Cuộc sống bên trong Tử Cấm Thành (Kỳ 2): Thái giám và chuyện chưa kể về những người hầu \'khuyết tật\' trong cung
Sự hiện diện của các thái giám trong hoàng cung của Trung Quốc đã có từ rất lâu đời. Công việc cho họ cũng đa dạng, từ phục vụ chủ nhân, làm gián điệp, hay đóng vai trò giám sát các phi tần của hoàng đế.
Khổng giáo đặc biệt đề cao vai trò của Hoàng đế, coi người này là “Thiên tử”, thay ý trời để cai quản nhân gian, đồng thời là người duy trì sự cân bằng trong trời đất. Để cho nòi giống “rồng” của Hoàng đế không bị tuyệt diệt trong bối cảnh mà tỉ lệ chết non ở trẻ em là rất cao, y học chưa phát triển như hiện tại, một dàn hậu cung hùng hậu là bắt buộc. Nhưng để quản lí được hàng chục ngàn nhân mạng trong cung, Hoàng đế rất cần đến sự hỗ trợ của hàng nghìn người giúp việc, mà trong trường hợp này là các thái giám.
Sách sử Trung Quốc xưa có chép, hoàng cung bắt đầu tuyển dụng các “yêm nhân” để làm người phục vụ trong cung từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Nhưng đa phần các nhà sử học đều khẳng định, thái giám chỉ bắt đầu xuất hiện chính thức từ thời Hán Hoàn Đế (từ 146 đến 167 sau Công nguyên). Nhiều vị trí trong triều đình cũng được giao cho thái giám phụ trách.
Lợi dụng điều này, nhiều kẻ đã cấu thành phe phái, lạm quyền. Không ít triều đại ở Trung Quốc đã sụp đổ vì nạn hoạn quan. Quyền lực của thái giám chủ yếu đến từ sự cấu kết của các thế lực ngoại thích, hay sự sủng ái của nhà vua, do là kẻ phục vụ gần gũi và thân cận nhất với họ.
Hiện tượng thái giám chỉ chính thức kết thúc khi vị vua cuối cùng trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, Phổ Nghi chạy trốn khỏi Tử Cấm Thành vào ngày 5/11/1942.
Lí do nào khiến đàn ông trở thành thái giám?
Vì gia đình
Có khoảng 1/8 thái giám trong cung chọn con đường này vì gia đình ép buộc. Không chỉ bởi khoản tiền lớn mà họ sẽ nhận được sau khi đem cống con trai mình thành hoạn quan, mà các bậc cha mẹ này cũng mong con mình có thể có được một cuộc sống giàu sang trong cung cấm.
Vì đói khổ
Nhiều đàn ông, do không có phương tiện hay tư liệu sản xuất, nên đã chấp nhận bị hoạn để sống như một “cẩu nô tài” trong cung.
Tự chọn lấy
Chán cuộc sống vất vả bên ngoài, nhiều người cũng muốn gia nhập đội quân thái giám để được sống một cuộc đời đủ đầy hơn trong cung cấm.
Là một hình thức để phạt tội nhân
Vua Hán Vũ Đế (trị vì từ năm 25 đến năm 57 trước Công nguyên) đã từng xử tử tất cả những kẻ liên quan, đồng thời thiến hoạn toàn bộ hậu duệ của những người này trong một lần xử đám mưu phản.
Quy trình trở thành thái giám
Bảo cụ - vật bất li thân của thái giám
Bảo cụ, trong này có thể hiểu là “Tam bảo” (bao gồm cả hai hòn “ngọc” và dương vật). Bảo cụ của thái giám sẽ được đựng trong một hòm gỗ, đóng lại cẩn thận và cất trên một giá cao. Hộp chứa bảo cụ phải được bảo quản hết sức cẩn thận, sở dĩ vì hai lí do sau:
1. Khi thái giám muốn được thăng chức, người này phải trải qua một bài thi tuyển vô cùng nghiêm ngặt, và bảo cụ là thứ không thể thiếu. Quá trình kiểm tra này được gọi là yan bao, và phải được tiến hành dưới sự giám sát của thái giám tổng quản. Bảo cụ sẽ là bằng chứng chứng minh người này đã từng trải qua việc thiến hoạn. Một số thái giám đãng trí hay quên “bảo cụ” sẽ phải đi thuê, hay mượn người khác với giá cao.
