Vani: Hương liệu ngọt ngào nhưng đem tới Madagascar cả tiền bạc lẫn tội phạm
Hàng đêm, ánh trăng rọi xuống soi sáng mọi con đường. Thế nhưng vẫn khó để nhìn thấy sợi dây màu xanh ẩn bên dưới những bụi cây. Đó chính là những chiếc dây để bẫy trộm.
Đêm nào cũng vậy, người nông dân trồng vani tên Ninot Oclin, lại đi tuần tra vùng đất của mình ở chân đồi núi lửa ở Madagascar. Anh luôn đi chân trần và mang theo một khẩu súng trường trên vai. Nếu nghe ai đó ngã, anh biết ngay là có một tên trộm đang nhòm ngó cây vani nhà mình.
Với khí hậu và đất tốt, vùng Sava của Madagascar hiện là nơi cung cấp khoảng 80% sản lượng vani - một trong những hương liệu đắt đỏ nhất - cho khắp thế giới. Nhu cầu ngày càng tăng của phương Tây với loại hương liệu này cũng khiến cho giá của nó tăng vọt. Năm ngoái, một cân vani có giá 600 USD (khoảng 14 triệu VNĐ), đắt hơn cả bạc.
Nhờ có vani, cuộc sống của người dân nơi đây đang dần thay đổi. Biệt thự mọc lên như nấm, thay thế cho các túp lều cỏ truyền thống. Ngay cả những ngôi nhà gọi là tồi tàn nhất cũng được lắp đặt pin mặt trời và treo đèn LED. Trên khắp đường phố, những chiếc xe SUV đắt đỏ nối đuôi nhau.
Tuy nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó. Do giá thành cao của vani, phân cách giàu nghèo cùng với an ninh bất ổn đã khiến các vùng đất trồng loại hương liệu này trở thành mục tiêu của bọn tội phạm. Đối với những người dân trồng vani, họ không chỉ phải đối mặt với khó khăn mà còn có nguy cơ bị bọn trộm giết chết.
Người trồng vani: Công việc nhọc nhằn và lắm hiểm nguy
Đa phần vani được lưu hành trên thị trường hiện nay vẫn đến từ các trang trại nhỏ, giống như trang trại của anh Oclin. Tại đây, hầu hết công việc đều được làm thủ công và rất vất vả. Trung bình nông dân trồng vani mất tới 3 đến 4 năm để thu hoạch quả. Hoa vani mỗi năm chỉ nở một lần trong đúng 24 giờ và phải được thụ phấn hoàn toàn bằng một cây kim có kích thước nhỏ như cái tăm. Mỗi mùa có đến 40 triệu cây được thụ phấn theo cách này.
Sau khi thụ phấn, hoa sẽ cho ra quả trong vòng hai tháng và thứ hương liệu quý giá được ẩn giấu trong hàng ngàn hạt đen nhỏ. Do các hạt này sẽ hỏng rất nhanh khi được hái xuống, người trồng phải nhanh chóng tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Nhưng những công việc nặng nhọc này không thể làm khó anh Oclin. Đối với anh, vấn đề quan trọng nhất là an ninh do ở đây có rất nhiều kẻ sẵn sàng tấn công và giết những người nông dân để cướp vani. Chính vì vậy, anh đã thuê khoảng 3 người đàn ông để bảo vệ 3000 cây vani trong vòng bốn tháng trước khi thu hoạch. Họ đều được trang bị vũ trang và súng trường đầy đủ. Anh cho biết: “Tôi sẽ bảo vệ mỗi mét vuông vani bằng mọi giá.”
Từ lâu, người dân ở đây đã không còn đặt niềm tin vào hệ thống tư pháp tham nhũng cũng như là những tên cảnh sát nhũng nhiễu, quan liêu. Mỗi khi bắt được một kẻ bị nghi là trộm vani, họ thường đánh đập kẻ đó rất dã man mà không qua xét xử. Vào tháng Tư, một vụ án tương tự đã xảy ra và khiến cho một kẻ tình nghi thiệt mạng. Đáng nói, đây chỉ là một trong hàng tá vụ giết người vì vani suốt thời gian qua.
