Hải sâm tại Nhật Bản đang bị \'đuổi cùng giết tận\' bởi... các băng đảng Yakuza
Có vẻ Yakuza gần đây đã bớt quan tâm đến các hoạt động ma tuý, cờ bạc hay mại dâm, họ bắt đầu chuyển hướng sang các loài hải sản trên biển và tìm mọi cách để đánh bắt hải sâm phi pháp.
Gần đây, một cảnh tượng ngày càng phổ biến trên biển Nhật Bản chính là các nhóm cảnh sát tuần tra thường xuyên bắt gặp những tàu đánh cá đáng ngờ. Khi lực lượng tuần tra đến hỏi thăm thì ngay lập tức các con tàu này lại chạy mất với tốc độ rất nhanh, khiến các cơ quan chức năng hết sức nghi ngờ có những hoạt động trái phép đang diễn ra.
Sau thời gian điều tra, cảnh sát cho rằng những con tàu này rất có thể thuộc về băng nhóm Yakuza, chúng dùng tàu để tìm kiếm và đánh bắt hàng loạt hải sâm. Vấn đề ngày càng nghiêm trọng khiến các cơ quan chức năng phải áp dụng các biện pháp hạn chế buôn bán loài sinh vật biển này.
Hiện nay, hình phạt nặng nhất cho hành động săn bắt trái phép hải sâm là 6 tháng tù giam và phạt 10.000 yên (khoảng 2.000.000 VNĐ). Tuy nhiên, dường như hình phạt này chỉ đủ làm các ngư dân bình thường dè chừng, còn đối với Yakuza, chúng chẳng hề nao núng.
Năm ngoái, người đứng đầu tổ chức Yamaguchi-gumi (tổ chức thuộc Yakuza lớn nhất Nhật Bản) đã bị kiện vì tàng trữ 60 tấn hải sâm và buộc phải bồi thường 100 triệu yên (khoảng hơn 20 tỷ VNĐ). Gần đây nhất, 5 thành viên cùng thuộc tổ chức trên cũng vừa bị bắt khi tàng trữ khoảng 450kg hải sâm.
Dù đã bắt được rất nhiều trường hợp nhưng đó vẫn là con số rất nhỏ so với các hoạt động săn trộm hải sâm đang diễn ra. Nguyên nhân vì tàu của chúng thường được trang bị động cơ chạy nhanh hơn tàu của chính quyền và thậm chí nếu bị bắt, chúng đơn giản là chỉ cần ném toàn bộ hải sâm xuống biển là có thể thoát tội.
Theo một nguồn tin, việc buôn bán hải sâm mang lại nguồn thu khổng lồ cho Yakuza, thậm chí còn hơn hẳn việc buôn bán ma tuý. Điều này gây bất ngờ cho rất nhiều người Nhật, những ai chỉ biết đến món Konotawa, món ăn nấu hải sâm thành cao, ướp muối và xử lý khô để ăn dần.
Thực tế, Yakuza thu lợi nhuận từ việc xuất khẩu hải sâm đi nước ngoài. Những vụ xuất khẩu hàng hải này có thể trị giá đến 20 tỷ yên, chỉ đứng sau xuất khẩu ngọc trai và sò điệp về doanh thu. Điều này phần lớn là do nhu cầu mua bán hải sâm tăng đột biến ở Trung Quốc khiến giá tăng vọt lên hàng chục nghìn yên với mỗi ký hải sâm.
Việc xuất khẩu hải sâm còn rất dễ dàng khi loài hải sản này không có những quy định buôn bán như các loại khác. Ví dụ, để xuất khẩu cá ngừ vây xanh, các đơn vị phải có kiểm duyệt và sự cho phép của Hiệp hội đánh cá trong khu vực. Với tình trạng săn bắt trái phép hải sâm như hiện tại, chính phủ cũng đang xem xét sẽ đưa ra những quy định tương tự đối với loài này.
Nhiều quốc gia phát triển, đặc biệt là Nhật Bản vẫn đang oằn mình chiến đấu với những giải pháp bảo vệ môi trường và hạn chế tuyệt chủng, thì họ lại đang đối mặt với rất nhiều thế lực đen tối đang "đuổi cùng giết tận" rất nhiều loài động vật trong và ngoài nước.
Với sức mạnh và mạng lưới rộng lớn của những băng đảng tội phạm như Yakuza, cuộc chiến bảo vệ động vật vẫn sẽ còn mất rất nhiều trí lực của các cơ quan chức năng Nhật Bản.
- 0
- 0Bình luận