\'Nàng Thơ Xứ Huế\' nhưng lại khoác lên mình toàn trang phục ăn theo \'Diên Hi Công Lược\', \'Như Ý Truyện\'?
Ngày 14 tháng 9 vừa qua, trên trang mạng xã hội Facebook "xôn xao" tranh luận về một bộ ảnh gợi cảm hứng từ "Cung đình Huế xưa" của trang mạng "Nàng thơ xứ Huế". Giới thiệu từ phía ekip sản xuất như sau:
Nàng thơ xứ Huế Ngọc Trân luôn theo đuổi đam mê quảng bá văn hóa Việt mà đặc biệt là văn hóa Cố đô Huế. Sau dự án quảng bá văn hóa ẩm thực dân gian xứ Huế hợp tác Việt – Hàn qua chương trình Nàng thơ xứ Huế, Ngọc Trân tiếp tục cho ra mắt thương hiệu áo dài "Nàng thơ" ngay tại Sài Gòn với mong muốn quảng bá áo dài, quốc phục Việt Nam với bạn bè quốc tế. Để đánh dấu sự ra mắt thương hiệu áo dài của mình, cô nàng cùng ekip đã dày công nghiên cứu và cho ra đời bộ sưu tập áo dài gợi cảm hứng một thời vàng son của Cung đình Huế xưa.
Thoạt đầu, cái tên "Áo dài cung đình Huế xưa" thật là yêu kiều làm sao! Bao nhiêu người mừng thầm trong lòng vì quốc phục của Việt Nam ngày càng phát triển và được truyền bá rộng rãi; đặc biệt hơn, đằng sau bộ ảnh này là cả một ekip "hùng hậu" từng làm việc với siêu mẫu Xuân Lan và tham dự Seoul Fashion Week, Hàn Quốc. Nhưng sự thật thật bẽ bàng, khi "áo dài cung đình Huế" chẳng còn đúng như tên gọi của nó nữa...
Một bộ ảnh chủ đề cung đình Huế xưa nhưng "bên trong" lại pha tạp thời nhà Thanh, Trung Quốc và triều đại Chosun, Hàn Quốc. Dân mạng đã nhanh chóng làm những hình ảnh so sánh:
Một ekip hùng hậu, chuyên nghiệp nhưng nhập nhèm về nguồn cảm hứng của bộ sưu tập; hôm nay là cung đình Huế nhưng ngày sau lại tự nhận là lấy cảm hứng từ các phim Diên Hi Công Lược và Như Ý Truyện.
Vậy cuối cùng bộ ảnh này mang tên "Nàng thơ xứ Huế trong tạo hình cổ trang như cung đấu" hay ngắn gọn, súc tích hơn là "Áo dài cung đình"? Nếu là "Áo dài cung đình" thì nó là cung đình Huế, cung đình nhà Thanh hay Chosun?
Mở đầu, phần dẫn đã ghi rất rõ ràng rằng: "Nàng thơ xứ Huế Ngọc Trân luôn theo đuổi đam mê quảng bá văn hóa Việt mà đặc biệt là văn hóa Cố đô Huế.... cô nàng cùng ekip đã dày công nghiên cứu và cho ra đời bộ sưu tập áo dài gợi cảm hứng một thời vàng son của Cung đình Huế xưa". Đến đây, không ai có thể bắt bẻ được một câu chữ nào nhưng khi nhìn vào bộ ảnh thì ai nấy đều thất vọng và phẫn nộ.
Trở lại câu dẫn trên, cụm từ "dày công nghiên cứu" và câu "bộ sưu tập áo dài gợi cảm hứng một thời vàng son của Cung đình Huế xưa" không quá ngượng ngùng khi viết ra sao? Nếu đã cùng ekip dày công nghiên cứu thì tại sao lại có chuyện "vỏ cung đình Huế nhưng ruột là cổ trang *Đông Á" nói chung?
*Đông Á gồm những quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Macau, Mông Cổ, CHDCND Triều Tiên và Đài Loan.
