Có bao giờ bạn tò mò: Ai là người giàu nhất trong lịch sử nhân loại?
Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos đang là người giàu nhất thế giới với tổng tài sản là 118 tỷ USD. Theo bảng xếp hạng của Bloomberg, ông còn giàu hơn cả Bill Gates và Warren Buffet.
Thế nhưng ông vẫn còn thua xa Nhà vua Musa I của Mali, nhân vật được cho là người giàu nhất mọi thời đại - hay theo Time gọi là "giàu đến mức không thể mô tả được."
Theo cây viết Jacob Davidson của tờ Time, "Không có cách nào để đong đếm chính xác tài sản của ông ấy." Hơn nữa, vì hiện tại ta chỉ nghe đến sự giàu có của vị hoàng đế này qua những câu chuyện kể nên có nhiều khả năng là khối tài sản của ông đã bị phóng đại.
Đến nay, những gì ta biết là Mansa Musa cai trị Đế chế Mali vào thế kỷ 14 và vùng đất của ông có vô số tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là vàng. Ông cũng được biết đến là một nhà quân sự tài ba. Theo cuốn sách Đế quốc Tây Phi thời Trung cổ: Ghana, Mali và Songhay của David C. Conrad, ông đã chiếm được 24 thành phố khác nhau. Nhưng chính đức tin Hồi giáo của ông đã thúc đẩy vị vua này thực hiện cuộc hành hương của mình đến Mecca năm 1324, qua đó phơi bày sự giàu có đến với thế giới bên ngoài.
Dưới đây là những câu chuyện có thể bạn chưa biết về vị vua huyền thoại này.
1. Musa Keita I lên nắm quyền lực vào năm 1312. Vào thời điểm đó, trong khi phần lớn các nước châu Âu đang vật lộn với đói nghèo và đối mặt với nguy cơ thiếu vàng bạc thì các quốc gia ở châu Phi lại phát triển mạnh mẽ.
2. Khi còn tại vị, Mansa Musa đã có công lớn trong việc mở rộng bờ cõi nước mình. Ông đã cho sáp nhập thành phố Timbuktu và lập chính quyền ở Gao. Ước tính vào thời của ông, Mali trải dài tới 3218 km.
3. Mansa Musa đã chiếm được rất nhiều nước khác nhau. Ông từng cai trị các nước Mauritania, Senegal, Gambia, Guinea, Burkina Faso, Mali, Niger, Nigeria và Chad.
4. Nhưng sự giàu có của ông chỉ được cả thế giới biết đến khi ông thực hiện cuộc hành hương dài hơn 6000 km vào năm 1324 tới Mecca. Được biết, đây là một trong những chuyến đi xa xỉ nhất lịch sử.
5. Theo một cây viết, "Đức vua không phải là người tiết kiệm. Ông mang theo cả một đoàn tùy tùng dài đến mức đứng từ xa cũng nhìn thấy."
6. Có nhiều dị bản khác nhau về chuyến đi của ông nhưng có người kể rằng Mansa Musa có tới 1000 người theo hầu, 100 con lạc đà để chở vàng. Không chỉ vậy, ông còn mang theo đoàn nhạc công hoàng gia và 500 nô lệ vác những đồ đạc bằng vàng.
7. Nhà sử học nổi tiếng thời đó là Ibn Khaldun đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với một trong những người thuộc đoàn tùy tùng. Người này nói rằng: "Ở mỗi quãng nghỉ, ngài sẽ cho chúng tôi thưởng thức những của ngon vật lạ. Tất cả đồ đạc và trang thiết bị của ngài được mang bởi 12.000 nữ nô lệ. Họ đều được mặc những chiếc đầm làm từ lụa Yemen và có đính kim tuyến."
8. Mansa Musa cũng là một con người vô cùng hào phóng. Khi gặp các vị chức sắc, ông sẽ tặng cho họ rất nhiều quà. Lúc dừng chân ở Cairo, ông đã cho người nghèo ở đây nhiều vàng đến nỗi Ai Cập xảy ra lạm phát.
9. Chính chuyến đi xa xỉ này của Mansa Musa đã đưa tên tuổi ông lên bản đồ, theo đúng nghĩa đen. Năm 1375, tên ông được đưa vào Catalan Atlas, một trong những tấm bản đồ thế giới quan trọng nhất châu Âu thời Trung cổ.
10. Theo nhà sử học Chris Strobel, cuộc hành hương sang trọng của vị vua này đã để lại ấn tượng cho châu Âu thời bấy giờ rằng Mali là "một đất nước lộng lẫy, giàu có và tinh tế." Nhưng điều này cũng có một số mặt trái. Sự giàu có của của Mansa đã khiến quốc gia rơi vào tầm ngắm của nhiều đế quốc, dẫn đến việc Bồ Đào Nha xâm lược Mali vào thế kỷ 15.
11. Nói về vị vua này, một nhà sử học đã cho biết: "Chỗ vàng của ông chỉ là một phần trong số những di sản mà ông để lại."
12. Dù có nhiều khoáng sản nhưng nhà vua Mansa không phải chỉ biết mỗi khai thác vàng. Là một vị vua có tầm nhìn, ông đã đầu tư rất nhiều vào thành phố Timbuktu. Nhà vua này đã tiến hành đô thị hóa Timbuktu, cho xây nhiều trường học, nhà thờ và cả trường đại học.
13. Ông còn cho xây Thánh đường Hồi giáo Djinguereber nổi tiếng ở Timbuktu. Bây giờ du khách cũng có thể tham quan nơi này.
14. Sau 25 năm trị vì, Mansa Musa mất năm 1337. Nối ngôi ông là con trai Maghan I. Di sản của nhà vua này đã tồn tại qua nhiều thế hệ và cho đến ngày nay ta vẫn có thể nhìn thấy những lăng mộ, thư viện và thánh đường Hồi giáo như là một minh chứng cho thời kỳ hoàng kim của lịch sử Mali.
- 0
- 0Bình luận