “Đôi khi họ nói: "Xin Chúa cứu thằng bé! ’”
Trong số 80 triệu người của Iran, người ta ước tính, có khoảng 50.000 là người chuyển giới, có nghĩa là nhân dạng giới tính của những người này không trùng khớp với giới tính sinh học của cá nhân. Giống như ở các nơi khác trên thế giới, họ cũng có thể bị quấy rối.
Sự cởi mở của nhóm giáo sĩ cầm quyền đối với người chuyển giới tính không có nghĩa là họ cũng chấp nhận cả đa giới. Đồng tính luyến ái là bất hợp pháp. Người đồng tính nam có thể đối mặt với án tử hình, trong khi đồng tính nữ sẽ bị phạt bằng roi nếu nhận được 3 cáo buộc cho hành vi này. Bốn cáo buộc cũng đồng nghĩa với một bản án tử cho họ.
Cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã nói với sinh viên tại Đại học Columbia ở New York năm 2007: “Ở Iran, chúng tôi không có người đồng tính như ở nước bạn”. Rất nhiều người Iran đã bị lực lượng an ninh quốc gia ngược đãi, khi họ bị nghi là người đồng tính, theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm 2010. Tuy nhiên, các quan chức Iran vẫn luôn phủ nhận điều đó.
Theo quan điểm của giới giáo sĩ cầm quyền, phẫu thuật chuyển giới là một cách để “trị bệnh" và để “người bệnh” được trở lại đúng giới tính thật của mình. Những ai không chấp nhận phẫu thuật thì sẽ phải đối mặt với việc bị cảnh sát giam giữ vì ăn mặc không đúng với giới tính trên giấy khai sinh.
Kể cả vậy, lập trường khoan dung của Cộng hòa Hồi giáo đã tạo ra một bầu không khí tương đối cởi mở và tự do cho người chuyển giới.
Điều này bắt đầu từ vài năm sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Một phụ nữ chuyển giới, Maryam Khatoonpour Molkara, đã tự mình vượt qua rất nhiều cảnh vệ để được gặp Khomeini trong bộ trang phục nam giới. Molkara giải thích với vị lãnh tụ tối cao về việc cô cảm thấy giới tính xã hội (gender - giới tính được cộng đồng nhìn nhận - ND) của mình khác với giới tính sinh học của bản thân (sex - giới tính do sinh học quyết định - ND). Sau khi tham khảo ý kiến từ bác sĩ, Khomeini đã phê chuẩn cho phép phẫu thuật chuyển giới, trong một fatwa (sắc lệnh tôn giáo - ND), được nhận xét là đầy tính đột phá.
Lãnh đạo tối cao hiện nay của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, sau này còn trao cho Molkara một tấm voan che mặt màu đen, chính thức công nhận cô như một người phụ nữ, đồng thời duy trì fatwa được đặt ra từ hồi Khomeini. Sau này, Molkara qua đời vào năm 2012 ở tuổi 62.
"Nó cứ như thiên đường, khoảnh khắc ấy, ở nơi ấy, mọi thứ khiến tôi có cảm giác như đang ở thiên đường", Molkara mô tả ngày hôm đó.
Người chuyển giới có thể đến tòa án và nhận được phê chuẩn chính thức, để được phép phẫu thuật chuyển giới. Chỉ với điều kiện, trước đó, họ cũng phải trải qua các buổi kiểm tra y tế chặt chẽ cùng một cuộc phỏng vấn với bác sĩ tâm lí. Sau các công đoạn trên, họ mới có thể nhận được những giấy tờ công nhận nhận dạng mới của mình và hỗ trợ tài chính cho cuộc giải phẫu.
Người chuyển giới sẽ được nhà nước cho vay hỗ trợ 1.200 USD để phẫu thuật xác định lại giới tính, mặc dù khoản tiền này vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế, tầm $ 7.000 - $ 12.000. Vào tháng Hai, Tổ chức Phúc lợi Nhà nước Iran cho biết, đã có 3.000 người đã nộp đơn nhận trợ cấp hỗ trợ để phẫu thuật chuyển giới trong 15 năm qua. Habibollah Maoudi Farid, phó giám đốc của tổ chức, nói với hãng tin ISNA của Iran rằng, có tới 70 người mỗi năm đăng kí để vay tiền.
Nhưng ngay giữa một thủ đô “thoáng” như Tehran, người Iran vẫn rất thận trọng khi nói đến các vấn đề về giới. Rất ít người hiểu được ý nghĩa của việc chuyển giới.
“Các cuộc gặp gỡ ngoài xã hội thường rất khủng khiếp - tôi luôn bị lạm dụng và quấy rối bằng cả lời nói và thể xác,” Nahal nói. "Một số người còn đánh tôi nữa."
Đó là những gì đã truyền cảm hứng cho đạo diễn trẻ Sanaz Bayan để làm ra Blue Pink, một chương trình sân khấu phơi bày những góc khuất đen tối nhất về cuộc sống của người chuyển giới ở Iran.
Vở kịch kể lại những câu chuyện có thật, trong đó có cả chuyện về một phụ nữ chuyển giới bị cha ép phải tham gia nghĩa vụ quân sự như những người đàn ông
Dù vậy, Bayan vẫn thấy rằng, toàn bộ xã hội Iran vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận những người chuyển giới.
“Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ khi Imam Khomeini phát hành fatwa. Ba mươi năm là quá đủ để ban hành và thực hiện một quy tắc cho cả xã hội," cô nói. "Cộng đồng xung quanh ta vẫn chưa thể chấp nhận những người thiểu số."
Gia đình có lẽ là rào cản to lớn nhất với họ. Thành viên của cộng đồng thiểu số này vẫn cảm thấy khó được chấp nhận bởi các thành viên trong gia đình mình. Nhiều phụ nữ chuyển giới đã bị đuổi ra khỏi nhà hoặc bị khủng bố bởi người trong chính gia đình.
Behnam Ohadi, một nhà tâm lý học, đồng thời là người ủng hộ người chuyển giới cũng như phẫu thuật chuyển giới, nói rằng, một số gia đình còn làm bất cứ điều gì để ngăn chặn việc tiến hành phẫu thuật.
"Một số gia đình thậm chí đe dọa sẽ giết tôi nếu tôi nói với họ rằng con họ là một người chuyển giới," ông nói. "Đôi khi họ muốn con mình bị ung thư hoặc chết."
Ohadi chia sẻ thêm, những người chuyển giới bị từ mặt bởi gia đình mình, chỉ có thể hoạt động trong ngành kinh doanh tình dục, vì nhiều vấn đề mà họ thường gặp phải khi tìm kiếm việc làm.
"Nhiều gia đình làm đủ cách để khiến con em họ im lặng, bao gồm có cả việc chuyển nhà đến một thành phố khác," Ohadi nói. "Những vấn đề này đang bị che giấu ngay giữa lòng xã hội chúng ta."
Đối với Nahal, thế giới của cô nay chỉ gói gọn trong cái ban công của mẹ mình, và cô vẫn mơ ước lập ra một tổ chức từ thiện để giúp những người có chung hoàn cảnh với mình.
“Tôi muốn giúp mọi người đối xử tốt hơn với nhau,” cô nói.
- 0
- 0Bình luận