Lý do nào đằng sau sự biến mất của hải âu cổ rụt - một trong những loài chim độc đáo nhất thế giới?
Số lượng chim hải âu cổ rụt đã có sự suy giảm đáng kể ở Iceland và nhiều khu vực sinh sống khác của loài chim này ở Đại Tây Dương từ những năm 2000. Những mối đe dọa với sự phát triển của loài chim này có thể đến từ chế độ ăn thay đổi hay là nạn săn bắn quá mức. Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu là một yếu tố quan trọng khác làm giảm nguồn cung thực phẩm cho loài chim này và qua thời gian, tình hình sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Mặc dù ở nhiều khu vực, các quần thể chim hải âu cổ rụt Đại Tây Dương vẫn không ngừng sinh sôi nảy nở, nhưng số lượng chim thực chất đã giảm từ khoảng 7 triệu con xuống còn khoảng 5,4 triệu. Từ năm 2015, loài chim này đã được Liên đoàn Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế liệt vào danh sách "dễ bị tổn thương", có nghĩa là chúng đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao trong tự nhiên.
Người Iceland coi loài chim dễ thương này như là một phần lịch sử, văn hóa, du lịch và với một số người, chúng thậm chí là nguyên liệu chính cho các món ăn. "Hải âu cổ rụt là loài chim phổ biến nhất ở Iceland, nhưng cũng là loài bị săn bắt nhiều nhất ở đây" theo lời của ông Erpur Snaer Hansen, giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Thiên nhiên Nam Iceland.
Vào mỗi mùa hè trên đảo Grimsey, các thợ săn lại “càn quét” những khu vực mà chim hải âu cổ rụt đang sinh sống và để lại trên đảo hàng đống xác và lông chim lẫn lộn. Bất chấp những nỗ lực trong việc cứu loài chim biểu tượng này của chính phủ Iceland, nhưng việc săn bắt quá mức “đẩy nhanh sự suy giảm giống loài”, cũng theo tiến sĩ Hansen.
Từ năm 2010, ông và cộng sự của mình đã tiến hành điều tra số lượng của loài chim này cứ hai lần một năm. Trong quá trình làm việc, ông đã đi hơn 3.100 dặm xung quanh Iceland, tham quan 700 hang chim các loại ở 12 vùng quần thể, đồng thời đếm trứng và các con non trong hang.
Trong lần dừng chân gần nhất tại Đảo Lundey, Iceland, Tiến sĩ Hansen đã gặp những thợ săn hải âu cổ rụt chuyên nghiệp. Chính những người này đã giết hàng trăm con chim và mang về thuyền để bán cho các nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch tò mò.
Tiến sĩ Hansen luôn duy trì mối quan hệ thân thiết với cánh thợ săn và sử dụng kho dữ liệu 138 tuổi của câu lạc bộ thợ săn để sử dụng trong nghiên cứu của mình. Ông cũng thuyết phục những người này cho phép trợ lí của ông chụp ảnh đầu của những chú chim hải âu săn được, bởi phần dây chằng trên mỏ của chúng sẽ cho biết tuổi thọ thực sự của con chim.
Tại Grimsey, một hòn đảo phía bắc nằm trên vòng Bắc Cực, mòng biển và nhạn biển Bắc Cực lượn ở khắp nơi trong bầu trời nhiều mây với sức gió đo được ở mức 40 dặm một giờ, tiến sĩ Fayet và đồng sự vẫn đang làm việc của mình.
Hai nhà khoa học này đã bắt, kiểm tra và thả được một tá chim chỉ trong hai ngày làm việc trên hòn đảo này. Với mỗi chú chim bắt được, họ sẽ gắn vào lưng của chú, vùng giữa hai cánh một máy theo dõi GPS bằng một dải băng dính nhỏ. Bên cạnh đó, một băng dán định vị cũng được gắn vào chân của những chú chim.
Điều này sẽ giúp họ theo được hành trình di chuyển cũng như là từng biến động nhỏ nhất với đàn. Các thông tin quan trọng như quãng bay của chim khi đi săn mồi hay độ sâu mỗi lần chim lặn cũng được hiển thị qua các thiết bị theo dõi nói trên.
Ở khắp đảo Iceland, mối đe dọa với chim hải âu cổ rụt không chỉ đến từ con người, mà còn từ các nhân tố ngoài thiên nhiên. Hiện nay, lượng thức ăn của loài chim này đang suy giảm rõ rệt, mà theo tiến sĩ Hansen, hiện tượng này có mối quan hệ mật thiết với biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ của nhiều vùng nước của Iceland chủ yếu chịu tác động của dòng Đối lưu Đại Tây Dương, mà trong một số giai đoạn, nước trong khu vực sẽ lạnh hơn. Nhưng theo tiến sĩ Hansen nhiệt độ ở nhiều vùng nước vào mùa đông đã ấm hơn 1 độ C so với giai đoạn 1965-1995. Cho dù sự thay đổi này là không đáng kể, nhưng nó lại khiến cho môi trường sống của cá trình cát, thức ăn chính của hải âu cổ rụt bị tác động nặng nề.
Do không còn nhiều cá trong nước, các chú chim hải âu phải bay đi xa hơn để tìm thức ăn. Việc kiếm mồi lúc này khiến chúng tiêu tốn nhiều năng lượng hơn đồng thời đẩy những chú chim non trong đàn vào nguy hiểm khi chim bố mẹ đi xa. Một tín hiệu đáng lo ngại khác, cân nặng của chim non đang giảm 40% so với trước làm nhiều nhà khoa học lo ngại về chất lượng giống loài.
Khi những con chim trưởng thành không kiếm đủ mồi cho đàn của mình, các chim non sẽ bị chết đói. Với tiến sĩ Fayet, đồng nghiệp của tiến sĩ Hansen, nó thực sự là một điều rất đau lòng: "Khi anh cho tay vào hang và chạm tay vào những quả trứng chim, nó khiến anh cảm thấy rất phấn khích. Nhưng ngay vào lúc anh biết nó không nở ra nữa, trái tim anh như vỡ vụn vậy."
Hiện nay ở Đại Tây Dương, vẫn còn rất nhiều đàn chim hải âu cổ rụt nhưng dưới con mắt của nhiều nhà khoa học, nó thực chất là một sự lạc quan ảo. Tiến sĩ Hansen chia sẻ: "Chỉ vì những con chim này sống lâu hơn độ tuổi trung bình, không có nghĩa là không có gì phải lo cho chúng.” Về lâu dài, ông cũng đưa ra cảnh báo, "Đó là sự phát triển không bền vững, và anh không thể không có những biện pháp ngăn chặn tình trạng xấu nhất với đàn được."
- 0
- 0Bình luận