2. Khi chết đi, các thái giám cũng muốn được chôn với bảo cụ của mình. Vì theo quan niệm “trần sao âm vậy”, họ cũng muốn khi chết phải được toàn thây. Theo truyền thuyết Trung Quốc cổ đại, Diêm Vương, vị vua coi quản địa ngục sẽ xếp họ vào hàng nữ quỷ nếu như không nhìn thấy phần bảo cụ của họ. Chính bởi nỗi sợ về một cuộc sống sau khi chết, nhiều thái giám đã rất hoảng hốt khi không thấy bảo cụ của mình đâu nếu chẳng may nó bị mất cắp.
Vẻ ngoài của các thái giám
Việc tịnh thân sẽ cắt đứt hoàn toàn nguồn hormone nam trong cơ thể của họ, khiến tông giọng họ cao lên. Khả năng kiểm soát bọng đái của họ cũng bị tác động ít nhiều, nên quần áo và chăn giường những hoạn quan thường hay bị ướt. Câu thành ngữ cổ của Trung Quốc “Khai như quan hoạn” chính là xuất phát từ đó. Bên cạnh đó, họ cũng không có khả năng để thực hiện các việc nặng, yêu cầu cao về thể lực.
Do những thay đổi về mặt sinh lí, dáng đi của những người này cũng có nhiều thay đổi. Điều dễ nhận thấy nhất của họ đó là lối đi chữ bát, với hai đầu chân tõe ra, rất nhanh và không gây ra tiếng động.
Nhiệm vụ của các hoạn quan
Các thái giám là những người chịu trách nhiệm gìn giữ lối sống khép kín và tôn nghiêm trong hoàng cung. Đội ngũ này thường lo những việc như gánh nước, canh gác, khênh kiệu, hay làm vườn. Một số khác sẽ có cơ hội được trực tiếp phục vụ cho các chủ nhân của mình, ví dụ như là nấu ăn, rửa chén, hay giặt giũ trong cung. Nói tóm lại, họ phải trực tiếp tham gia vào tất cả những công việc trong cung.
Triều đình quản lí thái giám như thế nào
Đã từng có đến 10.000 thái giám trong cung vào cuối thế kỷ 15 và 70.000 năm 1644. Đây chính là kết quả sự gia tăng những người đàn ông muốn làm việc trong Tử Cấm Thành và tự nguyện để thiến hoạn. Vào đầu triều đại nhà Thanh, con số này đã giảm xuống còn 3.000, vì những người Mãn lo ngại về tầm ảnh hưởng của những hoạn quan này với triều đình.
Triều Thanh phân bổ các cơ quan chuyên trách của thái giám ra thành 48 viện khác nhau, mỗi một viện có một công việc chính. Các viện này tự đặt ra một viên thái giám để phụ trách, và viên Thái giám Tổng quản làm thủ lĩnh chính cho tất cả các thái giám. Chức danh Tổng quản tương đương với bậc Tam phẩm.
Vào cuối triều Thanh, thù lao cho các thái giám thường dao động từ 2-4 lạng bạc (từ 1-2 triệu đồng). Mức lương cao nhất mà một thái giám nhận được thời kì này có thể lên tới 12 lượng bạc (tầm 7 triệu), ở bất kể bậc nào.
Thái giám làm việc ở đâu?
Bao quanh Tử Cấm thành chính là Hoàng thành, một khu vực cung cấp tất cả các vật dụng cần thiết cho người trong cung, từ thực phẩm cho đến những đồ vật có giá trị. Những cơ quan chính do thái giám quản lí đều nằm ở khu vực này.
Nhưng cũng có không ít kẻ được làm việc ngay tại chính Tử Cấm Thành, đồng thời nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng. Sự ganh ghét của thái giám với các quan lại thông thường, hay giữa các thái giám với nhau là hoàn toàn bình thường.
Các chức danh khác của thái giám trong cung
Các vị Lạt ma
Mười tám vị Lạt ma trong cung chính là người chuyên trách tổ chức các nghi thức tâm linh trong cung. Lương của các Lạt ma trong cung thường cao gấp đôi thái giám thông thường. Khi thiếu người, các thái giám sẽ được trao cơ hội thành Lạt ma, miễn là phải trải qua một quá trình tu tập bắt buộc.
Nghệ sĩ trong cung
Kịch hát, hay kinh kịch là một hình thức giải trí rất được yêu thích bởi các phi tần, mỹ nữ trong cung. Chính vì thế, luôn có một đội ngũ hơn 300 thái giám trong cung chuyên trách mua vui cho các khán giả đặc biệt này. Họ sống trong Nam phủ, ngay phía bên trong Hoàng thành.
