\'Mặt đẹp thì não rỗng\' là định kiến \'xấu xí\' trong ngành sáng chế?
Naomi Wu là một nữ YouTuber 23 tuổi người Trung Quốc, được biết đến với channel YouTube mang tên SexyCyborg, chuyên làm những video DIY với các thiết bị công nghệ. Hiện tại, channel của Naomi đang có đến 524 nghìn người theo dõi.
Không chỉ có ngoại hình xinh đẹp và nóng bỏng, cô nàng Naomi được biết đến với vốn hiểu biết rộng rãi về công nghệ thông tin, hay còn là một nhà sáng chế. Naomi có khả năng viết code, thực hiện in ấn bằng công nghệ 3D, quay phim 360 độ quanh thành phố. Cô nàng cũng đã tạo ra những phụ kiện công nghệ độc đáo như áo ngực 3D, choker 3D, lông mi đèn LED hay áo nịt giúp ngực phát sáng bằng những thiết bị của mình và ghi lại công đoạn thực hiện để đăng lên kênh YouTube.
Thế nhưng cách đây không lâu, có một thuyết âm mưu đã được lan truyền vô cùng rộng rãi trên mạng về Naomi, cho rằng những sản phẩm trong những video trên YouTube đều không phải do cô tự làm ra.
Một tài khoản Reddit vô danh đã tố cáo rằng những sản phẩm đều được làm bởi bạn trai của Naomi, một người vốn là kĩ sư IT và cô nàng cũng không phải là một thiên tài IT như vẫn luôn thể hiện. Tài khoản này cũng cho biết, Naomi có thể chỉ là một con rối được giật dây bởi bạn trai của cô, hay một công cụ, nhằm mục đích để "câu view" trên YouTube.
Thậm chí sau đó, thuyết âm mưu này cũng đã đến tai Dale Dougherty, nhà đồng sáng lập O'Reilly Media, cũng như là cha đẻ của công nghệ maker movement (được biết đến như một nền tảng mở rộng của DIY kết hợp với hacker để tạo ra các thiết bị công nghệ mới). Ngoài ra, Dale Dougherty còn là người khởi động Maker Faire và tạp chí Make chuyên về công nghệ.
Được biết, Dale Dougherty cũng đã ủng hộ cho thuyết âm mưu có phần vô căn cứ này, cho rằng Naomi Wu chỉ đơn thuần là một người mẫu và không phải là người làm ra những sản phẩm công nghệ. Ông cho biết: "Tôi thực sự thắc mắc liệu Naomi có phải là thật không. Có thể cô ấy là một hoặc rất nhiều người khác nữa. Cô ta có thể đã nói dối và lừa chúng ta, tôi hiện đang thu thập bằng chứng để tố cáo cô ta đây."
Dale đã cố gắng gửi email cho một hacker người Mỹ có quen biết Naomi Wu như một hình thức thu thập chứng cứ. Andrew Huang cũng đính chính về vụ việc này sau đó: "Điều khiến tôi thất vọng chính là việc Dale đã gửi email hỏi rằng tôi nghĩ như thế nào về việc tài khoản Reddit tố cáo Naomi Wu là kẻ lừa đảo. Tôi có thể đảm bảo Naomi hoàn toàn trong sạch. Dale cũng đã đăng một tweet với hàm ý cho rằng Naomi lừa đảo, dù ông ấy không có bất kì chứng cứ cụ thể nào."
Sau đó, Dale cũng đã gửi lời xin lỗi đến Naomi trên website của Make như sau: "Naomi, tôi thành thật xin lỗi vì đã đăng những bài tweet nghi ngờ về thân phận của cô dạo gần đây. Tôi thật sự xin lỗi." Thế nhưng sau đó, Dale cũng đã không trả lời gì thêm và Make cũng không hề có tuyên bố chính thức nào về vụ việc như đã hứa.
Naomi cũng thừa nhận rằng cô chẳng có bất cứ kỹ năng nào đặc biệt. Cô cho biết: "Những thứ tôi tạo ra cũng tương đối đơn giản, nhưng tôi thấy rất thú vị khi làm chúng. Mọi người xung quanh cũng rất hứng thú với chúng nữa."
Naomi đang không ngừng học hỏi để trau dồi kĩ năng của mình, cũng như cho rằng tay nghề của cô không hơn gì học sinh trung học cả. Cô thường hay nhờ đến sự trợ giúp trong cộng đồng sáng chế như bao người khác. Hơn cả, cách Naomi sử dụng các thiết bị trong các video cũng rất tự nhiên, thể hiện được rằng cô nàng đã rất quen với việc này. Thế nên, việc Dale Dougherty tố cáo Naomi lừa đảo là hoàn toàn vô căn cứ.
