Chúng ta sẽ chẳng có hoạt hình để xem nếu thiếu 5 nhà làm phim tiên phong này
Trước khi có sự xuất hiện của những “ông lớn” như Walt Disney, Pixar, hay Ghibli, hoạt hình chưa được nhìn nhận nghiêm túc. Trong nhiều thập kỉ, chẳng ai nghĩ hoạt hình là nghệ thuật và những hình ảnh biết chuyển động này chỉ là một hình thức giải trí mới lạ cho trẻ con.
Có thể nói, chính những phát minh đơn giản trên là nền tảng cho kĩ thuật quay phim sau này. Nó cũng là nguồn cảm hứng cho những nhà tiên phong của thế kỉ 19, 20 tạo ra những bộ phim hoạt hình đầu tiên.
1. Eadweard J.Muybridge (1830 – 1904)
Năm 1872, thống đốc bang California không tin rằng chỉ dựa vào những bức tranh vẽ ngựa phi nước đại, người xem có thể thấy được sự chuyển động chân thực của động vật. Một câu hỏi được đặt ra cho Muybridge như sau: “Khi một con ngựa phi nước đại, tất cả bốn cái móng của nó có chạm xuống đất cùng một lúc không?”
Để giải đáp thắc mắc này, xưởng hoạt hình Animal Locomotion của Muybridge đã sử dụng 12 máy ảnh lắp phim để chụp một chuỗi hình ảnh ngựa đang phi. Trái với các bức vẽ, những hình ảnh sống động này đã chứng minh rằng các chú ngựa thật sự đặt bốn cái móng của chúng xuống dưới mặt đất trong khi phóng như bay.
Muybridge đã sao chép những bức ảnh này dưới dạng những hình chiếu vào trong một chiếc đĩa và phát qua một cái máy do ông phát minh. Với cách làm này, Muybridge có thể xem đi xem lại các tác phẩm của mình. Còn thiết bị của ông được xem là một trong những máy chiếu phim xuất hiện sớm nhất của điện ảnh.
Ngoài ra, Muybridge còn sử dụng kĩ thuật phenakistiscope để làm phim. Qua đó, xưởng phim hoạt hình của ông cũng có cơ hội được biết đến rộng rãi hơn.
2. J.Stuart Blackton (1875 – 1941)
James Stuart Blackton là người đồng sáng lập xưởng phim Vitagraph Studios và được Warner Bros mua lại vào năm 1925. Blackton cũng là một trong số những nghệ sĩ đầu tiên áp dụng kĩ thuật stop-motion vào bộ phim The Humpty Dumpty Circus (1898). Trong phim này, ông và cộng sự Albert E.Smith đã sử dụng đồ chơi trẻ con để tạo ra những hình ảnh chuyển động của thú vật và người biểu diễn nhào lộn trong rạp xiếc.
Năm 1890, Blackton thực hiện The Enchanted Drawing. Đây là bộ phim kết hợp kĩ thuật stop-motion và hoạt hình vẽ tay. Trong phim, Blackton vào vai họa sĩ vẽ mặt người, mũ chóp cao, chai rượu, chiếc ly và điếu xì gà. Gương mặt được vẽ bỗng chốc sinh động như người thật khi Blackton lấy đồ ra khỏi giấy. Sinh động thế nào, các bạn hãy ấn “play” xem phim nhé!
3. Émile Cohl (1857 – 1938)
Thế kỉ 19, nhờ phong cách vẽ truyện tranh độc đáo, Émile Cohl trở nên nổi tiếng trong cộng đồng theo đuổi phong cách bohemian.
Các nhà sử học tin rằng duyên số đưa Cohl quyết tâm theo đuổi điện ảnh bắt nguồn từ một câu chuyện oái oăm.
Trong một lần tản bộ, Cohl phát hiện một tấm poster phim có những chi tiết giống y chang một tác phẩm của ông. “Rõ ràng là ăn cắp rồi”, Cohl nghĩ thế. Cảm thấy bị xúc phạm, Cohl đã tìm gặp quản lí xưởng phim. Kết quả của buổi tranh luận là ông lập tức... được thuê vào vị trí viết kịch bản phim.
Năm 1908, Émile Cohl cho ra mắt phim hoạt hình đầu tay Fantasmagorie. Với bộ phim 700 bản vẽ này, Cohl đã đạt được hiệu ứng vẽ bằng phấn bằng cách đảo ngược phim âm bản. Fantasmagorie là một sự tưởng nhớ đến trào lưu Incoherent. Đây là một trào lưu mà nghệ thuật hài hước và vô nghĩa được truyền tải bằng phong cách vẽ trẻ con.
4. Winsor McCay (1867 – 1934)
Winsor McCay là nhà làm phim hoạt hình và vẽ truyện tranh người Mỹ. Được truyền cảm hứng từ sách lật, McCay bắt đầu chuyển thể truyện tranh của mình thành phim hoạt hình. Từ năm 1911 đến năm 1921, ông cho ra đời 10 bộ phim.
Little Nemo là phim ngắn đầu tay của Winsor McCay. Bộ phim bắt đầu từ sự kiện bạn bè của McCay cho rằng ông bị “ấm đầu” khi nghĩ hình ảnh trên tranh vẽ có thể chuyển động được. Họ đã thách ông chỉ trong một tháng, McCay phải chứng minh điều không thể là có thể. Liệu kì tích có xuất hiện? Hãy xem phim để biết thêm chi tiết nhé các bạn!
5. Lotte Reiniger (1899 – 1981)
Khi còn nhỏ, Lotte Reiniger thường đi xem múa rối bóng cùng gia đình và bạn bè. Chính những chương trình múa rối bóng đã truyền tình yêu của Lotte Reiniger cho những hình ảnh biết chuyển động và quyết tâm theo đuổi ngành hoạt hình. Phim hoạt hình ngắn đầu tay của Reiniger cũng bắt nguồn từ những hình giấy cắt dán.
Năm 1926, Lotte Reiniger trở thành nữ đạo diễn đầu tiên cho bộ phim đình đám The Adventures of Prince Achmed. Bộ phim dựa trên truyện Nghìn lẻ một đêm.
Là người tiên phong cho hoạt hình giấy bóng, mỗi bộ phim của Reiniger tốn hàng tháng để hoàn thiện. Sau khi xây dựng cốt truyện và chuẩn bị bảng phân cảnh vẽ tay, Reiniger sẽ cắt từng nhân vật và từng cảnh phim trên giấy đen.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Lotte Reiniger đã dành phần đời còn lại của mình để thực hiện hơn 40 bộ phim hoạt hình như Thumbelina, Cinderella và Sleeping Beauty.
Nếu không có sự tò mò, sáng tạo và kiên trì của 5 nhà làm phim tiên phong, chúng ta sẽ không có cơ hội chiêm ngưỡng thế giới hoạt hình diệu kì, các bạn nhỉ!
- 0
- 0Bình luận