Máy bay drone \'Chim nhìn trộm\' được Trung Quốc sử dụng để giám sát người dân
Thiết bị này không chỉ là camera CCTV (hệ thống giám sát hình ảnh) với tính năng mới hấp dẫn mà nó còn giúp cho hệ thống chống khủng bố và an ninh của Trung Quốc được nâng lên một tầm cao mới. "Con chim giám sát" này được phát triển như một drone (thiết bị bay không người lái) gắn camera có thể theo dõi mọi hoạt động của người dân.
Trong những năm gần đây, cư dân của ít nhất 5 tỉnh thành đã bị "nhìn trộm" bởi "chim drone công nghệ cao". Hơn 30 cơ quan quân sự và chính phủ đã triển khai và phát triển thiết bị "chim giám sát" này để phục vụ cho dự án được mệnh danh là Dove (Chim bồ câu).
Dự án Dove này được Song Bifeng lãnh đạo, một nhà khoa học từng làm việc trong chương trình phát triển máy bay phản lực tàng hình J-20 cùng với sự giám sát của một giáo sư tại Đại học Bách khoa Tây Bắc ở Tây An, thủ đô của tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc, Trung Quốc.
Khi "chim nhìn trộm" được so sánh với các thiết bị drone khác đang được quân đội sử dụng, Yang Wenqing nói: "Quy mô này vẫn còn nhỏ". Cô hiện là phó giáo sư tại Trường Hàng không ở Tây Bắc và đồng thời là một thành viên của nhóm nhà khoa học Song. Cô Yang với tờ South China Morning Post rằng họ đã xác nhận việc đã đưa thiết bị giám sát công nghệ có ngoại hình giống chim bồ câu vào sử dụng.
Cô Yang cho biết thêm:
"Chúng tôi tin rằng công nghệ hiện đại là một tiềm năng tốt giúp giải quyết các vấn đề có quy mô lớn trong tương lai... nó sở hữu một số lợi ích độc nhất vô nhị để đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực quân sự và dân sự như là hệ thống máy bay drone không người lái."
Trong tất cả năm tỉnh được đề cập, khu tự trị Tân Cương là nơi duy nhất mà chính phủ sử dụng rộng rãi chim drone để thí nghiệm cho dự án. Khu Tân Cương là điểm nóng nhiều rủi ro giáp với Mông Cổ, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ, nơi có nhiều người Hồi giáo sinh sống.
Khu vực này cũng bị Bắc Kinh nghi ngờ rằng có các thành phần gây chia rẽ, ly khai, dẫn đến sự giám sát nặng nề của chính phủ.
Nhà khoa học Song từng nói trong cuộc phỏng vấn với tạp chí học thuật Trung Quốc vào hồi tháng 4, trong chia sẻ này ông cũng xác nhận việc đã triển khai chim giám sát Dove ở Tân Cương và những tỉnh khác:
"Các sản phẩm này đã kích thích sự thay đổi và phát triển trong các lĩnh vực bao gồm bảo vệ môi trường, quy hoạch đất đai... và tuần tra biên giới".
Không giống như các máy bay không người lái truyền thống được trang bị cánh quạt, chim bồ câu này được thiết kế nhằm ngụy trang, tránh sự phát hiện của con người lẫn radar. Thiết bị chim giám sát này im ắng đến nỗi không làm kích động những con vật nhạy cảm với âm thanh.
Trong một thí nghiệm của dự án diễn ra tại Nội Mông, nhóm nghiên cứu đã cho chim giám sát bay cùng đàn bồ câu thật ngang qua một đàn cừu. Điều thú vị là loài vật dễ hoảng sợ và nhạy cảm với âm thanh này vẫn bình thường, chúng không hề biết rằng có một con chim kim loại vừa bay ngang qua mình.
Máy bay được trang bị camera độ nét cao, ăng-ten GPS, hệ thống điều khiển liên kết dữ liệu, có khả năng kết nối vệ tinh, có thể đạt tốc độ tối đa 40km/h với thời gian hoạt động tối đa là 30 phút, trọng lượng 200gram, cánh chim dài 50cm.
Cơ chế bay của loại drone bồ câu này được thực hiện bởi một cặp cơ cấu tay quay thanh lắc được điều khiển bởi một động cơ điện. Đôi cánh của chim giám sát có thể chuyển động lên khi bay lên, bay xuống để tạo nên lực đẩy di chuyển về phía trước.
Công nghệ này được ca tụng bởi giáo sư Li Yachao, một nhà nghiên cứu radar quân sự tại Phòng thí nghiệm công nghệ quốc phòng ở Tây An, vì sự sống động của nó có thể đánh lừa ngay cả những chiếc radar nhạy cảm nhất do con người tạo ra. Thiết bị này thậm chí có thể tăng thêm "tính năng tàng hình" nếu chúng được gắn thêm lông vũ, nếu sử dụng cách ngụy trang này, khó lòng mà radar có thể phát hiện ra.
Trung Quốc không phải là nước đầu tiên tạo ra chim drone. Năm 2011, Festo Corporation, một công ty tự động hóa và kiểm soát công nghiệp đa quốc gia của Đức đã phát triển một dạng chim drone tương tự vậy có tên là SmartBird.
- 0
- 0Bình luận