Hươu cao cổ có thể tuyệt chủng vì bị con người biến thành thảm, chăn, gối
Hươu cao cổ là một trong những loài động vật được yêu thích nhất thế giới. Chúng hiền lành, có thân hình cao lớn và không thích gây chuyện với ai. Chính tính cách ôn hoà này khiến hươu cao cổ xuất hiện trong rất nhiều quyển sách thiếu nhi.
Tuy nhiên, con người luôn ức hiếp động vật dù chúng hung tợn nhất rừng xanh hay chỉ là loài yếu mềm, hiền lành. Hươu cao cổ ngoài tự nhiên cũng đang bị đẩy đến bờ tuyệt chủng vì sự săn bắn và giết hại của con người.
Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ (HSUS) và Tổ chức Xã hội Nhân đạo (HSI) gần đây đã bắt đầu điều tra 21 cửa hàng ở California, Florida, Maryland, Bắc Carolina, New York, Oklahoma, Tennessee và Texas, cũng như hội chợ Dallas Safari Club, những nơi có buôn bán da hươu cao cổ để làm thảm, mền và trang sức khác nhau.
Thật không may, hươu cao cổ không được bảo vệ theo Công ước buôn bán quốc tế về các loài động vật và thực vật hoang dã. Vì vậy, các bộ phận của hươu cao cổ có thể được nhập khẩu hợp pháp vào Mỹ và bán cho bất cứ ai muốn mua.
Mặt khác, ngà voi phải tuân thủ các quy định chặt chẽ khi đến Mỹ, trong hầu hết trường hợp, ngà voi không được nhập khẩu và giao dịch ở Mỹ, chỉ có một số trường hợp là ngoại lệ.
Adam Peyman, giám đốc HSI cho rằng kể từ khi hươu cao cổ không còn những quy định bảo vệ chặt chẽ, các sản phẩm từ bộ phận cơ thể của chúng ngày càng trở nên hấp dẫn người tiêu dùng hơn.
Ông chia sẻ với The Dodo:
"Một trong những người bán các mặt hàng về hươu cao cổ đã từng đề cập rằng đây là "sản phẩm kỳ lạ và mới mẻ", và quả thực nó đã trở nên phổ biến vì hoàn toàn không được kiểm soát."
Hầu hết hươu cao cổ còn là nạn nhân của ngành công nghiệp săn tìm chiến lợi phẩm ở Nam Phi và Zimbabwe. Khi thợ săn giết chết một con hươu cao cổ, họ thường chỉ giữ lại đầu, cổ và đuôi của chúng. Còn phần còn lại của cơ thể đều bị bỏ phế ở đó.
Chính vì vậy, những phần sót lại này sẽ được tận dụng cho các ngành công nghiệp khác như thịt, da, lông. Da của hươu cao cổ còn được sản xuất thành chăn, vỏ gối hay thảm lót sàn.
Đó không phải là tất cả, các bộ phận khác của chúng còn được may thành áo khoác, chế tác thành vòng tay, đầu và hộp sọ thì hiển nhiên trở thành vật dụng trang trí.
"Đây là một ví dụ mà tôi nghĩ rằng bất cứ ai nghe qua cũng sẽ rất sốc và dẹp ngay mong muốn thương mại hóa hươu cao cổ. Khi các điều tra viên của chúng tôi tìm thấy một chiếc gối làm từ hươu cao cổ, trên đó vẫn còn nguyên khuôn mặt, đôi mắt và hàng lông mi của con vật chết oan ức và tức tưởi. Điều đó thật kinh khủng!!", Peyman nghẹn ngào kể lại.
"Một người khác lại đang buôn bán một con hươu cao cổ con." Peyman nói thêm. "Toàn bộ cơ thể của nó được bảo quản cẩn thận như một chiến lợi phẩm vô giá, điều đó cũng thật đáng sợ. Tôi cứ nghĩ đến việc ai đó chưa kịp trưởng thành đã phải mất mạng và trở thành vật trang trí trong nhà. Mọi người vui với những món hàng, khoác lên mình những tấm da đẹp đẽ, nhưng đã bao giờ thật sự cảm nhận đến sự đau đớn của chúng?"
Trong 30 năm qua, số cá thể hươu cao cổ đã giảm mạnh đến 60%, từ khoảng 163.000 cá thể (năm 1985), giờ đây chỉ còn 97.000 con (năm 2017). Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) hiện đang theo dõi các quần thể hươu cao cổ và chính thức liệt loài này vào danh mục "dễ bị tổn thương" và có nguy cơ tuyệt chủng.
"Trung bình, mỗi ngày người Mỹ đều nhập khẩu một con hươu cao cổ", Peyman cho biết. "Điều này làm tăng mối lo ngại rằng chúng ta không kịp cứu giúp loài động vật hiền lành này khi con số cá thể vẫn đang giảm mạnh liên tục."
Với thống kê cho thấy Hoa Kỳ đang là thị trường giao dịch hươu cao cổ lớn nhất thế giới, Peyman tin rằng nước này cần thắt chặt các quy tắc và quy định về nhập khẩu và buôn bán các bộ phận của loài hươu cao cổ và cho chúng một chút hy vọng được tiếp tục tồn tại trong tự nhiên.
"Chúng ta cần phải bảo tồn loài hươu cao cổ. Mọi đứa trẻ đều từng thấy hình ảnh của chúng, nhưng chẳng mấy ai biết những con vật này đang phải chịu đựng cái gọi là "tuyệt chủng trong im lặng" trong vài thập kỷ qua", Peyman nhấn mạnh một lần nữa.
"Hươu cao cổ đang biến mất, chúng xứng đáng nhận được sự chú ý của cộng đồng bảo tồn và chính phủ."
Không chỉ có hươu cao cổ, còn rất nhiều loài động vật xinh đẹp, hiền lành bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng chỉ vì chúng có bộ lông đẹp, một hay hai chiếc sừng nhọn hay đơn giản là chúng không chạy nhanh bằng con người.
Điều này có công bằng không?
- 0
- 0Bình luận