Anime và những lầm tưởng \'trời ơi đất hỡi\'
1. Anime chỉ mới ra đời gần đây
Đối với đại đa số chúng ta, bộ anime đầu tiên có thể là Dragonball Z, ra mắt năm 1996, hoặc Pokémon, ra đời vào năm 1998.
Tuy nhiên ngành công nghiệp anime đã xuất hiện từ rất lâu về trước. Vào năm 1917, họa sĩ Oten Shimokawa đã cho ra mắt bộ truyện Imokawa Muzoku The Doorman và được công nhận là bộ anime đầu tiên được sản xuất. Khi so sánh với phim hoạt hình chính thống đầu tiên của phương Tây - Fantasmaorie, ra mắt vào năm 1908, có thể nói rằng anime phát triển song song cùng với những bộ phim hoạt hình phương Tây.
2. Chỉ có trẻ em mới xem anime
Khi nghĩ đến anime nói riêng và hoạt hình nói chung, đa số mọi người sẽ nghĩ rằng chúng chỉ dành cho con nít. Tư tưởng như thế không hẳn là sai, những bộ phim hoạt hình luôn sặc sỡ với nội dung phong phú, thân thiện với trẻ em, và thường truyền tải những thông điệp mà thế giới thật không thể.
Tuy nhiên, như Forbes đã chỉ ra vào năm 2017, 18 bộ phim của Pixar đã mang về hơn 100 triệu USD ở các phòng vé, cho thấy lượng khán giả đến xem phim hoạt hình không chỉ có trẻ em. Khi nói về sự phong phú trong nội dung của anime, không thể không khỏi ngưỡng mộ. Từ những bộ phim thuần túy dành cho trẻ em như Doraemon, Kyaputen Tsubasa (Tsubasa, Giấc Mơ Sân Cỏ) cho đến những bộ phim tối tăm hơn, phù hợp với khán giả trưởng thành như Death Note, Tokyo Ghoul.
3. Anime là những bộ phim bạo lực
Một trong những lý do khiến anime bị chỉ trích là số lượng những cảnh bạo lực. Một nhân vật có thể bị bắn thẳng vào đầu, người này cắn, hút máu người kia, những vụ nổ banh xác...
Mặc dù số lượng anime chứa cảnh bạo lực là không hề nhỏ, nhưng bên cạnh đó, cũng có những bộ anime lãng mạn, vui vẻ như Golden Time hay đơn giản chỉ giải trí như Polar Bear Café.
Trang web Crunchyroll có một danh sách những bộ anime đáng xem theo từng thể loại, hãy thử nhìn qua nếu bạn không biết phải xem gì nhé.
4. Fans của anime (Otaku, Weaboo) là mấy đứa dở hơi
Bất kì một fandom nào cũng đều sẽ có những lời ra tiếng vào, cộng đồng fan của anime cũng không phải ngoại lệ.
Những con người ngày đêm sống chết với anime thường bị gọi là Otaku (Dở hơi) nhưng thật sự là fans của một loại hình giải trí có dở hơi đến mức ấy?
Cộng đồng fan của anime hết sức đa dạng, từ những con người bình thường như học sinh, sinh viên cho đến những người nổi tiếng như Keanu Reeves, Samuel L. Jackson hay siêu sao đô vật Ronda Rousey cũng không ngần ngại thể hiện tình yêu của mình với những bộ anime như Dragonball Z hay Neon Genesis Evangelion.
5. Sản xuất anime rất dễ
Khi xem một tập bất kì của một bộ anime nào đó, nhiều người sẽ nghĩ rằng chỉ vì có một vài cảnh lặp đi lặp lại, fps (số khung hình mỗi giây) thấp thì có nghĩa là bộ anime đó dễ sản xuất và không hề tốn kém. Điều đó hoàn toàn sai sự thật.
Hãy xem phim của Ghibli Studio, các khán giả hiểu được sự chăm chút, tỉ mỉ trong từng nét vẽ của họa sĩ. Chỉ tính riêng bộ phim Spirited Away của đạo diễn Hayao Miyizaki cũng đã tốn của Studio Ghibli 19 triệu USD chi phí sản xuất.
6. Kịch bản rẻ tiền
Một trong những điều về anime mà haters công kích nhiều nhất chính là kịch bản. Khi nói về anime, ai cũng nghĩ rằng đó chỉ là những bộ phim toàn tình tiết vô lí, kịch bản được viết một cách không chuyên nghiệp. Nhưng lịch sử đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.
Một trong những đạo diễn anime nổi tiếng nhất hiện nay là Hayao Miyazaki. Các tác phẩm tên tuổi của ông bao gồm: Spirited Away, Princess Mononoke, Kiki’s Delivery Service và Howl’s Moving Castle...
Bộ phim Spirited Away được ông đạo diễn và ra mắt năm 2001 đã trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất ngành điện ảnh Nhật Bản theo Wall Street Journal.
Ngoài ra, Spirited Away còn có lượng rating cao ngất ngưởng với 97% bên chuyên trang điện ảnh Rotten Tomatoes, thậm chí từng đoạt cả giải Oscar cho hạng mục phim hoạt hình hay nhất vào năm 2003.
Howl’s Moving Castle, The Wind Rises cũng từng được đề cử cho những giải thưởng phim ảnh lớn. Đây chỉ là một vài ví dụ cho việc anime cũng như kịch bản của nó không hề rẻ tiền và hoàn toàn xứng đáng được công nhận.
7. Anime đã hết thời
Những đứa trẻ xem Pokémon vào thập niên 90 bây giờ đều đã lớn cả và khi nghe nói đến anime, họ sẽ thắc mắc rằng “Bây giờ anime vẫn còn nổi tiếng à?”.
Đã hơn một thế kỉ kể từ khi bộ anime đầu tiên được ra mắt, cho đến nay thể loại này vẫn đang được ưa thích rộng rãi ở Nhật Bản, Trung Quốc, thậm chí là các nước phương Tây như Mỹ. Trong năm 2016, thị trường hoạt hình của Nhật Bản tính riêng đã có giá trị hơn 7 tỉ USD và sẽ tiếp tục tăng một cách chóng mặt trong thời gian tới.
- 0
- 0Bình luận