Lịch sử thế giới không thiếu những người phụ nữ \'bá đạo\' chẳng kém gì đàn ông
Con người đã xuất hiện trên Trái Đất này từ 6 triệu năm về trước. Trong suốt chiều dài 6 triệu năm lịch sử, chúng ta đã nghe biết bao những câu chuyện về những vị nam vương, nam tướng vĩ đại, những Robin Hood lấy của người giàu chia cho người nghèo, những Sinbad chu du bốn bể... Có quá nhiều câu chuyện về những vị anh hùng là nam giới, nhưng đồng thời cũng quá ít câu chuyện về những người phụ nữ "hô mưa gọi gió, một tay che trời", với vị thế, tài năng không khác gì phái mạnh.
Hãy cùng Lost Bird điểm danh một số người phụ nữ "bá đạo" nhất lịch sử, để xem họ đã làm phái nữ tự hào đến nhường nào nhé!
Trịnh Nhất Tẩu (1775 - 1844)
Trịnh Nhất Tẩu, tên thật Thạch Dương. Bà là một trong những hải tặc lừng danh nhất trong lịch sử, không chỉ riêng trên vùng biển Trung Hoa mà ở toàn thế giới.
Trịnh Thị xuất thân là một kỹ nữ, kỹ danh là Hương Cô. Năm 1801, bà được Trịnh Nhất, một tên cướp biển lúc bấy giờ cưới về làm vợ. Chỉ trong 6 năm đầu tiên chung sống, hai vợ chồng họ Trịnh đã cùng nhau gây dựng nên một đế chế hải tặc hùng mạnh, với quyền lực khuynh đảo toàn bộ vùng biển từ phía Nam Trung Quốc lan đến tận Malaysia.
Năm 1807, Trịnh Nhất chết, quyền thừa kế hạm đội được trao lại cho Trương Bảo, con nuôi của Trịnh Nhất. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau đó, Trịnh Thị quyết định làm người tình của Trương Bảo, cùng nhau chỉ huy đội thuyền. Trong khi Trương Bảo thống lĩnh đội quân cướp thì Trịnh Thị tập trung vào việc kinh doanh và xây dựng các chiên lược quân sự. Đội quân với hơn 1.800 chiến thuyền lớn nhỏ và 50.000 thủy thủ có thể còn lớn mạnh hơn gấp nhiều lần lực lượng hải quân của nhiều quốc gia thời đó.
Vào thời điểm hùng mạnh nhất, Trịnh Thị có đến 200 chuyến thuyền viễn dương, mỗi chiếc có từ 20 đến 30 súng thần công, 800 tàu chiến nhỏ gần bờ và có khá nhiều thuyền đi trên sông. Bà ta có đến 50.000 hải tặc dưới trướng mình. Chiến hạm của Trịnh Thị còn lớn gần gấp đôi tàu Armada của Tây Ban Nha.
Năm 1810, các nước Anh, Bồ Đào Nha và Trung Quốc tập hợp nhau lại tấn công đội quân cướp biển của Trịnh Thị. Để tránh đổ máu, Gia Khánh hoàng đế đưa ra đề nghị ân xá. Trịnh Thị một mình đàm phán với Tổng đốc Quảng Đông, cuối cùng bà cùng 17.000 người đàn ông hạ vũ khí và rời tàu nhưng được phép giữ lại của cải.
Sau khi đầu hàng, bà rút lui về đất liền an hưởng tuổi già, cùng tân lang Trương Bảo mở một sòng bạc. Năm 1844, bà mất, thọ 69 tuổi.
Phoolan Devi (1963 - 2001)
Phoolan Devi (10/8/1963 - 25/7/2001), được gọi là "Nữ hoàng kẻ cướp", là một tên cướp Ấn Độ và sau đó trở một Nghị sĩ.
Sinh ra trong một gia đình vô cùng khó khăn ở vùng nông thôn Uttar Pradesh, khi còn nhỏ, Phoolan đã phải chịu đựng đói nghèo và đã có một cuộc hôn nhân tồi tệ trước khi trở thành tội phạm. Vì mâu thuẫn quá lớn với cha mẹ và chồng, Phoolan, khi đó còn đang ở tuổi vị thành niên tìm cách bỏ trốn và tham gia vào một băng cướp.
Thời điểm đó, bà là người phụ nữ duy nhất trong băng, và mối quan hệ của bà với một thành viên băng đảng, cùng với các yếu tố nhỏ khác, đã gây ra một cuộc đấu súng giữa các thành viên. Người yêu của Phoolan đã bị giết trong cuộc đấu súng đó. Nhóm đối thủ chiến thắng, là Rajputs, đã đưa Phoolan đến làng Behmai của họ, giam giữ bà trong một căn phòng, và lần lượt hiếp dâm liên tục trong vài ngày. Sau khi trốn thoát, Phoolan gia nhập phe còn lại của người yêu quá cố, có một người tình khác và tiếp tục đi cướp bóc. Một vài tháng sau, băng đảng mới của Phoolan xuống ngôi làng Behmai để trả thù vì những gì bà đã phải chịu đựng. Có tới hai mươi hai người đàn ông Rajput thuộc làng đó bị băng đảng Phoolan bắt đứng thành hàng và bắn chết.
Vì Phoolan là một phụ nữ và nạn nhân của bà là đàn ông, báo chí miêu tả vụ thảm sát Behmai như là một hành động nổi loạn chính nghĩa.