Ngoài việc bị tố cáo bằng những tin đồn nhỏ nhen và vô căn cứ, Naomi Wu còn bị loại khỏi tờ tạp chí Make, cũng như không được phép xuất hiện tại Maker Faire ở địa phương chỉ bởi ngoại hình và lối ăn mặc của cô. Naomi thường hay diện lên mình những chiếc váy ngắn và những chiếc áo thiếu vải nhằm phô ra phần eo "con kiến" cũng như vòng một "siêu khủng" của cô.
Cô cũng cho bản thân mình là một người theo chủ nghĩa transhumanism (chủ nghĩa siêu thể) và yêu thích body modification (biến đổi cơ thể) bằng cách mặc những trang phục độc đáo. Naomi cũng cho rằng, những trang phục như thế là vô cùng bình thường trong việc sáng tạo công nghệ mới.
Nói về việc tố cáo của Dale Dougherty, Naomi cho rằng ngoài kiểu ăn mặc của cô, thì có lẽ việc ông chú ý đến cô còn vì một lí do khác nữa. Khoảng 2 năm trước, Naomi từng phản ánh về việc thiếu nhân sự nữ tại Maker Faire tại Thâm Quyến, địa phương của cô. Và để phục vụ cho mặt hình ảnh được tốt hơn, ban tổ chức sự kiện này cũng đã thuê một số nhân viên nữ, nhưng họ chỉ được đảm nhận phần thuyết trình và diễn giải, chứ không được tham gia vào các khâu sáng chế.
Tình trạng đó lại tiếp diễn vào sự kiện của năm 2017, khiến Naomi vô cùng bức xúc. Phụ nữ lại tiếp tục được mời đến, thế nhưng, thay vì được tham gia vào khâu sáng chế, họ chỉ được phát biểu. Naomi cho biết thêm, cô sẽ chấp nhận lời xin lỗi của Dougherty nếu ông đồng ý cho nhân viên nữ một vị trí cao hơn.
Thế nhưng, Naomi vẫn chưa chấp nhận lời xin lỗi của Dougherty. Cô đã mất đi vị trí của mình ở tạp chí Make cũng như sự kiện Maker Faire. Thậm chí, cô còn mất các hợp đồng tài trợ và liên tục nhận được các phỏng vấn, yêu cầu cô trực tiếp thực hiện DIY trước mặt họ nhằm chứng minh cô thực sự là người sáng chế.
Make và Maker Faire có thể không phải là hướng đi duy nhất cho Naomi, nhưng họ vẫn là ông lớn trong cộng đồng sáng chế ngày nay. Tuy nhiên, sau đó, Naomi vẫn nhận được tài trợ từ các tổ chức khác như Adafruit, MakerBot và BunnieStudios của Andrew Huang.
Andrew Huang cũng đã chia sẻ bức xúc của mình về việc Naomi giống như nạn nhân của những định kiến dành cho các nhà sáng chế nữ, chỉ bởi vì cô có một thân hình nóng bỏng, thường mặc những bộ trang phục thiếu vải và vì cô là phụ nữ Châu Á. Thậm chí, họ còn cho rằng, những người yêu thích Naomi chỉ đơn giản là "thần thánh hóa" cô mà thôi. Với một số người, có lẽ chỉ có nam giới mới có thể sáng tạo những thiết bị công nghệ thực sự.
Andrew Huang còn cho biết, có một sự thật đáng buồn hơn chính là khi CEO của Maker Media cho rằng Naomi lừa đảo, cộng đồng mạng Trung Quốc cũng đã hướng mũi dùi về phía cô và các nhà tài trợ cũng đã cắt hợp đồng với cô. Một số người theo dõi kênh YouTube của Naomi cũng đã quay sang "ném đá" cô nàng, dù chẳng biết thực hư thế nào.
Naomi cũng đã bày tỏ về việc này. Cô cho biết, khi những nhà sáng chế nam cầm trên tay thành phẩm và bảo đây chính là thứ họ làm thì chẳng ai có vẻ nghi ngờ gì. Nhưng khi đó là phụ nữ, thì công chúng lại lên tiếng suy xét. Hay nói cách khác, những người lên tiếng phán xét Naomi không hề nhìn vào những gì cô làm, mà chỉ quan tâm đến việc liệu hình tượng của cô có phù hợp để trở thành một nhà sáng chế hay không.
- 0
- 0Bình luận