Vai trò của thái giám với việc duy trì dòng dõi hoàng gia
Có thể nói, thái giám chính là một nhân vật không thể thiếu trong mọi mặt của cuộc sống hoàng tộc. Đặc biệt, trong việc thị tẩm, thái giám cũng có một sức ảnh hưởng lớn.
Hình phạt cho các thái giám
Do thái giám nắm giữ nhiều vai trò trọng yếu trong cung, họ cũng có quyền tiếp cận các thông tin tuyệt mật, mà dựa vào đó có thể làm suy yếu quyền lực của nhà vua. Bên cạnh đó, thái giám cũng làm chủ nhiều nha trong cung, không ít kẻ đã dựa vào đó mà lạm quyền, khuynh đảo chính trường.
Năm 1655, Vua Thuận Trị đã ban hành một chiếu chỉ có nội dung như sau: “Thái giám đã làm việc trong cung tự cổ chí kim. Vậy nhưng, sự tàn độc với chúng đã dẫn đến những thảm họa không thể lường trước. Lạm quyền, lũng đoạn triều chính, do thám trong cung, giết người vô tội, kéo bè kết đảng, còn làm cả những điều ác độc trong nhân gian. Chúng tàn ác đến mức, vu cáo, đặt điều oan sai cho các trung thần, xúi giục làm loạn trong cung, khiến cho rường cột đất nước bị hủy hoại dần dần, còn tham ô thì nhiều không mức nào kể xiết.
Kể từ giờ, hễ có kẻ nào can dự triều chính, lạm quyền, ăn của đút lót, dính líu đến việc trong và ngoài nước, câu kết với lũ quan lại Mãn và Hán, tiết lộ thông tin cho kẻ khác, hay đòi hỏi thăng quan tiến chức gì, thì bất kể là tốt hay xấu, sẽ phải bị trừng trị nghiêm khắc. Chiếu lệnh này phải được lưu truyền từ đời này đến đời khác.”
Thái giám khi mắc lỗi sẽ bị xử tội theo nhiều cách khác nhau, nhẹ thì phạt tiền, nặng thì có thể bị xử tử. Đánh bằng trượng là phổ biến nhất, nếu không thì phải đi nô dịch trọn đời. Bỏ trốn chính là tội danh mà nhiều thái giám mắc phải nhất. Nếu một thái giám bỏ trốn, tên này sẽ bị bắt lại bởi đội cấm vệ cung và bị đưa về chịu tội. Rất hiếm có kẻ bỏ trốn thành công, dù nhiều trong số chúng thông thuộc đường đi lối lại trong cung.
Trừng phạt cho tội bỏ trốn
Phạm tội lần đầu, thái giám sẽ bị tống vào ngục trong hai tháng. Sau khi kết thúc thời gian này, thái giám sẽ bị đánh 20 trượng, rồi bị trả về nha phục vụ.
Lần thứ hai, tên này bị đóng gông vào cổ trong hai tháng. Khi hình phạt kết thúc, tên này cũng vẫn phải quay trở lại nha phục vụ của mình.
Nếu còn vi phạm đến lần thứ ba, thái giám sẽ bị đày đến Bồi Đô (nay là Thẩm Dương) trong 2,5 năm. Hết thời gian chịu tội, tên này không thoát khỏi phải quay trở lại làm việc.
Trộm cắp
Kẻ trộm trong cung sẽ bị đày đến Bồi Đô. Nhưng nếu phạm nhân đánh cắp các món đồ có giá trị như đồ cổ, trang sức, hay các vật phẩm có giá trị của hoàng đế, thì phạm nhân sẽ bị đưa đến Chin-shan-kou, một huyện cách Bắc Kinh hơn 20km, và chém đầu.
Những lỗi nhỏ
Lười biếng, trốn việc, hay các lỗi vặt khác sẽ bị phạt bằng trượng. Đó là tên gọi cho gậy tre lớn, dài hàng thước. Mỗi phạm nhân bình thường chỉ chịu được từ 80 đến 100 trượng.
Sau khi phạt hình kết thúc, thái giám sẽ được chữa trị và băng bó vết thương bởi các thầy thuốc trong cung. Nếu mắc các lỗi nghiêm trọng hơn, phạm nhân sẽ bị đánh lại bằng roi sau ba ngày. Giai đoạn này sẽ bị gọi là “cho lên vảy”.
(còn nữa)
- 0
- 0Bình luận