Nhà vệ sinh xuất hiện nhiều chữ Trung sau trận động đất ở Osaka: Di tích lịch sử hay bùa chú?
Hôm 18/6, một trận động đất mạnh 6,1 độ Richter xảy ra tại Osaka, Nhật Bản. Thảm hoạ không chỉ khiến hàng loạt toà nhà bị hư hỏng nặng, nhiều vật thể sụp đổ, xe cộ tạm ngưng hoạt động mà còn gây thương vong về người.
Muôn hình vạn trạng câu chuyện về động đất đã được kể lại trên mạng xã hội. Có người cảm thấy lo lắng, có người nhận ra mọi chuyện thật tồi tệ, có người thở phào may mắn vì bình an nhưng cũng có người trở nên bối rối khi điều bí ẩn bất ngờ xuất hiện.
Một tài khoản Twitter đã chụp lại bức tường trong nhà tắm của mình. Hình ảnh cho thấy lớp bê tông bị xé toạc ra sau trận rung chuyển và những ký tự lạ ẩn nấp bấy lâu chợt hé lộ.
Khi đến gần quan sát, người này thấy nhiều mảnh giấy ố vàng trông giống như bùa chú được dán ngay hàng thẳng lối. Đặc biệt, do mặt chữ toàn tiếng Trung nên người này không loại trừ khả năng đây là di tích lịch sử hoặc chuyện ám hại xấu xa, và lập tức tham khảo ý kiến trên mạng.
Một người rành rọt đã xoay ngược bức ảnh, trình bày lại hướng đọc đúng của văn phong tiếng Trung. Các ý kiến cho rằng, cách trình bày này giống sách hơn là bùa chú.
Dựa theo phần nội dung trên mặt giấy, câu trả lời nhanh chóng được đưa ra. Theo đó, đây chính là Tả Truyện hay còn gọi là Xuân Thu Tả Truyện, một tác phẩm của Tả Khâu Minh về lịch sử Trung Quốc giai đoạn năm 722 TCN - 466 TCN.
Lý giải cho việc dùng Tả Truyện dán tường, các ý kiến cho rằng, có thể ngôi nhà được xây dựng vào thời kỳ Edo. Lúc bấy giờ, người ta sẽ dùng giấy trộn thêm với hồ để tăng cường kết cấu trên bức tường bằng bùn. Và từ bức tường cũ này, người ta gia cố bằng từng mảng xi măng, theo thời gian hình thành nên bức tường với bề ngoài hiện đại ngày nay.
Tả Truyện nằm trong Thập Tam Kinh - 13 tác phẩm được Nho học đề cao. Ở Nhật Bản, không ít người nghiên cứu về đề tài này nên bức tường từ thời Edo kể trên không phải là điều gì quá siêu nhiên.
- 0
- 0Bình luận