Phoolan đã trốn thoát hai năm sau vụ thảm sát Behmai trước khi bà và vài thành viên băng đảng còn sống sót đầu hàng cảnh sát vào năm 1983. Bà bị buộc tội với 48 tội danh, bao gồm nhiều vụ giết người, cướp bóc, đốt phá và bắt cóc tiền chuộc. Phoolan đã trải qua mười một năm tù giam tiếp theo, vì những cáo buộc khác nhau chống lại bà tại tòa án.
Năm 1994, chính phủ bang Mulayam Singh Yadav thuộc Đảng Samajwadi đã rút tất cả các cáo buộc chống lại Phoolan và bà được thả ra. Sau đó, bà đã tranh cử quốc hội với tư cách là ứng cử viên của Đảng Samajwadi và đã được bầu hai lần.
Năm 2001, bà bị bắn chết tại ngay tại cổng nhà riêng ở New Delhi bởi những người anh em của đối thủ cũ đã bị băng đảng của bà giết hại, kết thúc một cuộc đời dữ dội đầy biến cố.
Nancy Wake (1912 - 2011)
Nancy Grace Augusta Wake (30/8/1912 - 7/8/2011) là một điệp viên mật trong Thế chiến thứ hai. Sống ở Marseille cùng với người chồng là một nhà tư bản Pháp khi cuộc chiến nổ ra, Wake dần dần bị thu hút bởi những nỗ lực của Pháp chống lại người Đức, và làm việc để đưa mọi người ra khỏi nước Pháp. Sau đó, bà trở thành nhân vật hàng đầu trong các nhóm du kích thời kì kháng chiến Pháp và là một trong những phụ nữ có nhiều chiến công nhất của quân Đồng minh.
Sau sự sụp đổ của Pháp vào năm 1940, Wake trở thành người đưa tin cho kháng chiến Pháp và sau đó gia nhập mạng lưới thoát hiểm của Đại úy Ian Garrow. Năm 1943, Wake là người mà tướng Gestapo muốn săn tìm nhất, với giá 5 triệu franc cho đầu của bà. Điều này đã buộc Wake phải rời khỏi Pháp để đảm bảo an toàn.
Sau khi đến Anh, Wake gia nhập Cục chiến dịch đặc biệt nước Anh. Vào ngày 1/3/1944, bà tiến vào vùng đất Pháp bị chiếm đóng gần Auvergne, trở thành người liên lạc giữa London và nhóm du kích địa phương do Đại úy Henri Tardivat đứng đầu. Từ tháng 4/1944 cho đến khi nước Pháp giải phóng, hơn 7.000 người dưới sự chỉ huy của bà đã chiến đấu với người Đức theo nhiều cách khác nhau.
Có thời điểm, nhận thức được sự nguy hiểm của nhóm du kích này, Đức đã gửi đi 22.000 binh lính để quét sạch tất cả. Tuy nhiên, nhờ khả năng chỉ huy và tổ chức phi thường của Wake, đội của bà đã có thể đánh bại đội quân hung hãn kia, gây ra 1.400 thương vong cho nước Đức và chỉ thiệt hại 100 người.
Mary Read và Anne Bonny
Mary Read được sinh ra trong một hoàn cảnh phức tạp. Mẹ bà đã kết hôn với một thủy thủ và họ có một đứa con trai yểu mệnh. Mary là con của mẹ bà với một người đàn ông khác, khi người thủy thủ kia chết trên biển. Gia đình của người thủy thủ không biết về Mary, vì vậy mẹ bà bắt Mary ăn vận như một cậu bé để lấy tiền trợ cấp từ gia đình người chồng quá cố.
Anne Bonny là kết quả của một cuộc tình không cùng giai cấp của vị luật sư và người giúp việc không được gia đình chấp nhận. Ann là một đứa trẻ hoang dã, cô bé cưỡi ngựa và bắn súng rất khá, thậm chí còn giỏi hơn những đứa con trai cùng trang lứa. Cuộc sống không được nhiều sự quan tâm từ bố mẹ đã đẩy hai cô gái vào con đường mưu sinh chật vật, và họ lên tàu cướp biển.
Bonny và Read là hai người phụ nữ duy nhất trên tàu cướp biển toàn đàn ông, một tình huống thực sự nguy hiểm. Tuy nhiên, họ ăn vận như đàn ông, mạnh mẽ, liều lĩnh, đánh nhau giỏi, khiến cho tất cả nam giới trên tàu đều không thể tưởng tượng được thân phận thật sự của họ. Một vài người còn nói rằng, "cả hai đều rất thô lỗ, nguyền rủa và chửi thề nhiều, và rất sẵn sàng làm bất cứ công việc gì trên tàu."
Cùng với Calico, người tình của Anne, Mary Read và Anne Bonny đã trở thành nỗi khiếp đảm cho những nơi mà họ đi qua. Năm 1721 Calico Jack và đoàn thủy thủ của hắn, trong đó có Anne, bị người Anh bắt giữ. Đoàn thủy thủ bị đưa vào nhà tù ở Spanishtown, Jamaica và bị kết án treo cổ.
Tại phiên tòa, Mary và Anne trong trang phục đàn ông bất ngờ nói với chủ tọa phiên tòa rằng họ đang có bầu. Luật pháp Anh không cho phép treo cổ một người phụ nữ đang mang thai cho đến khi họ sinh. Và quả thật là họ còn sáu tháng mang thai nữa. Nhờ đứa con đang mang trong bụng và tiền đút lót của gia đình vào tay tòa án, hai người đã thoát khỏi cái chết đau đớn trên giàn treo cổ.
- 0
- 0Bình luận