15 phim trường thủ công khiến cả thế giới kinh ngạc về sự tài hoa của con người
Trước khi công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI - Computer-generated Imagery) trở thành công cụ không thể thiếu trong điện ảnh, các hãng phim phải phụ thuộc vào những kĩ thuật thiết kế cảnh phim truyền thống.
Họa sĩ thiết kế bắt tay với họa sĩ tiểu họa (miniaturists) chuyên nghiệp tạo nên những phim trường siêu thực, chi tiết đến không tưởng. Thậm chí ngày nay, trong thời đại công nghệ tân tiến, một số bộ phim vẫn ưu tiên dựng mô hình "mini" vì chúng đem đến độ chân thực cao hơn trên màn ảnh rộng.
15 cảnh phim dưới đây sẽ làm bạn kinh ngạc với độ tỉ mỉ đến từng chi tiết của các đoàn làm phim.
1.Star Wars: The Empire Strikes Back
Năm: 1980
Kinh phí: 18 triệu đô (~410 tỉ VND)
Một trong những lý do khiến 3 phần phim Star Wars vẫn là "no.1" trong lòng nhiều người hâm mộ chính là vì chúng được quay trong phim trường thật chứ không phải trước một phông xanh đơn thuần. Tổng cộng có 60 set quay được dựng tại Elstree Studios, London.
2. Titanic
Năm: 1997
Kinh phí: 200 triệu đô (~4600 tỉ VND)
Bộ phim kinh điển Titanic được biết đến là bộ phim "đắt đỏ" nhất trong thế kỉ 20. Phần lớn kinh phí được chi cho khâu dựng và thiết kế cảnh quay. Con tàu nổi tiếng được dựng theo kích thước gần như y hệt với bản gốc ngoài đời.
3. The Matrix Reloaded
Năm: 2003
Kinh phí: 150 triệu đô (~3400 tỉ VND)
Hẳn bạn còn nhớ cảnh rượt đuổi trong phần 2 của Matrix đúng không? Đây dường như là một trong những cảnh rượt đuổi xe thú vị nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới. Để thực hiện được cảnh quay đó, hãng phim đã dựng một đường cao tốc giả dài 24km ở Alameda, California. Sau cảnh đó, đường cao tốc này bị phá hủy hoàn toàn.
4. The Lord Of The Rings: The Two Towers
Năm: 2002
Kinh phí: 94 triệu đô (~2150 tỉ VND)
Ba phần phim The Lord Of The Rings được xem là một trong những bộ phim hay nhất trong thể loại phim thần thoại, viễn tưởng. Đội ngũ thiết kế phải mất hơn 1000 ngày để tạo ra những mô hình để dựng cho các cảnh phim. Đơn vị chịu trách nhiệm dựng cảnh là Weta Workshop đã dựng tổng cộng 72 mô hình khổng lồ, bao gồm vực Helm's với tỉ lệ 1:4.
5. The Hobbit: An Unexpected Journey
Năm: 2012
Kinh phí: 180 triệu đô (~4100 tỉ VND)
The Hobbit - tiền truyện của Lord Of The Rings đã dựng 100 set quay trên hơn 3 héc-ta diện tích tại New Zealand.
6. 2001: A Space Odyssey
Năm: 1968
Kinh phí: 12 triệu đô (~275 tỉ VND)
Tác phẩm của Stanly Kubrick ra mắt công chúng vào năm 1968 trước khi thời đại của hiệu ứng máy tính bùng nổ. Thật khó để tin vì khi bạn xem bộ phim này, hiệu ứng hình ảnh vẫn rất ấn tượng và mãn nhãn.
Để làm được điều này, Kubrick và đồng đội đã phát triển kĩ thuật phim như slit-scan. Trong những cảnh phim về lực ly tâm, họ đã tạo ra một trục quay khổng lồ và dùng máy quay phim quay vòng để tạo ra ảo ảnh về thế giới không trọng lực. Kết quả thật sự không thể tin được!
7. Ghostbusters
Năm: 1984
Kinh phí: 30 triệu đô (~690 tỉ VND)
Bản gốc của Ghostbusters là một trong những phim hài đầu tiên sử dụng hiệu ứng thị giác. Người chịu trách nhiệm chính cho việc thiết kế cảnh phim là John DeCuir trước đó đã được đề cử Oscar 11 lần. Vì vậy, ông làm việc cực kì cẩn trọng. Ông thiết kế nhiều mô hình bằng xốp cho bộ phim, bao gồm các mô hình nhà cao tầng và Người Marshmallow với kích thước thật.
8. Independence Day
Năm: 1996
Kinh phí: 75 triệu đô (~1700 tỉ VND)
Independence Day được bấm máy trong giai đoạn chuyển tiếp giữa thời kì dựng thủ công và cuộc cách mạng về công nghệ. 95% bộ phim được quay với sự hỗ trợ của máy quay kiểm soát chuyển động (motion-control camera) và mô hình. Trong cảnh quay phá hủy Nhà Trắng, họ đã dựng mô hình cao gần 2m và dài gần 5m.
