Che giấu cả một con sông - Nỗ lực tuyệt vọng chống nạn ô nhiễm của Indonesia trước thềm Á vận hội
Trong khi hàng trăm vận động viên hàng đầu tại châu Á đang tập trung cho những cuộc tranh tài đỉnh cao trong khuôn khổ Á vận hội, thì những quan chức quốc gia chủ nhà Indonesia lại đang đau đầu cho một cuộc chiến khác: cuộc chiến chống ô nhiễm trên con sông ngay cạnh làng Á vận hội.
Mặc dù những người đứng đầu thành phố đã phải thực hiện một dự án nạo vét và tích cực làm sạch, nhưng hiệu quả lại không đáng là bao. Dòng sông vẫn bẩn thỉu, với những thứ rác thải lềnh phềnh trên mặt nước. Và nhiều nhà quản lí đã nghĩ ra một cách mà nghe tưởng như một màn ảo thuật: Che giấu nó đi.
Tháng trước, những công nhân môi trường đã phủ lên trên kali item, tên gọi các con lạch hay dòng sông bị ô nhiễm, nhiều lưới nilon đen dài. Bên cạnh đó, người ta cũng lắp đặt thêm các đèn đường bên cạnh, như một cách đánh lạc hướng vận động viên, để họ tập trung vào màn trình diễn ánh sáng kì lạ này.
Dòng sông “rác” này có tên là Sentiong, là một trong những con sông bị ô nhiễm nặng nhất trong số 13 con sông và kênh đào của Jakarta. Nước gần như không thể thoát được, có màu đen như hắc ín cùng mùi hôi thối kinh khủng.
Cư dân của một khu ổ chuột bên cạnh sông nói rằng giờ lỗ mũi của họ đã hoàn toàn miễn nhiễm với mùi hôi thối. Với họ, thứ đó đã trở thành một phần trong cuộc sống, nhưng khiến người dân ở đây thấy kì lạ hơn cả lại là cách cấp quản lí xử lí con sông.
“Chúng tôi muốn các vận động viên có thể tận hưởng quãng thời gian của mình ở Jakarta,” Jazuli, 31 tuổi, một nhân viên cho đơn vị phân phối đồ ăn nhẹ địa phương cho biết. Giống như nhiều người Indonesia, anh không có họ. Jazuli nói thêm “Chúng tôi không muốn họ nhìn thấy con sông và hỏi: “Cái quái gì thế kia?”.
Che giấu cả một con sông chỉ là một trong số những biện pháp khẩn mà chính quyền thành phố Jakarta và các nhà tổ chức Á vận hội áp dụng để che đi những góc khuất của đô thị 10 triệu dân này. Bốn năm một lần, Á vận hội là sân chơi thể thao của hơn 17.000 vận động viên, đi kèm huấn luyện viên và quan chức. Đây cũng là cơ hội để các nước chủ nhà quảng bá thành phố biểu tượng của họ.
Chính quyền cũng nỗ lực hết sức trong giảm thiểu lượng giao thông ra vào thành phố bằng cách chỉ cho cho các xe ô tô và nhiều phương tiện cơ giới khác lưu thông theo ngày chẵn lẻ.
Thành phố còn triển khai một chiến dịch làm sạch bằng cách trồng các khu vườn theo chủ đề thể thao dọc những đường phố chính và mở rộng lối đi cho người đi bộ ở gần những nơi diễn ra sự kiện.
"Jakarta đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về ô nhiễm," Erick Thohir, một doanh nhân nổi tiếng của Indonesia và là chủ tịch ủy ban tổ chức của đất nước cho hay. “Á vận hội không chỉ là một sự kiện thể thao đơn thuần. Nó còn là cơ hội quảng bá văn hóa đất nước ”
Ông coi việc che giấu cả con sông như vậy là "một giải pháp ngắn hạn", nhưng lưu ý rằng thủ đô Indonesia vẫn phải đối mặt với những vấn đề to lớn về môi trường trong tương lai.
“Tất cả đều dựa vào ý thức” ông Thohir nhận định. "Ai mà chả muốn đường phố sạch sẽ và không khí trong lành, nhưng tất cả lại thi nhau đổ rác của nhà mình xuống sông."
Jakarta còn phải đối mặt với nạn cướp giật trên phố, mà theo cảnh sát, họ đã phát động một chiến dịch đàn áp lớn trước Á vận hội. Các nhóm nhân quyền đã phải lên tiếng phản đối một chính sách của chính phủ mới trong phòng chống tội phạm, mà theo đó, cảnh sát được quyền bắn nghi can không qua thẩm vấn.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, vào tháng 7 và tháng 8, cảnh sát nước này đã bắn chết 15 người và khiến 41 người khác bị thương. Tất cả các vụ việc đều xảy ra ở Jakarta và Palembang, thuộc tỉnh Nam Sumatra, một thành phố khác cũng là nơi diễn ra những sự kiện thể thao.
Cảnh sát cũng đã bắt giữ ít nhất 283 người liên quan đến các vụ khủng bố kể từ tháng 5, sau vụ đánh bom tự sát ở Đông Java và tấn công vào đồn cảnh sát ở miền Trung do những tín đồ Hồi giáo cực đoan thực hiện.
Indonesia hiện đang là điểm nóng của nhiều vụ tấn công liều chết, nếu tính cả vụ đánh bom khách sạn vào năm 2003 và 2009 tại Jakarta và một vụ tấn công khác vào đồn cảnh sát ở trung tâm thành phố vào năm 2016. Trước sức ép từ phía quốc tế, giới quan chức đã phải căng mình để không xảy ra bất kì một câu chuyện đáng tiếc nào trong khuôn khổ Á vận hội.
Ở “dòng sông rác”, một phục vụ tại nhà hàng địa phương, anh Teguh Prasetyo, 24 tuổi chia sẻ, an ninh hay môi trường không phải là vấn đề mà anh quan tâm.
"Bây giờ, mùi nước sông đã đỡ hơn trước nhiều rồi, mà những ngôi nhà trong làng cũng là nhà cao tầng mà.” anh Teguh nói.
Trong thực tế, anh hy vọng thành phố sẽ có những biện pháp khác để chấm dứt mùi thối này vĩnh viễn, chứ không chỉ có che giấu nó tạm bợ thế này.
“Có thể người ta sẽ không vứt rác trực tiếp xuống sông nữa”, anh nói thêm, “nhưng khi màn đêm xuống, rác thải sẽ lại bị xả xuống mỗi lần có người đi dạo và ăn uống.”
- 0
- 0Bình luận