World Cup 2018: Khi áo tuyển là \'áo tù\'
Khi làm một phép tính nhỏ, ta sẽ nhận thấy, rất ít lần trong đời, một cầu thủ sẽ được nhận cơ hội lên chơi cho đội tuyển quốc gia, chưa nói tới giành danh hiệu. Phép tính đó có thể được diễn giải như sau (chỉ tính trong điều kiện cầu thủ trên không phải là thần đồng như Messi, hay tài giỏi như Ronaldo):
Một cầu thủ từ khi bắt đầu chơi chuyên nghiệp là từ năm 16 tuổi, sẽ cần ít nhất hai năm thể hiện ở câu lạc bộ để cho huấn luyện viên của đội tuyển quốc gia là anh này có đủ khả năng ra sân ở băng ghế dự bị trong một trận đấu “thủ tục” nào đó. Khi ấy, cầu thủ này 18 tuổi.
Nhưng các giải đấu quốc tế lớn lại thường cách nhau đến 4 năm một lần, vậy may nhất, anh này sẽ được tham dự 4 kì World Cup và 4 giải bóng đá ở châu lục của mình. Tính vị chi, các cầu thủ chỉ có 16 tháng trong sự nghiệp để tận hiến cho màu cờ sắc áo đội nhà, đem lại vinh quang cho đất nước.
À, thêm một giả định khác, anh này rất may được sát cánh với các đồng đội tuyệt vời, hay được lèo lái dưới sự dẫn dắt của một ông thuyền trưởng có tài, và được người dân của quốc gia mình ủng hộ. Có thế, anh ấy mới được một danh hiệu ở cấp quốc gia.
Vậy trong 16 tháng của đời cầu thủ, bao nhiêu người chạm tay được vào vòng nguyệt quế cho những kẻ vô địch? Xin thưa, rất ít thôi. Nhưng hãy khoan nói về câu chuyện của kẻ chiến thắng, hãy ôn lại câu chuyện của người còn lại.
Từ chuyện buồn của những thiên tài "gánh team" xui xẻo
Các cầu thủ như Neymar, Salah luôn được coi là những cánh chim, nguồn cảm hứng to lớn nhất cho cả đội tuyển quốc gia. Chỉ cần các anh di chuyển, 10 cầu thủ trên sân cũng không thể đứng yên. Và nếu các anh bị trầy da xước thịt, thì hàng triệu con tim cũng đến sứt mẻ vì các anh. Được quan tâm nhiều thế, nên áp lực lên họ cũng không hề nhỏ.
Trong trận thua Nga 3-0, Salah ngồi trầm ngâm trên chiếc ghế ở băng ghế cho các cầu thủ dự bị. Khuôn mặt anh thất thần, đôi mắt vô hồn nhìn thấy đội tuyển của mình gục ngã trước những người Slav hừng hực khí thế. Pharaoh tội nghiệp, anh sắp phải rời khỏi giải đấu lớn nhất hành tinh khi chưa có cơ hội được thể hiện tài năng của mình.
Còn chàng cầu thủ Neymar chỉ chờ hôm nay để được khóc. Khóc vì ghi bàn, vì giải tỏa được cơn khát lập công cho đội bóng áo vàng xanh. Anh cũng khóc như một đứa trẻ khi vượt qua đội bóng cứng đầu nhất trong bảng để đặt viên gạch lên con đường đến chức vô địch cho đội nhà.
Đất nước chọn anh, anh không chọn đất nước
Ngày 21/6, có một cặp đối đầu của hai cầu thủ đang mang số phận như vậy. Hai người đều mặc áo số 10, đều đang thi đấu cho hai câu lạc bộ ở Tây Ban Nha, và đặc biệt hơn, tên họ đều bắt đầu bằng chữ M. Đó là M10 của Argentina, Messi, và M10 của Croatia, Modric.
Tâm điểm chính của truyền thông, Messi đã thi đấu rất thất vọng, trong cả con mắt của fan hay những người xem trung lập. Động cơ cho chiếc siêu xe mang tên Argentina bị vây tỏa bốn phía, chặn tất cả các đường tiếp bóng từ phía đồng đội. Để rồi khi sức tàn lực kiệt, anh vò đầu, lặng lẽ rời khỏi sân.
Còn ở phía đội bóng đối phương, Modric cũng chẳng khá khẩm hơn là bao, dù hiện tại, đội tuyển Croatia đang chễm chệ trên ngôi vị người thắng cuộc. Các lời la ó cho cầu thủ “Kền kền trắng” vẫn không giảm bớt sau thành tích lừng lẫy này, bởi anh đang là một nhân chứng quan trọng cho một vụ án mang tầm quốc gia.
Cựu chủ tịch Dynamo Zagreb cũng là người nâng đỡ anh trên con đường sự nghiệp, ông Zdravko Mamic bị cáo buộc nhiều tội danh như biển thủ, hối lộ, thao túng nền bóng đá Croatia. Và tất cả những gì mà công chúng cần là một lời khai chống lại Mamic từ phía Modric, để ông này sẽ phải trả giá cho những hành vi của mình. Nhưng làm sao anh chống lại ân nhân của mình được, cho nên anh chấp nhận ngó lơ khán giả, người dân đất nước và chịu một án tử tinh thần đã định sẵn.
Đến những trái ngọt từ sự lựa chọn đúng đắn
Không rõ đến giờ, người dân xứ Samba có còn hận Diego Costa, một người vì danh hiệu, vì tiếng tăm đã nhập tịch Tây Ban Nha và thi đấu trong màu áo La Roja. Nhưng dù ai nói gì, Costa cũng để ngoài tai.
Khi nói đến những thứ như thành tích, vị tình thân là một việc làm xuẩn ngốc, và lựa chọn một đất nước đem lại cho anh những kí ức tuổi thơ đầy bạo lực và đẫm máu ở đường phố, sẽ không bao giờ là một bước đi khôn ngoan trong sự nghiệp của anh. Bàn thắng duy nhất trong trận đấu của Tây Ban Nha với Iran chính là lời đáp lại cho tấm lòng mà miền đất hứa đã đồng ý che chở cho anh.
Câu chuyện của hai cầu thủ gốc Thổ bên đội tuyển quốc gia Đức, Oezil và Gundogan cũng vậy. Họ đã có quyền lựa chọn, thi đấu cho nơi đã nuôi dưỡng họ, hay cho đất nước mà dòng máu trong tim họ luôn hướng về. Những cỗ xe tăng là sự lựa chọn cho hai cầu thủ này, và hiện tại, đây vẫn là những thành phần chủ chốt cho đội hình thi đấu của nhà đương kim vô địch, bất chấp lòng trung thành từng bị nghi ngờ của họ . Dù vậy, vẫn tốt hơn là Arda Turan đang ngồi nhà theo dõi World Cup qua TV.
Kết
Thi đấu cho quốc gia, cho dân tộc đã, đang và mãi mãi là một niềm vinh dự cho bất kì một cầu thủ nào trên thế giới. Nhưng khi đã vào đến vòng vô địch thế giới, nơi mà bóng đá không chỉ đơn thuần là một trò chơi thể thao, mà trở thành một cách thể hiện lòng tự tôn dân tộc, thì không bao giờ có chỗ cho những sai lầm. Bởi vậy, nếu cổ động viên nào đang đọc bài viết này, hãy hiểu hơn một chút cho những cá nhân đã phải gánh quá nhiều trách nhiệm, để đôi chân của họ có thể chạy thanh thoát như nó đáng phải thế.
- 0
- 0Bình luận