9. Back to the Future Part III
Năm: 1990
Kinh phí: 40 triệu đô (~914 tỉ VND)
Những tín đồ phim điện ảnh chắc hẳn đã từng nghe qua bộ phim của đạo diễn Robert Zemeckis Back To The Future. Bộ phim đã thành công vang dội cả về mặt thương mại lẫn học thuật. Back To The Future nổi tiếng phần lớn là vì những cảnh quay được thiết kế một cách tài tình theo 4 mốc thời gian xuyên suốt 3 phần: thập niên 80, thập niên 50, thập niên 2000 ở thì tương lai và năm 1885 trong quá khứ.
10. Escape From New York
Năm: 1981
Kinh phí: 6 triệu đô (~140 tỉ VND)
Escape From New York là bộ phim khoa học viễn tưởng được cho là một trong những bộ phim hay nhất trong cùng thể loại.
Bộ phim diễn ra tại thành phố New York bị phá hủy và thiêu rụi, nơi hòn đảo xa hoa Manhattan năm xưa bị biến thành nhà tù được canh gác cực kì nghiêm ngặt.
Cảnh quay được thực hiện tại miền Đông St.Louis, nơi bị phá hủy hoàn toàn sau trận cháy năm 1976. Để biến nơi này trông giống thành phố New York, rất nhiều mô hình nhà cao tầng ở New York đã được thiết kế để sử dụng cho bộ phim.
11. Jaws
Năm: 1975
Kinh phí: 7 triệu đô (~160 tỉ VND)
Là bộ phim xuất sắc nhất trong thời đại đó, bộ phim Jaws của Steven Spielberg thắng lớn nhờ vào rất nhiều yếu tố. Một trong số đó chính là con cá mập máy khổng lồ được dựng lên cho bộ phim.
Con cá mập này đã trở nên rất thân thiết với đoàn phim đến nỗi họ đã đặt tên cho nó là Bruce, theo tên luật sư của Spielberg. Cá mập Bruce vẫn rất nổi tiếng, nó thậm chí còn có trang Facebook riêng.
12. Lost In Space
Năm: 1998
Kinh phí: 80 triệu đô (~1800 tỉ VND)
Năm nay, Netflix chiếu lại TV series đình đám năm 1968 - Lost In Space. Trước đó, vào năm 1998, New Line Cinema đã trình làng một bộ phim dựa trên TV series này. Dù phiên bản điện ảnh vấp phải nhiều phản hồi tiêu cực từ các nhà phê bình nhưng bộ phim vẫn thành công về mặt thương mại nhờ vào những kĩ xảo thực tế.
13. Pirates Of The Caribbean: Dead Men Tell No Lies
Năm: 2017
Kinh phí: 230 triệu đô (~5257 tỉ VND)
Pirates Of The Caribbean luôn khiến khán giả bất ngờ bởi công nghệ kĩ xảo điện ảnh tân tiến nhất, công nghệ CGI và set quay tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Phần cuối của phim: Dead Men Tell No Tales không phải là ngoại lệ. Hãy nhìn vào con tàu Ngọc Trai Đen với kích thước y hệt ngoài đời xem!
14. Godzilla
Năm: 1998
Kinh phí: 130 triệu đô (~3000 tỉ VND)
Bộ phim Godzilla năm 1998 là một ví dụ điển hình cho việc kết hợp công nghệ kĩ xảo đặc biệt với hiệu ứng truyền thống. Khoảng 20 mô hình tòa nhà chọc trời ở New York được thiết kế cho bộ phim này, có nhiều cái cao đến tận 6 mét.
15. Blade Runner 2049
Năm: 2017
Kinh phí: 150 triệu đô (~3500 tỉ VND)
Blade Runner 2049 của đạo diễn Denis Villeneuve là một "hậu duệ" hoàn hảo của bản gốc Blade Runner của đạo diễn Ridley Scott.
Ngoài dàn diễn viên hùng hậu, hiệu ứng đặc biệt trong phim cũng "không phải dạng vừa đâu". Phần lớn hiệu ứng của Los Angeles ở thì tương lai được hoàn thành bởi nhiều mô hình phức tạp, tỉ mỉ chứ không hề sử dụng công nghệ CGI. Để tạo ra một diện mạo trông giống Los Angeles nhất, đội ngũ thiết kế đã tạo ra 37 tòa nhà với tỉ lệ 1:48. Đó là điều thực sự ấn tượng so với thời đại công nghệ hiện nay.
Bạn ấn tượng với bộ phim nào nhất? Chia sẻ với Lost Bird nhé.
- 0
- 0Bình luận