Chỉ đơn thuần "mượn" ý tưởng tạo hình hay là nhập nhèm qua mắt người xem?
Nhiều người đã nhấn yêu thích fanpage Nàng Thơ Xứ Huế với hy vọng được chiêm ngưỡng nét đẹp nền nã cổ kính xưa kia của người con gái Huế, của chốn cung đình uy nghiêm một thuở vàng son... Thế nên, ai nấy đều rất thất vọng khi trang fanpage với cái tên tốt đẹp này lại bị biến tướng thành nơi "lai căng văn hoá", thậm chí PR cho một shop bán đồ.
Đáng buồn hơn nữa là sau khi bị phản ứng dữ dội từ phía người xem, cho rằng trang phục không có chút nào Việt Nam xưa thì trang fanpage này chuyển sang chống chế là lấy cảm hứng từ phim cung đấu, đồng thời vẫn thoải mái chia sẻ các link báo về bộ ảnh trên.
Theo Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi - 天南歷代后妃 nêu ý kiến chuyên môn:
"Có chăng cũng chỉ là chiếc áo ngũ thân nhưng cũng dễ bị lầm lẫn sang kì bào của nhà Thanh. Các trang phục còn lại, đều có ảnh hưởng rất rõ từ hai bộ phim cung đấu Thanh triều đình đám nhất hiện nay là: "Như Ý Truyện" và "Diên Hi Công Lược"".
"Ảnh hưởng từ các dạng thức trang phục kì bào, cát phục cũng như các loại phục sức như điền tử, vân kiên của nhà Thanh là điều rất rõ ràng, ai cũng có thể nhìn thấy bằng mắt thường chứ chưa cần đến phân tích của người có chuyên môn".
Thậm chí, cả mũ Cửu phượng (của Thái hoàng Thái hậu, Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu), mũ Thất phượng, mũ Ngũ phượng cũng không hề giống với triều đại Nguyễn ngày xưa (một triều đại gắn liền với cố đô Huế) hoặc bất kì triều đại nào khác.
Một phen chơi liều lĩnh hay chiêu trò PR "rẻ tiền"?
Sau khi đăng bộ ảnh "vỏ cung đình Huế, ruột tả pí lù" vào ngày hôm trước, ngay hôm sau trang Nàng thơ xứ Huế lập tức quảng cáo showroom thiết kế và bán chính các trang phục trong bộ ảnh lên trang chính. Người xem chưa hết sốc vì sự nhập nhèm cố tình "đánh lận con đen" của ekip, lại càng chán nản hơn trước lối cư xử có phần ngược ngạo của fanpage. Không một lời xin lỗi, không một hành động hối cải, thậm chí còn công khai share đi share lại bộ ảnh gây tranh cãi dù vẫn mượn danh "quảng bá văn hoá Việt". Chẳng lẽ cách cư xử của một "Nàng Thơ Xứ Huế" lại trơ trẽn như vậy?
Một "Nàng thơ xứ Huế" từng làm chúng ta tự hào nay đâu rồi?
Một Madam Nhu lộng lẫy giữa trời tuyết Seoul nay đâu rồi? Một thiếu nữ bên chiếc nón lá thuần khiết nước Nam nay đâu rồi? Một "nàng thơ xứ Huế" kiều diễm nay đâu rồi?
Đành rằng ngay từ đầu ekip thẳng thắn thừa nhận họ làm bộ ảnh "ăn theo" trang phục cung đình Trung Hoa, Hàn Quốc thì sẽ khiến người xem hiểu rằng đây chỉ là hình thức "giao lưu văn hoá", còn hơn là rêu rao mục đích tốt đẹp "giới thiệu cổ trang Việt Nam tới bạn bè quốc tế", mà cuối cùng chỉ là ăn theo mấy bộ phim nước ngoài đang hot hiện nay. Không những thế, cách giải quyết sau khi bị người xem thắc mắc, khiển trách của ekip càng gây thất vọng hơn cả. Đáng buồn thay cho cái tên rất mộng mơ và đáng tôn trọng: Nàng Thơ Xứ Huế.
- 0
- 0Bình luận