Dưới đáy vực khủng hoảng, người dân Venezuela phải ăn thịt thối, sống cuộc đời như địa ngục trần gian
Tại thành phố cảng Maracaibo, nơi từng là trung tâm của ngành công nghiệp khai thác và chế dầu của Venezuela, biến quốc gia này trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh - cư dân đang phải xếp hàng để mua thịt ôi thiu do tủ đông lạnh đã bị hỏng, hậu quả của cúp điện lâu ngày.
Không ít người đã mắc bệnh vì ăn loại thịt này, nhưng trong thời buổi khó khăn, đó là tất cả những gì còn lại đối với họ.
"Thịt ngửi có mùi hôi, nhưng nó vẫn có thể ăn được khi rửa bằng một chút giấm và chanh" - Anh Yeudis Luna kể cho phóng viên khi đang mua một miếng thịt ôi tại cửa hàng bán thịt ở thành phố lớn thứ hai của Venezuela.
Đây chỉ là một lát cắt nhỏ trong bức tranh ảm đạm về nền kinh tế của Venezuela, một trong những nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Chỉ vài năm trước kia thôi, thành phố này luôn sáng ánh đèn, thu hút bao du khách quốc tế, thì bây giờ điện trở thành một thứ hết sức xa xỉ.
Trong chín tháng qua, cư dân của Maracaibo không có điện để dùng. Mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn khi vào ngày 10 tháng 8, một đám cháy phá hủy hoàn toàn nguồn cấp điện chính cho thành phố 1,5 triệu người.
Do không còn điện để cung cấp cho tủ đông, thịt đã chuyển sang trạng thái ôi thiu. Nhưng người bán thịt có tên Johel Prieto vẫn biết cách khiến nó trông “ngon mắt” hơn. Anh xay nhuyễn toàn bộ số thịt, cho thêm vào vài lát thịt tươi khác.
Trong số khách hàng của Prieto, có những người mua thứ thịt nửa ôi, nửa tươi kia cho chó của mình. Nhưng cũng không ít gia đình mua về để nấu bữa tối cho gia đình.
"Tất nhiên họ ăn loại thịt đó, nhờ Tổng thống Maduro. Người nghèo chỉ có thể dùng thực phẩm ôi" - anh Prieto cay đắng tâm sự.
Thiếu hụt năng lượng, khan hiếm thực phẩm là hai trong số hàng loạt vấn đề mà người nghèo ở Venezuela đang gặp phải giữa thời buổi lạm phát phi mã ở quốc gia này. Giá dầu sụt giảm làm cho chính phủ không có đủ tiền để vận hành các nhà máy điện và chi trả cho các loại nhu yếu phẩm, như thực phẩm hay vật dụng y tế.
Trong nhiều năm, đây cũng là quốc gia duy nhất ở Nam Mỹ không tự chủ được nguồn cung lương thực của mình mà hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Luna làm nghề bảo vệ đồng thời là cha của ba đứa con. Sau khi vợ bỏ đến Colombia do không chịu nổi cuộc sống khó khăn, anh phải một mình lo từng bữa ăn cho gia đình 4 người. Luna chia sẻ để nấu thịt ôi, trước tiên anh rửa nó bằng nước và sau đó để thịt ngâm trong giấm qua đêm. Sau đó, anh vắt hai trái chanh lên miếng thịt rồi rim nó trong sốt cà chua.
Món thịt này chính là nguồn cung cấp đạm của gia đình anh. Luna buồn bã chia sẻ: "Tôi sợ rằng bọn trẻ sẽ bị bệnh khi ăn loại thịt này do chúng vẫn còn nhỏ. Một đứa đã bị tiêu chảy và nôn hết ra”.
Để giải quyết những vấn đề mà đất nước đang gặp phải, chính phủ của tổng thống Maduro cũng đưa ra nhiều chính sách. Tuy nhiên nhiều trong số này bị các nhà chuyên môn đánh giá là hoang đường, thiếu thực tế. Đơn cử như việc phát hành Thẻ Tổ quốc cho toàn bộ công dân trong việc thanh toán tiền nhiên liệu của mình.
Chương trình thí điểm bắt đầu từ hôm thứ ba ở tám bang được cho là cung cấp các trạm dịch vụ có thiết bị không dây và người mang theo thẻ được cấp nói trên có thể thanh toán ngay trên thẻ thay vì dùng tiền mặt.
Một công chức chính phủ 26 tuổi - anh Jose Coronel không khỏi bức xúc trước những bất tiện của loại hình thanh toán mới này: “Thực sự trông nó rất vô tổ chức, vì nhà nước chưa hoàn thành cái gì cả. Điều này cũng không thể giúp ngăn chặn nạn buôn lậu”.
Hệ thống thanh toán sẽ giúp các tài xế nhận được trợ cấp chính phủ trong việc mua xăng dầu, thông qua thẻ Tổ quốc mỗi khi họ thực hiện thanh toán trong nội địa. Tổng thống Maduro nói rằng biện pháp này sẽ giúp giảm thiểu tác động của lạm phát.
Thế nhưng biện pháp này đang bị cả các chuyên gia cũng như người dân Venezuela chỉ trích gay gắt. Trong mắt họ, cung cấp thẻ Tổ quốc là một cách để chính phủ kiểm soát người dân, bằng việc giữ lại những dịch vụ cơ bản trong tay đảng cầm quyền. Ngoài ra, nhiều máy móc tại các trạm xăng cũng chưa được thay mới, gây khó khăn cho việc thanh toán.
Các chuyên gia ước tính Venezuela đã mất đến 5 tỉ USD do việc bán dầu với giá cả thấp hơn giá quốc tế trong suốt nhiều năm qua. Theo IMF dự đoán, lạm phát ở Venezuela có thể lên đến 1.000.000 % vào cuối năm nay, khiến hơn 90% người Venezuela không thể tiếp cận được các dịch vụ cơ bản như thực phẩm, thuốc men. Chỉ có giá xăng sẽ không tăng, mà sẽ được điều chỉnh theo tỉ giá nhà nước đưa ra.
Đảng đối lập và nhiều người dân đã tỏ ra hết sức bất bình trước các chính sách yếu kém của chính phủ. Họ mong muốn có một sự thay đổi toàn diện trong bộ máy, đặc biệt là yêu cầu chính tổng thống Maduro phải từ chức. Thế nhưng, ông vẫn cho đây là hậu quả từ “cuộc chiến thương mại” của Washington và từ chối mọi đề nghị trợ giúp từ các tổ chức nhân đạo quốc tế.
Ông Unay Bayona, một tiểu thương nhỏ ở đây cho biết, giá xăng tại đây sẽ còn tăng lên hơn nữa, thậm chí là gấp đôi giá ở nước láng giềng Colombia. Ông nói: “Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục buôn lậu bởi đó là cách duy nhất để kiếm sống".
Thịt ôi thiu, buôn lậu xăng hay là bỏ trốn sang nước ngoài chính là số phận của nhiều người dân Venezuela. Chỉ vài năm trước đó, họ vẫn còn được sống trong ngôi nhà êm ấm của mình, không lo lắng hay phiền muộn gì ở đất nước xinh đẹp nằm ngoài khơi Thái Bình Dương.
- 0
- 0Bình luận