Các vụ bắt giam kẻ trộm vani cũng không phải là ít. Theo ông Volozara Sakina Mohamady, giám đốc nhà tù ở Antalaha, đầu năm nay tại một trong những cảng chính của vùng Sava đã có tới 33 người bị bắt giam do ăn trộm vani.
Tuy công việc ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng thành quả nhận được vô cùng xứng đáng. Sau khi bán, anh Oclin đã có đủ tiền để mua một chiếc điện thoại thông minh và sắm cho nhà mình một cái TV và chảo vệ tinh mới
Người trung gian: "Nhờ vani, cuộc sống thật ngọt ngào"
Dưới bóng râm của một cây xoài ở Sambava, người trung gian Pascale Rasafindakoto 44 tuổi, đang chờ hàng chục nông dân đem vani đến. Sau đó họ sẽ tiến hành thương lượng giá cả dựa trên hương thơm, kết cấu, và kích thước đậu vani.
Đôi khi, anh Rasafindakoto sẽ mạo hiểm vào vùng nông thôn trong một chiếc xe cà tàng để tìm người bán. Anh phải đi qua một cái bốt do cảnh sát dựng lên và trả cho họ ít tiền để được đi qua. Người đàn ông này cho biết: “Tôi làm việc với họ. Tôi phải cho họ thứ gì đó để họ là bạn của tôi. ”
Những câu chuyện về người trung gian cố gắng hạ giá thành vani bằng mọi cách khá phổ biến ở đây. Họ thường bị cáo buộc là trộn hạt vani xấu và tốt với nhau để giảm chất lượng. Nhưng anh không quan tâm đến điều đó. Nhờ vani , gia đình anh đã có một ngôi nhà mới với TV màn hình phẳng và thường xuyên đi đến bãi biển để nướng thịt với bạn bè.
Ông cho biết: “Nhờ vani, cuộc sống thật ngọt ngào. Nó giúp chúng tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn.”
Nhà xuất khẩu: “Giống như bán cocaine ở châu Mỹ Latinh vậy”
Michel Lomone là quản lý kho hàng ở Antalaha. Việc của ông là giám sát một nhóm nhân công nữ phân loại và đóng gói hàng tấn vani khô vào hộp để xuất khẩu cho các công ty hương liệu đa quốc gia.
Dù được cho là giàu có theo tiêu chuẩn địa phương, ông Lomone cũng có chung mối lo sợ với Oclin: trộm cắp. Ông nói: “Hàng hóa và người dân ở đây không được bảo vệ. Hệ thống công lý đã mục rữa. Có vô số kẻ có tội được xử trắng án. Cứ như là bán cocaine ở Mỹ Latinh vậy. Cảnh sát chỉ bắt được mấy tên tép riu chứ không phải kẻ trùm sỏ.”
Trong nhiều năm qua, đã có hàng trăm cân vani bị đánh cắp từ kho của ông Lomone. Dù cố gắng đến đâu nhưng ông vẫn thất bại trong việc bảo vệ chúng. Ông cho biết: “Chúng dễ bị mất do hạt vani rất nhỏ và dễ giấu. Nó quý giá như kim cương ở Nam Phi vậy."
Bảo vệ vani đã khó, sản xuất vani thành phẩm cũng khó không kém. Theo ông Lomone, để sản xuất loại vani bourbon chất lượng cao, phải mất đến hàng tháng trời và cần đến sự kiên nhẫn.
Năm nay, do nguồn cung ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu nên giá có thể giảm xuống. Nhưng ông lo ngại về tác động của nó tới văn hóa bản địa nhiều hơn. Ông chia sẻ: "Bây giờ ở Madagascar, họ không đói về cái ăn mà đói về văn hóa. Việc cạnh tranh xem ai kiếm được nhiều tiền hơn không mang lại tác động tích cực. Chúng ta không thể tiếp tục như thế này được. ”
- 0
- 0Bình luận